Trước thời kinh tế thị trường mở ra và phát triển mạnh mẽ, mỗi cụm dăm ba làng có một chợ, tọa lạc tại một làng có những điều kiện riêng, thuận lợi (về đường giao thông thủy, bộ; tiện đi lại và chuyên chở) nên chợ thường được gọi theo tên làng đó. Một số chợ, dân cả tổng đến mua bán nên gọi là chợ tổng hay chợ hàng tổng. Có chợ đặt tại làng là lỵ sở của huyện hay của phủ nên gọi là chợ huyện, chợ phủ. Một số ít chợ đặt tại tỉnh lỵ nên gọi là chợ tỉnh. Tùy vị trí, địa thế của làng đặt chợ mà chợ có thể ở cạnh đường lớn, bến sông hoặc ở đình, chùa...

Phần lớn chợ họp theo phiên, mỗi phiên cách nhau vài ngày. Thông thường, một tháng có 6 phiên. Trong một vùng với 10 làng trở lên thường có 5 chợ, các chợ họp luân phiên nhau, tạo thành vòng khép kín 5 ngày một, để ngày nào trong vùng cũng có chợ họp cho dân các làng trao đổi sản phẩm. Một số chợ có cả phiên chính và phiên “xép” (phiên phụ) diễn ra trong 5 ngày nên một tháng có 12 phiên. Ngoài các phiên thường kỳ, các chợ đều có phiên cuối cùng trong năm gọi là chợ Tết, ngày cụ thể tùy từng chợ (từ 25 đến 30 tháng Chạp), phục vụ nhu cầu mua sắm, chuẩn bị cho những ngày “ăn Tết”.

Phiên chợ Tết họp ngày 30 (hoặc 29 nếu là tháng thiếu) thường kết thúc vào đầu giờ chiều để mọi người về sắm lễ cúng tất niên và cúng Giao thừa. Sau ngày phiên chợ Tết này, không gian khu chợ vắng lặng, đến phiên đầu năm mới họp trở lại, nhưng thường chưa nhộn nhịp như trước, vì “dư vị” ngày Tết vẫn còn.

leftcenterrightdel

Chợ Tết vùng cao. Tranh của LÊ TIẾN VƯỢNG 

Hàng hóa trong phiên chợ Tết phong phú về chủng loại và có số lượng lớn hơn rất nhiều so với phiên chợ thường, bởi sức tiêu thụ rất lớn, người có sản phẩm, hàng hóa đều mang ra bán để kiếm thêm chút tiền, nhiều người “để dành” đến phiên chợ Tết mới bán. Nhiều mặt hàng ngày thường ít người mua (như các đồ sành, sứ), nhưng đến Tết thì bán rất chạy vì các gia đình đều mua sắm để mong có cái mới, cái tốt dùng trong năm, nhất là ngày đầu năm, nếu dùng đồ cũ, chẳng may bị vỡ, hỏng vào sáng mồng Một Tết là điều “giông” cả năm. Các đồ thờ (bình hoa, lư đồng, đài nến, mâm bồng bằng gỗ hoặc bằng đồng...) được nhiều gia đình mua sắm để có đồ mới dâng lên tổ tiên. Nhiều nhất trong các loại hàng hóa, sản phẩm của chợ Tết là mặt hàng phục vụ nhu cầu ăn những ngày Tết, một số mặt hàng mang tính đặc trưng như: Lá dong và lạt giang gói bánh; gà trống hoa (gà mới biết gáy, dùng để cúng Giao thừa); các loại hoa giấy để bày trên ban thờ; pháo để đốt lúc Giao thừa hoặc sáng mồng Một Tết; cây mùi để nấu nước tắm ngày 30, rửa mặt sáng mồng Một Tết, với ý nghĩa cho người thơm tho, mát mẻ, gặp may đầu năm và trong năm; câu đối Tết (thường do các ông đồ “cho chữ” ở chợ hoặc ở nhà); đặc biệt là các loại tranh Tết (tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống...).

