"Khóa" huấn luyện bay chỉ dài... 2,5 ngày

Trong căn nhà nhỏ yên bình trên đường Nguyễn Viết Xuân, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Lục, nguyên Trưởng phòng Quân huấn-Nhà trường, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) vẫn trân trọng lưu giữ những bức ảnh ghi dấu thời khắc không thể nào quên trong cuộc đời ông. Đó là lúc ông cùng đồng đội trở về sau trận ném bom thành công sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 28-4-1975.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng kỷ niệm về chuyến bay lịch sử ngày hôm ấy vẫn khắc sâu trong trái tim người lính Cụ Hồ năm nay đã ở tuổi 80. Lật giở từng trang ký ức, ông đưa chúng tôi trở về thời khắc hào hùng trong Đại thắng mùa Xuân 1975.

Cuối tháng 3-1975, sau khi giải phóng Huế và Đà Nẵng, ta thu được một số máy bay chiến đấu của địch, trong đó có máy bay cường kích hạng nhẹ A-37 do Mỹ chế tạo. Lực lượng cán bộ kỹ thuật của Quân chủng PK-KQ tiến hành kiểm tra, sửa chữa các máy bay chiến lợi phẩm. Chủ trương của Bộ Tổng tư lệnh và Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh là giao cho Quân chủng PK-KQ gấp rút huấn luyện, sẵn sàng tổ chức lực lượng tham gia chiến dịch vào thời điểm quyết định. 

Ngay sau khi nhận được chỉ thị của trên, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã xem xét, giao cho các phi công của Trung đoàn 923 (Sư đoàn 371, Quân chủng PK-KQ), nòng cốt là Đại đội 4 tham gia thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này. Khi đó, Đại tá Nguyễn Văn Lục đang là Đại đội trưởng Đại đội 4. “Ngày 22-4-1975, chúng tôi là 4 phi công lái MiG-17 thuộc Đại đội 4, Trung đoàn 923 gồm: Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng và tôi lần lượt được máy bay vận tải quân sự đưa từ Gia Lâm vào Đà Nẵng, để bắt tay ngay vào việc chuyển loại cấp tốc”, Đại tá Nguyễn Văn Lục nhớ lại. 

Ngay sáng hôm sau, phi đội khẩn trương tổ chức học lý thuyết, tìm hiểu tính năng, tác dụng cùng các trang thiết bị của máy bay A-37 với sự hỗ trợ của hai phi công hàng binh đã được giáo dục, cảm hóa là Trần Văn On, Trần Văn Xanh cùng một số thợ máy khác. Đây là khóa huấn luyện thần tốc, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Không quân Việt Nam, chỉ gói gọn trong một ngày học lý thuyết và vỏn vẹn 2,5 ngày thực hành, tổng thời gian bay chưa đến 3 giờ đồng hồ. Trong khi quy trình đào tạo chuyển loại thường kéo dài từ 3 đến 6 tháng theo tiêu chuẩn của Nga. Chính vì sự thần tốc đến khó tin này mà đối phương hoàn toàn bất ngờ, không thể lý giải nổi làm sao không quân ta có thể dễ dàng sử dụng chính những chiếc máy bay của chúng để đánh chúng.

leftcenterrightdel
Tư lệnh Lê Văn Tri (bên trái) đánh cờ cùng phi công Nguyễn Văn Lục (bên phải) trong khi chờ lệnh xuất kích tháng 4-1975. Ảnh do nhân vật cung cấp 

 Nghệ thuật quân sự trong trận đánh “có một không hai”

Sau khi kết thúc bay sáng 27-4-1975, từ sân bay Đà Nẵng, phi đội bí mật bay vào sân bay Phù Cát (Bình Định). Cùng lúc này, Thiếu tướng Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ trực tiếp giao nhiệm vụ cho các phi công bay thử 5 chiếc A-37 để kiểm tra lần cuối. Tối hôm đó, toàn phi đội tổ chức sinh hoạt, siết chặt quyết tâm, đồng thời thống nhất phương án bố trí đội hình chiến đấu.

Theo đó, số 1 đi đầu dẫn đường là Nguyễn Thành Trung (cách đó không lâu ngày 8-4-1975, ông đã lái máy bay F-5E ném bom vào dinh Độc Lập). Số 2 là Từ Đễ; số 3 là Nguyễn Văn Lục; số 4 có hai phi công là Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On. Hán Văn Quảng bay khóa đuôi số 5. Gần trưa 28-4, phi đội được lệnh lái máy bay tiến vào sân bay Phan Rang (Ninh Thuận). Tại đây, trong phần giao nhiệm vụ cho các phi công, 6 mục tiêu chiến lược, nơi tập trung đầu não và tiềm lực của địch đã nằm trong tầm ngắm: Dinh Độc Lập, Bộ tổng tham mưu, Tổng Nha cảnh sát, Tòa đại sứ Mỹ, Kho xăng Nhà Bè và sân bay Tân Sơn Nhất.

Sau khi thảo luận, các phi công đề nghị cấp trên lựa chọn mục tiêu tấn công là sân bay Tân Sơn Nhất và được chấp thuận. “Đây là mục tiêu diện rộng, dễ quan sát, phi đội sẽ chủ động để lấy độ cao, tách đội hình, chiếm vị thế, giãn cách để tiến hành không kích”, Đại tá Nguyễn Văn Lục nói.

