Khi mùa nước nổi bắt đầu rút đồng, mấy cơn gió chướng ràn rạt thổi lên bưng biền, miệt chính nhánh Cửu Long bắt đầu xôn xao đón Tết. Với hệ thống sông, kinh ngòi, rạch chằng chịt, Tết miền Tây lưu giữ trong tâm thức người Nam Bộ chính là những chuyến ghe hàng xuôi ngược khắp châu thổ. Gạo chợ nước sông, Tết của dân thương hồ linh đinh sóng nước là một nét đẹp, đậm đà bản sắc văn hóa Nam Bộ.

Hồi tôi còn nhỏ, miệt Cửu Long thường đón Tết sau những trận lụt tơi bời, những đứa trẻ như chúng tôi hay theo ghe xuồng của người lớn sắm Tết trên mấy khúc sông họp chợ. Tết những năm tháng đó nghèo nhưng chân phương nét quê. Chợ họp trên khúc sông rộng, người miền Tây kêu là chợ nổi. Đầu mỗi ghe bán hàng đều dựng cây bẹo treo thứ hàng mình bán. Đó có thể là rau, củ, gia vị, nước ngọt, mì gói, nồi niêu, soong chảo, hay có khi là tấm chiếu mới. Ghe xuồng nườm nượp từ đâu đó tụ về, người bán cũng là người mua. Có bận, chẳng ai trả ai đồng tiền nào, họ quy đổi bằng hàng hóa với nhau. Tỷ như một cái chiếu lấy chục trái dưa hấu. Cả một khúc sông rộn ràng tiếng người hỏi thăm cái này, người nhắc chuyện kia. Chợ Tết trên sông rôm rả từ sáng đến khi con nắng lên quá ngọn tre thì tan chợ về trong luyến tiếc.

Đám trẻ chúng tôi thường hay ra chợ nổi rồi xin người lớn lên những mô đất cao, cũng có thể là đoạn cầu nào đó bắt ngang khúc sông mà đứng chơi cùng. Thật ra chỉ là bịch nước ngọt được người lớn mua cho và dặn chơi loanh quanh khúc chợ nổi, không được đi xa. Cứ vậy mà chờ người lớn buôn bán, trao đổi, đám chúng tôi có khi lạ nhau nhưng chỉ qua một buổi chợ thì thành thân. Cùng nói mấy chuyện học hành, ruộng đồng và ước mơ trẻ dại. Từ trên cao nhìn xuống chợ Tết trên sông bên dưới, cảnh tượng thu vào mắt vô cùng đẹp. Ghe bông sặc sỡ sắc màu xanh, đỏ, vàng, cam. Ghe trái cây thì đầy ắp những trái chín to bự, căng tròn núc ních. Ghe thịt thì hằng hà sa số đùi, gọ, nạc, lưng... Cứ vậy mà đám chúng tôi mơ về những ngày mình lớn khôn sẽ là người sắm Tết cho cả gia đình.

leftcenterrightdel
Buổi sáng ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Ảnh: THÚY AN 

