Có bữa, bạn thấy ngoại ngồi đó rưng rưng. Ngoại nói, con người ta ai mà chẳng có lúc nhớ, lúc thương. Nhớ lạ kỳ cái bếp củi, bên đống tro có con mèo mướp cuộn tròn; nhớ hồi trụ bám, giặc tràn lên đốt nhà, cả làng cháy sáng rực... Bạn thấy hẳn lửa luôn trong mắt ngoại. Rồi ngoại không chịu ở phố với cậu, ngoại về quê và yên nghỉ mãi đó. Một ngày, tự nhiên bạn bắt đầu thèm quê, thèm đến lạ.

Học tập, công tác rồi dan díu với phố, bạn quên dần nếp quê. Ngày điện cúp, phố nóng hầm hập, bạn mới giật mình. Bạn thèm ra ngồi đầu hè, chỗ có con gió nồm mát lộng, ngồi đó ngó tụi nhỏ con chị ba thậm thụi câu mấy con cút de. Chỗ đất có mấy con cút de trong quá khứ làm bạn phải nhảy dựng lên.

Bạn đi tìm mua đất, để trong mấy thùng xốp, thùng nhựa con con, dưới hiên nhà, trên sân thượng. Trong cái khoảnh be bé, bạn gieo nào rau, nào hoa... Cuối ngày bạn ra đấy cào cào, tưới tưới, chăm bón. Bạn thấy đó là nơi để đi đi, về về giữa chốn quê và phố. Nhưng rồi bạn cũng nhận ra những mảnh đất là đất tạm bợ, những mảnh đất đã đứt lìa gốc mẹ. Rồi chúng cũng sẽ héo hắt, chúng sẽ bạc màu, lúc ấy bạn phải đổ đi để thay bằng đất mới. Nhưng âu đành chịu.

Cái phên đất mùa hè hay đông đều tối om om phả ra mùi hăng hắc của đất sét trộn lẫn với rơm. Lâu dần có thêm mùi khói bếp qua mùa đun nấu lẹm vào. Bao nhiêu năm, giờ cái mùi ấy đã biệt xứ. Bạn nhớ con đất bồi ven sông cày lên bở tơi. Đi bàn chân không dép sau lưỡi cày của ba nghe êm êm, mát rượi. Rồi đất bùn nơi đầm lầy trong các hố ruộng sâu. Những lần giữ trâu lội bùn ngập đến gối. Thứ đất bùn mịn mềm, nhão đen, ngai ngái mùi lá mục, cây mục, chỗ ấy má cấy nếp bụi nào bụi nấy bùm tum. Bạn nhớ cả triền đồi đất sỏi. Chỗ đất cỗi cằn có sim, mua nở tím rịm cả tuổi thơ.

Có lần ngồi vỉa hè trò chuyện với bác hàng xóm, bác bảo giờ tuổi già lạ lắm, thuở còn trẻ thèm xuống phố, bán hết đất quê để chen chân ra mặt tiền cho rỡ ràng với thiên hạ, giờ thấy tiếc. Già chỉ muốn có mảnh vườn nhỏ để cuốc cào, nghe cái mùi đất phả lên phải hơn là nghe mùi sơn tường, mùi xi măng, mùi cống rãnh. Bạn lại thấy nhớ quê chi lạ.

leftcenterrightdel
Một góc quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: MINH THÀNH 

Ký ức trôi qua trước mặt bạn như cuốn phim quay chậm, bạn thấy rõ mồn một quê nhà.

Khi bạn thèm trăng đến nỗi phải mang xe chạy thiệt xa khỏi thành phố, về phía ngoại ô, ngồi một mình chờ trăng lên mà chỉ thấy con trăng nhờ nhợ, đùng đục, phát nản. Bạn ưng một đêm trăng quê nào đó, trăng sáng trưng, rắc lên con sông lớp nhuyễn vàng. Trăng rụng lỗ chỗ qua hàng cam trước ngõ đổ xuống sân. Trăng trườn lên hiên nhà mịn mướt. Bắc ghế ra ngồi ngoài hiên, ngó trăng, nghe con dế gáy re... re... thấy đời thiệt đẹp.  

Một chiều, bạn đi ngang qua ngõ, thấy ông già ngồi trên vỉa hè với những con cào cào, châu chấu bằng lá dừa, cái để dưới đất, cái treo lủng lẳng trên giá gỗ. Tụi trẻ con bâu quanh cười tinh nghịch. Ngó lũ trẻ, nụ cười ông già như có nước. Bữa khác, tụi trẻ đi về đâu biệt xứ, ông già lủi thủi dọn hàng. Không biết ông có lượm được tiếng cười mô còn rớt lại hay không. Rồi ông lò dò về phía đó, chỗ ngôi nhà ba tầng khang trang, đẩy cửa và lọm khọm bước vào. Bóng ông lọt thỏm trong bóng chiều và dưới bóng ngôi nhà đồ sộ. Có lẽ quê đã lặm sâu trong máu thịt của con người, để rồi khi mỏi gót phiêu linh, lòng người chợt sống lại ngày xưa cũ, cái tình quê, tình đất dâng lên thành nỗi khắc khoải khôn nguôi.

Con người ta ai rồi cũng có một chốn để náu nương hồn mình, mà quê là chốn yên bình nhất. Những mái nhà quê, những đêm trăng quê, đất quê và những thứ xưa cũ... dệt vào tim con người ta màu thổ cẩm. Những cỗi cằn, nhọc nhằn đã cho nên hình hài rắn rỏi mưu sinh giữa cuộc hồng trần. Nhưng rồi đi qua những gian truân mới thấy tâm hồn con người thật sự yếu mềm trước cái gọi là quê hương.

Tản văn của THANH TUÂN