Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta được ví như trứng chọi với đá. Với một thân thể đầy vết thương và chưa gượng dậy từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dân tộc Việt Nam lại đương đầu với một thế lực siêu cường, vũ khí tối tân. Chính người Mỹ lúc đầu cũng không thể hiểu được vì sao họ thất bại? Họ thất bại bởi tinh thần sắt đá của cả dân tộc; bởi biết bao chàng trai, cô gái đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do và giải phóng dân tộc. Đọc “Hai lần vượt Trường Sơn” của nhà báo Kim Toàn càng thấy ý chí và khát vọng hòa bình của dân tộc ta lớn đến mức nào. 

Nhà báo Kim Toàn tâm sự: “Năm nay tôi tuổi 84, sức khỏe yếu, lại nhiều bệnh trọng, nhưng trong tâm vẫn còn nhiều điều day dứt. Đó là viết về những năm tháng chiến tranh, về những con người tôi đã gặp trong cuộc chiến trường kỳ. Nếu để những năm tháng ấy dần bị quên lãng thì vô cùng đáng tiếc, nó như món nợ chưa trả được. Các thế hệ sau cần biết sâu sắc hơn về hành trình chiến thắng vĩ đại của cha ông. Đất nước thống nhất gần nửa thế kỷ, tôi thiết nghĩ những trang viết này ngày càng cho thấy giá trị của hòa bình mà bao người đi qua cuộc chiến đầy máu lửa giành được”.

Ông đã có độ lùi cần thiết để nhìn lại. Sự kiện trong “Hai lần vượt Trường Sơn” ngồn ngộn tư liệu được ghi chép gần như hằng ngày trong suốt hơn bốn tháng trời. Ngay số phận của cuốn sổ ghi chép cũng thật thăng trầm, cũng trải qua những cuộc đảo lộn khó tin để cuối cùng trở về với tác giả.

Có thể nói, nhà báo Kim Toàn sinh ra là để làm báo, bởi ông có ý thức ngay từ ngày đầu dự “lớp báo chí đặc biệt” của Ban Tuyên huấn Trung ương dành cho những người làm báo tại chiến trường năm 1965. Ghi chép tỉ mỉ từng sự việc, địa danh, tên người (thậm chí cả quê quán, tuổi tác)..., mấy chục bức ảnh, các văn bản của cấp trên và cả những tờ “Phiếu bách hóa Trường Sơn”... được ông gìn giữ gần như nguyên vẹn. Không phải ai cũng biết được “ruồi vàng, muỗi bạc, vắt kim cương”, hay thuật ngữ của bộ đội Trường Sơn “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, những tiếng hú tìm đồng đội hay chiếc gậy Trường Sơn được làm, sử dụng hằng ngày và tác dụng thế nào. Ngay việc ông liệt kê tỉ mỉ mấy chục vật dụng mang theo của một chiến sĩ cùng với sổ sách, giấy bút, máy thu thanh, máy ảnh... của người làm báo khi ra trận cũng đã thấy chóng mặt. Đường đi đầy gian khổ, ngày nào không leo vách đá cũng lội suối, trèo đèo hay mở lối đi trong rừng mặc cho máy bay gầm rú trên đầu, bom rơi bất cứ lúc nào. Đã nhiều lần ông chết hụt, lạc đồng đội, ốm đau, đói khát...

leftcenterrightdel

Bìa tập sách "Hai lần vượt Trường Sơn" của nhà báo - chiến sĩ, thương binh Kim Toàn. 

“Hai lần vượt Trường Sơn” gồm 3 phần chính: "Thăm thẳm Trường Sơn", "Thênh thang Trường Sơn" và "Những tình cảm chân thành dành cho nhà báo Kim Toàn và các đồng nghiệp tại chiến trường". Trong 3 phần thì phần thứ nhất gây ấn tượng ở thời gian từng ngày, những bước chân vững vàng trước chông gai thử thách, chịu sức nặng của cơ thể và vật dụng mang theo. Hơn 4 tháng hành quân, có những tình huống thoát hiểm ngoạn mục tưởng như không tưởng và chứng kiến không biết bao lần máy bay ném bom ào tới. Đường hành quân dốc cao, đường trơn, mưa nhiều, vắt lắm. Có đồng đội đói quá không hành quân nổi; ngủ quên vì quá mệt; hành quân quá cực nhiều chiến sĩ bị ngất, cũng có chiến sĩ chết trên võng... Nhà báo Kim Toàn bị sốt rét, đau bụng, ngã gãy tay và có lần bị bom Mỹ hất văng xuống triền núi, rồi bị lạc rừng, sức khỏe suy kiệt gần như thường xuyên. Sự việc diễn ra gần như lặp lại trong suốt những ngày hành quân.

