Tôi biết ông Trần Hữu Tòng từ những năm 80 của thế kỷ 20, khi đang học năm thứ nhất Khoa Báo chí-Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Hồi ấy gia đình ông ở trong khu nhà tập thể cạnh công viên Thủ Lệ (Hà Nội). Khi ấy, nhà báo Trần Hữu Tòng đeo quân hàm Trung tá, phóng viên Phòng biên tập Văn hóa-Thể thao, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đã là một cây bút có uy tín trong làng báo, làng văn cả về đạo đức cũng như nghề nghiệp. Ngoài bút ký, ghi chép, phóng sự dài kỳ, Trần Hữu Tòng gây được dấu ấn trong lòng bạn đọc với truyện ký “Bên dòng Păng Pơi”. Vì thế, được gặp ông, đó là một duyên may lớn trong cuộc đời làm báo, làm văn của tôi sau này.
Ông Trần Hữu Tòng sinh năm 1938 tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Gia đình ông hồi tôi quen cũng vất vả lắm, gia tài cả nhà chỉ có hai chiếc xe đạp cũ kỹ và một chiếc ti vi đen trắng, màn hình to hơn chiếc lá đa một chút. Gian nhà ở cấp bốn lợp mái ngói rất chật chội, ông phải nới rộng thêm nhà bếp làm nơi nấu ăn. 3 đứa con ông đều đang độ tuổi thiếu niên và nhi đồng. Thời bao cấp hầu như ai cũng khó khăn, đối với gia đình ông Tòng càng vất vả hơn. Mỗi lần tôi về quê, bố nuôi của ông là ngư dân ở làng cá Xuân Hội, huyện Nghi Xuân gửi một ít cá khô nhờ tôi mang giùm ra Hà Nội cho ông, cả nhà vui hẳn lên. Tôi vẫn nhớ những lần gặp ông Tòng để đưa cá khô, ông hay ngẫu hứng đọc hai câu thơ: “Một yêu anh có may ô/ Hai yêu anh có cá khô ăn dè” và nở nụ cười mãn nguyện.
Mặc dù khó khăn thế nhưng có một điều kỳ lạ, không phải riêng tôi mà nhiều bạn bè đến với ông bao giờ cũng thấy sự niềm nở, tay bắt mặt mừng. Chưa bao giờ tôi thấy ông than phiền khó khăn về đời sống, hay những chuyện nhiễu nhương làm ông buồn chán. Đến với ông, tôi như được tiếp thêm ngọn lửa đam mê dành cho mình, tiếp thêm nghị lực và sức đi, sức viết trong cuộc rong ruổi từ biên cương tới hải đảo.
Nhà báo Trần Hữu Tòng gắn bó với Báo QĐND trong thời gian khoảng 20 năm (1969-1989). Trước khi “nhập gia” Báo QĐND, ông đã có 15 năm làm phóng viên Báo Công an vũ trang (nay là Báo Biên phòng). Ở địa hạt báo chí nào, nhà báo Trần Hữu Tòng cũng là một người lính xung kích và gặt hái được những thành công. Có lần ông tâm sự với tôi: “Mình nhập ngũ năm 1954, lúc đó mới 16 tuổi. Năm 17 tuổi làm chiến sĩ Đồn Biên phòng Cầu Treo (nay thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) và gắn bó với cuộc đời binh nghiệp hơn 30 năm. Nhờ thế, mình cũng có chút vốn liếng để viết về người lính”.
Đúng như lời ông tự bạch, dù viết báo hay viết văn, đọc những tác phẩm của ông tôi thấy ngồn ngộn chất liệu của cuộc đời binh nghiệp, đặc biệt là Bộ đội Biên phòng. Trần Hữu Tòng là một người đi khỏe và viết khỏe. Cuộc đời ông như cánh chim không mỏi, đi và viết. Đi trở thành mệnh lệnh trái tim luôn thúc giục ông. Đọc tác phẩm của ông dù là một bài bút ký, phóng sự hay truyện ngắn, truyện dài đều thấy ông như hóa thân vào nhân vật. Văn ông không cầu kỳ về câu chữ mà giản dị như phong cách của ông. Văn của Trần Hữu Tòng là tiếng nói lương tri của người lính, là hơi thở, là hình bóng của đồng đội ông và nhân dân.
|
|
Nhà báo, nhà văn Trần Hữu Tòng thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, Hà Giang, năm 2020.
|
Để hái được quả ngọt, người trồng cây phải biết chọn hạt gieo mầm và chăm sóc. Trần Hữu Tòng khi đã nung nấu một chủ đề gì là ông sống hết mình với chủ đề ấy. Ông là người khá đa tài về thể hiện bút pháp qua các thể loại: Thơ, bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết và thể tài nào cũng thành công. Bí quyết thành công của ông, đấy là con đường tự học, tự rèn luyện. Việc đọc, đi và ghi chép đã trở thành phong cách và nền nếp làm việc của ông.
