Tại sao khăn nhung, quần lĩnh, áo cài khuy bấm đẹp thế, tân thời thế mà vẫn làm cho thi sĩ khổ sở? Là đây, là trước đó những thắt đáy lưng ong đã từng vận vào với cái yếm lụa sồi và cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân. Có lẽ, trong cái nhìn, cách nghĩ của nhiều người thời đó thì những khăn nhung, quần lĩnh, áo cài khuy bấm đã “đụng chạm” tới thuần phong mỹ tục của xứ sở có nhiều hoa chanh nở giữa vườn chanh chăng? Và, sự thật cho đến hôm nay, trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra như một xu hướng không thể cưỡng lại trên phạm vi toàn cầu mà Việt Nam cũng chẳng ngoại lệ thì câu chuyện giữ gìn thuần phong mỹ tục vẫn được nhắc tới thường xuyên. Bởi giữ gìn thuần phong mỹ tục là giữ gìn bản sắc dân tộc; là trân trọng, bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa cốt lõi được hun đúc qua mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước của đồng bào ta. Thuần phong mỹ tục Việt khi đặt trong văn hóa nhân loại có những nét riêng, nói cách khác, nó được coi như là căn cước dân tộc vậy.

Tôi chưa từng hoài nghi về điều đó. Bởi thuần phong mỹ tục là khái niệm để chỉ toàn bộ những phong tục, truyền thống, quan niệm đạo đức, lối sống tốt đẹp, lành mạnh của một dân tộc. Như vậy, phạm vi giới hạn của thuần phong mỹ tục quá bao la và cái lớn lao, huyền diệu nhưng cũng rất cụ thể, bình dị đó đã làm nên đất nước, dân tộc này. Từ xưa cho đến nay và cả mai sau nữa, những gì thuộc về dân tộc vẫn sẽ tồn tại như các giá trị cao cả vững bền nhất. Tôi muốn nhắc lại điều này: Đánh mất bản sắc văn hóa truyền thống cũng có nghĩa là xóa đi dân tộc. Hòa nhập nhân loại càng mạnh mẽ bao nhiêu thì việc giữ gìn bản sắc dân tộc càng róng riết bấy nhiêu. Buông lỏng hay buông xuôi sẽ làm mất tất cả và như thế sớm muộn con cháu trở thành tội đồ trước tổ tiên, ông cha chúng ta.

Thời còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, tôi đã yêu rất nhiều chương "Đất nước" trong trường ca "Mặt đường khát vọng" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Tác phẩm xuất hiện trong thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi chủ nghĩa anh hùng cách mạng ở đỉnh cao. Cho đến bây giờ, khi đọc lại chương trường ca giàu chất sử thi và trữ tình đó, trong tôi vẫn vẹn nguyên sự xúc động sâu sắc. Lịch sử và văn hóa dân tộc được chọn lọc trở thành chất liệu hình tượng đưa vào thi ca, truyền cảm đến nhiều người tình yêu, niềm tự hào đất nước: "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi/ Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa"... mẹ thường hay kể/ Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn/ Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc"...

Với con người Việt Nam, sự biết ơn là điều được nhắc nhở nhiều nhất. Điều đó thật quá trùng khít với những gì Phật từng dạy, hãy sống trong một thế giới biết ơn. Sự biết ơn ấy chính là đạo lý, là gốc rễ của đời sống tinh thần Việt. "Uống nước nhớ nguồn"; "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây"... là những câu thành ngữ rất quen thuộc. Tục cúng giỗ tổ tiên ngày Tết, ngày người thân đi vào cõi khác là việc hay. Dân mình coi trọng ngày mất của người thân, chết rồi vẫn được đơm đặt cúng dường, được thầm thì mời gọi về nhà ăn Tết, ăn giỗ. Có lúc tôi nghĩ, với người Việt, âm dương luôn gần gũi bên nhau. Cái quan niệm “trần sao âm vậy” tuy mù mờ và nhiêu khê nhưng không phải không có cái đáng yêu của nó. Bánh chưng, bánh giầy tượng trưng trời tròn đất vuông vẫn được thành kính đặt lên bàn thờ trong ngày Tết. Cũng Tết cổ truyền thì mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy. Đấy là ứng xử có trước có sau, có trên có dưới, lễ phép và khiêm nhường. Cách tính tuổi âm cho mỗi người của dân ta vừa khoa học vừa nhân văn. Quãng đời trong bụng mẹ đáng kể lắm chứ, cái tim thai rung khẽ trong tình mẫu tử cần được nâng niu ghi nhận. Cũng như khi đứa bé đầy tháng (khẳm tháng) hay đầy năm (thôi nôi) dân ta có tục lệ làm mâm cúng tạ ơn mười hai bà mụ và cầu mong các đấng thiêng liêng, tổ tiên ông bà phù hộ cho cháu an lành, mạnh khỏe...

