Xuất phát bài thơ rất đỗi bình thường: Giữa một vùng bom đạn tơi bời còn sót lại màu xanh của khóm cây xấu hổ, loài cây mà ai đi qua, nó đều cụp lá xuống như chào hỏi. Các anh chiến sĩ đều mỉm cười với “lời chào” ấy: "Bờ Đường 9 có lùm cây xấu hổ/ Chiến sĩ đi qua ai cũng mỉm cười"... Một tứ thơ giản dị, lạc quan yêu đời của những người ra trận! Ngày đó, chủ khảo cuộc thi là nhà thơ Xuân Diệu đã chấm anh giải cao, bởi: “... bài thơ này chứng minh cho điều tôi nói về cái sức “lục hóa” của tâm hồn chiến sĩ ta: Đây là bờ Đường 9, giữa một vùng lửa cháy, bom rơi...”.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ra trường, Anh Ngọc đi dạy học mấy năm, rồi nhập ngũ. Từ Đường 9 trở về, anh trở thành nhà báo, nhà thơ, buổi đầu ở tòa soạn Báo Quân đội nhân dân, 6 năm sau, Anh Ngọc chuyển sang Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ). Từ đó anh sáng tác rất khỏe: "Hương đất màu cờ" (1977); "Ngàn dặm và một bước" (1984); "Thơ tình rút từ nhật ký" (1993); "Con mèo ngủ trên ngực tôi" (1997); "Thị Mầu" (2000); "Mạnh hơn tuyệt vọng" (2001); "Gửi lại thời gian" (2008). Đặc biệt với thể loại trường ca, anh tỏ ra rất sung sức: "Sông Mê Công bốn mặt" (1988); "Điệp khúc vô danh" (1993); "Sông núi trên vai" (1995)... Ngoài sáng tác, anh còn có khả năng dịch thuật. Anh Ngọc đã dịch thành công tác phẩm "Những kẻ tủi nhục" của nhà văn Nga cổ điển Ph.Dostoyevsky; "Độc thoại của Marilyn Monroe" (thơ của nhiều tác giả)...

Ngoài giải nhì năm ấy, anh còn đoạt tiếp giải chính thức loại A cuộc thi thơ năm 1975 của Báo Văn nghệ; tặng phẩm thơ hay năm 1979 của Tạp chí VNQĐ; Giải thưởng Văn học sông Mê Công của Hội Nhà văn 3 nước Đông Dương, năm 2009; tặng thưởng thơ dịch hay của Tạp chí Văn học nước ngoài (1996). Và đặc biệt là Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật lần thứ ba, năm 2012.

Thơ Anh Ngọc giản dị và hàm súc, bài thơ đoạt giải đầu đời là một minh chứng. Tôi còn muốn dẫn ra trường hợp khác trong suốt nhiều năm sáng tác của anh. Bài "Hoa dành” (tặng nhà thơ Lưu Quang Vũ), có sự đồng cảm đến kỳ lạ giữa hai người lính ấy, trong khói lửa bom đạn vẫn nhìn thấy những vẻ đẹp còn sót lại của thiên nhiên: “Soi vào hoa ta gặp lại chính hồn ta/ Trong lửa khói đạn bom hay dưới lòng sâu địa đạo/ Nơi nào cũng một màu trắng đó/ Cũng một mùi hương như lạ lại như quen”. Và tác giả rút ra từ màu trắng tinh khiết, từ mùi hương thoảng qua một ý nghĩa sâu xa: “Hoa dành ơi hoa là nỗi hồn nhiên/ Điều không thể nói lại là điều không thể giấu/ Hoa trung thực như tình người đi chiến đấu/ Quần áo ngụy trang nhưng tâm hồn không một bóng ngụy trang”...

Cách nay đã hơn 20 năm khi Anh Ngọc tung ra những bài thơ về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Từ chối hận thù người hát tiếng yêu thương/ Chạy trốn bơ vơ người tìm vào giấc mộng/ Người học cách sống chung cùng tuyệt vọng/ Người vỗ về từng ngọn cỏ xót xa”... ("Người hát rong của thế kỷ hai mươi"), có người cho là anh yêu nhạc Trịnh đến độ cực đoan, nhưng đến giờ nhạc Trịnh đã phổ cập rộng rãi, đi vào trái tim bao người, tên người nhạc sĩ tài hoa được đặt cho con đường mới mở ở nhiều thành phố, thì thấy tầm nhìn xa cùng sự đồng cảm sâu sắc giữa nhà thơ với nhạc sĩ.