Phần thứ hai hành trình vượt Trường Sơn đỡ cơ cực hơn, nhưng hiểm nguy, gian nan vẫn rình rập. Lúc này Hiệp định Paris đã được ký kết cùng với chiến thắng của quân và dân ta trên khắp các mặt trận nên khí thế những đoàn quân hướng về Nam với sự tự tin và phấn khởi hơn rất nhiều. Việc chuyên chở bộ đội và hàng hóa đã có xe chuyên dụng, việc nghỉ ngơi cũng an toàn hơn, không còn máy bay ném bom đe dọa. Nhưng dù sao con đường mang tên Trường Sơn vẫn đầy hố bom, gập ghềnh, hiểm trở. Xe di chuyển bật nhảy liên tục.

Thời kỳ này sức khỏe nhà báo Kim Toàn giảm sút nghiêm trọng vì mắc bệnh hiểm nghèo. Nhiều lần cấp cứu, mất máu, người teo tóp tưởng như không qua khỏi. Ông đã dặn đồng đội, nếu không qua được hãy mang giúp ba lô về cho gia đình, chuyển tài liệu cho nhà báo Thép Mới, thủ trưởng cũ ở Báo Giải phóng; và chuyển hết số thư, tài liệu cùng băng ghi âm của hơn một trăm anh chị em cùng công tác tại chiến trường cho người thân ở miền Bắc. Nhưng nhờ sự chạy chữa tận tình của các bác sĩ, được đồng đội kịp thời hiến máu cùng ý chí kiên cường của người chiến sĩ cách mạng, ông đã dần hồi phục, được đưa ra Bệnh viện E Hà Nội điều trị. Trong những ngày nằm viện, ông được gặp người thân, vợ con.

Phần thứ ba là một số bài viết của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, những người bạn về nhà báo Kim Toàn. Họ đã dành tình cảm chân thành và lòng cảm phục ý chí của một nhà báo cách mạng và sức lan tỏa của cuốn ghi chép tại chiến trường.

Nhà báo Kim Toàn từng trải qua những năm tháng gian nan vất vả, một lần báo tử, nhiều lần chết hụt, nhưng trong suốt cuộc hành quân và những năm tháng hoạt động tại nhiều mặt trận ác liệt, ý chí của ông không hề bị phai nhạt. Sắt son tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, “Đường chúng ta đi” là chính nghĩa. Bởi dân tộc Việt Nam luôn khát khao hòa bình, mong muốn Nam Bắc một nhà, non sông thu về một mối. “Người làm báo cách mạng chân chính biết chấp nhận gian khổ, hy sinh, không run sợ trước sự tàn bạo, độc ác của kẻ thù, quyết cùng quân, dân cả nước chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng”. Vì vậy, những năm ở chiến trường, ông đã làm báo với tinh thần lạc quan, hừng hực khí thế cách mạng. Trong khó khăn gian khổ, một số chiến sĩ bỏ trốn vì nhụt chí, mềm lòng, ông đã phân tích, khuyên nhủ để họ hiểu ra sức mạnh của sự đoàn kết và ý nghĩa của chiến thắng. Qua nội dung của cuốn sách, tình cảm đồng đội, đồng nghiệp luôn là động lực để những chàng trai, cô gái bước tiếp. Các trang viết thật đẹp về những vùng đất đi qua, về quê hương và gia đình...

Tuy tuổi cao, sức khỏe yếu do bệnh tật và ảnh hưởng bởi thương tích chiến tranh, nhưng khi nói về cuốn sổ ghi chép về những năm tháng đã qua, nhà báo Kim Toàn vẫn thấy như được tiếp thêm năng lượng. Giọng nói ông trở nên sáng rõ, tiếng cười khiêm nhường vốn có trở nên nhẹ nhàng, rộn ràng. Ông đặc tả tiếng hú gọi nhau ở Trường Sơn vẫn đầy lực. Đôi mắt ông lấp lánh niềm vui khi biết sức lan tỏa và tác dụng của các cuốn sách mình viết trước đó. Nhiều người ở phía Nam có tên trong các cuốn sách của ông sau mấy chục năm mới được công nhận và được hưởng chế độ ưu đãi.