Khát vọng bình yên, khát vọng hạnh phúc được thể hiện trong những tục lệ như vậy. Lớn lên, con người thấm dần những lề thói, những nhắn nhủ hữu ích để từ đó hình thành nên nhân cách đẹp theo khuôn mực ăn trông nồi, ngồi xem hướng; lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều... Nước có phép nước, làng có lệ làng hay dở, sáng tối đủ cả nhưng qua chọn lọc của nhiều năm tháng với muôn vàn biến động, thăng trầm dữ dội bây giờ chúng ta được thừa hưởng những giá trị truyền thống nghiêng hẳn về tốt đẹp, nhân ái. Dân tộc ta yêu quý, trân trọng và tôn vinh cái tốt, cái đẹp trước hết bằng thuần phong mỹ tục.

Có một chiều sâu đáng ngẫm nghĩ trong thuần phong mỹ tục của ông cha gửi lại. Tôi xin lấy một ví dụ từ vùng Kinh Bắc. Còn mãi với thời gian, còn mãi với không gian, quan họ vang-rền-nền-nẩy với các giọng lề lối, vặt, giã của những liền anh áo lương khăn xếp và những liền chị nón thúng quai thao. Có một điều ta nên nhớ, người chơi quan họ khi kết chạ rồi thì nhất quyết không được lấy nhau. "Yêu nhau không lấy được nhau/ Mượn dao mượn kéo gọt đầu đi tu". Hát thì hát thế, nồng nàn, níu náu, diết da vô tận vô cùng nhưng các liền anh, liền chị đã kết chạ rồi thì không thể thành chồng thành vợ được. Tôi từng phân vân, tại sao người xưa đặt ra cái lề luật nghiệt ngã đến thế. Nhưng sau ngẫm lại thì tôi thấy người xưa rất đúng và cũng đầy tinh tế; nhờ cái luật chơi nghiệt ngã đó mà có những canh quan họ trong sáng, da diết, sâu sắc làm xao động lòng người muôn thuở. Cuộc chơi quan họ là cuộc chơi không có hồi kết, giã bạn rồi hẹn bạn trở về trong lất phất mưa xuân để cùng soi vào mắt nhau, trao gửi cho nhau thăm thẳm huê tình. "Mấy vạn năm nay tính hãy còn/ Cớ sao khi khuyết lại khi tròn/ Ba mươi, mồng Một đi đâu vắng/ Hay có tình riêng với nước non"...

leftcenterrightdel

Màn múa, rước thuyền rồng chào mừng Lễ hội Tràng An, Ninh Bình năm 2023. Ảnh: TRẦN HUẤN   

 

Hội làng, hội nước, lớn nhỏ tính đến hàng nghìn. Mỗi hội mang một sắc thái riêng gắn với non sông dằng dặc hay từng vùng miền riêng biệt. Tính liên kết, cộng đồng thể hiện rất rõ trong các lễ hội. Với người Việt Nam, không ai không biết Giỗ Tổ Hùng Vương: "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng Ba". Quốc Tổ Lạc Long Quân, Tổ Mẫu Âu Cơ, Vua Hùng mãi mãi là những danh tính bất tử trong tâm tưởng người Việt, là khởi thủy của một dòng chảy mãnh liệt từ xa xưa đến mai sau, từ ít đến nhiều, từ chật hẹp đến rộng dài bao la...

