QĐND - Mỗi lần đọc lại Nhật ký trong tù, càng thấy tinh thần tự do xuyên suốt trong tập thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tinh thần tự do cao cả thể hiện trong thái độ, khí phách, cách ứng xử, lối sống... của Người. Gông cùm, song sắt không trói buộc, khóa cột lại được tự do. Đây là một tuyên ngôn về tự do được viết bằng thơ của Hồ Chí Minh: Thân thể ở trong lao / Tinh thần ở ngoài lao / Muốn nên sự nghiệp lớn / Tinh thần cần phải cao.

Trang bìa bản gốc tập thơ do Bác Hồ viết và vẽ minh họa.

 

Vượt qua được hoàn cảnh éo le để sống và tiếp tục chiến đấu, cống hiến cho sự nghiệp lớn (cách mạng) là sự lựa chọn chính đáng. Trong cảnh Tứ nguyệt phi nhân loại sinh hoạt / Sử dư tiều tụy thập niên đa (Sống chẳng ra người vừa bốn tháng / Khiến mình tiều tụy còn hơn mười năm) với những khó khăn như: Bốn tháng ăn không no / Bốn tháng ngủ không yên / Bốn tháng không thay áo / Bốn tháng không tắm rửa và vì thế nên: Răng rụng mất một chiếc / Tóc bạc thêm mấy phần / Gầy đen như quỷ đói / Ghẻ lở mọc đầy thân... Hồ Chí Minh vẫn: Kiên trì và nhẫn nại, / Không chịu lùi một phân/ Vật chất tuy đau khổ/ Không nao núng tinh thần. Lòng yêu tự do, khát vọng tự do đã giúp Bác không chùn bước trước cam go, không sa ngã trước cám dỗ, không nghiêng ngả trước thử thách để Bất động dao tinh thần luôn giữ vững khí tiết, phẩm giá của mình.

Tinh thần tự do vừa là khát vọng, vừa là nội lực trong con người Hồ Chí Minh. Đó là khí phách, tâm hồn của một người luôn làm chủ được mình trong mọi tình thế. Rất nhiều bài thơ trong Nhật ký trong tù nói lên được điều này một cách nghệ thuật. Hồ Chí Minh quên mình để được hòa đồng vào những cái rộng lớn hơn như thiên nhiên, đất nước và nhân dân. Nhân dân nên hiểu ở nghĩa rộng lớn hơn là đồng bào mình và tất cả những người lao động bị áp bức, đói khổ, đày ải trên thế gian này. Qua thơ, Hồ Chí Minh có những cảm thông, chia sẻ rất nhân ái với những người cùng khổ, những số phận hẩm hiu. Đấy là những tiếng kêu xót xa, thương cảm của một trái tim nhân hậu với những kiếp lầm than trong cõi người khốn khó, đầy rẫy bất công, áp bức. Với người làm đường, Bác viết: Dãi nắng dầm mưa chẳng nghỉ ngơi / Phu đường vất vả lắm ai ơi / Ngựa xe hành khách thường qua lại / Biết cảm ơn anh có mấy người. Thiết nghĩ, chẳng còn gì gần hơn thế, thật hơn thế sự đồng cảm của con người với nhau. Hồ Chí Minh nghe được trong tiếng khóc của em bé theo mẹ vào tù bởi bố trốn lính những nỗi oan khuất tức tưởi của nhân gian: Oa...oa...oa... / Cha trốn không đi lính nước nhà / Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi / Phải theo mẹ đến ở nhà pha. Những câu thơ xé lòng như thế dẫu viết ra từ những năm 1942-1943 của thế kỷ trước vẫn làm cho ta vô cùng xúc động. Sự tàn bạo ngự trị khắp mọi nơi, nỗi thống khổ oan khuất của dân lành đâu đâu cũng có, thi ca không thể vô tâm thảnh thơi ngâm vịnh thù tạc được. Với Bác, thơ là cuộc sống, là tấm lòng, là sự nâng dìu, an ủi những con người đau khổ. Bài thơ "Bạn tù thổi sáo" là một trong những thi phẩm hay của Hồ Chí Minh: Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu / Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu / Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi / Lên lầu ai đó ngóng trông nhau. Tiếng sáo vi vu mang giai điệu quê hương thân quen tha thiết ở trong cảnh tù tội, chia cách cũng phải chuyển điệu sầu thê lương. Ở nơi xa, người vợ hình như đã nghe được điệu sầu ấy, buồn bã bước lên thêm một bậc cao nữa để ngóng trông về người chồng yêu dấu của mình. Quả là một thi ảnh đầy ám ảnh, ấn tượng. Đọc câu thơ này, bỗng dưng tôi bồi hồi nhớ tới dáng những Hòn Vọng phu ở Việt Nam, một đất nước trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt và nhiều lắm những cách xa, ngóng trông, chờ đợi. Hồ Chí Minh, thật đúng như Feli Pita Rodriguez, nhà thơ Cu-ba ca ngợi: Bởi vì Người đã đói mọi cơn đói ngày xưa / Vì Người đã chết hai triệu lần năm đói bốn nhăm khủng khiếp / Bởi vì Người đã mặc lên mọi tấm áo xác xơ / Đã đi chân đất với mỗi đôi chân trần của người dân đất nước/ Bởi vì Người đã chứa chất nỗi tủi nhục của mọi người cùng cực / Bởi vì Người đã từng chịu đau nỗi roi vọt đánh vào dân tộc... Tôi nghĩ rằng, khi ở trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, Hồ Chí Minh khôn nguôi nhớ tới Đất nước, Nhân dân mình. Nhân vật cụ thể của những bài thơ trong Ngục trung nhật ký của Bác chủ yếu là người Trung Hoa (cô em xóm núi xay ngô tối, bạn tù thổi sáo, phu làm đường, em bé theo mẹ đến nhà pha...) nhưng trong đó có hình bóng của những người dân Việt Nam nô lệ lầm than đau khổ. Đó là hình ảnh những nông dân, công nhân, binh sĩ, phụ nữ, trẻ em Việt Nam được Hồ Chí Minh đưa vào thơ trước đó và sau này. Những con người bị áp bức bóc lột cần được giải phóng, phải được giải phóng. Họ cần tự do như cần cơm ăn nước uống; họ vì tự do của dân tộc và của mình mà đã thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, họ đã thề rằng hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi như những lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.

