Sau khi nhận được cuốn "Ngục trung nhật ký" của dịch giả Hoàng Bá Vy, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 2020, nghệ nhân dân gian thư pháp Phan Thanh Sơn say mê đọc, nghiên cứu. Ông nhận ra cuốn sách có sự kế thừa các bản dịch trước đây của nhiều nhà thơ, dịch giả, đồng thời có nhiều bài được dịch sát nghĩa với nguyên tác hơn các bản dịch trước đó. Độc đáo của cuốn sách mới này là dịch giả Hoàng Bá Vy đã dịch thơ chữ Hán của Bác Hồ sang thể thơ lục bát truyền thống dân tộc. Chính thể thơ này tạo thêm cảm xúc, cuốn hút nhà thư pháp Phan Thanh Sơn, khiến ông nảy sinh ý tưởng viết thư pháp Việt cho tập thơ của Bác.
|
|
Trang sách viết lời Bác dạy. |
Với lòng tôn kính, biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh-Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, nghệ nhân dân gian thư pháp, cựu chiến binh Phan Thanh Sơn đã quyết tâm thực hiện ý tưởng viết thư pháp tập thơ "Nhật ký trong tù" của Bác. Ông chia sẻ: “Đây là công trình văn hóa độc đáo chép 133 bài thơ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết trong nhà tù năm xưa. Tôi coi đây là món quà quý kính dâng nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Người và kỷ niệm 80 năm ngày Người hoàn thành tập thơ nhật ký. Từ đó tôi đã dồn hết tâm sức, tình cảm, sự đam mê để viết với trách nhiệm cao nhất và nghiêm túc nhất”.
Việc trước tiên là ông tìm kiếm chất liệu để làm sách. Sau nhiều thể nghiệm, tìm tòi, làm đi làm lại bằng các loại giấy cao cấp, cuối cùng ông chọn vải toan (Hàn Quốc) làm trang sách để viết. Loại vải này các họa sĩ thường dùng để vẽ tranh sơn dầu, khổ 1,6m, dài 25m. Nét mới, đặc sắc nhất của cuốn sách là độc bản-không qua in ấn mà viết thư pháp trực tiếp bằng bút lông trên vải toan, ép nóng hai mặt vải vào nhau, kích thước mỗi trang sách là 81cmx115cm. Xung quanh mỗi trang sử dụng máy chuyên dùng để may đường bo bằng lụa, vừa tạo thẩm mỹ lại bền hơn.
Một mặt của trang là viết thư pháp các bài thơ của Bác bằng chữ Hán Nôm (ở trên) và bằng chữ thuần Việt (phía dưới). Mặt sau của trang thơ nhật ký là 133 lời dạy của Bác với Đảng ta và với các tầng lớp nhân dân về đạo đức cách mạng, lòng yêu nước, lẽ sống và quan hệ quốc tế... Dưới mỗi lời dạy của Bác đều được ghi rõ xuất xứ-Bác viết và nói ở đâu, thời gian nào. Những trang này viết trên nền vải toan, có in kỹ thuật 3D hình bông sen và chân dung của Người. Từng trang tạo nên cuốn sách được đặt trong hộp gỗ quý, mở dễ dàng, gồm 280 trang. Hộp sách dài 131cm, rộng 99cm, cao 41cm, nặng khoảng 260kg.
Một người đồng nghiệp cao niên của nghệ nhân Phan Thanh Sơn tâm sự: “Thấy anh ấy làm quần quật suốt ngày, vất vả quá, tôi và một số học trò có ý viết hỗ trợ một số trang nhưng anh Sơn không chịu. Anh ấy bảo: "Đây là tác phẩm thiêng liêng chép lại thơ của Bác do tôi kính tặng thì phải là tâm sức của tôi, tấm lòng của tôi, nét bút của riêng tôi. Các bạn có thể giúp tôi những công việc vòng ngoài...”.
|
|
Nghệ nhân Phan Thanh Sơn và sản phẩm viết thư pháp tập thơ "Nhật ký trong tù" của Bác Hồ.
|
Như vậy là tác giả Phan Thanh Sơn đã hoàn thành công trình vào những ngày cuối tháng Tám lịch sử này. Cựu chiến binh Trần Thị Hiệu, là vợ nhà thư pháp Phan Thanh Sơn chia sẻ: “Nhà tôi làm suốt ngày, nhiều hôm làm quên ăn, anh ạ. Đêm cũng thức để viết, miệt mài, say mê, nắn nót từng nét chữ, nâng niu từng trang thơ của Bác Hồ. Nhìn anh ấy làm việc, rất thương nhưng mẹ con tôi chẳng giúp được gì. Tính ra nhà tôi đã dành thời gian liên tục hoàn thành cuốn sách sau hơn một năm, tương đương với quãng thời gian mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết xong tập thơ này”.
