QĐND - Từ khi ra đời đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước ngày càng hội nhập sâu, rộng với thế giới cùng nhiều thuận lợi cũng như thách thức, báo chí cách mạng Việt Nam càng giữ vững vai trò là vũ khí sắc bén, đấu tranh chống quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925/21-6-2015), phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XIII, về những đóng góp của báo chí cách mạng và một số vấn đề của báo chí Việt Nam hiện nay.

Phóng viên (PV): Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, ông có thể khái quát vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đặc biệt từ giai đoạn Đổi mới đến nay?

Ông Hà Minh Huệ: Năm 2000, Bộ Chính trị quyết định lấy ngày 21-6, là ngày tờ Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra số đầu tiên (21-6-1925) làm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Trong 90 năm qua, báo chí đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng và quan trọng nhất là luôn đồng hành cùng dân tộc, phục vụ nhân dân, có nhiều đóng góp vào thành công chung của đất nước.

Những năm trước cách mạng, báo chí tham gia tuyên truyền lý tưởng cách mạng. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đội quân báo chí cách mạng trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận chính trị, tư tưởng, thậm chí tham gia cầm súng trong khi tác nghiệp trên chiến trường. Một thí dụ điển hình, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức tác nghiệp, in ấn, phát hành 33 số báo ngay trên chiến trường. Để có được những dòng tin, bức ảnh, thước phim thời sự về cuộc chiến đấu của nhân dân ta, vì thắng lợi cuối cùng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhiều nhà báo đã ngã xuống, hoặc chịu thương tích suốt đời. Trong hai cuộc kháng chiến, cả nước đã có gần 400 nhà báo hy sinh trên chiến trường. Một sự hy sinh cao cả.

Trong thời kỳ Đổi mới, báo chí đã phát huy bản lĩnh cách mạng, vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng chính trị, đã tạo ra làn sóng mới với tinh thần nói thẳng nói thật, nói đi đôi với làm, mạnh mẽ và hiệu quả, đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội. Báo chí ngày càng thực hiện tốt chức năng thông tin, phản biện xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Báo chí thời kỳ đổi mới cũng làm tốt công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền về đất nước, con người Việt Nam để bạn bè quốc tế hiểu rõ Việt Nam hơn. Báo chí đã tích cực và hiệu quả trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống Đảng và Nhà nước ta.

Nói về thành tựu thì còn nhiều, nhưng sẽ thiếu nếu không nhắc đến những sai phạm, yếu kém của chính đội ngũ báo chí, người làm báo chúng ta trong giai đoạn hiện nay. Đó là tình trạng một bộ phận báo chí mắc sai phạm, vi phạm quy định của pháp luật, có xu hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo cơ chế thị trường, thông tin mang tính giật gân, câu khách v.v.. Một số nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, luật pháp trong tác nghiệp, trong cuộc sống để rồi bị xử lý.

Ông Hà Minh Huệ. Ảnh Huy Quân 

PV: Trong một xã hội có tốc độ hội nhập nhanh, rộng như hiện nay, báo chí là kênh thông tin đối ngoại quan trọng. Ông có thể đánh giá đóng góp của báo chí Việt Nam đối với việc thông tin ra thế giới những quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, của Nhà nước, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam?

Ông Hà Minh Huệ: Thông tin đối ngoại là một mảng công tác lớn của báo chí, giúp người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài hiểu rõ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ta; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phương tiện kỹ thuật, báo chí đã phát huy vai trò là lực lượng hữu hiệu để tuyên truyền chính sách đối ngoại rộng mở, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước của Đảng và Nhà nước ta. Binh chủng báo chí, đội ngũ nhà báo làm công tác thông tin đối ngoại ngày càng được mở rộng, chất lượng và hiệu quả ngày một nâng cao. Trước đây, chỉ có báo chí in dưới dạng báo ảnh và bản tin là hình thức chính làm công tác thông tin đối ngoại. Nay binh chủng đó lớn hơn, bên cạnh các kênh truyền hình, phát thanh bằng tiếng nước ngoài còn có báo chí điện tử, một loại hình báo chí kết hợp sử dụng các phương tiện nghe-nhìn, hình ảnh động rất hiệu quả, không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Hầu hết các cơ quan báo chí đều ra báo điện tử bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung… để thu hút và phục vụ mọi đối tượng. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Kênh Truyền hình Vnews của TTXVN đều có những chương trình đối ngoại bằng nhiều thứ tiếng, phát liên tục ngày đêm.

Nhờ luồng thông tin đối ngoại phong phú đó mà bạn bè, nhân dân các nước hiểu chúng ta hơn, ủng hộ chúng ta mạnh mẽ hơn. Tôi xin nêu một vài thí dụ. Mặc dù các thế lực chống đối luôn rêu rao về cái gọi là “hồ sơ thành tích nhân quyền nghèo nàn” của Việt Nam trên mọi diễn đàn, nhưng khi bỏ phiếu tại Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam lại được đa số nước ủng hộ, bầu Việt Nam làm thành viên. Trước đây, nói đến Việt Nam, người nước ngoài chỉ nhớ đến các cuộc chiến tranh. Nhưng nay thì khác, nói đến Việt Nam là người ta nói nhiều đến những thành tựu của đổi mới, thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, đến các địa danh du lịch như Hạ Long, Nha Trang, Mũi Né, Sơn Đoòng, rồi cả món phở nữa. Có được những điều đó, trước hết là nhờ hiệu quả của công tác thông tin đối ngoại, sự đóng góp của báo chí.

