Mới rồi, tại nhà riêng của nhà báo lão thành Đặng Minh Phương, tôi gặp ông Tạ Quang Ngọc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (khóa VIII và IX), nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản. Ông tuổi đã gần 80, gọi nhà báo Đặng Minh Phương (tuổi ngoài 90) là “chú” xưng “cháu”. Trong câu chuyện cởi mở, thân tình, ông Tạ Quang Ngọc kể cho tôi nghe một số chuyện về người cha của mình. Ông Ngọc còn về nhà mang sang cho tôi khá nhiều tư liệu, bài viết, hồi ký, ảnh của cha mình... Thì ra, ông Tạ Quang Ngọc là con của nhà báo Tạ Quang Đạm-nhà báo lão thành cách mạng, vốn là bạn đồng nghiệp với cụ Đặng Minh Phương ở tòa soạn Báo Nhân Dân thời kỳ đầu.

Nhà báo Tạ Quang Đạm tên thật là Tạ Quang Đệ (1913-1999). Ông sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống Nho học ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Bố là Tạ Quang Diễm, một nhà trí thức yêu nước, mẹ là nữ sĩ Sầm Phố vang bóng một thời, anh ruột là Giáo sư Tạ Quang Bửu, nhà khoa học, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo). Truyền thống gia đình của ông là: Học tại nhà, cha dạy con chữ. Hiện ở nhà thờ họ Tạ vẫn còn bức hoành sơn với 5 chữ “Phụ giáo tử đăng khoa” (cha dạy con thi đỗ). Người thầy đầu tiên về chữ Hán, cũng là về viết báo của cậu bé 14 tuổi Tạ Quang Đệ chính là nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu.

Trong một bài tự thuật về cuộc đời làm báo của mình, nhà báo Tạ Quang Đạm từng viết: “Năm 1927, Báo Tiếng Dân ra đời do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ nhiệm, cụ Phan Bội Châu là một cộng tác viên nhiệt tình. Nhưng cách viết của cụ rất lạ, cứ nghĩ trong đầu, nghĩ đến đâu đọc cho tôi viết đến đấy. Công việc diễn ra trong một khung cảnh khá nên thơ, không phải trong thư phòng mà trong một chiếc đò bập bềnh trên sông Hương... Tôi ở với cụ Phan từ năm 1926 đến 1928. Việc tiếp xúc, ghi chép cho cụ Phan đã tạo cho tôi sự thích thú ban đầu với công việc viết lách và hoạt động báo chí”.

leftcenterrightdel

Nhà báo Tạ Quang Đạm (1913-1999).         

Với tinh thần ham học từ nhỏ, là người có học vấn uyên thâm nên nhà báo Quang Đạm từng được các đồng nghiệp ví như "cuốn từ điển sống" trong thế hệ những nhà báo đầu tiên của Báo Nhân Dân. Ông còn là một dịch giả nổi tiếng trong làng dịch thuật ở nước ta lúc bấy giờ. Điều đặc biệt ở nhà báo Quang Đạm là buổi đầu đi theo cách mạng không phải ông làm báo ngay, mà làm... mật mã. Sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám, năm 1945, ông chuyển công tác từ miền Trung ra Hà Nội, về làm ở Phòng Thông tin liên lạc thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Ông được tổ chức phân công phụ trách công tác mật mã, đảm nhiệm việc xây dựng luật, mạng lưới mật mã từ Trung ương đến địa phương. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông được điều động sang làm biên dịch ở Văn phòng Trung ương Đảng. 

Bước khởi đầu nghề báo của nhà báo Quang Đạm cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đặc biệt, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đảng năm 1947, Tổng Bí thư Trường Chinh bảo anh em trong văn phòng, mỗi người viết một bài dán lên liếp, đồng chí xem khắp lượt, chỉ bài của Quang Đạm, bảo: “Bài này được. Thôi, anh phụ trách tờ báo liếp này. Anh cũng đặt luôn tên cho tờ báo, muốn đặt gì thì đặt”. Sau khi hỏi ý kiến anh em, cuối cùng tờ báo liếp có tên: "Bảo nhau". Rồi tờ báo giấy Sự thật-Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng chính thức ra đời (tiền thân của Báo Nhân Dân hiện nay), đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh kiêm Chủ nhiệm tờ báo quyết định đưa Quang Đạm vào Ban Biên tập, mặc dù lúc ấy chưa phải đảng viên chính thức.

Tờ báo Sự thật ra đời chưa được bao lâu thì nhà báo trẻ Quang Đạm vinh dự được Bác Hồ gọi vào cho ý kiến để viết bài. Bác hỏi: "Chú làm gì? Trước chú có viết báo không?". Quang Đạm trả lời: "Thưa Bác, cháu chưa viết báo. Trước cháu làm hướng đạo, thời kỳ ở Phòng Thông tin liên lạc, cháu chuyên làm mật mã". Bác nói: "Trước chú làm mật mã tức là chú viết một cái gì mà không ai nắm được luật thì không hiểu được, không đọc được, không sử dụng được. Bây giờ làm Báo Sự thật thì chú phải làm ngược lại. Chú phải viết thế nào cho ai cũng hiểu được". Bài học đầu tiên ấy của Bác với nhà báo Quang Đạm khi mới bước vào nghề làm ông nhớ mãi và thường suy nghĩ để làm đúng như thế trong quãng đời làm báo của mình.

