Thế nên đoạn sông này xưa nay quanh năm chảy cuồn cuộn xoáy. Dân đi ghe tàu không thích gọi tên chữ là “Hồi Oa”, nên truyền tai nhau gọi là “ngã ba Xoáy Nước”, riết quen, thành địa danh từ bao giờ. Nhưng có lẽ từ lúc tàu bè bị nước xoáy cuốn chìm, người ta đã nghĩ ra một cái tên mới, sao cho nghe là thấy có sự cảnh báo về tính cách của sông để biết mà đối phó.
Ở xóm Mũi Cù Lao, gần ngã ba Xoáy Nước, có ông Ba mắt ghe nhà ở kề sông, ngó ra phía dòng nước xoáy. Chữ “mắt ghe” kèm sau tên gọi theo thứ ba của ông, không phải vì cả thời tuổi trẻ ông phần nhiều lặn mò dưới dòng sông hơn trên bờ, mà vì những sự kỳ lạ trong câu chuyện nghiệp đời ông Ba.
Nếu ở xa đến xóm Mũi Cù Lao hỏi, người trong xóm ai cũng biết và kể rành rẽ câu chuyện, rằng: Ngày Tết Đoan Ngọ hồi năm nẵm, ông Ba đang ngồi nhậu thì có người đến mướn ông lặn mò tìm vàng rớt trên sông. Ông Ba bỏ mâm nhậu, đi một mạch xuống bến sông, lặn một hơi dài gần nửa tiếng. Trong lúc ngà ngà say, con nước phù sa đục ngầu chảy xiết làm ông Ba thấy mờ mờ ảo ảo giống mình vừa lạc vào một vùng nước sáng trưng như có đèn điện. Vùng nước đột ngột lạnh như nước đá. Ông bỗng dưng thấy tim mình thắt lại, lỗ tai nhói như sắp nổ. Biết có biến cố nên ông già gắng sức giật dây tín hiệu cho những người trên bờ kéo ông lên. Khi lên tới mặt nước thì toàn thân ông cứng đờ, đôi mắt trắng bệt, miệng ngậm chặt dây hơi, phì phào không dứt. Mọi người tức tốc đưa ông đi cấp cứu. Ông Ba mắt ghe nằm viện suốt cả tuần trong những cơn nửa mê, nửa tỉnh. Có lần trong cơn mơ sâu, ông mê sảng thấy Thủy Thần tướng quân từ xa cưỡi một con thuồng luồng phóng như bay, bốn bề dậy sóng. Tướng quân mặt mày đầy rong rêu, dữ tợn; con thuồng luồng đầu mũi đỏ tươi, mắt tròng trắng, nhãn đen, nhìn vô cảm, không biết là hiền hay dữ. Nhưng lạ thay, bao nhiêu cơn sóng dữ trên sông, hễ thuồng luồng đi đến đâu là lặng yên đến đó. Những thủy quái y hệt trong sách miêu tả thời tiền sử ngoi lên trên sông nuốt người cũng dần lui đi, trả lại sự bình yên cho sông, xanh mát. Ông Ba cố nhìn kỹ con thuồng luồng thì thấy đôi mắt sáng của nó rất quen, quen như ông đã gặp hằng ngày mà lúc này đầu óc mụ mị chẳng cách nào nhớ được.
Lúc ấy, ông bỗng nghe hình như có tiếng đứa con lay gọi mình. Đứng nửa chân trong mơ, nửa chân ngoài đời thực, ông kịp nhận ra đôi mắt ấy chính là mắt của những chiếc ghe.
Sau lần đó, ông Ba không còn nằm mơ gặp lại tướng quân nữa. Ông bỗng dưng hồi phục, mạnh khỏe và rắn rỏi lạ thường. Xuất viện về nhà, ông cứ ngồi thẫn thờ nhìn những cặp mắt ghe xuôi ngược trên sông. Ông hồi tưởng giấc mơ và ngồi vẽ ra những đôi mắt ghe rất lạ. Ai trông thấy cũng bảo “mắt thần”. Từ dạo đó, ông treo bảng nhận vẽ mắt ghe, không lấy tiền. Có lẽ việc chi không dính tới tiền thì có tiếng đồn xa và thiêng nên người ta tấp nập đến nhờ ông vẽ. Từ đó ông mang luôn cái tên: Ông Ba mắt ghe.
Để vẽ một cặp mắt ghe, ông Ba phải mất vài ba bữa đến cả tuần. Quy trình vẽ mắt ghe của ông Ba cũng lắm công phu. Ghe được vẽ mắt khi vừa đóng xong phần thân. Trước khi vẽ phải làm một mâm cỗ với dĩa muối, gạo, ba chung nước và cây nhang; cúng bái chư thần ở trước mũi ghe. Ván làm mắt ghe phải là ván cây dương hoặc sao lâu năm. Ván được cưa vừa vặn, ngâm vôi một tuần, sau đó đem ra phơi cho khô ráo. Mắt ghe không được dùng đinh đóng vào thân ghe mà phải dán bằng một loại keo nấu từ nhựa cây rừng. Sau đó khoan lỗ và gắn chốt gỗ vào. Ông Ba đại kỵ người lạ sờ vào mắt ghe, cũng như không ai được quấy rầy khi ông vẽ. Ông nói, đôi mắt ghe cũng như con mắt của người, phải sáng láng và có tâm thì mới đi đúng nơi, đúng hướng được. Đôi mắt cũng là tâm hồn, tâm hồn càng sáng trong, càng cao thượng thì mới phát ra được những oai lực trấn yểm, trừ khử thủy quái, yêu ma.
