Từ khi hòa bình được lập lại trên miền Bắc năm 1954, nhận rõ âm mưu phá hoại Hiệp định Geneva của ngụy quyền Sài Gòn và sự can thiệp của đế quốc Mỹ hòng chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam, Trung ương Đảng dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp Hội nghị lần thứ 15, khóa III (tháng 1-1959) và ra nghị quyết chuyên đề về cách mạng miền Nam, trong đó xác định rõ: Con đường cách mạng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là: Bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang để đánh đổ ách thống trị của đế quốc-phong kiến; trước mắt là đánh đổ tập đoàn Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thiết lập chính quyền cách mạng. Đồng thời, miền Bắc khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội và là hậu phương vững chắc cho quân và dân miền Nam, cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Việc cấp thiết đầu tiên là phải mở các tuyến đường từ miền Bắc vào miền Nam để thực hiện sự chi viện nhân lực, vật lực cho cách mạng miền Nam.
Thực hiện nhiệm vụ trọng đại đó, sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15 (khóa III), đầu năm 1959, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào Quảng Bình. Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời đồng chí Trần Sự, Tỉnh đội trưởng Quảng Bình đến làm việc. Tại buổi làm việc hôm đó, tấm bản đồ Quảng Bình tỷ lệ 1/100.000 được trải trên bàn.
Theo đồng chí Trần Sự sau này kể lại, hôm ấy, Đại tướng chăm chú nhìn bản đồ và hỏi về các tuyến đường trên đất Quảng Bình, đặc biệt là tuyến miền Tây đi qua U Bò, Ba Rền, Cà Roòng... Đồng chí Trần Sự báo cáo với Đại tướng: Tuyến đường này đầu năm 1948, đoàn các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Ngọc Thạch, Lê Hiến Mai đã đi qua trên đường từ Bắc vào Nam.
Nghe đồng chí Trần Sự báo cáo, Đại tướng chăm chú xem bình độ các ngọn núi, quả đồi trên toàn tuyến phía Tây tỉnh Quảng Bình và nói: Tốt, tốt lắm!
Phải chăng đây là chuyến đi quan trọng cho một quyết định có tầm chiến lược: Mở đường 559. Quả đúng như vậy, tháng 5-1959, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã có nghị quyết về mở tuyến đường chi viện cho chiến trường miền Nam.
Quảng Bình là một tỉnh nghèo. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đây là vùng tạm chiếm với hậu quả chiến tranh rất nặng nề. Bước ra khỏi chiến tranh, nhân dân Quảng Bình tập trung mọi nguồn lực, vừa phải ra sức khắc phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phải nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm, khôi phục kinh tế, ổn định cuộc sống của nhân dân. Cùng lúc phải khẩn trương thành lập chính quyền, các tổ chức đoàn thể, nhất là các vùng tạm chiếm, để điều hành, ổn định an ninh, trật tự xã hội. Đồng thời, nhanh chóng củng cố lực lượng vũ trang để bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân....
Ngày 16-6-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thăm tỉnh Quảng Bình. Bác căn dặn: Phải đoàn kết, phải đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân. Bác nhấn mạnh: "Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam, mọi việc làm tốt hay xấu của các cô, các chú ở đây đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều có ảnh hưởng đến bảo vệ miền Bắc...". Lời căn dặn của Bác đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Bình đã thổi bùng lên khí thế cách mạng, truyền thống quật khởi của địa phương để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong lúc từng nhóm cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559, do đồng chí Võ Bẩm làm Đoàn trưởng, vượt mọi khó khăn, hiểm nguy, xoi đường từ phía Tây tỉnh Quảng Bình vượt dốc cao suối sâu mở từng chặng đường đặt trạm giao liên vào Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam...; thì ở Tây Nam tỉnh Quảng Bình, quân và dân tỉnh này cùng Quân khu 4 mở các tuyến đường từ huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đến các vị trí tập kết hàng của Đoàn 559 để chuyển vào Nam.