Khí thơ trong Nhật ký trong tù thấm sâu tinh thần tự do cao cả. Tự do chắp cánh cho thơ Hồ Chí Minh vượt thoát ra khỏi tù ngục, dây trói, xiềng xích. Ung dung, tự tại chính đó là biểu hiện của tự do. Tự do, làm cho Người bay đến với thiên nhiên, hòa vào nước non, trăng sao, cây cỏ muôn trùng. Tình yêu thiên nhiên trong thơ Bác chính là thông điệp của tự do. Trong một lần chuyển nhà tù, đêm hôm khuya khoắt, cất bước trên đường xa, gió thu từng cơn, từng cơn lạnh lẽo thổi như táp vào mặt, Hồ Chí Minh vẫn trải lòng mình với tiếng gà gáy canh một Nhất thứ kê đề dạ vị lan, vẫn ngước mắt nhìn chòm sao nâng vầng trăng lên đỉnh núi mùa thu Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san và dự cảm được bình minh (cả nghĩa đen: Ban sớm, lẫn nghĩa bóng: Sự thành công của cách mạng) đang đến rất gần: Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng / Bóng tối đêm tàn, sớm sạch không;/ Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,/ Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng. Sự rung động ấy, không nghi ngờ gì nữa, chính là sự rung động đầy nhạy cảm của thi nhân. Lẽ ra, khi bị xiềng xích trói buộc, bị giải đi hết nhà tù này đến nhà tù khác, người ta không nghĩ ngợi được gì hơn ngoài thân phận tù đày của mình. Con người bị đày ải khó thấy nỗi cơ cực nào lớn hơn nỗi cơ cực của mình đang mang vác và đâu dễ để tâm hồn dành cho thiên nhiên những cung bậc thân thiện yêu thương. Hồ Chí Minh lại khác, Người tìm thấy trong thiên nhiên tiếng hát tự do bát ngát của mình; sông núi trăng sao hoa cỏ là bạn bầu tri âm và thật diệu kỳ những trói buộc, phiền toái đã bị vô hiệu hết. Bởi thế, sợi dây gai trói tù nhân thành Rồng uốn quanh chân với tay / Trông như quan võ cuốn tua vai và ghẻ lở mọc đầy thân thì trông như hoa gấm...

Hơn bảy mươi năm rồi kể từ khi Hồ Chí Minh viết Ngục trung nhật ký trong lao tù của Tưởng Giới Thạch (từ ngày 29 tháng 8 năm 1942 đến 10 tháng 9 năm 1943). Hơn 130 bài thơ viết bằng chữ Hán của Người trong cuốn sổ nhỏ màu xanh bìa có vẽ đôi tay bị xiềng đã trở thành tác phẩm văn học nổi tiếng và hiện vật lịch sử quý giá của đất nước Việt Nam. Không ai, không gì có thể phủ nhận được giá trị tư tưởng và nghệ thuật của Nhật ký trong tù. Tác phẩm ấy cùng nhiều bài thơ khác của Người đã minh chứng Hồ Chí Minh là nhà thơ lớn của dân tộc. Tôi vẫn tin rằng, không những bây giờ mà rất lâu sau, những bài thơ trong Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị tư tưởng và nghệ thuật bởi nó mang trong đó khát vọng tự do của con người.

Nhà thơ NGUYỄN HỮU QUÝ