Ngày ấy, khi cuộc sống còn phải ăn bữa nay, lo bữa mai thì những chiếc đèn lồng, đèn ông sao ngoài cửa tiệm thật xa vời với đám trẻ con chúng tôi. Ký ức Trung thu trong tôi là những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân do bố tôi “tự chế” và mấy chị em chúng tôi chính là những “thợ phụ” đắc lực.

Trước Trung thu vài hôm, bố tôi đã vót những thanh cật nứa và lấy các loại giấy oản, bóng kính, giấy màu thủ công của học sinh để làm đèn ông sao cho rực rỡ. Còn chúng tôi đi tìm tờ họa báo hoặc những cuốn truyện tranh cũ để cắt các bức tranh trên đó dán vào cánh sao. Ngày ấy, giấy làm đèn ông sao thường dùng giấy dầu, màu trắng trong để giúp ánh nến tỏa ra sáng lờ mờ. Sau khi hoàn thành tác phẩm, bố tôi thường trang trí thêm cho đèn ông sao những dây tua rua bằng giấy. Từ bàn tay của bố, chúng tôi tha hồ “diện” các kiểu đèn khác nhau, nào là đèn kéo quân làm từ lon sữa bò, đèn lồng làm bằng lon bia, đèn cù, đèn lồng làm bằng giấy film cũ... rồi những chiếc mặt nạ làm bằng mo cau... Sau khi có đèn ông sao, chúng tôi hòa vào đám rước đèn cùng lũ trẻ trong xóm. Đám trẻ con nối đuôi nhau đi rước đèn khắp làng. Đám rước tới đâu là huyên náo cả khu xóm nhỏ, vừa đi vừa hát, tiếng nói cười lảnh lót dưới ánh trăng rằm. 

leftcenterrightdel

Thế giới đồ chơi trên phố Hàng Mã (Hà Nội) vô cùng phong phú phục vụ nhu cầu trẻ em vui Tết Trung thu. Ảnh: PHÚC ANH 

Sau khi rước đèn về, “tiết mục” rôm rả nhất, háo hức nhất là phá cỗ Trung thu. Mâm cỗ Trung thu ở thôn quê xưa đơn giản lắm, chỉ có quả hồng, quả bưởi, bỏng ngô và một ít bánh kẹo, nhưng hương vị của nó thì còn mãi vấn vương trong ký ức. Sau này đi xa, mỗi khi nghĩ về Tết Trung thu xưa, lòng tôi không khỏi bồi hồi thương nhớ. Tôi nhớ nhất là trò đốt pháo hạt bưởi. Chúng tôi gom hạt bưởi, dùng dây thép xuyên thành chuỗi dài, gác gần bếp cho nhanh khô hoặc mang ra sân hong nắng, chờ đến Trung thu thì đốt. Những xâu hạt bưởi dài ngắn khác nhau chứa bao nhiêu niềm mơ ước của con trẻ. Hạt bưởi khô khi đốt sẽ phát ra những tiếng kêu lách tách nghe rất vui tai. Tinh dầu trong hạt bưởi thoang thoảng không trung. Còn nữa là trò chơi đốt pháo hoa than xoan đất sét. Chúng tôi lấy củi xoan đốt thành than, sau đó bọc đất sét vào làm pháo hoa. Để làm trò này cần lấy than xoan tán nhỏ, bọc đất sét bên ngoài, luồn một mẩu giấy xoắn hay dây dù vào giữa. Pháo than xoan được mang ra phơi dưới trời nắng hoặc đặt cạnh bếp để đất sét khô và cứng lại là có thể chơi được. Khi trời tối, dùng lửa đốt cháy đầu túm than, sao cho đầu than hồng, cầm quả pháo quay quay, “hoa lửa” bay dưới ánh trăng thu hòa trong tiếng cười lanh lảnh của lũ trẻ.

Ngày nay, mỗi dịp Tết Trung thu, những chiếc lồng đèn với muôn vàn hình dáng và sắc màu được bày bán rất nhiều trên mọi con phố, mâm cỗ Trung thu cũng theo đó mà phong phú hơn nhiều. Nhưng ai từng đi qua những mùa Trung thu xưa cũ hẳn sẽ không khỏi bồi hồi, xuyến xao. Khi không khí Tết Trung thu đang gõ cửa, những cảm giác náo nức rước đèn tuổi thơ lại quay về. Mặc dù không còn tiếng gọi nhau í ới của lũ bạn hàng xóm, tôi cũng không còn được nhìn thấy bố vót cật nứa “tự chế” những chiếc đèn ông sao, đèn cù nữa, nhưng ký ức đẹp về những mùa trăng xưa vẫn vẹn nguyên trong tâm hồn.

Tản văn của TƯỜNG VY