Nhân dịp năm học mới, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Thị Nghĩa về những vấn đề trên.
Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, nhìn lại năm học 2016-2017, đồng chí có thể đánh giá những kết quả nổi bật của ngành giáo dục?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Năm học vừa qua, toàn ngành giáo dục đã tập trung triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản nhằm đổi mới và từng bước nâng cao chất lượng GD&ĐT. Với sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành và sự quyết liệt, nỗ lực trong quá trình thực hiện, chúng ta đã có một năm học với nhiều chuyển biến tích cực.
Đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa. Ảnh: VIỆT AN
Mạng lưới các cơ sở giáo dục được rà soát, quy hoạch, sắp xếp lại phù hợp hơn. Cơ sở vật chất trường lớp được chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa; số phòng học bán kiên cố, phòng học tạm, phòng học nhờ, mượn đã giảm; số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia được tăng lên. Đổi mới công tác quản lý giáo dục theo hướng tăng cường phân cấp, giao quyền chủ động cho các cơ sở GD&ĐT tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực học sinh. Việc bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ theo Đề án 2020 được chú trọng, chất lượng dạy và học ngoại ngữ được nâng lên. Việc ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường, triển khai hiệu quả các hệ thống phần mềm quản lý giáo dục, bồi dưỡng giáo viên, học trực tuyến, tuyển sinh trực tuyến...
Cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tỷ lệ trẻ mầm non được đến trường tăng; chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và THCS tiếp tục được duy trì. Công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông (GDPT) được chú trọng đổi mới theo định hướng Chương trình GDPT mới. Kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức an toàn, nghiêm túc, bảo đảm khách quan, trung thực nhưng nhẹ nhàng, giảm áp lực, giảm tốn kém đối với người dân và xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. Đặc biệt năm học 2016-2017, các đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic quốc tế các môn: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay với tổng số 31 huy chương, trong đó có 14 huy chương vàng; 13 huy chương bạc, 4 huy chương đồng.
Tuy nhiên, việc triển khai 9 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp trong năm học qua còn bộc lộ một số hạn chế: Quy hoạch mạng lưới trường lớp ở một số địa phương chưa phù hợp, còn nhiều bất cập; tình trạng thiếu trường, lớp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất còn phổ biến; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết; năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới; năng lực quản trị của một bộ phận cán bộ quản lý trường học chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước; tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm còn nhiều...
PV: Từ kết quả đã đạt được cũng như những khó khăn, hạn chế của năm học vừa qua, nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học mới 2017-2018 này là gì, thưa đồng chí?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Năm học 2017-2018, toàn ngành tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản. Đây là năm học tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo; quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên.
Một giờ lên lớp của cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Nam Từ Liêm, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Ảnh: THU HÀ
Trong đó, sẽ có 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục lựa chọn để tập trung tổ chức thực hiện trong năm học:
Một là, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, trọng tâm là các cơ sở đào tạo giáo viên. Các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, theo đó, các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên cho các địa phương.
Hai là, thực hiện có chất lượng chương trình giáo dục mầm non sau chỉnh sửa; chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả Chương trình GDPT mới. Trong đó, tập trung đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình triển khai Chương trình GDPT mới.
Ba là, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD&ĐT, gắn với nâng cao năng lực quản trị nhà trường; kiện toàn và bảo đảm các điều kiện để hội đồng trường thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo.
PV: Để chuẩn bị cho Chương trình GDPT mới thì chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có vai trò rất quan trọng. Hiện tại, tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn trên cả nước có nhiều không? Bộ sẽ có biện pháp xử lý như thế nào với đội ngũ giáo viên này, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Tính đến thời điểm hiện tại, đội ngũ giáo viên phổ thông của cả nước đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo là hơn 99%, cụ thể: Số lượng giáo viên tiểu học cả nước là 396.843, trong đó có 396.659 giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn (đạt tỷ lệ 99,9%); số lượng giáo viên THCS là 313.526, trong đó 311.927 giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo (đạt tỷ lệ 99,49%); số lượng giáo viên THPT là 150.900, trong đó có 150.124 giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn (đạt tỷ lệ 99,49%).
