Tính cố kết giảm, dân chủ, bình đẳng tăng
Do điều kiện tự nhiên và điều kiện lịch sử xã hội dựng nước và giữ nước đặc biệt, con người Việt Nam từ xa xưa vốn có truyền thống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Sự gắn kết của cá nhân với gia đình (và cao hơn là với làng xã, Tổ quốc) đã trở thành một trong những giá trị văn hóa cơ bản của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, làn sóng mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hóa, công cuộc hội nhập quốc tế đã đưa con người đến với những tư tưởng mới, theo đó, nhận thức của họ về giá trị gia đình cũng có nhiều thay đổi. Tinh thần tự do, chủ nghĩa cá nhân đã khiến sự gắn kết gia đình, đối với không ít người hiện nay, không còn là giá trị quan trọng và cần thiết, đâu đó xuất hiện hiện tượng “nhiễu loạn giá trị gia đình”.
Cùng với sự tự chủ về kinh tế, việc không tìm thấy niềm hạnh phúc thực sự từ cuộc sống gia đình, một số người hiện nay chọn sống độc thân. Có người cho rằng, hôn nhân không phải là cái đích duy nhất và cuối cùng của tình yêu nên dẫn đến những tình yêu mãi mãi không có đám cưới và hôn thú. Điều này đi ngược lại với truyền thống: Quan niệm tình yêu phải gắn liền với hôn nhân, hôn nhân là kết quả tốt đẹp và tất yếu của tình yêu chân chính. Một bộ phận vị thành niên, vì muốn khẳng định cái tôi, đã thoát ly gia đình, chưa coi trọng gia đình, họ hàng, nguồn cội...
|
|
Dạy trẻ gói bánh chưng ngày Tết-một nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam ngày nay vẫn được gìn giữ và phát huy |
Trong xã hội Việt Nam truyền thống, mẫu gia đình “tam đại”, “tứ đại”, “ngũ đại đồng đường” được coi là chuẩn mực đáng tự hào. Đó là nơi mà hạnh phúc được duy trì trên cơ sở sự hài hòa gắn kết giữa các cá nhân, các thế hệ với những tình cảm và giá trị đạo đức tốt đẹp. Ngày nay, số lượng gia đình theo mô hình truyền thống đã giảm đi, nhường chỗ cho các gia đình trẻ-hai thế hệ. Mỗi gia đình nhỏ là một xã hội thu nhỏ, độc lập về kinh tế, văn hóa và mọi phương diện khác. Ngay cả những mô hình gia đình truyền thống còn tồn tại cũng thay đổi về bản chất: Các thế hệ sống trong một mái nhà nhưng sinh hoạt chung lại lỏng lẻo, thiếu gắn kết.
Sự độc lập về kinh tế trong gia đình ngày càng tăng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh, chị, em, thậm chí vợ và chồng cũng không còn phụ thuộc vào nhau. Sự đứt đoạn trong quan hệ “cha truyền con nối” về nghề nghiệp cũng cho thấy sự giảm sút tính cố kết gia đình, xu hướng độc lập trong gia đình hiện đại. Con cái phần lớn làm nghề khác cha mẹ và tự do lựa chọn, định hướng nghề nghiệp tương lai cho chính mình. Tuy nhiên, nền nếp sinh hoạt lại có sự độc lập đến lỏng lẻo của mối quan hệ gia đình. Trong cuộc sống hiện đại, người lớn bận làm, trẻ em bận học, có nhiều gia đình hiện nay cả tháng không có một bữa cơm chung. Nhiều gia đình, dù đông con nhiều cháu nhưng vì những lý do khác nhau, đến ngày lễ, tết lắm khi chỉ có người già cô đơn đợi chờ những cuộc điện thoại, email... thay cho sự thăm nom trực tiếp. Những nghịch lý của cuộc sống gia đình hiện nay diễn ra khiến cho ta suy ngẫm: Nhiều thú vui nhưng ít niềm vui, nhà to nhưng gia đình nhỏ, no cơm ấm áo nhưng thiếu đói nghĩa tình…
Ngày xưa, ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, người phụ nữ truyền thống luôn phải khuôn mình theo đạo “tam tòng” và mặc nhiên chấp nhận sự phân định địa vị “phu vi thê cương”, “phu xướng phụ tùy”. Họ chỉ biết quanh quẩn với công việc bếp núc, không được học hành, giao lưu, không được tham gia các công tác xã hội… Với quan niệm này, nói như học giả Trần Ngọc Thêm là đã “loại bỏ hạt nhân dân chủ”. Bối cảnh hội nhập, với sự giao lưu, tiếp xúc với văn hóa phương Tây đã thổi vào gia đình Việt một luồng gió mới mát lành. Người phụ nữ đã được đánh giá công bằng hơn, được đối xử nhân văn hơn, có quyền thể hiện năng lực, theo đuổi ước mơ, tham gia công việc xã hội và giữ trọng trách trong các tổ chức, đoàn thể. Vợ chồng bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi, là những người bạn đời cảm thông, chia sẻ, cùng chung tay xây đắp mái ấm gia đình.
