Chiến trường vẫy gọi

Hôm nay, trong căn nhà của mình trên phố Trần Khánh Dư, phường Phả Lại (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương), CCB Phạm Văn Phận được đón ông Phạm Huy Hiền, em trai của một người đồng đội đã ngã xuống trên vùng đất Tam Quan (Hoài Nhơn, Bình Định), đó là liệt sĩ Phạm Huy Đức. Với đôi mắt ngấn lệ, giọng kể đôi khi đứt quãng vì xúc động, ông Phận nhớ về những kỷ niệm đã ăn sâu vào máu thịt mình suốt hàng chục năm qua...

Ông Phạm Văn Phận sinh năm 1952, quê ở xã Nhân Huệ, huyện Chí Linh (nay là TP Chí Linh). Ngày 18-4-1970, Phạm Văn Phận nhập ngũ cùng Phạm Huy Đức, đều được biên chế về Tiểu đoàn 21, Binh chủng Đặc công, huấn luyện tại Thủy Nguyên (Hải Phòng). Để được lên đường đánh giặc, Phạm Huy Đức-chàng thanh niên ở thôn Tiền Trung, xã Ái Quốc (huyện Nam Sách), nay là phường Ái Quốc, TP Hải Dương-đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ tới 3 lần. Hai lần trước, những lá đơn đều không được chấp thuận bởi Phạm Huy Đức đang học cấp 3 và có anh trai là Phạm Huy Khanh đã nhập ngũ, đang chiến đấu ở Mặt trận phía Nam.   

“Trong những ngày nóng lòng chờ gọi nhập ngũ, anh Đức vẫn bảo em rằng không đi nhanh thì chỉ có vào chiến trường nhặt ống bơ. Em vẫn nhớ khi huấn luyện ở Thủy Nguyên, hòm thư của đơn vị các anh là 580585-JH21-HP”, ông Phạm Huy Hiền tâm sự.

Hơn 6 tháng huấn luyện gian khổ với cường độ cao, ngày 1-1-1971, sau khi nhận thêm quân tư trang, đơn vị của Phạm Văn Phận và Phạm Huy Đức hành quân về ga Dụ Nghĩa (Hải Phòng), lên tàu vào miền Nam để bổ sung cho Tiểu đoàn Đặc công 403, Quân khu 5.

“Khi tàu sắp đến ga Tiền Trung, Phạm Huy Đức ra đứng ở phía cửa lên xuống của toa tàu, tôi đứng phía sau Đức. Ngang ga Tiền Trung, tôi thấy Đức gọi to: “Lan ơi, anh Đức đây. Anh vào miền Nam chiến đấu đây”. Phía dưới Quốc lộ 5, một cô gái đang đi xe đạp ngước nhìn lên rồi guồng chân đạp theo, miệng mếu máo gọi to: “Anh Đức ơi!”. Đó là một trong những hình ảnh luôn khiến tôi xúc động khi nhớ lại”, CCB Phạm Văn Phận nghẹn giọng. Cô gái tên Lan ấy là người cùng làng với Phạm Huy Đức, có hai anh trai cũng đang chiến đấu ở miền Nam.

Sở dĩ sắp đến ga Tiền Trung thì Phạm Huy Đức ra đứng ở cửa toa tàu, bởi anh muốn ngắm nhìn lại nơi bố mẹ và anh chị em mình sinh sống, ngắm cánh đồng bát ngát và những con đường hằn in dấu chân của tuổi thơ thêm một lần nữa, để cất giữ những hình ảnh thân thuộc ấy vào ký ức trước khi đến với chiến trường ác liệt.

Khi tàu đến ga Hải Dương, Phạm Huy Đức xin phép chỉ huy xuống sân ga, vì ở đó có người em trai Phạm Huy Hiền đang đứng đợi. Chỉ kịp dúi vào tay Hiền cuốn sách võ thuật, chiếc dây lưng bộ đội kèm theo lời dặn dò “hai anh trai đều đi chiến đấu, ở nhà chỉ còn mình em là con trai, cố gắng giúp đỡ bố mẹ, các chị và em gái”, rồi Phạm Huy Đức vội vã trở lại tàu.