Dân thương hồ ăn Tết cũng trên ghe, bán thứ này, mua thứ kia, để có cái Tết như người trên bờ. Tôi có thằng bạn thân ba má nó làm thương hồ dọc khắp các con kinh rạch của An Giang. Thằng bạn không đi học, đời thương hồ lênh đênh nên con chữ cũng tròng trành được mất, vỏn vẹn chỉ viết được mỗi cái tên, hay tính toán được tới số chẵn chục. Có bận bạn kể: "Chục miền Tây hổng phải là mười đâu nghen mậy. Mỗi nơi một cách tính. Hổng nơi nào giống nơi nào. Ở An Giang chục là 12, còn Rạch Giá thì 16, xuống tận Cà Mau lại là 18". Hay như đời lênh đênh sông nước cũng cho thằng bạn thân nhiều cái rành rẽ hơn tôi. Không phải ai sống ở miền Tây cũng hiểu hết đặc sản quê mình. Nói dừa thì phải biết Bến Tre, không đâu dừa to và ngon như xứ này. Hay như thơm thì phải tìm xuống tận Cầu Đúc miệt Hậu Giang, có trái gần hai ký lô chứ chẳng phải là chuyện đùa. Vú sữa thì phải về tận Vĩnh Kim vào khúc Lò Rèn. Hoặc cách mua bán cũng không đâu giống đâu. Có nơi thì tính trái, có nơi tính chục, nhưng cũng có thứ thì tính ký. Xứ mình đi khắp chín cửa sông, thiệt tình còn chưa hiểu hết. Nhưng xứ mình chỉ cần mùa Tết, là bao hàng ngon thứ lạ tấp nập theo ghe về các khúc sông, chợ nổi. Ghe len lỏi vào tận kinh rạch, khúc lóng miệt đồng. Xứ mình ăn Tết giản đơn nhưng phải đủ đầy lễ nghĩa. Thằng bạn theo đời thương hồ kể chuyện Tết lênh đênh trên ghe nghe mà bắt thèm.

Tết thương hồ cũng đầy đủ thịt kho tàu, đòn bánh tét hay mâm ngũ quả. Cũng đêm Ba mươi Tết ra đầu mũi ghe đón Giao thừa. Hướng mũi ghe theo trăng mà vọng bái tổ tiên sông nước. Cuối ghe cũng cúng một mâm nhỏ cầu ghe thuận lợi dọc ngang. Chừng đúng giờ là mấy cái ghe đồng loạt nổ máy. Tiếng lạch bạch vang đều cả khúc sông, hệt như tiếng pháo giòn tan. Vậy là tụi con nít trên ghe biết được Tết về với dân thương hồ. Từ ghe này, đám con nít chuyền sang ghe khác để mừng tuổi nhận lì xì. Cũng có khi chủ ghe coi tuổi rồi dặn trước đứa nào hợp tuổi mới được lên ghe chúc Tết sau Giao thừa. Câu chúc cũng vần điệu, lớp lang, phóng khoáng như đời thương hồ rày đây mai đó. Tết thương hồ cũng rộn ràng bởi mấy gia đình làm nghề buôn bán bám sông nên cái tình vẫn như phù sa châu thổ. Tụm năm tụm ba lại ngồi nhậu rượu gạo Nha Mân, hát câu vọng cổ, xuống xề gặp dây Long Xuyên ai đó say khướt đờn trật nhịp là rần trời tiếng cười. Dân thương hồ nên cái Tết đầm ấm giữa mênh mông sóng nước vẫn là cái Tết nghèo nhưng đong đầy nghĩa nhân hào sảng.

Dù ăn Tết trên bờ hay dưới ghe, người Nam Bộ vẫn giữ những phong vị Tết đặc trưng từ thời ông cha để lại. Những kiêng cữ đầu năm hay tục lệ cúng bái hầu hết đều được thực hiện nghiêm túc và trang trọng. Mồng Một Tết vẫn không quét lòng ghe vì sợ quét đi cái sum vầy đủ đầy của năm mới. Cũng chẳng ai cho lửa hay cho nước những ngày đầu năm bởi lửa là vận đỏ, nước là tiền. Những ngày Tết vẫn kiêng mặc đồ trắng và đen, kiêng không nói điều xui rủi hay tranh cãi. Bạn ghe cũng rủ nhau lên bờ vào thăm Tết xóm giềng, hay cho ghe đến nhà mối lái chúc tụng nhau. Ghe thương hồ mấy ngày Tết không buôn bán nhưng vẫn xuôi ngược khắp sóng nước để tìm niềm vui sau cả năm trường bôn ba đời chợ sông. Vậy đó, nên trải khắp miệt chín nhánh Cửu Long, đi đấu đâu thì ngày Tết vẫn vui cười rộn rã, xanh đỏ sắc thắm. Cái nghĩa cử xóm giềng, cái đối đãi giữa người và người vẫn luôn gói trọn trong chữ "Tình" mà hưởng trọn niềm vui Tết nhất.

