Giữa năm 2002, nhà thơ Thu Bồn đang khỏe mạnh bỗng bị cơn tai biến phải nằm liệt, dẫu đầu óc vẫn tỉnh táo. Hiểu là lần bạo bệnh này ông sống những ngày cuối đời, bạn bè, nhiều người hâm mộ liền tập hợp các sáng tác mới nhất của ông làm nên cuốn "Đánh đu cùng dâu bể". Lời tựa ông viết trên giường bệnh: “Chưa phải là tuyển tập, "Đánh đu cùng dâu bể" là một cuộc duyệt binh nho nhỏ trước quảng trường văn học tượng trưng cho trái tim giàn giụa đau khổ và tràn đầy hạnh phúc của tôi...”.

Ông tham gia thiếu sinh quân từ năm 12 tuổi, liên lạc cho bộ đội. Gần như suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông ở Khu 5-chiến trường gian khổ ác liệt nhất. Ngay từ bài thơ đầu tiên-trường ca "Bài ca chim Chơ-rao" (năm 1962) đã gây được tiếng vang trên văn đàn, đoạt Giải Bông sen vàng Đại hội các nhà văn Á-Phi. Thơ ông cũng như con người ông vạm vỡ và hào sảng, sinh thời ông được mệnh danh là "Thi sĩ của tình yêu".

Ngày đó tôi làm việc ở tòa soạn Báo Quân đội nhân dân, sát với Tạp chí Văn nghệ Quân đội và hay gặp nhà thơ Thu Bồn. Thi nhân có dáng dấp của một lãng tử hào hoa phong nhã: Cao lớn, da ngăm đen, mắt to sáng, miệng cười rộng mở, mái tóc xoăn phủ xõa sau gáy. Ông có cuốn sách nào mới in, thấy tôi đi qua ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế (tôi làm việc ở nhà số 8 Lý Nam Đế) là gọi lại tặng. Hiện tủ sách của tôi còn các cuốn có chữ ký của ông: "Badan khát" (trường ca); "Campuchia hy vọng" (trường ca); "Dưới tro" (truyện ngắn)... Ngày ấy, có đôi lần tôi đi nhậu cùng ông, song ông ít khi kể về cuộc đời mình. Thế rồi may mắn tôi quen một nhà văn cùng đi B với ông, cùng trong Ban Văn nghệ Khu 5 đóng trên Chiến khu Nước Là, Quảng Nam. Câu chuyện nhà văn ấy kể khá thú vị, giúp tôi hiểu thêm được nhiều điều về nhà thơ-lãng tử.

leftcenterrightdel

Nhà thơ Thu Bồn và mẹ (tháng 4-1975). Ảnh tư liệu

Nhà thơ Thu Bồn sinh cuối năm 1935, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam. Ông vốn là giáo viên văn hóa đại đội, vào Nam chiến đấu từ cuối năm 1961. Thời trẻ ông đã có lối sống ào ạt, mạnh mẽ, làm thơ theo bản năng, mỗi khi có tứ là thơ lai láng qua ngòi bút tràn trang giấy. Trong đời thường, ông là người hết sức khéo tay, tháo vát. Nói thêm, ngoài thơ, ông còn viết khá nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn như: "Dưới đám mây màu cánh vạc" (hai tập); "Đỉnh núi"; "Mắt bồ câu và rừng phi tiễn"... Tiểu thuyết của ông kết cấu không giống ai, viết tùy hứng như thể trường ca vậy. Hồi ở Ban Văn nghệ Khu 5, anh em thường chia nhau xuống cơ sở dưới đồng bằng, chỉ để một người trông nhà, giữ rẫy. Đến lượt Thu Bồn ở nhà. Thế là một mình, chỉ với một cây rựa, hoàn toàn không có ai giúp, ông dựng hẳn một căn nhà cho cả cơ quan, mà là nhà hai tầng vững chãi, mái cong rất điệu, có cả cửa sổ tròn uốn bằng mây song, bàn ghế toàn những khúc rễ cổ thụ hình dạng kỳ quái, ông gọi là "vọng nguyệt lâu của Ban ta". Ở được ít bữa, địa điểm bị lộ, phải dời đi nơi khác, ông lại một mình dựng cái “vọng nguyệt lâu” khác, có khi còn công phu hơn. Anh em thiếu nghiêm trọng chất đạm, ông trổ tài săn, bách phát bách trúng. Phải nói là trong những ngày đói cơm khát muối nhất, Ban Văn nghệ còn có sức sống, làm việc được là nhờ có chất đạm do Thu Bồn cung cấp qua săn thú. Hôm nào hạ được mồi, về cách nhà vài cây số, ông hú vang cả rừng. Chính những ngày đó, Thu Bồn viết "Bài ca chim Chơ-rao". Đọc lại, thấy trong trường ca này cũng có tiếng hú vang rừng của ông.

