Giảng viên tiếng Nga vào làng ngôn ngữ học

Tôi biết PGS, TS Nguyễn Xuân Hòa vốn là nhà Nga ngữ học. Nhưng bài báo khoa học đầu tiên của ông xuất hiện lại là bài viết về tiếng Việt. Đọc lại bài viết “Thử bàn về quan niệm xác định thành ngữ trong tiếng Việt” của ông trong cuốn “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ” (1981) của Viện Ngôn ngữ học và bài “Về bản chất thành ngữ đối điệp âm dạng Ax+Ay” trong cuốn “Những vấn đề Ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông” (1986) của Viện Ngôn ngữ học khiến tôi điều chỉnh cách nhìn về ông: Ông không chỉ là giảng viên tiếng Nga mà đã bước vào làng Ngôn ngữ học!

Với mong muốn biết thêm về PGS, TS Nguyễn Xuân Hòa, tôi liền giở cuốn "Tổng mục lục Tạp chí Ngôn ngữ" (1969-2004) đọc thì thấy ông là tác giả một số bài báo về thành ngữ tiếng Việt và đối chiếu thành ngữ: “Đối chiếu ngôn ngữ trong cách nhìn của ngữ dụng học tương phản” (1-1992); “Nhân tố văn hóa-xã hội trong đối chiếu ngôn ngữ” (2002); “Tiếp cận nguồn gốc và cách sử dụng nhóm thành ngữ phản ánh nền văn hóa dân tộc, lịch sử và phong tục tập quán dân tộc (trên ngữ liệu thành ngữ Nga và thành ngữ Việt)” (2004). Đọc thêm hai cuốn: “Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập” (2014) và “Ngôn ngữ học Việt Nam 30 năm đổi mới và phát triển” (2017) đều thấy có bài tham gia của ông, đó là: “Từ ngữ, thành ngữ và tục ngữ tiếng Việt về tình yêu đôi lứa, hôn nhân và tình nghĩa vợ chồng” (2014, viết chung); “Tính hiệu quả trong việc sử dụng từ ngữ, thành ngữ trong giao tiếp xuyên văn hóa (liên hệ với tiếng Nga và tiếng Anh)” (2017). Thì ra, tiếng Việt cùng với thành ngữ Việt từ lâu cho đến nay đã và đang là mối quan tâm và địa hạt nghiên cứu sâu của nhà Nga ngữ học Nguyễn Xuân Hòa bên cạnh mối quan tâm nghiên cứu văn học, văn hóa Nga và dịch thuật.     

Trong tôi, ông lúc nào cũng hồn nhiên, vui vẻ, khác với những gì ông gặp trên bước đường gập ghềnh học hành của mình. Sinh năm 1937, chàng thanh niên quê gốc xứ Thanh theo học ngành tiếng Nga (hệ 2 năm) tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp năm 1960, ông được phân công về công tác ở Bộ Nông trường, sau đó được cử làm Tổ trưởng tổ Phiên dịch tiếng Nga tại Nông trường Tây Hiếu (Nghệ An), làm việc với các chuyên gia máy kéo dịch bài giảng lên lớp cho công nhân lái máy kéo của Nông trường trồng cà phê. Đến năm 1962, ông về làm cán bộ giảng dạy tại Trường Bổ túc Ngoại ngữ (sau này là Trường Đại học Ngoại ngữ, nay là Trường Đại học Hà Nội). Trong những năm công tác tại đây, ông vừa dạy, vừa học thêm Hệ bồi dưỡng tiếng Nga 4 năm, cũng vất vả trăm đường với đồng lương ba cọc ba đồng, nên mãi đến năm 1977, ông mới nhận được bằng cử nhân tiếng Nga. Để có tấm bằng này, ông phải mất đến 17 năm “đèn sách” sau khi học xong phổ thông.