Gần gũi anh, tôi nhận thấy anh còn có gương mặt khác, là của... “cô Tấm”. Lúc nào anh cũng đối xử với bạn bè đồng nghiệp, người đến cộng tác, gửi bài một cách lịch thiệp, thân thiện. Lúc nào anh cũng như muốn thu nhỏ mình lại, muốn tạt sang lề đường cho người sau lên trước, muốn lẫn vào đám đông. Có lẽ vì thế mà giữa tôi và anh vẫn giữ được tình bạn lâu dài qua năm tháng. Có mấy lần anh chủ động “điểm huyệt” vài dòng về bài thơ ngắn hay cuốn tiểu thuyết mới ra lò của tôi trên VNQĐ. Một hôm anh điện cho tôi: “Đang có cuộc thi viết truyện ký của Bộ Quốc phòng 3 nước Đông Dương đấy, ta thi đi. Mà còn một tuần nữa thôi là hết hạn, gửi sớm nhá”. Thế là tôi hì hụi giở vốn cũ ra. Chả là tiểu thuyết "Một ngày là mười năm" về Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào thời chống Pháp, tôi đã để cho nhân vật chính trong một tình huống bất khả kháng có đứa con rơi với cô gái tại nơi đang hoạt động trong lòng địch. Xuất phát từ câu chuyện thật của một bác cựu chiến binh tên là Phạm Ngọc Khuê đã kể với tôi, cô gái Lào ấy rất yêu bác, nhưng lúc đó bác đã có vợ chưa cưới ở quê Bình Định rồi nên khéo léo từ chối. Nếu tôi không hư cấu thành tình huống như kể trên thì đã chẳng gọi là tiểu thuyết. Vậy nên đến lúc viết ký người thật việc thật trong cuộc thi này, tôi bê y nguyên câu chuyện của bác Khuê vào. Đến cuối năm ấy (2018), tôi nhận được cú điện thoại của nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập Tạp chí VNQĐ, Trưởng ban chấm giải: Truyện của bác được giải nhì nhá. Tôi hỏi lại: “Sao không nhất?”. “Nhì thôi” - anh Phương nói, bác chỉ ngồi nhà nghe kể lại, còn giải nhất là của bác Anh Ngọc, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã đi vào tận nhà tù Tuol Sleng, nơi lính Pol Pot đập cuốc vào đầu hàng vạn tù nhân, mùi xác chết còn nồng nặc (trong trường ca “Sông Mê Công bốn mặt”, anh đã có những câu thơ phẫn nộ trước tội ác diệt chủng của Pol Pot: “Tuol Sleng/ nơi gặp gỡ cuối cùng/ của hai vạn cuộc đời không hẹn trước/ cái căn bệnh ung thư lưỡi cuốc/ ném họ vào một hố chôn chung”...).

leftcenterrightdel

Nhà thơ Anh Ngọc.  Ảnh do nhân vật cung cấp

Tôi nhận ra Anh Ngọc có một điều khác lạ với số đông anh em trong Hội Nhà văn Việt Nam. Thời trước, các trường đại học không chuyên ngoại ngữ đều học Nga văn cho có lệ để rồi vào trường đời không dùng được việc gì. Vậy mà ông bạn tuổi Quý Mùi (1943) này lại kỳ cạch dịch thành công văn Nga cổ điển của văn hào Dostoyevsky, thơ hiện đại của Eptusenko có sách in, bài đăng báo hẳn hoi. Nhưng có lần anh lại “tự thú” với tôi, mình sang Liên Xô theo suất giao lưu đối ngoại của Hội ta, ngồi trước thần tượng Eptusenko cứ đực mặt chẳng ho he được câu nào. Tôi hoàn toàn thông cảm, cái anh tự học ngoại ngữ không giao tiếp, ôn luyện nghe-nói thường xuyên bao giờ chả thế. Nhưng đến hồi anh tự học tiếng Anh những năm đổi mới tình hình lại khác. Do cậu cả lấy vợ Ba Lan, rồi kéo cả nhà sang nước Anh sinh sống, anh đã thăm con cháu mấy bận, có lẽ dịp ấy cũng đồng thời bổ túc được nhiều về nghe-nói tiếng Anh. Vậy nên cuộc Hội Nhà văn Việt Nam cử đi Thổ Nhĩ Kỳ vừa rồi, anh hiên ngang một mình hội thảo thơ, đọc tham luận. Dù không biết thực hư cuộc ấy thế nào, thấy bạn mình trở về an toàn vui như Tết, tôi bái phục sự tự tin cùng khiếu sinh ngữ của anh!

