Sinh ra và lớn lên tại xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà (nay thuộc TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), từ nhỏ, Nguyễn Thanh Triết đã sớm bộc lộ tài năng khi suốt 3 cấp học đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Nhiều năm liền, Nguyễn Thanh Triết đảm nhiệm vai trò lớp trưởng và Liên đội trưởng Đội Thanh niên xung phong, Bí thư Đoàn trường kiêm Bí thư Đoàn xã Thạch Hội. Ngày 16-1-1966, vừa tròn 19 tuổi, thanh niên Nguyễn Thanh Triết viết đơn tình nguyện lên đường vào Nam đánh Mỹ.
Sau thời gian huấn luyện tại Đại đội 53, Tiểu đoàn 31 đơn vị đặc công đóng quân ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), đơn vị ông lên đường đi chiến đấu tại Mặt trận B5. Ông được biên chế vào K12 đặc công-một trong những đơn vị chịu trách nhiệm mở vùng, luồn sâu, đánh hiểm vào những mục tiêu then chốt của địch.
Trong trận chiến ở Quất Xá (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), ngày 24-2-1969, Nguyễn Thanh Triết cùng đồng đội lần đầu tiên bước vào trận chiến giáp lá cà với quân địch. Với ý chí và lòng căm thù giặc, chỉ sau một đêm, đơn vị ông đã tiêu diệt và bắt sống nhiều lính Mỹ-ngụy, thu không ít vũ khí... Thắng lợi giòn giã nhưng K12 hy sinh 7 đồng chí. Lúc bấy giờ, Nguyễn Thanh Triết được giao ở lại canh thi thể đồng đội dưới làn mưa pháo và sự rà tìm của từng tốp trực thăng. Hai đêm, một ngày ngồi nhịn đói bảo vệ thi thể đồng đội dưới sự quần thảo của máy bay địch nhưng ông vẫn kiên trì bám trụ, chờ trung đội vận tải đến đưa anh em về tuyến sau làm công tác mai táng.
Gần một tháng sau, đêm 19-3-1969, ông tiếp tục tham gia trận Cồn Tòng ở Long Hà, Bờ Bắc-Cửa Việt (Quảng Trị). Mũi trưởng Lê Bá Tố có nhiệm vụ vô hiệu hóa các loại mìn, còn Nguyễn Thanh Triết và đồng đội lo việc xuyên qua các lớp hàng rào thép gai vào công đồn. Tình thế hết sức cam go do lúc đi trinh sát, bộ đội chỉ phát hiện có 3 lớp rào thép gai nhưng thực tế, địch lại dựng lên 7 lớp. Trong lúc cấp bách, một sáng kiến lóe lên trong đầu, Nguyễn Thanh Triết ra hiệu cho đồng đội đào cát, luồn người xuyên qua hàng rào, giúp bộ đội vào đồn mau lẹ (điều này về sau đã được Mặt trận B5 đúc rút thành kinh nghiệm). Đơn vị ông đánh tan 1 đại đội lính Mỹ mũ nồi xanh và 3 đại đội ngụy... nhưng cũng tổn thất không nhỏ khi nhiều chiến sĩ quyết tử K12 đã nằm lại chiến trường, trong đó có Mũi trưởng Lê Bá Tố.
    |
 |
Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Triết (1947-2022).
|
Sau chiến thắng tại Cồn Tòng, Nguyễn Thanh Triết được về Mặt trận B5 báo cáo điển hình. Sau đó, ông được cử đi kể chuyện chiến đấu tại khắp các sư đoàn để truyền nhiệt huyết và ngọn lửa cách mạng cho các chiến sĩ về sự mưu trí, gan dạ, dũng cảm và kiên cường của chiến sĩ đặc công trong chiến đấu.
Chiến trường ngày càng khốc liệt, vai trò của lực lượng đặc công ngày càng thể hiện rõ trong việc tạo niềm tin cho bà con các ấp chiến lược. Ông và đồng đội K12 không ít lần phải cõng anh em thương binh ra hậu cứ rồi lại tìm cách trở lại mai táng đồng đội... Ký ức đau thương ấy chưa một lần ngủ yên trong tâm trí người ở lại, đau đớn mãi không nguôi.
Từ năm 1968 đến 1975, Nguyễn Thanh Triết đã tham gia 3 chiến dịch lớn: Đường 9-Nam Lào năm 1971, Chiến dịch Trị Thiên năm 1972, Chiến dịch Trị Thiên-Huế năm 1975 và rất nhiều trận đánh ác liệt trên khắp địa bàn chiến lược Quảng Trị như: Cồn Tiên, Dốc Miếu, bốt số 8, Quất Xá, Cồn Tòng, Cam Vũ, Lâm Lang, cầu Đuồi, miếu Bái Sơn... Ông cũng đóng góp những ý kiến về cách đánh táo bạo, thọc sâu, tiến sát với sự yểm trợ, phối hợp của lực lượng ta trong lòng địch. Suốt thời gian chiến đấu trên mặt trận Gio Linh-Cam Lộ và chiến trường Trị Thiên-Huế, Nguyễn Thanh Triết cũng như các đồng đội luôn thể hiện rõ tinh thần “tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”.