Những cái gì tốt đẹp nhất trong văn hóa truyền thống nên gìn giữ, tôn vinh mãi mãi. Cùng với điều đó cũng biết gạn đục khơi trong loại bỏ đi những cái không hay, những gì phản cảm. Dư luận đã nói nhiều tới tục cướp vợ, lễ đâm trâu, chặt đầu lợn hay những biểu hiện mê tín dị đoan vượt khỏi ngưỡng tôn giáo, tín ngưỡng và tâm linh. Tục phóng sinh hay đốt vàng mã cũng cần hướng tới sự trong sáng, lành mạnh chứ cứ xô bồ như hiện nay thì rất đáng phê phán. Từ cái ăn, cái mặc, xưng hô đến cách ứng xử đối đãi nhau cũng cần đẹp. Trong cảm nhận của tôi, con người ta hiện nay có vẻ vừa thực dụng, vừa u mê. Nếu điều đó đúng như thế thì thật sự nguy hiểm. Nó sẽ dần dần ăn mòn những điều tốt đẹp mà dân tộc ta đã bồi đắp nên hằng bao thế kỷ nay. Những điều tốt đẹp ấy đã từng vượt qua rất nhiều thách thức để còn lại đến hôm nay. Nó là dấu vết quá khứ nhưng cũng là một phần quan trọng của hiện tại và sẽ thật vô lý khi không có mặt ở tương lai dân tộc.

Sống trong thế giới hội nhập rộng lớn và mạnh mẽ như hiện nay thì sự giao thoa, dịch chuyển văn hóa là điều không có gì lạ. Đang tồn tại sức mạnh mềm “tấn công” không ngừng vào các nền văn hóa thiếu sức đề kháng. Nhìn từ nước ta sẽ thấy rất rõ điều này. Lễ Giáng sinh (Noel) đã trở thành một hoạt động văn hóa quen thuộc, nhiều sắc màu thu hút đông đảo người Việt Nam dù họ không đi theo đạo Thiên chúa. Rồi ngày lễ Tình nhân cũng rất được ngưỡng mộ, nhất là với các bạn trẻ. Nhiều ngày của thế giới đã được du nhập vào Việt Nam, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc trên đất nước ta. Tôi nghĩ, chúng ta không cần phải lo ngại về điều đó. Sự xâm nhập ấy cũng tự nhiên thôi trong một hành tinh kết nối từng giây và thế giới đông đúc con người xứng đáng được coi là siêu phẳng. Những xa cách, nhấp nhô, trập trùng không còn là sự ngăn trở con người nữa khi các phương tiện đi lại và các mạng xã hội đã đạt tầm hiện đại và rất tiện dụng. Kể cả chuyện những nhóm hát lừng danh nhất hành tinh có sức hút siêu mạnh với lớp trẻ đương thời đến biểu diễn ở Việt Nam cũng không có gì phải kinh ngạc.

Người Việt không bảo thủ, càng không có thái độ kỳ thị hằn học văn hóa. Học cái hay của người để làm mới mình là điều tốt. Cái cần nói là yêu thích và học hỏi khác hoàn toàn với sự sùng bái vô lối. Và, nó cũng không đồng nghĩa với sự quay lưng lại dân tộc, chê bai, mỉa mai, hắt hủi những giá trị văn hóa đẹp đẽ của chúng ta. Khi thuần phong mỹ tục không bị mai một hay đánh mất lại được bổ sung thêm những giá trị văn hóa cao cả của nhân loại, dân tộc ta sẽ giàu có hơn, văn minh hơn. Nhân loại sẽ nhận ra một Việt Nam hạnh phúc trong những giá trị văn hóa đặc sắc không lẫn vào đâu được. 

Nhà thơ NGUYỄN HỮU QUÝ