Ngày 19-5-1959, Quảng Bình và Quân khu 4 huy động 1.000 người gồm dân công, mà nòng cốt là lực lượng dân quân du kích và bộ đội Sư đoàn 325 mở đường từ Thạch Bàn (Lệ Thủy) vào Khe Hó (Vĩnh Linh, Quảng Trị) lúc này là sở chỉ huy tiền phương của Đoàn 559. Sau một thời gian ngắn đã hoàn thành và đã đưa chuyến hàng đầu tiên tập kết tại Bãi Hà (phía Tây huyện Vĩnh Linh) để Đoàn 559 đưa vào chiến trường Trị-Thiên.
Ngày mồng 5 Tết Canh Tý 1960, 200 dân công huyện Lệ Thủy chuyển chuyến hàng đầu tiên vào Bang (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy). Tiếp đó, 3.000 dân công các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy liên tục 20 ngày vận chuyển được 160 tấn hàng vào Bang để Đoàn 559 tiếp tục đưa hàng vào chiến trường.
    |
 |
Di tích lịch sử Bến phà Long Đại (tỉnh Quảng Bình) - nơi từng là "tọa độ lửa" trên tuyến đường Trường Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: MINH TÚ
|
Cùng với việc làm đường, chuyển hàng vào sở chỉ huy tiền phương của Đoàn 559 ở Khe Hó, sau chuyển ra Làng Ho (Quảng Bình) để Đoàn 559 tiếp tục chuyển vào chi viện cho chiến trường Trị-Thiên và Quảng Nam, Tỉnh ủy Quảng Bình đã cử một đoàn thông thạo địa hình miền Tây Nam Quảng Bình do đồng chí Võ Văn Ấp, Trưởng ty Giao thông-Bưu điện dẫn đầu, đi khảo sát chuẩn bị mở đường Tây Trường Sơn vượt đỉnh 1001 vào Cù Bai (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).
Nếu việc mở đường bộ từ huyện Lệ Thủy vào các địa điểm tập kết vũ khí, lương thực, thuốc men... ở Làng Ho có sự tham gia của hàng nghìn dân công và bộ đội, làm liên tục ngày đêm, hào hứng, sôi nổi thì việc chuẩn bị mở tuyến đường biển được tiến hành một cách thầm lặng. Tỉnh đội Quảng Bình và Sư đoàn 325 được giao nhiệm vụ giúp Tổng cục Hậu cần (nay là Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật) thành lập Tiểu đoàn 603 mang mật danh "Tập đoàn đánh cá sông Gianh" tại thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Sau một thời gian ngắn được sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân địa phương đã chuẩn bị xong nhân lực, đóng thuyền, sắm ngư cụ, ngụy trang thành thuyền đánh cá, chở vũ khí vào các tỉnh Nam Trung Bộ. Tháng 11-1959, đoàn được lệnh xuất phát, chuyến đầu tiên chở 10 tấn hàng, vũ khí. Khi đoàn đến gần vùng biển Nam Trung Bộ thì gặp gió to, sóng lớn và mắc đá ngầm, thuyền bị dạt vào bờ... chuyến đi không thành công. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ đều bị địch bắt. Kinh nghiệm này đã được Bộ tư lệnh Hải quân đúc rút làm bài học quý báu để mở Đường Hồ Chí Minh trên biển sau này.
Nhân đây, tôi xin phép được kể một chuyện mở đường hàng không chi viện cho miền Nam. Đó là tháng 2-1960, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào Quảng Bình kiểm tra Đường 16. Đại tướng vui mừng và cảm ơn, động viên cán bộ, chiến sĩ, dân công đã làm nên những con đường huyết mạch để những đoàn xe đêm đêm chở vũ khí, thuốc men, lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau đó mấy ngày, Bộ Quốc phòng đã điều một máy bay cánh quạt vào sân bay Đồng Hới để bay thử nghiệm đưa hàng xuống Làng Ho do đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, khi đó là Phó tổng Tham mưu trưởng tham gia chuyến bay thử nghiệm đầu tiên này.