Họ đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, nhưng khi trở về không có bất cứ giấy tờ nào. Do bom đạn hoặc nhiều lý do khác, nay đã già lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn, được hưởng một chút quyền lợi, cả vật chất và tinh thần cũng là một sự an ủi to lớn. Một trong những đồng nghiệp của ông xuất hiện nhiều trong cuốn sách “Hai lần vượt Trường Sơn” là nhà báo Lê Thế Thành, quê Thái Nguyên, mới ra đi không kịp cầm trên tay cuốn sách quý. Gia đình nhà báo Lê Thế Thành khi nhận được sách của nhà báo Kim Toàn đã tập trung lại, gọi điện thoại cho ông rưng rưng cảm động. Một số cơ quan báo chí, bảo tàng, hãng phim tài liệu mong muốn được sử dụng tư liệu trong tập sách...

Cách đây ít năm, một số cuốn nhật ký chiến trường như “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Mãi mãi tuổi hai mươi”... gây được tiếng vang lớn. Với Nguyễn Văn Thạc, từng dòng nhật ký đã minh chứng cho một giai đoạn vô cùng khốc liệt, gian nan của Bộ đội Cụ Hồ “Tôi sẽ gửi về cuốn nhật ký này; khi nào trở lại, tôi sẽ viết tiếp những gì lớn lao mà tôi đã trải qua từ khi xa nó, xa cuốn nhật ký thân yêu của đời lính”. Với cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, người lính Mỹ định ném vào lửa thì người phiên dịch ngăn lại: “Đừng ném nó vào lửa, vì trong đó đã có lửa rồi!”.

Đúng vậy, với những cuốn nhật ký chiến trường nói chung và cuốn “Hai lần vượt Trường Sơn” mới xuất bản của nhà báo Kim Toàn nói riêng đều có lửa. Đó là lòng căm thù, ý chí quyết chiến, quyết thắng và tình yêu không bao giờ phai nhạt. Và nhà báo Kim Toàn là người may mắn khi được trở về, bước ra từ cuộc chiến. Ông có nhiều cơ hội để được sống, được viết và như ngày hôm nay, những trang viết ấy được lan tỏa. Bạn đọc may mắn được chiêm ngưỡng nhân chứng sống bằng da bằng thịt. Ông nhẩn nha, từ tốn, khiêm nhường kể về những ngày đã qua. “Tôi từng này tuổi, viết ra không mưu cầu điều gì, chỉ muốn ghi chép lại những gì đã trải qua để các thế hệ sau hiểu được ý nghĩa và sức mạnh của chiến thắng. Chúng ta có chiến thắng, vinh quang, nhưng để có được, không phải ai cũng dễ nhìn nhận hoặc tưởng tượng ra. Hai lần vượt Trường Sơn là hai lần đối mặt với hiểm nguy, không chỉ bản thân mình, mà đồng đội và rộng ra là cả dân tộc đã phải gồng mình gánh chịu”.

Theo tôi, “Hai lần vượt Trường Sơn” đã vượt xa khuôn khổ của một cuốn nhật ký. Bởi ngoài việc chứa đựng trình tự thời gian, sự kiện, lý tưởng, ý chí, tình yêu của tác giả và đồng đội, nhà báo Kim Toàn đã thể hiện các bài viết bằng bút pháp sinh động, chân thật và đậm nhân sinh. Đọc 450 trang sách của ông, tôi bị cuốn hút vào những chi tiết đời thường. Khúc tráng ca bi thương đã trở thành bản hùng ca!

Có ai đó hỏi nhà báo Kim Toàn cuốn “Hai lần vượt Trường Sơn” thuộc thể loại báo chí hay văn học? Ông cười thật hiền: “Những gì chứa đựng trong đó mới là quan trọng. Nó có cả đấy!”. Đúng vậy! Khi cuốn sách thu hút người đọc và có ý nghĩa lớn lao thì thể loại nào cũng được trân trọng chào đón.

Nhà văn DƯƠNG THỊ NHỤN