Dịp Tết chỉ có vài ngày nghỉ. Mọi người chủ yếu lo mâm cơm ngày Ba mươi Tết, tập trung tất cả con cháu trong nhà. Mồng Một Tết thể nào cũng mặc quần áo đẹp nhất. Tấm áo có thể là mới may nhưng cũng có khi chỉ là áo cũ phai màu được nhuộm lại, coi như là mới. Lũ trẻ con chúng tôi thực chất không đòi hỏi hay chú ý nhiều đến quần áo mới. Bố mẹ có cho thế nào thì mặc như thế. Ăn uống tất nhiên là tươi hơn ngày thường, nhưng nhiều khi được một góc bánh chưng ăn no bụng là xong một bữa. Cái chúng tôi quan tâm nhiều hơn là đốt pháo.

Học sinh được nghỉ Tết kéo dài tới hai tuần lễ. Chúng tôi chơi Tết và đốt pháo từ rất sớm. Theo tiêu chuẩn Nhà nước, mỗi gia đình được mua một bánh pháo của Xí nghiệp Pháo Trúc Bạch Hà Nội. Chỉ có rất ít nhà đem đốt một lúc cả bánh pháo vào thời điểm Giao thừa hay sáng mồng Một Tết, còn thường đem xé lẻ bánh pháo ra để làm quà cho con trẻ. Nhà tôi cũng vậy, nhưng phải đến sát ngày Tết, mẹ mới chia cho mấy chị em tôi. Trước đó, từ ngày 25 Tết, chúng tôi đã đốt những quả pháo tép màu xanh, màu đỏ, màu vàng mua bằng tiền ăn quà sáng để dành. Mỗi đứa cũng chỉ có vài hào thôi, nhưng như thế cũng đủ. Một hào mua được sáu quả pháo con hay mười quả pháo tép. Chúng tôi để pháo trong những vỏ bao diêm Thống Nhất. Đứa nào đi chơi và đốt pháo cũng có chục que diêm trong bao hoặc cầm theo que hương để xin lửa của đứa khác.

Thường là khi một đứa đốt pháo thì mấy đứa khác đứng xem rồi sau đó mới đốt pháo của mình. Quả pháo thường đặt trên bờ tường, trên hòn gạch hay nhét vào khe cửa. Pháo tép bé thì châm đốt thẳng. Pháo con to hơn, cỡ đầu đũa nên nhiều đứa bóc ngòi tẽ bớt thuốc để châm cho pháo nổ chậm. Đứa nào lớn hơn và bạo tay thì có khi cầm quả pháo trong tay rồi châm đốt. Tung quả pháo lên trước khi nó nổ.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHẠM HÀ 

Con trai thích đốt pháo quả. Con gái mà còn bé, thích đốt pháo dây hơn. Người ta bán một hào được tám sợi dây pháo. Pháo dây được se lại to như cái kim khâu len, cháy xòe xòe và bắn ra tia lửa, không nổ nên an toàn. Có điều pháo dây đốt lúc tối đẹp hơn đốt ban ngày... Nhờ có đốt pháo mà cả người lớn lẫn trẻ con đều cảm nhận được không khí Tết đến từ rất sớm. Tiếng nổ lạch tạch đùng cứ rải rác xen kẽ suốt trong ngày. Trời trong, se lạnh, khói pháo bay phảng phất trong không gian rất hưng phấn. 

Càng gần đến Tết, tiếng pháo nổ càng dày hơn. Trẻ con đứa nào cũng muốn chui ra khỏi nhà, tụ tập thành những đám đông đốt pháo. Có pháo thì đốt, không có pháo thì xem đứa khác đốt, thế mà đứa nào cũng vui và háo hức. Có nhà nào sang sang một tí đốt cả băng pháo là thể nào lũ trẻ con cũng bỏ lại tất cả mọi việc để xúm đến xem. Sau đó, mấy đứa trẻ lọ mọ dò tìm những quả pháo chưa nổ bị văng trên mặt đất mà vui hớn hở...

Pháo Tết cứ mỗi năm lại đến một lần với lũ trẻ chúng tôi. Mỗi một lần đến Tết đốt pháo là chúng tôi lại lớn thêm một tuổi. Nhiều năm liên tiếp trôi qua, tiếng pháo Tết vẫn theo chúng tôi đều đặn cho đến khi chúng tôi thành người lớn, làm cha, làm mẹ.

Sau này cuộc sống khá hơn, người ta đốt pháo nhiều hơn, không chỉ đốt dịp Tết mà tìm nhiều cơ hội để đốt pháo. Cưới hỏi đốt pháo; tân gia, khánh thành cửa hàng đốt pháo; làm lễ động thổ xây một cái gì đó đốt pháo... Và chính cái sự thái quá như thế, vừa lãng phí, vừa gây ra những vụ mất an toàn mà Nhà nước đã phải cấm đốt pháo.

Giá như đốt pháo vẫn chừng mực, an toàn và ý thức thì tục đốt pháo vẫn được duy trì. Và từ "pháo" trong câu đối Tết sau vẫn có ý nghĩa, không gây thắc mắc "pháo là cái gì?" cho lớp trẻ bây giờ: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh". 

Nhà văn VŨ CÔNG CHIẾN