Hàng được lấy từ sân bay Đồng Hới, chủ yếu là gạo, thực phẩm và một ít vũ khí, thuốc men. Trong đêm tối, máy bay bay về phía Tây Nam huyện Lệ Thủy. Sau ít phút, đến tọa độ, máy bay lượn vòng thả hàng và bay về sân bay Đồng Hới an toàn. Lúc bấy giờ, bay đêm trong điều kiện bí mật là một thách thức lớn đối với phi công.
Tháng 7-1964, sau những ngày tháng huấn luyện tại Lữ đoàn 338 ở Thọ Xuân, Thanh Hóa, tôi vào chiến trường B và được phân về công tác tại Phòng Chính trị-Phân khu Bắc làm phóng viên chiến trường của Báo Quân đội giải phóng Trị-Thiên (lúc này, Trị-Thiên là Phân khu Bắc, thuộc Quân khu 5).
Đơn vị Quân giải phóng đầu tiên tôi đến công tác là Tiểu đoàn 1. Ở đây, hầu hết cán bộ cấp tiểu đội, chiến sĩ đều là con em quê ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa..., có những đơn vị cấp phân đội vào chiến trường Trị-Thiên từ năm 1963. Những năm sau đó, chiến trường Trị-Thiên phát triển, thành lập Quân khu Trị-Thiên và lực lượng Quân giải phóng từ các phân đội đến các tiểu đoàn và phát triển thành trung đoàn.
Trung đoàn 6 (Trung đoàn Phú Xuân) là trung đoàn Quân giải phóng đầu tiên của Quân khu Trị-Thiên. Những người con quê hương ở Đặc khu Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa vào chiến trường Trị-Thiên những năm đầu thập niên 1960 và sau được tiếp tục bổ sung... đã bền gan chiến đấu, phát triển, trưởng thành cùng Trung đoàn 6. Sau này, nhiều đồng chí là sĩ quan cao cấp, tướng lĩnh giữ trọng trách của Quân khu 4 và Quân đội nhân dân Việt Nam.
Như vậy, những ngày tháng đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, sự chỉ đạo của Quân khu 4 và Tỉnh ủy Quảng Bình, quân và dân tỉnh Quảng Bình (tuyến đầu của Quân khu 4) đã mở 3 tuyến đường-có tuyến là thử nghiệm. Đó là tuyến đường bộ từ Tây Nam huyện Lệ Thủy vào Làng Ho, sở chỉ huy tiền phương của Đoàn 559 và chuyển hàng chục tấn hàng vào đây để bộ đội Đoàn 559 chuyển tiếp vào Trị-Thiên, Quân khu 5. Đó là tuyến đường biển, xuất phát từ thôn Thanh Khê (Thanh Trạch, Bố Trạch) chở vũ khí, thuốc men vào Nam Trung Bộ dù không thành công nhưng để lại những bài học quý báu cho Bộ tư lệnh Hải quân tiếp tục mở Đường Hồ Chí Minh trên biển thắng lợi. Đó là đường hàng không với chuyến bay thử nghiệm vận chuyển hàng từ sân bay Đồng Hới đến Tây Nam huyện Lệ Thủy thành công.
Cùng với công việc mở những tuyến đường huyết mạch, hàng nghìn thanh niên quê hương Quảng Bình công tác ở các đơn vị thuộc Quân khu 4 đã đi B để chi viện cho chiến trường Trị-Thiên, góp phần quan trọng phát triển lực lượng Quân giải phóng tại đây và làm nên những chiến công vang dội, mà đỉnh cao là Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Những mẩu chuyện trên đây là những mảnh ghép đầu tiên, tuy chưa đầy đủ, của một bức tranh hoành tráng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Quân khu 4 anh hùng, nhưng phần nào đã nói lên đóng góp của quân và dân Quảng Bình-hậu phương vững chắc của chiến trường Trị-Thiên khói lửa.
Thiếu tướng PHAN KHẮC HẢI