Thế rồi sau đó có dịp tìm hiểu về gia thế của Anh Ngọc, tôi lại chợt nhận ra khiếu sinh ngữ của anh hẳn còn do anh có gene thông minh của thân phụ là nhà Hán học, dịch giả Nguyễn Đức Vân. Cụ Nguyễn Đức Vân sinh năm 1900, quê xã Nghi Trung (Nghi Lộc, Nghệ An). Cụ tự học Hán văn và Pháp văn, thuộc lòng cuốn từ điển Pháp-Việt của Trương Vĩnh Ký và về sau có lúc còn viết được báo tiếng Pháp (có một sự trùng hợp thú vị, cậu út Anh Ngọc, thời đại học học tiếng Nga, cũng thuộc lòng cuốn từ điển Nga-Việt của Nguyễn Năng An, nên sau đó mới dịch thành công tiểu thuyết “Những kẻ tủi nhục” của văn hào Nga). Trong các công trình của Viện Văn học-nơi cụ Nguyễn Đức Vân công tác từ năm 1959, thì “Thơ văn Lý-Trần” là công trình đồ sộ nhất, phần sưu tầm và dịch thuật của cụ chiếm tới gần 600 đơn vị văn bản trên tổng số 914 đơn vị văn bản. Để hoàn thành khối lượng công việc này, suốt từ năm 1960 đến 1965 với chiếc xe đạp cọc cạch, cụ đi hết chùa này đến đình khác trên miền Bắc sưu tầm, sao chép những gì có liên quan đến thơ văn Lý-Trần. Còn văn học cổ Trung Hoa, cụ Vân cũng để nhiều tâm sức dịch các tác phẩm: “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (dịch chung với cụ Nguyễn Khắc Hạnh), “Tùy Viên thi thoại” của Viên Mai, “Trung Quốc tư tưởng sử” của Dương Vinh Quốc, đặc biệt là cuốn tiểu thuyết “Hồng Lâu Mộng” được Trung Quốc coi là “quốc bảo” của Tào Tuyết Cần...

Có lần Anh Ngọc cho tôi xem tấm ảnh một vị khách Nhật là Giáo sư (GS) Koyama Katsuzo đang thắp hương và lạy trước mộ cụ nội anh là chí sĩ Nguyễn Đức Công (tức Hoàng Trọng Mậu). Ở Nhật, GS Katsuzo có lập bàn thờ 51 nghĩa sĩ Việt Nam sang Nhật hồi đầu thế kỷ 20 trong Phong trào Đông Du, một số vị từng ăn ở trong nhà cha mẹ của GS. Vào dịp cuối năm 1994, GS Katsuzo, 81 tuổi, Hội trưởng Hội Đỡ đầu giáo dục Việt Nam của Nhật Bản lần đầu đến Việt Nam trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó... Sau đó, cụ Katsuzo đã tìm đến xã Nghi Trung và quỳ lạy trước nấm mộ chung của hai vị chí sĩ mà cụ từng lập bài vị thờ ở nhà. Đó là ngôi mộ táng chung hai chí sĩ lẫm liệt đầu thế kỷ 20 là Nguyễn Đức Công và Nguyễn Thức Đường (tức Trần Hữu Lực). Sách “Việt Nam nghĩa liệt sử”, chữ Hán, học giả Tôn Quang Phiệt dịch, Nhà xuất bản Văn hóa Hà Nội, năm 1959, đã kể lại cuộc đời hoạt động vô cùng gian nan, cùng cái chết lẫm liệt của hai vị trước quân thù tại trường bắn Bạch Mai (Hà Nội) năm 1916. Ở trong ngục, chí sĩ Nguyễn Đức Công đã làm bài thơ “Cảm tác”, mà theo nhiều nhà nghiên cứu văn học sau này "đáng liệt vào hàng những bài thơ hay nhất của văn chương yêu nước Việt Nam nói chung, thơ Đường luật chữ Hán Việt nói riêng". Bài thơ như sau (lời dịch): “Từ biệt quê nhà chẳng nhớ năm/ Ngổn ngang tâm sự rối tơ tằm/ Đoái trông Kiếm Nhị buồn tanh sắc/ Mơ tưởng Lam Hồng lặng ngắt tăm/ Chết quách đã đành không đất sạch/ Sống về cũng chỉ một trời căm/ Thôi từ nay hóa làm thân cuốc/ Ngậm máu đi về khóc cõi Nam”... Nhà thơ Vương Trọng cùng ở Tạp chí VNQĐ với nhà thơ Anh Ngọc từng nhận xét rằng: "Anh Ngọc đúng là dòng dõi danh gia vọng tộc!".

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến câu tục ngữ: "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh". Lòng yêu nước, trí tuệ cùng tình yêu văn chương chữ nghĩa, đức tính cẩn trọng, khiêm nhường... Tất cả những điều ấy của tổ tiên ông bà cha mẹ có còn chảy trong huyết quản con cháu dòng họ Nguyễn Đức hôm nay không? Và tôi cho rằng, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tá, nhà thơ Anh Ngọc nay đã ở tuổi 80, cũng đã là một câu trả lời khá thỏa đáng.

PHẠM QUANG ĐẨU