Sinh ra trong gia đình cách mạng, có truyền thống Nho học ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, nghệ nhân dân gian Phan Thanh Sơn sớm tìm hiểu chữ Nho và yêu nét chữ Việt. Ông sớm nắn nót tập viết chữ Việt và từng bước thổi hồn vào mỗi nét chữ ấy thêm bay bổng, uyển chuyển hơn. Ông từng nhiều năm là giảng viên trong một nhà trường Quân đội, sau khi về hưu, ông làm nhiều nghề để ổn định cuộc sống gia đình nhưng không quên luyện chữ.
Trong những dịp lễ, tết, ông thường dành nhiều thời gian đến với công chúng và các phật tử ở các chùa để viết thư pháp tặng chữ cho mọi người. Có những ngôi chùa mời ông đến, ông ngồi liên tục vài ngày tại chùa để tặng chữ. Những đóng góp của ông với các chùa rất đáng kể, nhiều chùa đã tặng ông bằng ghi công đức. Khác với nhiều nhà thư pháp, ông tặng chữ chứ không bán chữ nên được nhiều người quý trọng. Có lần ông tâm sự: “Có những người xin chữ Tâm, chữ Phúc, chữ Đức, chữ Thiện... mà mình không có hứng viết, vì nhìn thái độ, cách giao tiếp thấy ngay họ không xứng nhận những chữ ấy. Vì họ không nghĩ là mình tặng, chỉ nghĩ mua chữ thôi. Nhưng rồi cũng tự nhủ lòng, họ nhận chữ này để về tu nhân, tích đức, sống đẹp hơn...".
Sau hàng chục năm đam mê với nghề múa bút, tặng chữ khắp nơi, ông muốn xây dựng một đội ngũ viết thư pháp và đào tạo, định hướng kỹ thuật, thẩm mỹ cho thư pháp Việt. Ấp ủ ý định thành lập câu lạc bộ (CLB) thư pháp, ông được Trung tâm Văn hóa - Thể Thao quận Gò Vấp tạo điều kiện thành lập CLB Thư pháp Đồ Túc Thiện vào ngày 16-9-2020. CLB đã sớm tạo ấn tượng tốt trong Trung tâm Văn hóa - Thể Thao quận Gò Vấp. Được anh em tín nhiệm, những năm qua, với cương vị chủ nhiệm, ông đã tập hợp và đào tạo nhiều người viết thư pháp tài hoa, tận tình “tặng chữ” cho công chúng trong các dịp lễ, tết. Hoạt động của CLB thư pháp đã tạo nên một nét đẹp văn hóa của quận.
|
|
Nghệ nhân Phan Thanh Sơn viết thư pháp. |
Công trình làm cuốn sách "Nhật ký trong tù" được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam quan tâm ngay sau khi hoàn thành. Kế hoạch tổ chức Lễ đón nhận Kỷ lục Việt Nam tại Nhà truyền thống quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh (ngày 26-8-2023) rất trang trọng và chu đáo. Đứng bên cuốn sách kỷ lục, nghệ nhân dân gian thư pháp Phan Thanh Sơn chia sẻ: Tôi rất vui khi tác phẩm của mình được công nhận Kỷ lục Việt Nam và vui hơn nữa khi món quà quý kính dâng lên anh linh Bác Hồ kính yêu, đúng dịp kỷ niệm 80 năm ngày Bác viết tập thơ này. Những ngày qua, tôi rất vui được nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều bạn bè quan tâm tìm hiểu đến tác phẩm của mình.
Cuốn sách kỷ lục này được đặt trang trọng tại Nhà truyền thống của quận sẽ giúp không gian văn hóa Hồ Chí Minh nơi đây thêm phong phú, sinh động hơn. Tuy những bài thơ trong "Nhật ký trong tù" của Bác đã đưa vào sách giao khoa, rất nhiều thế hệ học sinh đã học tập, nhưng qua sự đặc biệt của cách thể hiện cuốn sách này, tôi tin rằng mọi người dân-nhất là thế hệ trẻ sẽ đến xem và hiểu sâu hơn về tập thơ viết trong tù của Bác. Mọi người hiểu thêm sự vĩ đại, ham học hỏi của Bác Hồ. Người đã biết rất nhiều thứ tiếng và còn có tài làm thơ chữ Hán sâu sắc như vậy. Tập thơ của Bác là bài học lớn về người cách mạng, hơn 13 tháng trong tù ngục không hề nao núng tinh thần, vẫn làm thơ, yêu đời. Bác làm thơ tự nhủ mình chịu đựng gian khổ, sống vững tin vào lý tưởng cách mạng và để răn dạy mọi người sống lạc quan, thương yêu những người dân lao khổ, hãy dấn thân làm cách mạng đem lại công bằng, hạnh phúc cho nhân dân...
Bài và ảnh: ĐÀO VĂN SỬ