Trong lời tựa cuốn "Đánh đu cùng dâu bể", nhà thơ Thu Bồn viết: “Kính tặng hương hồn thầy mẹ tôi"; "Đảng mến yêu"; "Nhân dân vĩ đại"; "Tổ quốc anh hùng”. Đó cũng là cái đích đến của thơ ông suốt gần nửa thế kỷ. Ngày Bác Hồ qua đời (tháng 9-1969), ông có bài "Gửi lòng con đến cùng cha", được đánh giá là một trong những bài khóc Bác hay nhất. Có những câu thơ thật cảm động: "Nỗi đau vô tận thời gian/ Nhớ thương nhưng chớ lệ tràn đẫm mi/ Hành trang Bác chẳng có gì/ Một đôi dép mỏng đã lì chông gai"...

 Năm ông trở về quê hương chiến đấu, đến đất La Thọ (Quảng Nam), ông nhớ ngay đến người mẹ hiền: "Ấp chiến lược đám mây đen che phủ/ Lòng xót xa quặn cháy mái nhà rơm/ Mẹ lom khom vịn vào vai núi/ Chúng con đi mờ khuất dãy Trường Sơn" ("Hôn mảnh đất quê hương"). Cũng thời điểm ấy có bà mẹ La Thọ hy sinh bảo vệ căn hầm bí mật: "Giữ hầm mẹ đã hy sinh/ Từng tia máu nhuộm bình minh chân trời" ("Chiếc hầm bí mật của tôi"). Những năm chiến tranh, cả gia đình ông sống trong cứ, mỗi khi cơ quan di chuyển, vợ chồng ông đeo cái ba lô con cóc cõng hai đứa con nhỏ sau lưng, khoét hai lỗ ở trước ba lô cho chân con thò ra. Bài thơ "Qua thác lũ" mô tả chuyện này: "Mười lăm ngày mẹ cõng con leo núi/ Cha dẫn đường làm vệ sĩ cho con"... Hiện nay, trong Bảo tàng Văn học Việt Nam ở Âu Cơ (Tây Hồ, Hà Nội) có bức tượng nhà thơ mặc quân phục cõng con hai chân thò ra khỏi ba lô, một biểu tượng của văn nghệ sĩ dấn thân trước mọi hiểm nguy trong kháng chiến. Cây tre Việt Nam cũng trở thành một biểu tượng của lòng dũng cảm, kiên cường trước bão táp mưa sa. Trong văn học đã có bài tùy bút cùng tên nổi tiếng của nhà văn Thép Mới. Nhà thơ Thu Bồn góp vào “Tre xanh”, toàn bài là những câu thơ đầy xúc động: "Tôi đi dưới tre gió bồng chân sáo/ Đường hành quân mỗi lần tre níu áo/ Lòng bồi hồi rộn bóng tre xưa/ Có tiếng chim gù và tiếng võng mẹ ru đưa"...

leftcenterrightdel

Nhà thơ Thu Bồn (ngoài cùng, bên trái) và những người bạn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, năm 1992.  Ảnh tư liệu

Thơ và trường ca của Thu Bồn không chỉ mang tầm vóc sử thi cao rộng về cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh được ông sáng tác ngay tại chiến trường mà còn có những bài khắc họa về người lính với sự hồn nhiên, hóm hỉnh: "Đêm. Ta xuống suối mò cua/ Có con hổ đói chịu thua con mồi/ Ta dưới suối hổ trên đồi/ Cua ta đầy giỏ hổ ngồi đói meo" ("Rừng đêm Bà Lá"). Hay: "Rừng già có lá rau xanh/ Suối khe: tầm phục/ trên cành bứa chua/ Thấp mềm mơ đắng, càng cua/ mã đề rau má là vua chiến trường" ("Canh Trường Sơn", 1972)...