Số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo rất ít, chủ yếu là những giáo viên sắp đến tuổi nghỉ hưu hoặc không có khả năng đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn, số giáo viên này, hầu hết các địa phương đã bố trí chuyển sang làm các công việc hỗ trợ giảng dạy như: Thiết bị, thí nghiệm, thư viện,...
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận giáo viên năng lực thực tế chưa tương thích với trình độ đào tạo. Để chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT đang tiến hành xây dựng, chỉnh sửa chuẩn nghề nghiệp giáo viên để tiến hành đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn mới. Đồng thời, ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên về Chương trình GDPT mới theo lộ trình triển khai hằng năm và bồi dưỡng các năng lực dạy học nền tảng để đáp ứng chương trình mới như: Dạy học tích hợp, phân hóa; phát triển chương trình nhà trường; tổ chức các hoạt động trải nghiệm.
PV: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Câu nói ấy thật đúng với tình hình tuyển sinh của các trường sư phạm mấy năm nay, nhiều trường sư phạm điểm chuẩn khá thấp và khó tuyển sinh viên. Theo Thứ trưởng thì cần phải làm gì để thu hút được những người giỏi vào ngành sư phạm?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Để bảo đảm chất lượng đào tạo giáo viên, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã thực hiện chính sách hạn chế mở ngành, rà soát các điều kiện bảo đảm chất lượng của các ngành đào tạo giáo viên đang triển khai đào tạo, tạm dừng tuyển sinh đào tạo từ xa, giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm theo từng năm, đào tạo chuyển đổi các giáo viên dôi dư để sử dụng hiệu quả hơn....
Tuy nhiên, những giải pháp trên chỉ là trước mắt, về lâu dài và căn cơ, Bộ GD&ĐT sẽ quyết liệt đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên; phối hợp với các địa phương để có kế hoạch đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên các cấp, đồng thời xây dựng, đề xuất chính sách ưu tiên đầu tư vào các trường trung tâm để nâng cao chất lượng của toàn hệ thống sau khi quy hoạch.
Với quan điểm đào tạo phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng và bảo đảm chất lượng để phục vụ cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, bộ sẽ chỉ đạo các địa phương rà soát nhu cầu sử dụng giáo viên, mức độ thừa/thiếu cục bộ giáo viên các cấp học, môn học... để dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên thật sự sát thực, tránh tình trạng sinh viên tốt nghiệp sư phạm không có việc làm.
Tới đây, bộ sẽ kiên quyết tạm dừng đào tạo các ngành đang dư thừa giáo viên và đình chỉ đào tạo đối với những cơ sở đào tạo không đáp ứng được các điều kiện bảo đảm chất lượng. Đồng thời nghiên cứu để quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào riêng đối với các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên từ năm 2018.
Bộ GD&ĐT sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành hoặc để trình Quốc hội ban hành chính sách đãi ngộ tốt hơn, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và tạo sức hấp dẫn người học đối với ngành sư phạm, chính sách đầu tư các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo cho các trường sư phạm (sau khi được quy hoạch), chính sách hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm sau khi ra trường.
PV: Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo ngành giáo dục nghiên cứu và tham mưu về chế độ chính sách tiền lương cho giáo viên. Theo đồng chí thì chế độ tiền lương cho giáo viên cần được tính thế nào cho phù hợp?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Hiện nay, lương của nhà giáo là một bộ phận trong hệ thống lương cán bộ công chức, viên chức. Với đặc thù nghề nghiệp, cũng như sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhà giáo còn được hưởng phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên. Các nhà giáo công tác ở những vùng miền khác nhau, nhất là nhà giáo ở vùng đặc biệt khó khăn còn được bổ sung các phụ cấp, trợ cấp khác. Tuy nhiên, hiện nay thu nhập bằng lương của một bộ phận nhà giáo còn thấp, đặc biệt giáo viên mới ra trường và giáo viên mầm non, tiểu học.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tiến hành nghiên cứu, khảo sát về chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Sau khi có kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tế, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tham mưu với Chính phủ về chính sách tiền lương đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong lộ trình cải cách chính sách tiền lương của Chính phủ theo tinh thần Kết luận số 23-KL/TW của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về "Một số vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020".
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
HÀ THANH MINH (thực hiện)