Năm 1972, đồng chí Nguyễn Thanh Triết làm Chính trị viên Đại đội 4 kiêm Bí thư Huyện đoàn Cam Lộ (Quảng Trị). Vừa làm công tác tư tưởng cho bộ đội trước khi bước vào các trận đánh lớn, ông còn được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban Binh địch vận Tỉnh đội Quảng Trị (nay là Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị), phụ trách 4 chiếc đài phát từ Cửa Việt lên đến Vũng Tròn, cao điểm 544, 337. Ông đã viết hàng loạt bài viết lập luận sắc bén, đánh vào tư tưởng của quân địch; đồng thời kêu gọi nhân dân trong vùng bị chiếm đóng không nghe theo các luận điệu xuyên tạc của Mỹ-ngụy. Nhờ sự khôn khéo trong công tác địch vận của ông mà không ít ngụy quân đã tình nguyện đi tháo gỡ bom, mìn do chúng cài đặt trên các ấp chiến lược, làm giảm thương vong cho quân ta. Có những trận ta vừa nổ súng tiến công thì quân địch đã buông súng. Hơn hai năm đấu tranh chính trị tư tưởng, các đơn vị quân sự địa phương đã đón về vùng giải phóng hơn 1.000 hàng binh. Trong chiến công đó có sự đóng góp sức lực, trí tuệ và lòng dũng cảm của Trung úy, Trưởng ban Binh địch vận Tỉnh đội Quảng Trị Nguyễn Thanh Triết.
Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, bền bỉ trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Nguyễn Thanh Triết được tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, hạng Ba; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Ba và Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; 3 lần được tặng các danh hiệu: Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe cơ giới và Dũng sĩ Quyết thắng; 3 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân...
Hòa bình lập lại, năm 1981, ông Nguyễn Thanh Triết thi đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) và được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ nhà trường. Rất nhiều giảng viên và sinh viên của trường thời đó đã được Đại úy, cựu chiến binh, sinh viên Nguyễn Thanh Triết hướng dẫn, dìu dắt, bồi dưỡng để được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Tốt nghiệp đại học, ông trở về công tác tại Cục Chính trị Quân khu 4. Phát huy sở trường viết báo, viết văn trong quá trình công tác, ông viết nhiều tham luận tham gia các hội thảo khoa học, viết gần 1.000 tác phẩm với các thể loại: Tin, bút ký, ký sự, ghi nhanh, ghi chép, truyện ký... Ông cùng đồng nghiệp viết chung và xuất bản một số cuốn sách như: “Đường trong dân”, “Ánh lửa”, “Miền đất lửa”, “Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh”; tham gia làm phim “Một vùng đất lịch sử” của Quân khu 4; tham gia viết một số cuốn lịch sử: Lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị Quân khu 4; Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Hà Tĩnh; Lịch sử Đảng bộ Quân sự huyện Cẩm Xuyên và Lịch sử Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên tập III...
Năm 2004, ông Nguyễn Thanh Triết về hưu với quân hàm Đại tá. Sau khi nghỉ hưu, ông dành thời gian thăm lại chiến trường xưa, tích cực tham gia các hoạt động tìm kiếm hài cốt đồng đội. Dấu chân ông đã in trên khắp các nẻo đường mà xưa kia là hầm hào, bốt địch. Ký ức chiến tranh trong ông đã giúp nhiều thân nhân liệt sĩ tìm được hài cốt người thân, đưa về an táng.
Có giai đoạn, do tuổi cao, sức yếu và vết thương cũ tái phát với di chứng chiến tranh, vỏ đạn nằm trong đầu, phải vào viện điều trị bệnh thường xuyên nhưng người cựu chiến binh ấy vẫn giữ vững lối sống “còn hơi thở là còn cống hiến”. Ông tích cóp tiền lương và kêu gọi hỗ trợ từ bạn bè để đầu tư xây dựng một số công trình tại quê hương ông như: Cổng làng Thiện Nộ (thôn Thiện Nộ, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), đóng góp tiền mua thêm đất xây dựng nhà văn hóa thôn, làm đường nông thôn mới, khôi phục đền thành hoàng làng trở thành địa điểm tâm linh cho bà con trong làng và các vùng lân cận. Trước những hành động cao đẹp của người đảng viên, cựu chiến binh hơn 50 năm tuổi Đảng, nhiều người dân trong thôn đã cùng góp sức xây dựng quê hương ngày một khang trang, sạch, đẹp.
Đại tá Nguyễn Thanh Triết nay đã về với miền mây trắng nhưng tấm gương sáng về bản lĩnh, nhân cách sống cùng trái tim nhân hậu của ông vẫn luôn in đậm trong tâm khảm con cháu, bạn bè, đồng đội và bà con nhân dân địa phương.
NGUYỄN HẰNG