leftcenterrightdel

Chân dung PGS, TS Nguyễn Xuân Hòa. Tranh của họa sĩ BỘI HƯƠNG 

Năm 1978, ông nhận quyết định làm Chủ nhiệm Bộ môn Ngữ văn Nga, thuộc Khoa Tiếng nước ngoài Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tại đây, thầy giáo trẻ Nguyễn Xuân Hòa đã xác định cho mình một hướng đi: Giảng dạy ngoại ngữ song song với dịch thuật và nghiên cứu chuyên sâu về văn học Nga Xô viết và văn hóa Nga để phục vụ việc giảng dạy và xa hơn cho việc nghiên cứu về ngôn ngữ, văn học và nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ.

Thường là dân ngoại ngữ, muốn thật giỏi và nhất là chuyên sâu, người học phải được đào tạo từ chính đất nước có ngôn ngữ ấy. Nguyễn Xuân Hòa học tiếng Nga và tự tìm hiểu mọi vấn đề liên quan tới đất nước Nga tại Việt Nam. Ông có năng khiếu ngoại ngữ và đặc biệt có tinh thần tự học kiên trì, vì vậy mà ông có một “ngữ năng” tiếng Nga và vốn liếng văn hóa Nga sâu rộng, chắc chắn. Ai cũng biết, dịch thuật là một việc khó. Dịch văn xuôi, dịch tác phẩm văn học hay khoa học đều khó. Nhưng khó hơn cả là dịch thơ. Nước Nga có một nền thi ca (truyền thống và hiện đại) rất phong phú. Tiếng Nga lại có cấu trúc ngữ pháp phức tạp. Nguyễn Xuân Hòa đã đọc và dịch hàng trăm bài thơ Nga, trong đó phải kể đến tập "Thơ trữ tình của Aleksandr Blok" (1880-1921)-thi hào Nga với bút pháp riêng, không dễ dịch. Sau gần 15 năm miệt mài làm việc với những bản dịch thô để tới năm 2007, ông đã cho ra mắt tập thơ song ngữ Nga-Việt “Thơ trữ tình A.Blok” (2007) in tại Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, dày dặn và đậm chất Nga. Tập thơ giúp những ai đang học tiếng Nga, những người yêu thơ ca Nga tham khảo, rất hữu ích. Đây là khổ thơ cuối của bài thơ nổi tiếng “Khi tôi trốn vào thời gian tĩnh lặng” qua sự chuyển ngữ của ông “rất Nga" và "rất Việt”: "Em có nhớ tôi trốn vào yên tĩnh/ Chân trời xanh nơi tôi sẽ biệt tăm/ Chỉ bài hát cùng em tôi đã hát/ Nhẩm theo tôi, em nhắc lại âm thầm"...

Ngoài dịch thơ A.Blok, ông cũng đã tiếp cận với thơ Taras Shevchenko (1814-1861), Đại thi hào của Ukraine. Năm 1984, trên cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Ngữ văn Nga, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được giao tổ chức Hội nghị khoa học kỷ niệm 170 năm Ngày sinh nhà thơ Taras Shevchenko. Sau hội nghị khoa học, Tạp chí Văn học (tháng 1-1984) đã đăng bài tham luận của ông “Thơ Taras Shevchenko-tiếng thét căm phẫn của những người nông nô đòi giải phóng”. Bốn năm sau, cuốn "Taras Shevchenko" (tác giả L.Khinkulov) trong tủ sách danh nhân với gần 100 bài thơ và đoạn thơ đã được ông chuyển dịch ra tiếng Việt và xuất bản tại Nhà xuất bản Cầu Vồng, Moscow, 1988.

