Bà Sạ bước vội về phía trường học khi tiếng chiêng đầu tiên cất lên giữa bản Đon. Tiếng chiêng ngân rung như tiếng nước dòng Huổi Đon. Từng nhịp trầm, bổng vang vọng đến rừng sâu rồi vút cao lên cùng đỉnh Phù Khẩu Nông Sân...

Khi bà Sạ đến nơi thì đã thấy những phụ nữ trình tấu chiêng vận lên mình bộ trang phục của tổ tiên truyền lại. Trong tiếng chiêng như có lời thổn thức kể về gốc tích, nguồn cội một tộc người đã vượt nghìn cây số đến vùng đất này từ một đất nước lân bang.

Lần đầu trong đời bà được tận mắt nhìn thấy những gì mà Bun từng kể. Thứ nhạc cụ này tròn trịa như mặt trăng, mỗi nhịp ngân lên lại như lan đến tận chân trời xa.

Nắng đã lên trên đỉnh Phù Khẩu Nông Sân. Những gợn mây như vương vấn với núi câu chuyện còn dang dở. Cảnh sắc ấy khiến bà Sạ chợt nhớ đến câu hỏi của người ấy ngày còn trẻ mà đến nay bà vẫn chưa trả lời.

leftcenterrightdel

 

Minh họa PHÙNG MINH

Sạ men theo ánh trăng hạ huyền soi xuống con đường mòn rảo bước về phía cánh rừng. Sớm nay, lúc lấy củi, cô đã nhìn thấy trên thân cây có ký hiệu mà Bun để lại. Đó là một hình tròn, ở giữa viết con số mà hai người từng giao ước với nhau.

Hồi còn nhỏ, Bun và Sạ thường khắc những ký hiệu bằng nét than vào chân cột nhà sàn. Số một và hai thường được viết giữa vòng tròn để hẹn nhau rong chơi những buổi trưa nắng. Hai người ngược dòng nước tìm đến đầu nguồn suối Huổi Đon. Dòng suối này được hình thành từ một mó nước trong vắt trong hang động dưới chân núi Nông Sân. Những trưa hè bỏng rát, Bun và Sạ thường chui vào hang động trầm mình trong mó nước. Là cô gái thông minh nhất bản Đon nên Sạ thường hỏi Bun những câu hỏi khiến anh khó trả lời. “Sông suối, cây cối có nguồn cội, gốc rễ vậy thì gốc tích dân làng, người Mol mình từ nơi đâu?”. Những lúc ấy, Bun lại vờ ngụp lặn bởi không thể trả lời câu hỏi của Sạ. Đến khi ngoi lên khỏi mặt nước vẫn bắt gặp ánh mắt hồ nghi của Sạ nên đành bảo: “Lớn lên anh sẽ trả lời”. Sạ nghĩ, mai sau sẽ dành tình yêu đầu đời cho người đàn ông trả lời cho mình câu hỏi ấy.

Trên thân cây chò chỉ là hai vòng tròn lồng vào nhau, có nghĩa là Bun hẹn gặp Sạ vào đêm trăng rằm. Trước đây, chiều nào Sạ cũng mong chờ vầng trăng nhô lên khỏi đỉnh rừng, để rồi thất vọng khi vầng trăng khuyết như mảnh lưỡi niềm cắt cứa vào ký ức. Sạ ngước nhìn vầng trăng đang trôi, tưởng tượng vóc dáng, khuôn mặt của người bạn thời thơ ấu. Lúc đi xa, Bun đã cao gần bằng chiếc cột gỗ dưới gầm sàn.

Bun sống cùng mẹ trong căn nhà sàn nơi cuối bản. Bun rời làng trong một đêm trăng, sau khi mẹ mất.

Chiều ấy, Bun theo mẹ từ rẫy về đến cửa rừng. Bỗng từ phía xa vang lên tiếng súng nổ. Mẹ anh chỉ kịp kêu lên đau đớn rồi ngã gục xuống, máu từ ngực chảy ra nhuộm đỏ những hạt thóc vàng đổ ra từ chiếc gùi nặng trĩu. Bun vội đỡ mẹ lên, cố gắng cầm máu cho mẹ bằng đám lá rừng nhưng bất lực. Bun quỳ bên mẹ, gào khóc như tiếng voi rừng bảo vệ con trước đàn thú dữ. Mẹ Bun đã bị những tên lính săn tưởng là thú rừng bắn trúng. Một tên lính ném cho Bun vài đồng bạc kèm những lời hăm dọa rồi quàng súng đi về phía đường lớn. Hình ảnh viên đạn găm vào ngực mẹ khiến Bun ám ảnh. Ở đây, con người không săn bắn muông thú. Muông thú chẳng ăn thịt con người. Vậy mà bọn giặc lại gieo rắc tang thương cho vùng đất tươi đẹp này.

Ngày xưa, cũng một buổi chiều nhá nhem, cha Bun bị đám thổ phỉ xông vào bản cướp bóc và giết hại khi ông và cánh đàn ông trong làng cùng nhau chống trả để bảo vệ dân làng. Trong những câu chuyện với Sạ, Bun thường nói đến viễn cảnh thanh bình nơi bản làng. Bun tin rằng sẽ có một người anh hùng giống như cha nhưng sẽ làm được điều lớn lao hơn, là đánh đuổi giặc ngoại xâm, tiêu diệt thổ phỉ, mang lại bình yên, độc lập cho đất nước triệu voi này.

*

Thấy Bun đứng đợi bên cây cổ thụ, Sạ nhón chân thật khẽ vỗ vai òa Bun như ngày bé. Bun giật mình sờ tay vào khẩu súng bên hông nhưng anh chợt sững lại khi nhận ra giọng nói của Sạ. Sạ chạm lên bờ vai Bun, cô thấy anh gầy đi nhiều.

- Bun đã đi đâu những năm qua?

- Bun đi làm cách mạng. Bun được tổ chức đưa sang Việt Nam học tập và huấn luyện.

Bun kể, một lần cùng bạn đến vùng núi xứ Mường chơi hội xuân, anh tình cờ nghe được câu chuyện của đôi nam nữ khi xem họ hát đối giao duyên. Họ nói với nhau bằng thứ tiếng địa phương khác với tiếng Việt mà Bun được học. Nhưng Bun vẫn có thể hiểu một số từ họ nói: "Ho ưa da" (anh yêu em); "Ho hạo da" (em thích anh)... những từ gần gũi như tiếng quê hương bản xứ. Bun cảm thấy như mình vừa được trở về quê hương. Bun tưởng tượng mình sẽ nói với Sạ những câu yêu thương như thế trong lễ hội té nước. Sạ sẽ gật đầu đồng ý với lời tỏ tình vụng về nhưng chân thật của anh. Rồi Bun lại nghĩ đến lời hứa với Sạ trong hang động. Sẽ tìm câu trả lời về gốc tích cội nguồn.

Trong lễ hội, Bun thấy những cô gái mặc trang phục truyền thống chơi loại nhạc cụ hình tròn, khi ngân lên âm thanh như ngưng đọng hồn thiêng nơi núi rừng. Những cô gái đội khăn trắng, mặc áo trắng, thắt lưng xanh, đeo xà tích... như mây đa sắc màu bên chiếc váy chạm gót chân tôn lên vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ xứ ấy.

Bun bảo, nếu Sạ khoác trên mình bộ trang phục ấy thì sẽ rất đẹp. Bun đang cố gắng kiếm tìm thêm thông tin để hiểu chính xác về nguồn cội người Mol mình.

Lần tiếp theo, Sạ gặp lại Bun buổi sáng sớm khi mở cửa chiếc lán trên nương sắn. Bun nằm trên vũng máu cố gắng rịt vết đạn trên vai bằng nắm lá cây vò nát. Sạ hoảng hốt chợt nhớ đến tiếng súng vọng từ bìa rừng hôm qua khi trời nhá nhem tối. Rồi những nhóm lính vào bản lùng sục, kiếm tìm kẻ đã bắn chết gã chỉ huy người Pháp. Những ngày sau, Sạ trở thành “y tá” bất đắc dĩ khi Bun hướng dẫn Sạ gắp viên đạn và băng vết thương như cách Bun từng học được. Bun kể cho Sạ nghe câu chuyện từ lời kể của ông nội, khi Sạ đỡ Bun dậy để uống bát thuốc sắc từ lá cây rừng.

Năm xưa, loạn lạc chiến tranh tràn về, máu nhuốm đỏ cả dòng sông nơi núi rừng yên bình. Người dân nơi bản làng xưa đã cùng nhau di cư đến vùng đất này để tránh bị bắt lính, bàn tay không vẩn đục nhuốm mùi tanh tưởi của máu. Họ cứ đi theo những con đường men núi dọc triền sông cho đến khi gặp đàn voi rừng thong dong ăn cỏ dưới chân núi. Lạ thay, đàn voi rừng không tấn công đoàn người di cư từ miền loạn lạc. Lần theo vết chân đàn voi, họ đi về phía vùng đất Hủa Phăn ngày nay.

Những người ấy đến từ Mường Pi hay Mường Bi của Việt Nam thì Bun không nắm rõ. Ngày trước, các cụ còn ngược xuôi về thăm cội nguồn nhưng thời gian trôi, chiến tranh giặc giã liên miên, lối về quê cũ cũng dần mờ phai trong tâm trí bởi đường xa trắc trở. Ông nội của Bun nghe câu chuyện từ cụ nội. Cụ nội nghe lại từ thế hệ trước và câu chuyện truyền miệng cứ dần mai một gốc tích, nguồn cội theo thời gian.

Trước ngày rời lán, Bun hỏi Sạ:

- Cách mạng thành công, Sạ làm vợ Bun nhé?

Sạ lảng tránh ánh mắt của Bun bằng cái chớp mi thật khẽ. Sạ tin rằng, sau này, Bun sẽ hiểu được tình cảm của mình qua cách mà cô chăm sóc anh. Hình như hôm đó, Bun không hiểu nỗi lòng trong đôi mắt Sạ. Bun khép cửa lán chạy theo con đường heo hút dẫn vào rừng sâu.

Sạ muốn chạy theo níu bờ vai ôm Bun vào lòng nhưng chẳng hiểu sao bước chân Sạ cứ nặng trĩu, đôi mắt Sạ nhìn theo bóng Bun đang khuất dần bằng niềm tin về cảnh sắc nơi bản làng bình yên.

*

Bà Sạ nhìn người đàn ông đang dạy những cô gái bản Đon bài chiêng đầu tiên. Dáng cao gầy của anh khiến những ký ức về Bun đã ngủ quên trong lòng bà như càng được khơi lên rõ nét. Những bước chân của hai người nơi suối cạn, hang đá, rừng sâu, sông đầy... cùng vết khắc hình tròn trên thân cây cứ nhói lên trong suy nghĩ của bà. Trong lòng bà đã đồng ý lời tỏ tình của Bun. Nếu có thể bà sẽ dành cả cuộc đời chăm sóc Bun nhiều hơn bằng những yêu thương mình ấp ủ. Nhưng...

Hôm ấy, Sạ lại đến điểm hẹn với Bun khi thấy dấu hiệu trên thân cây chò chỉ. Mấy năm chưa gặp lại, hình bóng Bun thường xuyên xuất hiện trong suy nghĩ Sạ. Sạ chạm tay nghe nhịp đập yêu thương ngân lên từng nhịp trong trái tim.

Lần này, Sạ định trêu Bun như những lần trước. Nhưng bàn tay vừa chạm vai, Sạ ngỡ ngàng khi ánh trăng soi lên gương mặt người đàn ông xa lạ. Người đàn ông nói với Sạ mình là đồng đội của Bun. Anh biết đến dấu hiệu khắc trên thân cây trong những đêm cùng Bun ngủ trong hang đá, rừng sâu. Bun đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ. Trước lúc hy sinh, Bun nhờ anh mang kỷ vật này về trao lại cho Sạ. Ánh trăng xuyên qua kẽ lá rừng soi lên trang giấy thấm những giọt nước mắt mà Sạ vừa mở ra bằng bàn tay run run. Đó là bức tranh Bun vẽ bằng nét chì, cô gái mặc chiếc váy như lời Bun kể đứng cạnh chàng trai mặc trang phục truyền thống Salong. Sạ nhìn vầng trăng khuyết, nước mắt lẫn vào bước chân trên con đường mòn. Sau đêm ấy, Sạ trở thành người phụ nữ khác.

Từ dạo đó, người dân bản Đon coi bà Sạ là người đàn bà có những hành động kỳ lạ, điên rồ. Nhưng người dân nơi đây chưa bao giờ xa cách, hắt hủi bà. Họ cưu mang, chăm sóc bà bằng củ sắn và những mùa lúa nếp trên nương, ruộng. Khi thế hệ những người bằng tuổi bà già yếu, trước khi nhắm mắt xuôi tay, họ vẫn dặn dò con cháu hãy đối xử tốt với bà.

*

Những cô gái bản Đon mặc trang phục váy Mường vừa tấu hoàn chỉnh bài chiêng "Gọi bạn". Bài chiêng hoàn chỉnh ngân lên từ bàn tay những cô gái bản Đon như vừa đánh thức trí nhớ trong tâm hồn bà Sạ. Khi tỉnh táo, bà mới nhận ra những nghĩa tình cao đẹp xuất phát từ nơi cội nguồn. Dù có lưu lạc phương xa nhưng cái tình nghĩa ấm áp, đoàn kết, yêu thương, sẻ chia của người Mường vẫn không bao giờ mất đi. Bà Sạ cảm thấy lòng mình nhẹ tênh như gió. Gió mang hồn chiêng về núi.

“Hồn Mường” viết về câu chuyện của đồng bào Mường ở bản Đon (Hủa Phăn, Lào). Mối tình cảm động giữa Sạ và Bun khiến người đọc hiểu được giá trị của hòa bình và sự đoàn kết keo sơn gắn bó giữa hai nước Việt Nam-Lào. Truyện kết thúc bằng sự gặp lại những tiếng chiêng đến từ quê hương xứ Mường như một thông điệp nhân văn sâu sắc.

Truyện ngắn của KIỀU XUÂN QUỲNH