Biến thiên thời cuộc và miền Tây ngày nay đã phát triển hơn xưa. Khắp châu thổ Cửu Long giờ nhiều công trình cầu đường nối liền giao thương thuận tiện. Chợ xưa được xây dựng sạch đẹp, tươm tất; nhiều siêu thị sang trọng đầy đủ hàng hóa nội ngoại. Tôi xa xứ quê gá đời phố thị cũng hơn 20 năm trời, thoảng khi về lại miệt bưng biền cũng đầy bỡ ngỡ. Duy chỉ cái nét đẹp Tết thương hồ mỗi năm vẫn được giữ lại như một phong vị không thể lẫn vào đâu.

Có lần về miền Tây ngay những ngày bà con mình sắm Tết, tôi tìm lại khúc sông quê có người bạn thuở nào. Bạn giờ vẫn theo nghiệp thương hồ sông nước của ba má để lại. Ghe bông vạn thọ của bạn vàng rực cả khu chợ nổi. Bao năm rồi bạn vẫn xuôi ngược khắp miệt đồng bưng. Cái Tết với thương hồ thời hiện đại cũng khấm khá hơn. Có nhà trên bờ nhưng vẫn dập dềnh với sóng nước xứ này. Ghe vẫn là nơi sống, gạo chợ cho no bụng, nước sông để nuôi lòng. Bạn kể thương hồ giờ thành nét đẹp văn hóa mà khắp miền Tây tỉnh nào cũng muốn bảo tồn. Tết nhứt hơn 400 bạn ghe thương hồ được tỉnh chúc Tết, tặng quà quá chừng. Tết giới thương hồ giờ đâu rảnh như xưa, hết buôn bán lại tụ về khúc sông lớn để phục vụ khách du lịch. Tính ra ngơi nghỉ thì chỉ có  Mồng Một, sang Mồng Hai bắt đầu họp chợ phục vụ khách du lịch tham quan, mua sắm. Cũng là cái vui mấy ngày Tết. Dân du lịch tứ xứ đổ về, họ nhìn ghe buôn bán tấp nập trên sông mà thích thú. Dân miền Tây đâu đãi bôi giá cả. Mua cái này còn cho thêm cái kia, chủ yếu là để khách biết được cái nét văn hóa của vùng miền mình. Bạn cười hào sảng, tiếng cười lộng gió Tết nghe ngọt như điệu lý, câu hò của vùng sóng nước.

Ghe thương hồ còn nức tiếng với khách muôn nơi bởi chủ ghe ngoài cái tài bán mua, chèo chống luôn khuyến mãi thêm cho du khách mấy câu rao hay hò giao duyên mà chẳng nơi nào có được. Như ngay cái hôm tôi ghé thăm chợ Tết thương hồ cùng thằng bạn dập dềnh sóng nước, mấy cô gái phố thị lần đầu đi chợ nổi, mắt cười lúng liếng với anh bán bông vạn thọ. Thằng bạn chèo ghe cập bên hông rồi bắt giọng hò ngọt lịm: “Hò ơi!... Qua đi lục tỉnh giáp vòng. Tới đây ông trời ổng biểu lòng mình thương em. Con thòi lòi ngậm bông rau mác. Em thương người khác sao còn liếc chi anh? Đò qua sóng nước dập dình. Vì đôi mắt ấy... Hò ơi, chứ vì đôi mắt ấy, anh linh đinh cả đời...”. Hổng biết do câu hò ngọt lịm hay do thằng bạn thương hồ cười duyên trong nắng Tết mà mấy cô gái của chuyến đò du lịch cười rân trời khắp khúc sông quê.

Tết thương hồ dẫu vẫn linh đinh nhưng cái tình phù sa xứ này luôn nắm níu biết bao người men theo gió xuân tìm về.

Tạp bút của TỐNG PHƯỚC BẢO