Dấu ấn khoa học ngôn ngữ-văn hóa và từ điển

Ghi nhận thành tựu khoa học của PGS, TS Nguyễn Xuân Hòa, ta không thể không nhắc tới các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ-văn hóa của ông, như: “Những địa danh sông nước, biểu tượng của văn hóa Thăng Long-Hà Nội qua ca dao tục ngữ" (2001); “Khả năng kết hợp từ của động từ chuyển động trong tiếng Việt” (2007, Nam Ninh, Trung Quốc); “Hiện thực khách quan trong quá trình dịch nghệ thuật” (2012); “Không gian ngôn ngữ văn hóa và tình yêu quê hương xứ Nghệ trong tác phẩm của  Nguyễn Du (trên tư liệu hai bài “Thác lời trai phường nón” và “Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu”-2013); "Hồ Chí Minh. Tiểu sử" (2016, đồng dịch giả sang tiếng Nga); “Quan điểm văn chương của Lê Quý Đôn-Một cách tiếp cận (trên tư liệu “Quế Đường thi tập”-2016)...

leftcenterrightdel

PGS, TS Nguyễn Xuân Hòa (ngoài cùng, bên trái) cùng GS, TS Nguyễn Thiện Giáp và GS, TS Đinh Văn Đức trong một buổi sinh hoạt khoa học.  Ảnh do nhân vật cung cấp 

Ngoài ra, các công trình từ điển cũng là những đóng góp to lớn của tác giả Nguyễn Xuân Hòa viết chung cùng cộng sự trong việc làm đầy thêm các sách công cụ tra cứu, như: "Almanach-Những nền văn minh thế giới" (1995, tái bản 2006), "Từ điển giáo khoa Việt-Nga" (2007), "Biên soạn từ điển đồng nghĩa Anh-Việt" (2010); "Từ điển Bách khoa cho mọi nhà" (2019, viết chung), "Từ ngoại lai gốc Ấn-Âu trong tiếng Nhật" (2022, viết chung)...

Anh em bạn bè, đồng nghiệp thường ví ông miệt mài như “con tằm đến lúc nhả tơ” vì hầu hết các công trình dài hơi, có giá trị lớn là những tác phẩm được hoàn thành, biên soạn và xuất bản sau khi ông đã nghỉ hưu và ở lứa tuổi “thất thập cổ lai hy”. Sức làm việc không nghỉ của ông quả rất đáng khâm phục.

Chính từ những thành tựu và đóng góp to lớn trong sự nghiệp của mình, PGS, TS Nguyễn Xuân Hòa đã được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tặng danh hiệu “Trí thức Khoa học Kỹ thuật tiêu biểu” năm 2019. Đặc biệt, ông được trao danh hiệu Viện sĩ Viện Hàn lâm văn học nghệ thuật quốc tế Ukraine năm 2017.

Người ta cứ nghĩ PGS, TS Nguyễn Xuân Hòa, với cả “núi” công việc như vậy, chắc suốt ngày bề bộn với sách vở, tài liệu. Bởi sau khi nghỉ hưu (1998) cho đến nay, PGS, TS Nguyễn Xuân Hòa còn viết và công bố hàng chục công trình lớn nhỏ, trong đó có các cuốn biên khảo, từ điển, đề tài nghiên cứu về ngôn ngữ-văn hóa Việt Nam... Ấy vậy mà đến nhà, còn thấy ông tất bật với bao nhiêu công việc không tên “từ trong nhà ra ngoài ngõ", từ việc nhà cho đến việc của tổ dân phố rồi việc khuyến học của phường. Ông được giới Ngôn ngữ học Hà Nội bầu là Chủ tịch Hội (2008-2014). Từ năm 2015 đến nay ông vẫn đảm nhiệm chức Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Hà Nội với bao nhiêu việc trên vai. Bận bịu, vất vả là thế, nhưng anh em đồng nghiệp gặp ông lúc nào cũng thấy một Xuân Hòa hồn nhiên, cởi mở và yêu đời như chả có gì phải bận tâm. Ba năm nữa, chính thức “lên lão chín mươi” mà PGS, TS Nguyễn Xuân Hòa vẫn tươi rói một nụ cười trẻ trung. Ông quả thực là nhà ngôn ngữ học "trẻ mãi với thời gian!”.

 PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH