Đến bây giờ tôi vẫn nhớ những câu ca mà ông lão chèo xuồng cất lên khi đưa chúng tôi tới rừng U Minh Thượng (Kiên Giang) trong những ngày giáp Tết Mậu Dần 1998. Những câu ca ấy như khơi dậy một cảm giác ngất ngây say đắm về vùng miệt thứ, gợi lại những ký ức về một thời đánh Mỹ hào hùng, anh dũng trên suốt chặng đường về U Minh Thượng để sưu tầm sử liệu viết lịch sử chiến tranh.

U Minh dẫu có người trong nhóm chúng tôi chưa một lần đến nhưng trong lòng ai nấy đều cảm thấy như có điều gì đấy vừa lạ, vừa quen và bị hút hồn qua câu chuyện của ông lão chèo xuồng đưa chúng tôi vào rừng. Ông vốn là một bí thư chi bộ, một chiến sĩ từng gắn bó nhiều năm với căn cứ địa U Minh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; một ông già miệt thứ từng nhiều lần ăn Tết, đón xuân trong rừng tràm U Minh: Ông là Tư Kiên.

U Minh là một vùng đất rừng ngập mặn nay thuộc địa phận hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Cái tên U Minh (hay còn gọi là miệt U Minh, cõi U Minh...) nhằm chỉ chốn mịt mùng, nơi mà theo sách "Đại Nam nhất thống chí" thì "Con người thói thường chuộng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài. Đất nhiều sông rạch, ai cũng biết bơi lội. Người đủ bốn phương. Mỗi nhà có tập tục riêng"... Địa bàn U Minh chia làm hai vùng: U Minh Thượng (Kiên Giang) và U Minh Hạ (Cà Mau); nằm kẹp giữa hai con sông lớn là sông Cái Lớn và sông Ông Đốc. Nhờ hội tụ đủ những yếu tố "thiên thời-địa lợi-nhân hòa" mà U Minh sớm được xây dựng thành căn cứ địa cách mạng. Nơi đây ven biển, vừa thuận lợi cho việc bảo tồn, xây dựng và phát triển lực lượng, vừa bảo đảm tự cung tự cấp nhờ vào nguồn hậu cần tại chỗ dồi dào...

leftcenterrightdel

Toàn cảnh Khu lưu niệm lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang tại ấp Bờ Dừa, xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang hiện nay. 

Nằm trong hệ thống các căn cứ địa ở Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ, căn cứ địa U Minh với những đặc thù vốn có của nó đóng vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của quân và dân miền Tây Nam Bộ và trong một chừng mực nhất định cho cả Nam Bộ. 70 năm về trước, theo Hiệp định Geneve, U Minh từng là nơi được chọn làm khu tập kết 200 ngày để cán bộ và lực lượng vũ trang cách mạng xuống tàu tập kết ra Bắc. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, U Minh là địa bàn nóng bỏng phơi bày đầy đủ tính chất khốc liệt của cuộc chiến tranh xâm lược kiểu mới do đế quốc Mỹ tiến hành. Tính khốc liệt đó được biểu hiện ở quy mô lớn, cường độ cao, thời gian kéo dài và mức độ hủy diệt tàn bạo mà kẻ địch gây ra cho quân và dân trên mảnh đất sông nước này.

Trở lại câu chuyện của ông lão chèo xuồng đã làm cho chúng tôi nhớ lại một thời oanh liệt của quân và dân U Minh, trong đó có những cái Tết vô cùng khó khăn, vất vả của quân dân nơi này. Ông Tư Kiên kể: Cuối tháng Chạp năm 1957, đám tay chân của Ngô Đình Diệm lùng sục khủng bố rất gắt gao. Để bảo toàn lực lượng, ông khi ấy đang tham gia lực lượng bộ đội địa phương đã cùng một số anh em phải lánh vào rừng tràm mặc dù chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết. Lúc bấy giờ, theo chủ trương của trên, đấu tranh chính trị là chủ yếu, có vũ trang thì cũng chỉ là vũ trang tuyên truyền mà thôi. Bọn địch không từ 3 ngày Tết, từ đặc khu An Phước, chúng tỏa ra tiến hành lùng sục, càn quét khắp nơi.

Sáng Ba mươi Tết, ông tranh thủ dựng tạm mấy chiếc chòi bằng sậy để chuẩn bị đón xuân. Không lương thực, không bánh, kẹo... chỉ có một gói chè cơ sở mua cho từ trước chưa kịp uống. Chiều Ba mươi, không khí buồn tẻ bao trùm, ai cũng nhớ nhà, nhớ Tết... Để phá tan bầu không khí ấy, ông bàn với một vài anh em phải tự mình tạo ra một cái Tết cho "tươm tất" trong rừng tràm. Không ngờ sáng kiến đó được mọi người nhiệt tình hưởng ứng. Một nhóm ở lại làm nhiệm vụ cảnh giới, còn tất cả tỏa ra các đìa xung quanh bắt cá, hái đọt choại, tìm trái giác... chuẩn bị cho mâm cỗ Tết. Được cái mùa này, những thứ đó, đặc biệt là tôm, cá ở rừng U Minh nhiều vô kể. Chỉ sau hơn một giờ, ông và các anh em đã gom được gần hai bao bố cá lóc, cá trê, cá rô... rồi còn cả tôm, cua và một bao rau dại nữa. Kiếm được khá nhiều cá, anh em bàn với nhau đào mấy cái hố đổ cá xuống "nhốt" ở đó ăn dần trong 3 ngày Tết, phòng khi địch phong tỏa không thể ra khỏi "đại bản doanh" được. Sáng kiến đó được mọi người tán đồng và triển khai thực hiện ngay.

leftcenterrightdel

Khu lưu niệm lực lượng vũ trang tỉnh Kiên Giang vừa được khánh thành ngày 22-12-2023. Ảnh: PHƯƠNG VŨ

"Tối Ba mươi Tết, trừ những người gác, còn lại tất cả quây quần bên ấm trà nóng trên chiếc bàn được ghép vội từ mấy khúc tràm chờ đợi phút giây Giao thừa để được nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ. Thật may mắn khi đi vào rừng, chúng tôi vẫn còn giữ được chiếc đài bán dẫn và mấy cục pin dự phòng. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi bàn cách chế biến các món từ cá và rau chuẩn bị cho mâm cỗ Giao thừa. Tôi nhẩm tính tiêu chuẩn Giao thừa, mỗi người sẽ được một con cá lóc nướng trui cùng với nửa ly "cuốc lủi" mà một người dân gửi cho trước lúc đơn vị rút vào rừng tràm. Mấy anh bạn người Bắc tự an ủi với nhau, Giao thừa mà có món cá lóc nướng trui nhâm nhi với "cuốc lủi" như thế này thì còn gì bằng", ông Tư Kiên bùi ngùi nhớ lại.

Cả đơn vị đang hào hứng chuẩn bị, người lo nướng cá, người lo trang trí để đón Giao thừa thì bất ngờ bộ phận cảnh giới báo động quân địch đang tràn tới. Tất cả được lệnh bỏ cá, thu gom đồ đạc, xóa dấu vết, mang theo vũ khí nhanh chóng rút vào sâu trong rừng tràm. Suốt cả đêm, ai nấy đều mệt lử vì phải cơ động liên tục, vì đói và tức anh ách vì không được nghe thơ chúc Tết của Bác. Bụng đói cồn cào, nghĩ tới mấy hố cá bỏ lại và bữa cơm Giao thừa đang chuẩn bị dở mà tiếc đứt ruột.

Gần 5 giờ sáng, khi màn sương vẫn quấn quanh rừng tràm, máy bay và bộ binh địch bắt đầu mở cuộc lùng sục. Tuy nhiên, lúc đó mọi người cũng đã ung dung ngồi ở một địa điểm an toàn. Chỉ có điều lúc này, anh em đều như kiệt sức vì đói và trải qua hành trình đầy cơ cực để thoát khỏi vòng vây của địch. Ông Tư Kiên kiếm được ít gạo đưa cho anh em thổi cơm ngay nhưng không có nước. Thế là mọi người phải đào một cái hố sâu, đợi khá lâu mới chắt được vài ăng-gô nước, vừa đủ để thổi cơm. Bữa cơm ngày Tết đầu tiên chỉ ăn với muối nhưng ai cũng khen ngon... Nhìn anh em ăn cơm với muối trắng một cách ngon lành trong những ngày Tết cổ truyền, ông Tư Kiên không cầm được nước mắt, cố ra vẻ lạc quan và để động viên tinh thần, rồi kể cho anh em nghe câu chuyện Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân năm xưa trong buổi lễ ra mắt chiều ngày 22-12-1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Cao Bằng. Lúc bấy giờ, cũng chính từ ăn bữa "cơm thề" còn không có cả muối, chỉ ít ngày sau họ đã làm nên chiến công vang dội trong trận đánh ở đồn Phai Khắt và Nà Ngần.

Đến chiều mồng Một Tết, tình hình có vẻ đã ổn hơn, ông Tư Kiên và đồng đội ra khỏi rừng tràm, phân công nhau tỏa vào các phum, sóc của người Khmer làm công tác dân vận. Bà con ở đây rất tốt. Họ mang cho bộ đội cơ man là quà Tết. Anh em đều rất vui vì nghĩ rằng sẽ được ăn một cái "Tết muộn" đúng nghĩa. Tuy nhiên, chưa kịp tận hưởng điều đó thì ngay trong đêm ấy, đơn vị ông lại nhận được lệnh lên đường để trở lại tiếp tục bám trụ địa bàn chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới... 

leftcenterrightdel

 Đường vào Vườn Quốc gia U Minh Thượng, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang nhìn từ trên cao.  

Những năm sau này, Tết đến được sum vầy cùng gia đình, cuộc sống đủ đầy hơn, song dù có đi đâu, về đâu, dù trải qua nhiều chức vụ khác nhau thì mỗi độ Tết đến, xuân về, với ông Tư Kiên, ký ức những ngày Tết trong rừng tràm U Minh năm xưa vẫn luôn để lại cảm xúc sâu đậm, thân thương nhất. Còn với đoàn công tác của chúng tôi, chuyến thăm U Minh Thượng cũng là một kỷ niệm đặc biệt không bao giờ quên khi được chiêm nghiệm về vùng đất, con người nơi đây qua những câu chuyện của ông lão chèo xuồng-cựu chiến binh Tư Kiên: "Trái tràm đỏ, nước rừng tràm cũng đỏ/ Mỗi độ xuân về lại nhớ U Minh".

PGS, TS TRẦN NGỌC LONG