Còi xe lửa hú vang, khói từ đầu máy hơi nước khùng khục phun ra trắng xóa, tàu dần chuyển bánh. Phạm Huy Đức nhoài người qua cửa sổ toa tàu, vẫy vẫy chiếc khăn mùi soa trắng. Phạm Huy Hiền bùi ngùi nhìn theo cho đến khi đoàn tàu khuất dạng. Đó là những hình ảnh cuối cùng về người anh trai, 54 năm qua vẫn hiện rõ mồn một trong ký ức, thi thoảng còn trở về trong những giấc mơ của ông Phạm Huy Hiền.

leftcenterrightdel

 Cựu chiến binh Phạm Văn Phận (bên trái) kể về những năm tháng chiến đấu ở Tam Quan (Hoài Nhơn, Bình Định) với ông Phạm Huy Hiền.Ảnh: HOÀNG HÀ 

 Trận đánh bi hùng

Đầu năm 1971, Phạm Văn Phận, Phạm Huy Đức và các đồng đội có mặt ở chiến trường. Tiểu đoàn 403 đảm nhiệm tác chiến ở Nam Quảng Ngãi đến Bắc Bình Định. Hậu cứ của đơn vị ở một cánh rừng bên cạnh cánh đồng Sa Lung, xã Ba Trang (Ba Tơ, Quảng Ngãi). Phạm Huy Đức được đồng đội đặt cho biệt danh “Đức răng vàng” bởi anh có chiếc răng bị sâu, đã nhổ trước khi vào miền Nam chiến đấu và thay vào đó là một chiếc răng giả. “Đức răng vàng” cao to, nhanh nhẹn, khỏe mạnh nên thường không nề hà giúp những đồng đội “nhỏ con” hơn khi mang vác vật chất trong những lúc hành quân.

“Thời gian đầu, chúng tôi tổ chức một số trận đánh nhỏ ở Đức Phổ và Mộ Đức (Quảng Ngãi). Sau đó, giữa tháng 10-1971, để chuẩn bị chiến trường, một số cán bộ, chiến sĩ đã đi trinh sát cứ điểm quận lỵ Tam Quan và một trận đánh ác liệt đã diễn ra”, CCB Phạm Văn Phận nhớ lại.

Đêm 14-10-1971, nhóm trinh sát do Đại úy Đặng Văn Huân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 403 trực tiếp chỉ huy đã bí mật tiếp cận cứ điểm quận lỵ Tam Quan, nắm tình hình và cách bố phòng của địch, sau đó rút ra bãi sú dọc bờ biển an toàn lúc 3 giờ ngày 15-10. Tuy nhiên, có một du kích địa phương đã chỉ điểm cho địch vị trí ẩn náu của nhóm trinh sát nên sáng sớm hôm đó, địch cho máy bay trực thăng tới quần thảo, bắn phá và đổ quân nhằm tiêu diệt lực lượng trinh sát của Tiểu đoàn 403 đang ở vị trí giấu quân.

CCB Phạm Văn Phận kể lại: “Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt. Riêng Phạm Huy Đức đã sử dụng súng tiểu liên AK bắn rơi 1 chiếc trực thăng, tiêu diệt 16 tên địch. Súng hết đạn, Đức bị thương nặng và bị địch bắt, đưa lên máy bay. Sau khi cất cánh về hướng bờ biển không lâu thì chiếc trực thăng bay vòng lại, hạ cánh rồi vứt anh ra bãi đáp. Phạm Huy Đức đã anh dũng hy sinh. Với chiến công và sự dũng cảm của mình, Đức xứng đáng là một anh hùng”.

Trong trận đánh không cân sức ấy, Tiểu đoàn trưởng Đặng Văn Huân, trinh sát Phạm Huy Đức cùng 5 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 403 đã vĩnh viễn nằm xuống mảnh đất Tam Quan.

Sau này, trên hành trình đi tìm hài cốt anh trai, ông Phạm Huy Hiền được ông Võ Đạm (tên thường gọi là Tám Đạm), người dân xã Tam Quan (nay là phường Tam Quan), kể lại: Sau trận đánh sáng 15-10-1971, địch đã cắm cọc, bêu xác 7 cán bộ, chiến sĩ trinh sát của ta nhằm dụ cán bộ cách mạng đến lấy thi thể và cũng là để thị uy sức mạnh.