Đổi lại, phải bảo đảm các yêu cầu cụ thể bao gồm: Không ném bom đường băng và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho hai phái đoàn quân sự của ta đang đóng quân ở trại Davis, nằm ở phía Tây Nam sân bay, cách điểm đánh bom chỉ 300m. Mục tiêu chính là khu vực đỗ máy bay địch, nhằm gây thiệt hại nặng, không cho chúng cơ hội dùng máy bay tấn công Quân giải phóng đang áp sát các cửa ngõ Sài Gòn.

Việc không ném bom vào đường băng Tân Sơn Nhất được xem là một quyết định vô cùng sáng suốt. Bởi, nếu con đường thoát thân cuối cùng này của ngụy quyền Sài Gòn bị cắt đứt, thành phố sẽ hoàn toàn bị phong tỏa. Bị dồn vào chân tường, địch chắc chắn sẽ liều chết tử thủ, gây ra thiệt hại hết sức nặng nề về sinh mạng cho các bên tham chiến. Chính việc giữ lại đường băng đã góp phần quan trọng giúp kết thúc chiến tranh nhanh chóng, giảm tối đa sự đổ máu không cần thiết. “Việc để cho quân địch một con đường sống cũng là giá trị nhân văn, truyền thống nhân đạo của Quân đội và dân tộc ta”, ông Lục nhấn mạnh.

Khoảng 14 giờ ngày 28-4, Thiếu tướng Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, trực tiếp giao nhiệm vụ cho phi đội.

Để giữ bí mật và gây bất ngờ, phi đội tuân thủ nghiêm ngặt 3 quy định: Thứ nhất, bay trùng đường bay địch hằng ngày để chúng không nghi ngờ; thứ hai, bay thấp để tránh radar; thứ ba, tuyệt đối không dùng hệ thống liên lạc vô tuyến điện, chỉ sử dụng ký hiệu, tín hiệu. Cũng trong buổi giao nhiệm vụ này, phi đội chính thức được đặt tên là Phi đội Quyết Thắng.

leftcenterrightdel

Phi đội Quyết Thắng trở về sau trận không kích thành công sân bay Tân Sơn Nhất năm 1975. Ảnh tư liệu

Không quân đi sau về trước

16 giờ 15 phút ngày 28-4-1975, 5 chiếc A-37 được lệnh xuất kích từ sân bay Phan Rang, hướng về Sài Gòn. Phi đội đã nhanh chóng phát hiện được mục tiêu, vọt lên độ cao chiến đấu và bất ngờ giáng đòn không kích dữ dội. Đài chỉ huy của địch ở sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn choáng váng, liên tiếp hỏi dồn dập: “Máy bay của phi đoàn nào? Cho biết phiên hiệu!...”. Trong trận tập kích chớp nhoáng này, Phi đội Quyết Thắng đã phá hủy 24 máy bay, tiêu diệt được hàng trăm sinh lực địch. Sân bay Tân Sơn Nhất bị tê liệt, rối loạn hoàn toàn.

Chiến thắng này là chiến công lịch sử của Không quân nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc trong chiến đấu, tác chiến của Quân đội ta. Trận đánh làm rung chuyển Sài Gòn, làm lung lay ý chí tử thủ của quân địch. Làm cho cố vấn Mỹ, đại sứ Mỹ và giới chóp bu ngụy quyền Sài Gòn nhanh chóng phải đi sơ tán. Sài Gòn như rắn mất đầu. Tạo cho quân ta nhanh chóng thắng lợi, bớt đổ máu.

Với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng”, trận tập kích của Phi đội Quyết Thắng được ví như mũi tiến công thứ 6, khẳng định tài nghệ, trình độ tổ chức chỉ huy chiến đấu của Bộ đội Không quân. Như lời Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, đã nói: “Trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô nhất, đầy đủ nhất và đẹp nhất của Quân đội ta từ trước đến nay”. 

Hơn 30 năm cầm lái trên bầu trời và kinh qua những trận đánh lịch sử, những người lính không quân như những con đại bàng từng chinh phục bầu trời bao la ngày nào, nay lại trở về bình dị với cuộc sống đời thường. Đại tá Nguyễn Văn Lục chia sẻ: “Vào mỗi dịp tháng Tư lịch sử, cựu phi công Phi đội Quyết thắng đều tổ chức gặp mặt để cùng nhau ôn lại truyền thống và kỷ niệm về những ngày khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất đỗi tự hào”.

Tròn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khoảnh khắc tiếng bom vang lên ở sân bay Tân Sơn Nhất nhưng trong đôi mắt của những cựu phi công, những người anh hùng của Quân đội ta, vẫn ánh lên một niềm kiêu hãnh. Họ là những chứng nhân của lịch sử, những người đã trực tiếp viết nên trang sử vàng son của dân tộc. Và thời gian có thể làm phai nhạt nhiều thứ, nhưng chiến công oanh liệt của họ luôn còn mãi trong trái tim và ký ức của mỗi người dân Việt Nam.

THÚY HIỀN - PHƯƠNG NHI