Sinh thời, Thu Bồn rất được bạn trẻ ngưỡng mộ bởi chất thơ say đắm, nồng nhiệt trong tình yêu. Ông đã viết vài trăm bài về tình yêu lứa đôi. Trong "Đánh đu cùng dâu bể", ông có 99 bài, nhiều bài là sáng tác mới. "Tạm biệt Huế" (tặng C) có thể gọi là bài toàn bích nhất đã được vào tuyển thơ Việt Nam hiện đại. Tác giả đi thăm cố đô, được một cô gái Huế (em C nào đó) dẫn đi đến các đền đài của một triều đại đã lụi tàn: "Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ/ nên chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu/ những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng/ mặt trời vàng và mắt em nâu". Cuối cùng thì ấn tượng còn lại nhiều nhất không phải là đền đài lăng tẩm, mà chính là em. Ông thể hiện một cách tài hoa nỗi niềm lưu luyến của khách đa tình: "Nhịp cầu cong và con đường thẳng/ một đời anh đi mãi chẳng về đâu/ con sông dùng dằng con sông không chảy/ sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu".

Ta còn gặp ở cuốn sách chưa phải là “tuyển tập” này, những câu thơ xuất thần, hay còn gọi là câu “thi sĩ”. Đó là những triết lý, phúng dụ mới lạ: "Em đến hong khô bằng năm ngọn lửa của bàn tay/ chúng ta sẽ giã từ mùa đông/ như giã từ bao nhiêu sáo ngữ và cái ác/ những vần điệu lỗi thời mơn trớn câu thơ đi vào ngõ cụt/ chỉ có vòng tay em mới siết chặt được ngôn từ" (bài số 1); "em trao anh chìa khóa/ mở bao điều thầm kín tình yêu/ anh có biết đâu/ trong tay em còn một chùm chìa khóa khác" (bài số 4)... Nhưng nhiều hơn hết vẫn là những bài thơ tình quen thuộc “rất Thu Bồn”: "Hoa ngãi nở trôi ra biển/ cá ăn hoa ngãi hóa rồng/ môi em ướt nụ cười chúm chím/ anh uống vào hóa cây si" (bài số 8); "Mùa sau chim nhớ về nhặt những hạt thóc vàng rơi/ những hạt thóc của tình yêu vung vãi/ em ơi bao giờ em trở lại/ anh nhặt tiếng chim trời làm bài hát tặng em" (bài số 16); "cây cao nhướng mãi chẳng thấu trời/ anh đợi mãi tình yêu thành gỗ mục" (bài số 21)...

Chẳng thế mà nhà thơ Ngô Thế Oanh, một người bạn cùng ở Khu 5 rất hiểu Thu Bồn, đã viết về ông: "Anh sinh ra để làm thơ, chuyện ấy bình thường/ giản dị như hai với hai là bốn.../ có lẽ sai lầm là anh đã yêu/ nhưng chính vì yêu tuyệt vời anh đúng/ đàn bà trên thế gian thật nhiều/ ngực họ mềm trái tim họ cứng/ và bây giờ anh lại lang thang..." ("Thơ tặng Thu Bồn", tháng 5-1989).

Ngoài giải thưởng quốc tế cho trường ca "Bài ca chim Chơ-rao", nhà thơ Thu Bồn đã đoạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1, năm 2001 cho Tuyển tập trường ca và tiểu thuyết hai tập "Dưới đám mây màu cánh vạc". Năm 2017, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, trao cho hai tiểu thuyết: "Chớp trắng" và "Vùng pháo sáng" cùng tập truyện ngắn "Dưới tro". Đồng chí Hoàng Minh Thắng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, từng đánh giá: "Thu Bồn là nhà thơ lớn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thơ anh như tiếng kèn xung trận, có tác dụng động viên sức mạnh của toàn quân, toàn dân đánh thắng giặc xâm lược".

Giữa năm 2003, ông qua đời tại nhà riêng ở Suối Lồ Ô (nay thuộc tỉnh Bình Dương). Đám tang ông rất đông người viếng và trở thành sự kiện thu hút sự chú ý của giới văn nghệ sĩ phía Nam lúc đó. Người bạn đời của ông, nghệ sĩ Lý Bạch Huệ có bài thơ "Nói với chồng": "Anh nói với em mình hẹn nhau từ tiền kiếp/ Mình yêu nhau qua mấy bận luân hồi/ Sao bây giờ anh bỗng cao vời vợi/ Để mình em nép giữa ánh sao rơi"...

 Hôm ấy Nguyên Tiêu, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội, tôi và nhiều bạn bè của ông đã thắp tuần nhang cúi đầu tưởng niệm người nghệ sĩ tài hoa, cả cuộc đời đánh đu cùng dâu bể!

PHẠM QUANG ĐẨU