Tác phẩm đầu tay của Trần Hữu Tòng là cuốn truyện ký “Trung với Đảng-Hiếu với dân” (1965). Sau đó ông tiếp tục viết nhiều về Bộ đội Biên phòng và cho ra đời cuốn truyện ký “Bên dòng Păng Pơi”. Nội dung tác phẩm viết về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Trần Văn Thọ ở Đồn Biên phòng Leng Su Sìn (nay thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Tác phẩm đó sau này được đạo diễn Phạm Lê Nam chuyển thể thành bộ phim cùng tên với sự đầu tư kinh phí của gia đình nhà văn. Đợt làm phim này, nhà văn Trần Hữu Tòng tuy tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn bám cùng đoàn suốt cả chuỗi thời gian dài để sớm hoàn thành bộ phim gửi tặng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng. Bộ phim được dàn dựng công phu và kịch bản giống như tác phẩm ông viết.
Sau khi thành công bộ phim, ông mừng lắm. Ông thông báo cho tôi qua điện thoại rồi gửi cuốn băng qua đường bưu điện tặng tôi. Ông xúc động nói: “Càng về già anh lại càng nhớ những kỷ niệm xưa. Mỗi tác phẩm là hơi thở cuộc đời của đồng đội, của nhân dân. Mình làm được cái gì có ý nghĩa thì nên làm, để đến khi nhắm mắt, xuôi tay không có gì phải ân hận với quãng đời còn lại. Em còn nhớ ngày xưa đến nhà anh chơi, gia đình anh quá chật vật vì 3 người con Diệp, Quang, Quân còn nhỏ dại. Bây giờ các con anh đã thành đạt trong kinh doanh, lại rất có hiếu với bố mẹ. Sự thành đạt của con và sự thành đạt của anh, chính là nhờ vợ anh thường xuyên biết chăm sóc và dạy dỗ con cái. Anh rất biết ơn vợ và cảm thấy tự hào có một người vợ tảo tần, lặng thầm hy sinh vì chồng, vì con”...
Cả cuộc đời của nhà báo, nhà văn Trần Hữu Tòng là cả cuộc đời phụng sự cho báo chí và văn chương.
Từ khi ở Báo QĐND chuyển sang làm việc tại Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ở cương vị Cục trưởng Cục Văn hóa thông tin cơ sở, tuy công việc chuyên môn nhiều, nhưng ông vẫn không buông bút. Vẫn có truyện ngắn in đều đặn trên báo và tạp chí Trung ương. Ông là hội viên và từng làm Phó trưởng ban Kiểm tra Thường trực Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà văn Hà Nội. Hơn 60 năm cầm bút, Trần Hữu Tòng đã xuất bản tới 37 tác phẩm bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, bút ký và thơ; trong đó có nhiều tác phẩm ông viết về đề tài người Bộ đội Biên phòng như: “Bầy cọp núi”, “Tín hiệu bình yên”, “Cơn lốc rừng thông”, “Sau màn sương lạnh”, “Ngôi sao biên cương”, “Dấu vết để lại”, “Đất núi Mường Khương” và gần đây nhất là “Chuyện thần kỳ ở chốn non xanh”...
|
|
Nhà báo, nhà văn Trần Hữu Tòng (bên phải) trong một lần trở lại chiến trường xưa tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, năm 2020. Ảnh: HOÀNG VIỆT
|
Đối với tôi, nhà báo, nhà văn Trần Hữu Tòng vừa là người anh vừa là người thầy đáng kính. Bởi ông không chỉ dồi dào sức viết mà còn là một người biên tập cẩn thận và sáng tạo. Nhờ thế, không chỉ tôi mà nhiều cộng tác viên khi bài viết được ông cắt gọt, rèn giũa khiến chất lượng nâng lên rõ rệt. Riêng tôi còn có một số bài thơ gửi đăng trên Báo QĐND vào những năm 1980-1985 cũng được nhiều độc giả yêu thích, như: “Tổ quốc tượng hình qua mỗi khúc dân ca”, “Mây trắng Ba Đình”, “Đọc thơ Bác dưới trăng”... Đặc biệt, bài thơ “Chiếc võng của bố” của tôi được nhà văn Trần Hữu Tòng sửa cho một câu sau đó đã được Nhà xuất bản Giáo dục đưa vào sách giáo khoa Tập đọc lớp 3, tập 2 năm 1981. Trải qua nhiều thế hệ học sinh tiểu học, bài thơ ấy hôm nay lại được tuyển chọn vào sách giáo khoa lớp 4 (Tiếng Việt, tập 2 của bộ sách Cánh Diều). Tôi nghĩ, nếu không có những người tận tụy, quan tâm tới những người trẻ mới vào nghề như ông hồi ấy ở Báo QĐND thì chắc gì tôi đã có niềm vinh dự như thế. Hơn nữa, ông cũng là người đọc nhiều nên nhạy cảm được cái hay, cái dở trong văn phong, lối viết của từng cộng tác viên khi gửi bài tới tòa soạn. Tính cách của ông chân thành nhưng rất thẳng thắn và khách quan đối với những bài viết của mỗi phóng viên và cộng tác viên.
Bây giờ nhà báo, nhà văn Trần Hữu Tòng đã về với “thế giới người hiền” nhưng tên tuổi và sự nghiệp báo chí, văn chương của ông vẫn sống mãi cùng đồng đội và nhân dân. Dòng suối Păng Pơi trong xanh thầm lặng vẫn đang soi bóng ông và đất núi Mường Khương vẫn bồng bềnh mây trắng dõi bước chân ông hôm nào.
PHAN THẾ CẢI