Một mặt hàng không thể thiếu được của phiên chợ Tết là vôi ăn trầu (nếu là vôi quét nhà thì phải mua từ trước đó hàng nửa tháng), bất cứ ai đi chợ cũng phải nhớ đến vì hai lẽ. Một là, đó là thứ "phụ phẩm” nhưng không thể thiếu được cùng với trầu, cau để người trong nhà ăn và mời khách, với ý nghĩa: Đầu xuân, miếng trầu là đầu câu chuyện. Hai là, vôi được coi là thứ "bạc bẽo" (bạc như vôi) nên không ai mua bán ngày đầu năm cả. Bởi vậy, phiên chợ cuối năm, các bà, các chị luôn phải nhớ mua vôi ở phiên chợ Tết, dân gian có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là vậy. Có loại chợ đặc biệt như chợ làng Đông Hồ (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), phiên chợ Tết chỉ bán tranh do các nhà in tranh trong làng làm ra. 

Trước đây, giá cả trong những phiên chợ Tết đều tăng lên nhiều so với các phiên trước đó, nhất là những mặt hàng thiết yếu, vì nhu cầu mua sắm để sử dụng cho những ngày Tết rất cao. Trừ những nhà thuộc diện quá bần hàn, còn thì nhà nào cũng cố gắng mua cho đầy đủ, vì quan niệm Tết phải dư dả thì sang năm mới khấm khá hơn, hoặc ít ra cũng không được kém năm trước. Tất cả người buôn bán hầu như nghỉ bán hàng trong những ngày Tết, những ngày đầu năm mới không họp chợ nên phải lo mua dự trữ cho đến khi chợ họp trở lại sau Tết. Việc mua tích trữ còn xuất phát từ tâm lý không muốn tiền của mình bị tiêu mất trong ngày đầu năm mà phải giữ lại trong nhà.

leftcenterrightdel
Trẻ em Tây Bắc vui xuân. Ảnh: KỲ NAM  

Chợ Tết có lượng người đông hơn nhiều lần so với chợ thường, bởi không chỉ có người bán, người mua, các bạn hàng của nhau đến để gặp gỡ, tâm tình; có thể đến để trả hết số công nợ cho nhau, để người bị nợ không còn nỗi lo “bị nợ” qua năm, còn người có nợ thu hết tiền về, không để tiền tản mát các nơi. Chợ Tết còn có nhiều người đi chơi, có khi đến ăn một món nào đó là đặc sản của chợ chỉ vào dịp chợ Tết mới có, hoặc gặp bạn bè để vào quán uống rượu, tâm tình. Háo hức đến chợ nhất là trẻ con, được chơi các trò chơi, xem hàng, mua hàng, thích thú nhất là mua pháo, bóng bay hay mua một thứ đồ chơi nào đó...

Tóm lại, đi chợ Tết là một trong những phong tục tiễn năm cũ, đón năm mới của người Việt, không chỉ mua sắm bình thường mà còn cầu tài lộc, mua may bán đắt, gặp gỡ bạn bè, bạn làm ăn cuối năm... Nhiều phiên chợ Tết không ai muốn bỏ. Chẳng hạn, chợ Trôi (làng Giang Xá, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội), phiên 26 tháng Chạp là chợ Tết, rất đông vui, được dân gian trong vùng đúc kết: “Bỏ con bỏ cháu, không bỏ 26 chợ Trôi”.

