Quỳnh Dao tên thật là Đinh Nho Diệm, sinh tháng 1-1918 ở làng Gôi Mỹ, tổng Yên Ấp (nay là xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là con trưởng của nhà nho yêu nước Đinh Nho Huề (1890-1966), hậu duệ của các danh nhân, các tiến sĩ: Đinh Nho Công, Đinh Nho Hoàn, Đinh Nho Điển, Đinh Nhật Thận (thời Lê, Nguyễn), cháu nhà cách mạng thời cận đại Đinh Nho Thục. Báo Đông Tây số 2, 3, tháng 4-1942 giới thiệu về Quỳnh Dao: “Cha mẹ nó nghèo lắm và hiền lành lắm nên nó đã hấp thụ được sự hiền lành của cha mẹ nó...”. Năm 1930, cụ Đinh Nho Huề-thân sinh ông bị bắt giam, Quỳnh Dao (khi ấy mới 12 tuổi) ngày ngày phải đem cơm lên đồn cho cha.

Quỳnh Dao phải bỏ học dở dang ở năm thứ hai bậc trung học, 17 tuổi phải đi đánh máy chữ, làm thơ, viết văn để kiếm sống. Dẫu làm việc rất vất vả nhưng năm 18 tuổi Quỳnh Dao đã có tập sách mỏng đầu tay trình làng. Ở tuổi 20, 21, tiếng tăm Quỳnh Dao đã nổi như cồn trong nhóm bút “Tiểu thuyết thứ năm”. Trong bài: “Quỳnh Dao-một nhà thơ tiền chiến” (Báo Văn nghệ, tháng 3-1972), nữ sĩ Anh Thơ-người cộng sự của Quỳnh Dao đã kể lại: “Năm 1940... có một người từ miền Trung chuyển ra Hà Nội đó là nhà thơ Quỳnh Dao. Ông không chỉ đi một mình mà mang cả vợ con ra để làm báo. Và làm báo văn chương nghệ thuật. Đó là tờ Đông Tây bộ mới do ông chủ trương, vừa là Chủ nhiệm vừa là Chủ bút”. Trong bài: “Nhớ bạn Quỳnh Dao” (in trong tập “Văn phẩm Quỳnh Dao”, NXB Thanh niên, 1999) nữ sĩ Anh Thơ kể lại: "Tòa soạn Tạp chí Đông Tây của Quỳnh Dao ở số nhà 129 phố Sinh Từ. Nơi đây chúng tôi ra số đầu tiên. Quỳnh Dao nêu lên nội dung chủ yếu của số báo này như xã luận về tình hình trụy lạc của thanh niên, tin chiến tranh bùng nổ ở Thái Bình Dương, các bút ký, thơ của thi sĩ Mộng Tuyết, Đỗ Huy Nhiệm, Yến Lan, Nguyễn Bính... Những lúc rảnh rỗi anh còn rủ tôi đi thăm các nhà văn, thi sĩ có tên tuổi như Vũ Ngọc Phan, Hằng Phương, Vân Đài, Ngân Giang... để làm quen và gửi bài cho báo. Tôi thực sự kính phục anh về nhân cách và lòng tận tụy với văn học-nghệ thuật, cảm mến anh về thái độ chân thành, cởi mở, tế nhị với đồng sự và bạn bè. Mãi sau này tôi mới biết Quỳnh Dao là chiến sĩ cách mạng bị Nhật-Pháp bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò hai năm 1944-1945...".

Ở khu di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) hiện nay có 17 tấm bia đồng mạ vàng khắc tên những chiến sĩ cách mạng bị giam cầm tại đây từ năm 1930 đến 1945. Trong đó, bia số 3, dòng thứ 5 ghi rõ: “Đinh Nho Diệm-Quỳnh Dao sinh năm 1918”. Lão thành cách mạng Nguyễn Huy Hòa (tức Hoàng Phong) ở phường Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội cũng xác nhận: “Trong thời gian giam cầm ở Hỏa Lò tôi biết thi sĩ Quỳnh Dao bị Pháp bắt giam ở trại H đeo số vuông. Anh là người chín chắn, sống hòa nhập cùng anh em tù nhân, sáng tác thơ văn cho tờ Hỏa Lò, tham gia tuyệt thực 3 ngày. Quỳnh Dao là một trong số hơn 100 tù chính trị đã vượt ngục Hỏa Lò bằng đường cống ngầm vào các đêm từ 11-3 đến 16-3-1945 rồi tỏa về các địa phương tham gia lãnh đạo giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám". Sau khi vượt ngục, ông về quê nhà ẩn náu, dưỡng thương rồi hoạt động ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) và thị xã Vinh (nay là TP Vinh), tỉnh Nghệ An. Khoảng tháng 10-1946, ông cùng vợ con lại ra Hà Nội.

