Không phải không có lý do khi người ta cho rằng mùa thu là mùa đẹp nhất trong năm. Bởi lẽ, mùa thu có sắc nắng vàng tươi, có gió mát nhẹ nhàng, thoang thoảng hương cốm mới. Và đặc biệt, mùa thu bao giờ cũng có tết Trung thu. Một cái tết không chỉ có trẻ em chờ đợi mà ai ai cũng đón chờ, trẻ con được vui chơi thỏa thích, người già được ngắm trăng, nhâm nhi chén trà bên mâm cỗ vui vầy cùng con cháu. Tôi còn nhớ như in, tết Trung thu xưa, nhà nào cũng làm một mâm cỗ nào bưởi, na, hồng, chuối, cốm thơm… và không thể thiếu bánh nướng, bánh dẻo.
Trung thu không dành riêng cho bất kỳ ai, trẻ con người lớn đều háo hức chờ ngày rằm Trung thu để thưởng trăng, ngắm cảnh. Vì rằm Trung thu trăng sáng nhất trong các đêm rằm. Khi còn nhỏ, mỗi dịp Trung Thu, những đứa trẻ mục đồng chúng tôi chỉ chờ bố mẹ làm cho chiếc đèn ông sao bằng tre, những chiếc mặt nạ giấy tự cắt để chơi đùa với nhau chờ phá cỗ, nếu vào ngày đi học cũng chỉ háo hức, rạo rực nhanh chóng sớm được về để chuẩn bị chị Hằng lên đi rước đèn cùng chúng bạn, í ới gọi nhau đi xem múa Lân, múa Rồng… ngoài sân kho. Rồi ùa về với mâm cỗ mẹ đã bày sẵn ngoài sân, mẹ chia cho mỗi đứa một mẩu bánh nướng, bánh dẻo, những thứ bánh cũng do bà và mẹ tự làm cả ngày trời để mâm cỗ được trọn vẹn.
|
Các em nhỏ ở trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) đang được cô giáo dạy cách bày mâm cỗ Trung thu.
|
Lớn lên, ra khỏi vùng quê, về sống ở thành phố, đón những cái tết Trung thu hoành tráng trong các nhà hàng, khách sạn, với những mâm cỗ được bày biện sang trọng, những chiếc bánh dẻo, bánh nướng có giá chục triệu đồng nhưng tôi vẫn thấy thiếu vắng một điều thiêng liêng nhất, đó là không thể có ánh trăng soi, không có những khoảng không gian yên bình để thưởng ngoạn. Đặc biệt, các đồ chơi tết Trung thu của thời hiện đại cũng khác, trẻ con không còn chơi nhiều chiếc đèn ông sao bằng tre bọc ni lông nữa mà là những chiếc đèn lồng bằng nhựa của Trung Quốc, những chiếc mặt nạ nhựa kinh dị, quái nhân… bày bán tràn lan. Trẻ em dần xa với các trò chơi dân gian, có lẽ vì vậy mà mỗi dịp Trung thu, tôi thường dành thời gian đưa các con đến với Bảo tàng Dân tộc học, nơi đó thường diễn ra các hoạt động đúng với không khí tết Trung thu truyền thống.
Năm nay, Bảo tàng Dân tộc học lại tổ chức Trung thu mang chủ đề: “Sắc màu Việt-Trung”. Đây là một cơ hội rất tốt để trẻ em vui chơi, với nhiều đồ chơi dân gian, vừa chứa đựng yếu tố văn hóa, vừa có tính giáo dục, ý nghĩa rèn luyện và tác dụng giải trí; đồng thời khám phá những nét tương đồng, khác biệt giữa nền văn hóa Việt Nam và Trung Quốc. Ở đây, mỗi Trung thu đều nhớ đến những phận đời thiếu may mắn, các trẻ em thiệt thòi, những trung tâm dạy nghề từ thiện…
Khi cuộc sống trẻ nhỏ quá đầy đủ, chúng sẽ ít quan tâm đến người khác, trở nên ích kỷ, nhỏ nhen, quen sống hưởng thụ… Nếu như, chúng ta cũng rời xa với truyền thống thì trẻ nhỏ sẽ không còn hiểu ý nghĩa thực sự của ngày Tết Trung thu. Rằm Trung thu sẽ chỉ đẹp và sáng hơn khi mỗi chúng ta nhận thấy giá trị đích thực của truyền thống.
Hoài Anh