Ngày nay, kinh tế thị trường mở ra, việc xuất hiện nhiều điểm bán hàng trong thôn, xóm, các trung tâm thương mại, trong khoảng 25 năm nay là các siêu thị làm cho chợ làng không còn giữ vị trí quan trọng như xưa. Tuy nhiên, những phiên chợ Tết vẫn đông đúc, đông vui, bởi ở đây có rất nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu ngày Tết vẫn hiện diện, không dễ dàng có trong các siêu thị, như: Lá gói bánh, lạt giang, hoa quả để thờ, bát đĩa, cốc chén, gà trống hoa... giá cả lại khá bình dân, hợp với túi tiền của người dân quê. Các siêu thị, cửa hàng chỉ có những mặt hàng có ưu thế của công nghiệp như: Bia, nước ngọt, các loại bánh kẹo, một số đồ hộp và rượu ngoại (song, các loại rượu này người dân quê ít dùng, ít mua, mà họ quen dùng loại “quốc lủi”, nút lá chuối).

Hàng hóa ở phiên chợ Tết ngày nay phong phú hơn xưa, ngoài các loại nông sản, thực phẩm, thủ công nghiệp truyền thống còn có nhiều mặt hàng công nghiệp; ngoài hàng nội còn có cả các loại hàng ngoại. Tuy nhiên, có một số mặt hàng tạo ra cảnh vui nhộn, sắc tươi tắn cho phiên chợ Tết, cho cảnh thôn quê ngày Tết đã vắng bóng từ mấy chục năm nay; các loại tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng nay cũng ít nơi bày bán do các làng không còn duy trì sản xuất phổ biến như xưa; các loại hoa bằng giấy nhuộm phẩm màu (ngày nay có nhiều loại hoa nhựa, hoa lụa thay thế). Một số mặt hàng không còn thu hút đông người mua nữa bởi người thực dùng giảm như trầu, cau hoặc lạt giang, lá dong gói bánh chưng...

leftcenterrightdel

 Sắc xuân rực rỡ ở chợ thương hồ Cái Răng (Cần Thơ). Ảnh: TÔ HOÀNG VŨ    

 

Việc xuất hiện các siêu thị, cửa hàng lớn đã làm giảm sự tấp nập, vội vã trong mua sắm ở các phiên chợ Tết; hay chợ Tết nay đã chuyển một phần vào các “chợ cố định” (về vị trí và về giá cả); riêng về thời gian, loại chợ này phục vụ Tết cho đến sáng 30 tháng Chạp (hoặc 29 nếu tháng thiếu). Hàng hóa nhiều, thỏa sức mua sắm nếu có dư tiền và hình thành nên thói quen xếp hàng cho người mua. Ngày nay, cũng do đời sống vật chất của đa số gia đình được cải thiện, các siêu thị, cửa hàng lớn mở sớm (từ mồng Hai Tết) nên phiên chợ Tết thôn quê đã giảm đáng kể cảnh thất thường về giá cả hàng hóa. Đa số gia đình đã và đang chuyển từ “ăn Tết” sang “chơi Tết” nên không còn lo tích trữ đồ ăn (vì dễ bị ôi thiu khi trời trở nồm những ngày Tết, trong điều kiện không có tủ lạnh như trước).

Dù chợ làng đã suy giảm vai trò, tính năng; dù tính chất hàng hóa đã có nhiều thay đổi, phiên chợ Tết quê vẫn được duy trì ở phần lớn địa phương. Vì vậy, người người, nhà nhà vẫn tấp nập đến chợ Tết để mua sắm những thứ mà nhà mình không có, hoặc bán các loại nông sản, thực phẩm, các đồ, hàng mà mình làm ra. Nhiều người, nhất là người cao tuổi vẫn đến chợ như là một sự hồi tưởng cuộc sống nghèo khó, những cái Tết đạm bạc nhưng giàu ý nghĩa nhân văn khi xưa, mà lớp trẻ sinh từ năm 1990 trở lại đây không thể hiểu được.

Chợ Tết gắn với kỷ niệm tuổi ấu thơ của bao lớp người dân quê. Đó là một nét đẹp văn hóa truyền thống bao đời của người Việt, nhưng ngày nay đang đứng trước nguy cơ bị phai mờ, trong điều kiện của xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

PGS, TS BÙI XUÂN ĐÍNH