Về sau, nhiều bậc lão thành ở quê hương kể lại: Trước ngày Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, ông cùng Nguyễn Tạo (1905-1995), quê ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), có về quê diễn thuyết kêu gọi nhân dân tham gia Việt Minh đánh Nhật. Trong một văn bản đề ngày 17-11-2001, cụ Trần Cao Bố-cán bộ lão thành cách mạng ở xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn viết: “Tôi vinh dự được cùng đồng chí Diệm-Trưởng đoàn tuyên truyền của Việt Minh ở khu vực 2 đi làm nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương chính sách của Việt Minh, tố cáo tội ác của bọn phong kiến”.

Năm 1999, sau khi cuốn “Văn phẩm Quỳnh Dao” in xong, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư (GS), Tiến sĩ khoa học, nhà thơ Đinh Phạm Thái-em trai Quỳnh Dao đưa sách đến tặng nhà thơ Huy Cận. Vừa cầm tập sách, nhà thơ Huy Cận nói ngay: "Trong ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp mình đã gặp Quỳnh Dao bên bờ sông Lô ở Tuyên Quang". Theo sự chỉ dẫn của nhà thơ Huy Cận, GS Đinh Phạm Thái đã tìm được cụ bà Vũ Khắc Hùng, vợ một đồng chí lão thành cách mạng ở Tuyên Quang. Tuy tuổi đã cao nhưng cụ bà còn hết sức minh mẫn nên vừa nhìn ảnh Quỳnh Dao, cụ đã nhận ra ngay. Cụ kể, Quỳnh Dao hy sinh vào một buổi sáng khi giặc Pháp dùng máy bay thả bom xuống địa bàn. Ông bị trúng mảnh bom trong điều kiện cấp cứu lúc đó không có gì... Vậy là sau gần 50 năm ông hy sinh, gia đình liệt sĩ Quỳnh Dao mới tìm được nơi hy sinh, biết được hoàn cảnh hy sinh của ông. Được biết, sau khi vượt ngục Hỏa Lò, Quỳnh Dao được tổ chức phân công về hoạt động ở Nghệ Tĩnh. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, ông lại được điều ra Hà Nội, được đưa vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I năm 1946. Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, ông được bố trí công tác ở chiến khu Việt Bắc và hy sinh tại Tuyên Quang khi mới 39 tuổi.

leftcenterrightdel

Nhà thơ, liệt sĩ Quỳnh Dao. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp 

Gia đình liệt sĩ Đinh Nho Diệm-Quỳnh Dao sau khi tản cư lên Phú Thọ, bà Lâm Thị Bảo-vợ ông ở vậy thờ chồng, nuôi con. Trong đó, có người con trai tên là Đinh Nguyên Hà, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã xung phong nhập ngũ và hy sinh ở chiến trường miền Nam khi chưa tròn 25 tuổi.

Cuộc đời quá ngắn ngủi vào thời kỳ sáng tác sung mãn lại dốc tâm lực hoạt động cách mạng rồi bị giam cầm và có thể bị thất truyền nên tác phẩm của Quỳnh Dao để lại không nhiều. Ngoài các tác phẩm in trên “Tiểu thuyết thứ năm”, Tạp chí Đông Tây ông chỉ còn lại 4 đầu sách, là: “Tiếng chuông chiều” (tập thơ văn in chung cùng Liêu Kỳ Lộc, 1937); “Tơ Trăng” (tập thơ, 1939); “Dưới cầu Giang Tô” (truyện thơ, 1940) và “Văn phẩm Quỳnh Dao” (1999).

Gần đây, việc nghiên cứu và giới thiệu nhà thơ tiền chiến, một trong những chiến sĩ tiên phong trong phong trào Thơ mới Quỳnh Dao được nhiều nhà nghiên cứu tiến hành và có không ít phát hiện mới lý thú về nhà thơ-chiến sĩ, nhà thơ-liệt sĩ Quỳnh Dao. Nguyễn Trọng Thụ trên Văn nghệ trẻ số 26-1997 đã sưu tầm, giới thiệu những bài thơ sớm nhất của Quỳnh Dao viết năm 1931 khi ông 13 tuổi in ở Báo Sao Mai (Vinh, Nghệ An). Đó là những bài thơ viết theo thể Đường thi niêm luật chặt chẽ, hàm súc ngôn từ, hình ảnh được chọn lọc tinh tế, dồi dào cảm xúc bộc lộ năng khiếu sáng tác, khả năng nhận thức cuộc sống từ thuở thiếu niên của Quỳnh Dao.