PV: Khi internet ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam và đang ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống, bên cạnh những thông tin tốt, mang tính xây dựng, còn không ít những thông tin mang giọng điệu thù địch, với âm mưu “diễn biến hòa bình”, chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Theo ông, báo chí Việt Nam cần tiếp tục làm gì để đẩy mạnh đấu tranh chống lại những luận điểm sai trái ấy?

Ông Hà Minh Huệ: Internet - mạng toàn cầu là phát minh vĩ đại của thế kỷ XX, giúp liên kết công dân toàn cầu, thu hẹp không gian và thời gian. Thế giới dường như thu nhỏ lại, bởi có vụ việc gì diễn ra bên nửa kia bán cầu thì ngay tức khắc bên bán cầu này đã được biết đến và phản ứng mau lẹ. Internet được kết nối ở Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước và ngay lập tức phát huy, ngày càng được mở rộng. Và như chúng ta đều nhận thấy, bên cạnh mặt tích cực, vì mục đích thân thiện, hòa bình, hữu nghị được khai thác, internet còn bị lợi dụng để tuyên truyền chống phá, bôi nhọ, bôi xấu hình ảnh Việt Nam vì mục tiêu “diễn biến hòa bình”. Nhiều thông tin độc hại khác cũng được đưa lên, thông qua mạng xã hội. Tác hại của nó thì quá rõ. Ngay cả các nước phương Tây cũng ớn mạng xã hội. Trong các cuộc cách mạng màu ở Đông Âu, các phong trào chống đối ở Mỹ, Anh, Pháp, Trung Đông, mạng xã hội được sử dụng tích cực để tuyên truyền, tập hợp lực lượng. Còn ở Việt Nam, thì đúng như phóng viên nhận xét, bên cạnh những thông tin tốt, mang tính xây dựng, còn không ít những thông tin giọng điệu thù địch, với các âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình” để công kích, chống phá công cuộc xây dựng ở đất nước ta. Những loại thông tin như thế càng xuất hiện nhiều khi đất nước bước vào thời điểm quan trọng, cụ thể như khi chúng ta tổ chức lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp năm 1992, giai đoạn chuẩn bị đại hội Đảng toàn quốc hiện nay...

Để đấu tranh chống lại các thủ đoạn đó, thời gian qua, các cơ quan báo chí chính thức của chúng ta đã chủ động tổ chức những tuyến tin, bài có sức thuyết phục và đạt hiệu quả cao, làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và chống đối. Báo chí sử dụng tốt hơn nữa các kênh, các phương tiện thông tin của mình, trong đó có thông tin điện tử, kể cả mạng xã hội, để đẩy mạnh thông tin, trước hết là thông tin đúng, đủ về tình hình của đất nước, không né tránh yếu kém, khuyết điểm, nhưng phải phản ánh đúng hình ảnh đất nước đang đổi mới. Thế giới ca ngợi công cuộc đổi mới, sự phát triển của nước ta, còn báo chí chỉ đưa thông tin về những mặt tiêu cực. Bây giờ ranh giới thông tin đối ngoại, đối nội gần như không còn, nên các cơ quan báo chí cần cân nhắc kỹ khi thông tin, làm thế nào để có lợi cho đất nước.

Ngoài ra, thông tin phản bác phải có lập luận vững chắc, chứng cứ cụ thể. Bản thân các nhà báo phải vững vàng về nhận thức, tích cực rèn luyện, nắm vững đường lối, chủ trương, đường lối, chiến lược, sách lược của Đảng trong từng thời kỳ, thời điểm. Tất nhiên, nghiệp vụ báo chí cần phải giỏi, mới có sức thuyết phục.

PV: Trong lịch sử 90 năm phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng. Theo ông, để tiếp tục cống hiến xứng đáng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, hội cần làm gì?

Ông Hà Minh Huệ: Hội Nhà báo Việt Nam “trẻ” hơn so với báo chí cách mạng, mới có 65 tuổi. Ngày 21-4-1950, Hội Những người viết báo Việt Nam-nay là Hội Nhà báo Việt Nam ra đời tại thôn Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Hội là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp của tất cả những người làm báo trong cả nước, làm nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết, phát huy tính sáng tạo trong hoạt động báo chí để phục vụ tốt nhất sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đóng góp của hội trước hết phải nói đến đóng góp trong công tác thông tin báo chí. Hơn 22.000 hội viên, trong đó đa số là các nhà báo làm việc trong các cơ quan báo chí, hằng ngày, hằng giờ cung cấp không ngừng nghỉ luồng thông tin nóng hổi trên các phương tiện báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Đội ngũ nhà báo-hội viên được tạo điều kiện hành nghề, được trang bị kiến thức chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp v.v.. Để tiếp tục cống hiến xứng đáng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, hội cần siết chặt đội ngũ, tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp để thông tin chính thống của chúng ta phải là luồng thông tin chủ lưu, chủ động phản ánh mang tính định hướng dư luận theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và tuân thủ pháp luật. Các nhà báo phải tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Hội có trách nhiệm tổ chức các hình thức đào tạo, các cuộc hội thảo, tọa đàm để tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm đối với xã hội, nghĩa vụ công dân và phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

TUẤN ANH - HUY QUÂN (thực hiện)