Gia đình truyền thống đề cao chữ hiếu, đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối của con cái đối với bố mẹ, ngay cả lĩnh vực đáng được quyền tự do nhất là tình yêu, hôn nhân cũng phải “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”… Ngày nay, trong những gia đình tiến bộ, cha mẹ và con cái là những người bạn với nhau, cha mẹ có thể lắng nghe, chia sẻ với con cái mọi vui buồn, tôn trọng những ước mơ, hoài bão chính đáng của con trẻ… Mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu ngày nay cũng thông thoáng hơn, nhiều nàng dâu không còn phải cúc cung phục vụ gia đình chồng, không còn là nạn nhân của những bà mẹ chồng cay nghiệt, thậm chí nhiều mẹ chồng còn tâm lý và yêu thương con dâu như con ruột của mình.
Sự thay đổi về đạo đức gia phong
Như một mạch ngầm không vơi cạn, truyền thống quý báu của người Việt Nam ngàn năm nay vẫn được kế thừa và phát huy trong nhiều gia đình hiện đại. Những chuẩn mực, đạo lý như tình yêu thương, sự hòa thuận, sẻ chia, lòng biết ơn, hiếu thảo, tình chung thủy, đức hy sinh và những nền nếp gia phong như hiếu đễ, kính trên nhường dưới… vẫn là ngọn lửa hồng sưởi ấm cho hạnh phúc gia đình hôm nay.
Thế nhưng trong bối cảnh quốc tế và trong nước nhiều biến động hiện nay, vấn đề đạo đức, gia phong của người Việt đã có nhiều biến đổi. Ngày nay, các thành viên có xu hướng nới lỏng, giản tiện các nghi lễ, phép tắc trong gia đình. Thậm chí trong một số gia đình Việt hiện nay, gia đạo đã bị băng hoại đáng lo ngại. Tình yêu giả dối, tình dục trước hôn nhân một cách dễ dãi, hôn nhân thực dụng; ngoại tình, ly hôn diễn ra hết sức phổ biến. Không ít gia đình, bố mẹ quá bận bịu hoặc mải mê theo đuổi ham muốn cá nhân mà bỏ rơi con cái, tình phụ tử, mẫu tử đôi khi chỉ được đo tính bằng số tiền hằng tháng cha mẹ phó mặc cho ô-sin, vú nuôi. Những đứa trẻ lớn lên thiếu thốn tình yêu và sự giáo dục gia đình đã phát triển lệch lạc, nhiều em đua đòi, hư hỏng, thậm chí trở thành tội phạm. Việc con cái bỏ rơi cha mẹ lúc tuổi già, chia ngày tính tháng nuôi cha mẹ không phải là chuyện lạ trong xã hội, thậm chí con cái lại là thủ phạm giết chết đấng sinh thành của mình. Đã không ít gia đình lâm vào cảnh “nồi da xáo thịt”, anh chị em mâu thuẫn, thậm chí kiện cáo, giết chóc lẫn nhau vì quyền lợi kinh tế, nghĩa vụ chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ…
Hiện tượng bạo hành gia đình hiện nay xảy ra khá phổ biến với mức độ, tính chất và hình thức phức tạp, đa dạng: Không chỉ có chồng bạo hành vợ, mà còn có vợ bạo hành chồng, cha mẹ bạo hành con cái; không chỉ bạo hành về thể xác mà cả tinh thần, kể cả trong những gia đình trí thức. Gia đình, với một số người, không còn là mái ấm, là bến đỗ bình yên. Những biến đổi tiêu cực của nếp sống gia đình nói trên để lại những vết đen trong nền nếp gia phong và những hệ lụy không nhỏ đối với sự ổn định, niềm tin xã hội.
Như vậy, trước bối cảnh mới của quốc tế và trong nước, văn hóa gia đình như con thuyền đi ra biển lớn, đứng trước những thời cơ lớn lao và những thách thức không nhỏ. Trong hoàn cảnh đó, nhiều giá trị mới được sinh ra nhưng cũng nhiều giá trị cũ mất đi. Vấn đề đặt ra là phải hài hòa các giá trị truyền thống với các giá trị hiện đại, biết loại bỏ những yếu tố lỗi thời, giữ lấy những gì là tinh hoa, bản sắc, đồng thời tiếp nhận những giá trị mới của dân tộc và nhân loại. Trách nhiệm này không của riêng ai, mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội cần nhận thức đúng về giá trị của gia đình, từ đó có cách ứng xử đúng để điều hòa các mối quan hệ... Chỉ có như thế, văn hóa gia đình mới là dòng sữa mát lành nuôi dưỡng mỗi con người, trở thành một trong những giá trị cao đẹp mà con người khao khát vươn tới.
ThS NGHIÊM THU NGA