Người đầu tiên phát hiện sớm và đánh giá cao thơ Quỳnh Dao là nhà phê bình Lê Tràng Kiều (1912-1977)-Chủ bút “Tiểu thuyết thứ năm”. Trên báo này số ra ngày 11-4-1939, Lê Tràng Kiều đặt Quỳnh Dao bên cạnh những thi sĩ tên tuổi của phong trào Thơ mới Việt Nam. Ông viết: “Chưa bao giờ các bạn yêu mến thơ được vừa lòng, được say sưa như bây giờ khi gửi những trang thân yêu của tờ báo thân yêu này. Nó đã trình bày không biết bao nhiêu tác phẩm có giá trị, những vần mơ-màng của Quỳnh Dao, những vần nhẹ-nhàng của Anh Thơ, những vần diễm-ảo của Thanh Tịnh, những vần thành-thực, giản-dị của Nguyễn Bính, những vần đầy mộng-ảnh, đầy âm-nhạc của Yến Lan và những vần đặc biệt của Phạm Huy Thông, Lưu Trọng Lư”.

Tiếp đó trong bài phê bình tập thơ “Tơ Trăng” đăng trong “Tiểu thuyết thứ năm” số 29 ngày 20-7-1936, Lê Tràng Kiều viết tiếp: “Thơ Quỳnh Dao càng đọc càng lạ, càng về sau bao nhiêu lại càng huyền-ảo bấy nhiêu. Lòng ta thiết-tha, thiết-tha lắm và thấy như tiếc lắm khi phải nghỉ hơi, nghỉ lời sau bài “Mơ Tiên”: “Suối ngân trăng nước mà nhau dậy/ Lý Bạch đương lơi những điệu Đường/ Lá hiếu hiền như muôn tiếng nhạc/ Đây vườn Thượng Uyển cũng bôi trăng”.

Điều kiện của thơ là âm điệu. Với điều kiện ấy, thơ Quỳnh Dao càng đọc ta càng xao xuyến nôn nao như người thiếu nữ đang chờ ngày tân hôn sắp tới: “Lòng vương theo giấy lên khơi/ Lòng xôn xao theo lời dây đương ơi”.

Trong “Thi nhân Việt Nam”, khi viết về Nam Trân, nói Huế đẹp, Huế thơ, Hoài Thanh đã trích hai câu thơ trong bài “Bài thơ Huế” của Quỳnh Dao: “Một hàng tôn nữ cười trong nón/ Sông mở lòng ra đón bóng yêu”.

 Trong sách “Văn phẩm Quỳnh Dao”, Anh Chi đã viết: ... “Quỳnh Dao đã được đồng nghiệp cùng thời đặt vào hàng ngũ những tên tuổi sáng giá của trào lưu văn học thời gian đó, và năm 1939 ấy Quỳnh Dao mới 21 tuổi, năm 1941, 1942 chỉ mới 23, 24 tuổi! Vậy mà chủ trì một tờ tạp chí có những tên tuổi lớn đến đều đặn cộng tác... giai đoạn 1941-1942, ông có khá nhiều bài thơ in lẻ trên báo chí, trong đó có bài “Bài thơ Huế” nổi tiếng. Thơ Quỳnh Dao trước 1940 cũng tài hoa, ướt át ở bài “Khi tình mới nở”: “Ngọn cỏ say rồi quên cả ướt/ Trùng triền sắp sửa liếm sa trăng”. Nhưng sau 1940, tài hoa, ướt át và có một cái gì đó đời hơn như trong bài “Bài thơ Huế”: “Có ai vô lý như thi sĩ/ Môi nở qua đường cũng nhớ thương!”.

Giai đoạn 1941-1942, Quỳnh Dao sáng tác ào ạt cả tiểu luận, thơ. Có một tác phẩm rất đáng quan tâm đó là truyện thơ viết theo thể lục bát “Dưới cầu Giang Tô”.

Tất cả sáng tạo của Quỳnh Dao mà chúng ta có được đều viết năm 1938-1942. Năm năm trời, hai giai đoạn sáng tác, thi sĩ Quỳnh Dao và người chiến sĩ Quỳnh Dao những ngày đầu giác ngộ cách mạng. Tiếc thay những sáng tác trong thời kỳ Quỳnh Dao là người chiến sĩ đấu tranh cho giải phóng dân tộc bị thất truyền. Nhưng, với tất cả những gì để lại cho nền văn học nước nhà, Quỳnh Dao xứng đáng là một trong những người chiến sĩ tiên phong trong phong trào Thơ mới Việt Nam. Tên tuổi Quỳnh Dao luôn được nhắc đến và sẽ còn được nhắc đến mãi mãi.

Đại tá NGUYỄN KHẮC THUẦN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.