QĐND - “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tập thơ vừa có giá trị nghệ thuật, vừa có tính chiến đấu thể hiện ý chí kiên cường của một nhà cách mạng vĩ đại. Năm 1960, sau khi được nhóm dịch giả của Viện Văn học dịch ra chữ Quốc ngữ, tập thơ đã được in lần đầu tiên với số lượng chưa từng có là hơn 10 vạn bản mà vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Cũng chỉ một thời gian ngắn sau, “Nhật ký trong tù” đã được dịch ngược sang các ngoại ngữ khác là: Nga, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan, Nhật Bản, Hung-ga-ri, A- Rập…; được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
70 năm sau khi ra đời, giá trị nhiều mặt của tập thơ “Nhật ký trong tù” vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, nhiều bà con dân tộc thiểu số ở Việt Nam, trong đó có dân tộc Tày, Nùng chưa thông thạo chữ Quốc ngữ và gặp khó khăn để hiểu sâu sắc tác phẩm bất hủ của Bác. Nhận thấy điều bất cập này, NGƯT Hoàng An (dân tộc Tày) đã bắt tay dịch “Nhật ký trong tù” sang tiếng Tày-Nùng.
|
Tác giả Hoàng An (đứng thứ hai từ trái sang) tặng bản dịch “Nhật ký trong tù” tiếng Tày-Nùng cho đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, tại buổi tọa đàm khoa học 70 năm tác phẩm “Nhật ký trong tù” tổ chức tại Hà Nội.
|
NGƯT Hoàng An sinh năm 1936 tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Suốt gần 40 năm, ông làm giáo viên dạy Văn rồi chuyển làm quản lý giáo dục, NGƯT Hoàng An đã cống hiến hết sức lực mình cho sự nghiệp “trồng người” tại tỉnh Cao Bằng. Năm 1996, NGƯT Hoàng An nghỉ hưu theo chế độ, ông mới có thời gian hoạt động văn chương-niềm đam mê thời trẻ của ông.
Người Tày và người Nùng có chung một ngôn ngữ và trong cộng đồng tiếng Tày-Nùng, tên tuổi nhà thơ Hoàng An đã không còn xa lạ khi ông có khả năng sáng tác song ngữ tiếng Việt và tiếng Tày-Nùng. Ngoài sáng tác thơ, NGƯT Hoàng An còn dành nhiều thì giờ chuyển ngữ các tác phẩm văn học nổi tiếng của dân tộc sang tiếng Tày-Nùng là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn và gần đây nhất là “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có thể nói, nhà thơ, NGƯT Hoàng An là người hội tụ mọi điều kiện thuận lợi để hoàn thành tốt công việc chuyển ngữ tập thơ của Bác. Ngoài thông thạo tiếng Tày-Nùng và tiếng Việt, NGƯT Hoàng An biết chữ Hán do ông từng được Nhà nước cử đi học đại học tại Trung Quốc. Nhờ đọc và hiểu “Nhật ký trong tù” từ nguyên tác tiếng Hán đã giúp NGƯT Hoàng An chuyển ngữ sát hơn, chuẩn xác hơn nếu như chỉ dựa vào mỗi bản dịch “Nhật ký trong tù” chữ Quốc ngữ. Mặt khác, là một nhà thơ nên NGƯT Hoàng An có khả năng cảm thụ thơ giúp những lời thơ dịch giàu chất thơ hơn. Với cá nhân NGƯT Hoàng An, cảm hứng để dịch “Nhật ký trong tù” là do ông rất hâm mộ tác phẩm. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để ông khẳng định ngôn ngữ Tày-Nùng đủ sức chuyển tải nội dung và nghệ thuật văn học đỉnh cao của Việt Nam.
Dù “Nhật ký trong tù” chỉ có hơn 100 bài, nhưng NGƯT Hoàng An đã mất 2 năm để dịch trọn vẹn tập thơ. Lý do là ông muốn hoàn thành công việc dịch một cách chính xác nhất với sự thận trọng cao nhất. Ngoài bản gốc bút tích chữ Hán của Bác, ông còn tham khảo một số bản dịch từ tiếng Hán sang tiếng Việt hiện đang lưu hành. Ông nhận ra một số bản dịch còn có chỗ nhầm lẫn. Thí dụ trong “Vấn thoại” (bài số 10) có chữ Bác viết đọc là “gian”, có nghĩa là “trung gian”; một bản dịch nọ dịch theo nghĩa “gian dối” không hợp với ý nghĩa của bài thơ. Về chữ viết Tày-Nùng, NGƯT Hoàng An đã căn cứ Nghị định số 206/CP ngày 27-11-1961 của Chính phủ về chữ Tày-Nùng. Và ông còn dựa vào ngôn ngữ Tày-Nùng thực tế hằng ngày dùng (chủ yếu ở vùng Cao Bằng) để dịch làm sao dễ hiểu nhất với đồng bào.
“Nhật ký trong tù” bản dịch tiếng Tày-Nùng của NGƯT Hoàng An có nhan đề là “Nhật ký chang từ” đã được NXB Văn hóa dân tộc in lần đầu năm 2009 và sắp được tái bản vào cuối năm nay. Khi biết “Nhật ký trong tù” được dịch sang tiếng Tày-Nùng, nhiều bà con dân tộc và các trường học khắp tỉnh Cao Bằng đã đến xin sách. NGƯT Hoàng An cho biết, bà con rất mừng vì đã có thể đọc và hiểu sâu sắc những vần thơ của Bác bằng ngôn ngữ của dân tộc mình. Với NGƯT Hoàng An, sự ghi nhận của đồng bào dân tộc là phần thưởng lớn nhất cho những nỗ lực chuyển ngữ của ông.
Bài và ảnh: HOÀNG TRẦN