Ông Võ Đạm cùng một số người dân địa phương khi đó đã đến xin thi thể các cán bộ, chiến sĩ về chôn cất; riêng ông Võ Đạm mang thi thể 5 cán bộ, chiến sĩ về mai táng tại vườn nhà. Năm 1980, thực hiện chủ trương đưa hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang, hài cốt của 5 cán bộ, chiến sĩ trong vườn nhà ông Võ Đạm đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tam Quan, với bia mộ đều mang dòng chữ “Bộ đội Đặc công vô danh”.

Sau nhiều năm kết nối thông tin, gia đình ông Phạm Huy Hiền đã thực hiện hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ Phạm Huy Đức.

“Sau khi nhổ chiếc răng sâu, anh Đức đã đưa cho tôi và nói giữ lại làm kỷ niệm. Chính chiếc răng ấy đã giúp gia đình tôi tìm được hài cốt của anh. Khi khai quật một ngôi mộ liệt sĩ “Bộ đội Đặc công vô danh”, có một chiếc răng bọc vàng trong đó, so sánh với chiếc răng sâu anh Đức đưa cho tôi giữ trước khi vào miền Nam chiến đấu thì hai chiếc răng giống hệt nhau”, ông Phạm Huy Hiền nghẹn ngào.

Năm 2002, hài cốt liệt sĩ Phạm Huy Đức đã được gia đình và đồng đội đưa về an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ phường Ái Quốc, TP Hải Dương. Cũng trong nghĩa trang này, có ngôi mộ gió của liệt sĩ Phạm Huy Khanh, hy sinh tháng 2-1968 tại chiến trường miền Nam, hiện nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Gia đình ông Hiền nhận được giấy báo tử của liệt sĩ Phạm Huy Đức năm 1973, một năm sau lại nhận giấy báo tử của liệt sĩ Phạm Huy Khanh. Năm 2014, mẹ của các ông là bà Trần Thị Cửu đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu vinh dự Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

leftcenterrightdel

Đồng đội và người thân đưa hài cốt liệt sĩ Phạm Huy Đức về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ phường Ái Quốc (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Ảnh do gia đình liệt sĩ cung cấp 

Nặng lòng với đồng đội, nhất là những người đã ngã xuống nên ngôi nhà của ông Phạm Văn Phận trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều gia đình đi tìm kiếm thông tin về liệt sĩ. Ông cũng đã nhiều lần trở lại chiến trường xưa để giúp các gia đình tìm liệt sĩ và cũng là để được “gặp lại” những đồng đội còn nằm lại nơi đây, thắp cho họ nén hương, rồi cùng nhau ngược miền ký ức trở về những ngày chiến tranh khói lửa.

Trời đã về trưa, những tia nắng hiếm hoi đầu xuân dần le lói, xua đi phần nào cái lạnh của mùa đông vẫn còn lưu luyến. Với cái bắt tay thật chặt, ông Phận nói những lời gan ruột với ông Hiền: “Anh luôn mong muốn sự hy sinh cùng những chiến công của Phạm Huy Đức và đồng đội được ghi nhận xứng đáng”.

Chiếc xe của ông Phạm Huy Hiền lăn bánh, khuất dần nơi cuối phố. CCB Phạm Văn Phận vẫn tần ngần đứng trước cổng nhà. Hình ảnh ấy lại gợi lên bóng cô gái tên Lan guồng chân đạp xe chạy theo đoàn tàu chở bộ đội vào miền Nam chiến đấu năm nào; hình ảnh ông Hiền đứng lặng trên sân ga nhìn theo cánh tay anh trai vẫy vẫy chiếc khăn mùi soa chào tạm biệt. Dường như những cuộc chia tay của người lính luôn là vậy, đều chất chứa những nỗi niềm...

Có lẽ, với những người lính, kỷ niệm về chiến trường, về những người đồng đội từng vào sinh ra tử trở thành một phần máu thịt. Trong họ luôn ăm ắp niềm tự hào, thương nhớ và cả những đau đáu chờ mong...

 PHẠM HOÀNG HÀ