Ai sinh ra và lớn lên ở làng quê xưa, nhất là các làng quê Đồng bằng Bắc Bộ đều biết đến cái ao và hình ảnh chiếc cầu ao. Ao là nơi sinh hoạt hằng ngày của các gia đình nông thôn, là nơi thả cá, cung cấp nước để tưới vườn tược, cây cối... Trong đầy ắp những vấn vương, hoài niệm ấy, hình ảnh cái ao và chiếc cầu ao thân thương luôn đậm nét trong ký ức tuổi thơ của nhiều người.
Ao gắn bó, thiết thực với đời sống người dân thôn quê, song chiếc cầu nối giữa ao nhà và mọi thành viên trong gia đình lại là chiếc cầu ao! Nó quan trọng và thân thuộc như cái cổng vào nhà. Cầu ao thường được bắc bằng tre hoặc gỗ, có nhà xây bằng gạch hoặc chỉ là cái gốc cây cổ thụ được cưa bằng phẳng, hay là những cục đá, những viên gạch Bát Tràng cũ... được xếp, ghép với nhau thành từng bậc... Tuy đơn giản, dân dã nhưng suốt bao đời, chiếc cầu ao luôn gắn bó với mỗi gia đình. Hằng ngày, cầu ao là nơi mọi người tắm gội, giặt giũ... nhộn nhịp, từ sáng sớm đến đêm khuya.
Cũng như nhiều đứa trẻ quê thời ấy, cái ao là chốn gắn bó rất thân thiết với tôi. Những kỳ nghỉ hè, chúng tôi trốn mẹ cha nhảy xuống ao đùa nghịch, vẫy vùng. Tắm ao là một thú vui, có khi tắm hàng giờ liền để bơi lội, lặn ngụp bắt cá, mò ốc hay tìm những chiếc đũa, cái thìa... mà khi rửa bát tuột tay đánh rơi. Những trưa hè nóng như đổ lửa, dưới bóng cây mát rượi, bờ ao nhà là nơi cả gia đình tụ tập hóng gió. Tranh thủ trưa hè, mỗi người mỗi việc, bố ngồi chẻ lạt, vót nan, đan rổ rá; mẹ thì vá áo, khâu quần; ông ngồi câu cá, còn bọn trẻ chúng tôi trèo cây bắt bọ đa, chụp ve sầu, hái những chùm sung, quả ổi chín mọng lèn đầy túi áo...
Những chiếc cầu ao trong làng có vị trí thuận lợi thường khá tấp nập và rôm rả, nhất là vào những tháng hè oi ả. Mỗi khi đi làm đồng về, mồ hôi nhễ nhại, chân tay lấm láp, mọi người lại ào ra cầu ao khỏa tay, khỏa chân trong dòng nước mát. Những tối trăng thanh gió mát, già trẻ, lớn bé thường tụ tập nơi cầu ao làng hóng mát, tào lao đủ thứ chuyện trên đời và thưởng thức tiếng sáo diều vi vu giữa tầng không. Những đêm trăng sáng, hình ảnh chiếc cầu ao soi đáy nước, trở thành nơi hò hẹn của nam thanh nữ tú đến ngồi bên gốc cây tình tự.
Mỗi khi vào vụ gặt, cái cầu ao tấp nập khác thường. Gặt lúa xong là bắt đầu ngâm thóc giống cho vụ sau. Ngâm thóc cũng dưới ao, làm mạ trên sân cũng dùng bùn ao. Dịp Tết, tháng Chạp là tháng cầu ao nhộn nhịp nhất trong năm, hơn cả ngày mùa. Nhà nhà rửa hành, làm dưa để muối, người người lên xuống rửa lá chuối, lá dong, ngâm gạo, đãi đỗ... để chuẩn bị cho nồi bánh chưng đón Tết. Xưa kia, quê tôi ăn Tết bao giờ cũng phải có nồi cá kho. Vì vậy, nhiều gia đình thường tát ao vào dịp giáp Tết. Không khí tát ao bắt cá rất sôi nổi, mà háo hức nhất là bọn trẻ để được “hôi” cá. Lội ao "hôi" cá, mình mẩy lấm lem bùn đất, tanh nồng, rét run cầm cập mà vẫn cười giòn tan.
Hình ảnh ao quê còn đi vào văn học dân gian, trở thành niềm tự hào của người dân quê, dù đi đâu cũng vẫn muốn quay về: “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn”. Hình ảnh chiếc cầu ao gắn liền với những gì thân thương, mộc mạc và dân dã. Không chỉ gắn liền với sinh hoạt làng quê, mà hình ảnh cầu ao thật nhẹ nhàng, sâu lắng khi được ví von cho tình mẹ con: “Chiếc cầu ao dài bao nhiêu nhịp/ Em đi cho kịp kẻo mẹ trông chờ...”; hay biểu hiện về tình yêu đôi lứa: “Nhà em ở cạnh cầu ao/ Chàng đi xuôi ngược, chàng vào nghỉ chân”...
Hình ảnh cái ao cũng đã được các bậc nho sĩ xưa nhắc đến: “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Đến 3 bài thơ thu nức tiếng của cụ Tam Nguyên Yên Đổ (Nguyễn Khuyến) cũng đều nuôi thi hứng từ cái ao: “Ao thu lạnh lẽo, nước trong veo/ Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo” (Thu điếu), “Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt/ Làn ao lóng lánh bóng trăng loe” (Thu ẩm), “Nước biếc trông như tầng khói phủ (Thu vịnh)... Ta cũng bắt gặp cái cầu ao trong thơ hiện đại: “Mới đến cầu ao, tin sét đánh/ Giặc giết em rồi, dưới gốc thông” (Núi Đôi-Vũ Cao), “Nhớ những lần trốn học, đuổi bướm cầu ao/ Mẹ bắt được, chưa đánh roi nào... đã khóc!” (Quê hương-Giang Nam)...
Từ thuở ấu thơ đến khi về với tổ tiên, lớp lớp người ở các vùng quê xưa luôn gắn bó với cái ao và chiếc cầu ao. Ngày nay do quá trình đô thị hóa, làng quê Việt Nam nói chung và làng tôi nói riêng đã có nhiều thay đổi. Nhà nào cũng có giếng khoan, rồi nước sạch về đến tận nhà nên đa phần những cái ao trong làng đã bị lấp hết để làm vườn, xây nhà... Vì thế, cái ao ngày xưa dần trở thành quá vãng. Tuy vậy, trong lòng tôi vẫn còn mang nặng những kỷ niệm về cái cầu ao đầy thi vị, về những ngày ấu thơ gian khổ nhưng ăm ắp kỷ niệm, trở thành ký ức tuổi thơ sâu đậm mỗi khi nhớ về quê nhà.
MAI DIÊN