 Đầu năm 1948, ở Chiến khu Việt Bắc, một số địa phương phản ánh về là có mâu thuẫn khá gay gắt giữa hành chính và tư pháp. Cây bút chính luận Quang Đạm được đồng chí Trường Chinh phân công nắm tình hình và viết bài phê bình trên Báo Sự thật. Hai bài của ông ngày đó là: "Tư pháp với Nhà nước" (đăng ngày 15-4-1948) và "Tính chất chuyên môn trong tư pháp" (đăng 19-5-1948), có tiếng vang khá lớn ở các địa phương, giới hành chính hưởng ứng, nhiều đảng bộ và tổ chức Việt Minh cấp tỉnh phản ánh lên Trung ương sự đồng tình của đông đảo bạn đọc. Tuy nhiên, cũng có một số người trong giới luật gia lại không đồng tình, tỏ rõ quan điểm trên Báo Độc lập.

Cuộc tranh luận kéo dài 8 tháng giữa hai báo. Chỗ khác nhau là một bên nhấn mạnh vào ý nghĩa và nguyên tắc tập trung dân chủ, còn một bên thì nhấn mạnh vào ý nghĩa và nguyên tắc tam quyền phân lập và tư pháp độc lập. Qua vài ba trao đổi thêm, Quang Đạm viết "Vài điều căn bản về tư pháp", đăng Báo Sự thật ngày 15-11-1948. Tiếp đến, theo kế hoạch của Ban Biên tập, nhân kỷ niệm Ngày Toàn quốc kháng chiến, ông có bài "Nhiệm vụ của tư pháp Việt Nam" (ngày 19-12-1948), nêu 4 điều cơ bản và quan trọng hàng đầu cần đạt tới: Lý luận về tư pháp hoàn toàn Việt Nam; một bộ luật hoàn chỉnh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; một tập thể cán bộ tư pháp trung thành với nhân dân; mối quan hệ chặt chẽ giữa hành chính-kháng chiến với tư pháp. Vậy là cuộc luận chiến kết thúc đúng lúc!

leftcenterrightdel

Bác Hồ thăm Báo Sự thật tại Chiến khu Việt Bắc (nhà báo Quang Đạm, ngoài cùng, bên phải). Ảnh tư liệu của gia đình ông Tạ Quang Ngọc cung cấp

Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, tuy không trực tiếp phụ trách Ban Văn học, nhưng cây bút lý luận Tạ Quang Đạm lại được Ban Biên tập Báo Nhân Dân phân công viết bài phản bác lại những quan điểm trái với đường lối chính sách của Đảng về văn học-nghệ thuật. Bài "Quan hệ giữa chính trị và văn nghệ" (đăng Báo Nhân Dân ngày 1-10-1956) phê phán luận điểm về "sự lợi dụng lẫn nhau giữa văn nghệ và chính trị", cũng như luận điểm về chủ trương "nói thẳng, nói hết, không sợ địch lợi dụng". Bài báo đã có tiếng vang sâu rộng trong công chúng. Về sau ông còn viết tiếp những bài khác được đông đảo nhân dân lao động và giới trí thức đồng tình. Vào đầu năm 1960, có những quan điểm bất đồng trong phong trào cộng sản quốc tế, Ban Biên tập Báo Nhân Dân lại giao Quang Đạm viết loạt bài đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại hiện đại, được dư luận quan tâm. 

Cả cuộc đời làm báo, nhà báo Quang Đạm luôn tận tụy với công việc, hết lòng vì độc giả, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Ông để lại nhiều tác phẩm giá trị, trong đó có những tác phẩm như công trình khảo cứu: “Nho giáo xưa và nay” (1993), “Tư văn qua các triều đại” (2006); đặc biệt cuốn “Một nghề đáng quý” (2010), tập hợp hơn 50 bài viết và công trình tiêu biểu của nhà báo Quang Đạm, trong đó có bài viết nổi tiếng: “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đối với những người viết báo Việt Nam”...

Ngày nhà báo Tạ Quang Đạm đi vào “thế giới người hiền”, nhà báo kỳ cựu Phan Quang, trong một bài báo, có đoạn viết: “... Anh Quang Đạm vẫn nhận anh là người tự học (bọn trẻ chúng tôi ngày ấy nói vui với nhau: Một người đại tự học). Có lẽ do truyền thống dòng họ như anh từng nói, song tôi nghĩ trước hết là do sự cần mẫn, mẫu mực của anh cộng với trí thông minh xuất chúng. Kiến thức của anh không ngừng được bồi bổ cùng với tháng ngày qua học tập và lao động miệt mài”.

PHẠM QUANG ĐẨU