Tiếng lành đồn xa, người tứ xứ đến tìm ông Ba mắt ghe nhờ vẽ ngày một đông. Có khi ghe lớn ở xa, ông phải đi với họ đến tận nơi đóng ghe mấy ngày ròng mới về. Cực vậy mà ông Ba lúc nào cũng vui vẻ và khỏe mạnh lạ thường.
Năm ông Ba tròn 90 tuổi, sức khỏe bắt đầu có những dấu hiệu bất an, tim gan hay chơi trò rượt đuổi, làm ông đau vất đau vả. Người đến nhờ ông vẽ mắt ghe thì vẫn đông, có khi phải sắp hàng chờ đợi. Biết mình sẽ khó bề qua khỏi, ông Ba truyền lại nghề này cho những người con cháu trong nhà. Đám con cháu vẫn chưa học hết nghề thì ông cũng bắt đầu đổ bệnh nặng, nằm một chỗ, không nói năng được gì.
Người ta đến nhà ông, có người còn đưa trước một khoản tiền công không nhỏ để chắc ăn cho cặp mắt ghe. Đám con cháu mới vào nghề, vẽ chưa rành, để vẽ coi được thôi thì mỗi đôi mắt ghe phải mất hơn ba ngày mới làm xong. Vậy nên có đứa đã nghĩ ra phương thức chụp lại những mắt ghe ông Ba từng vẽ, rồi làm thành một cái khuôn, chế ra thêm một cách kéo lụa màu. Vậy là chỉ cần nói kích thước ghe, loại ghe thì thêm hai mươi phút là đã có thể vẽ xong một đôi mắt ghe y như ông Ba vẽ. Vừa nhanh, vừa gọn, lại không quá tốn kém công người vẽ và tiền người mướn nên đôi bên ai cũng vui lòng.
Dần dà, đám cháu phát triển thêm việc gắn phụ kiện, đèn led, đèn chớp cho mắt ghe. Chúng giảng giải rằng, mắt thì phải có đèn soi rọi, đi đêm mới sáng được. Thấy cũng có lý nên người ta tin và đùng đùng làm theo. Cả khúc sông vào đêm lung linh ánh đèn đủ màu như hội hoa đăng. Khó ai biết được, trong những ánh mắt ghe đó, có những cái chớp mắt rất tình, cái chớp mắt cảnh báo, hay cái chớp mắt tín hiệu riêng. Chỉ những người chủ ghe và những người có nghề mới nhìn ra được. Họ đọc được tín hiệu của mắt ghe, biết ghe chở gì, chở bao nhiêu tấn, đến từ đâu, thuế phá ghe ra sao. Từ ánh mắt trầm tư vô cảm, nhìn chằm chằm xuống mặt sông trấn yêu trừ tà, không biết là vui hay buồn, hiền hay dữ, dần dần mắt ghe trở nên giống người hơn, có cảm xúc và tiếng nói riêng.
Nhưng cũng từ đó mà dòng sông quay cuộn nhiều hơn, ghe xuồng ngang qua đây dẫu có mắt ghe từ chính đôi tay ông Ba vẽ hay từ mẫu của ông Ba vẽ, dẫu có đèn sáng hay mắt chớp vẫn không sao thoát nạn bị nhấn chìm. Nhưng có một điều lạ, những đôi mắt ghe do ông Ba vẽ, khi bị nhấn chìm rồi, nằm nước mấy tháng trời mà khi vớt lên đôi mắt vẫn không mất màu. Còn nguyên màu sơn đỏ-trắng-đen, chứ không bao giờ mất đi màu của mắt. Còn những mắt ghe từ con cháu ông Ba in rập khuôn thì chỉ cần hai hôm nằm nước đã bay mất màu sơn, bù lại đó là những đám rong rêu nhanh chóng bám lấy, đóng dày đặc, nhớt nhợt và chảy dài kỳ quái.
Người ta lại càng tin vào đôi mắt ghe có một sự huyền bí rất thiêng thiêng và kỳ lạ. Không thể giải thích được, chỉ biết đó là việc cần làm và phải tin tuyệt đối. Mâm cỗ cúng “khai quang điểm nhãn” cho ghe lúc này có phần thịnh soạn hơn, có heo quay, vịt hấp bia, trái cây, nhang đèn nghi ngút bên cạnh mớ giấy tiền vàng bạc.
“Bây giờ, đôi mắt ghe không còn chỉ là để trừ khử tà ma mà còn để tránh nạn”-đứa cháu ông Ba nói như thánh phán. Nhưng người ta tin, vì nhờ đôi mắt ghe mà họ có thể tránh được nạn kiếp trên sông, có thể làm ăn có thêm đồng lời và an lòng đi trong đêm tối, không phải sợ tai nạn từ những loài thủy quái rình rập, bất ngờ xông lên.
Rồi ngày mồng năm tháng năm của mấy năm sau đó, khi ông Ba vào tuổi 94, ông bỗng dưng đi đứng và nói năng lại được. Có người đàn ông giàu nhất xứ sông nước này đến tìm nhờ ông đích thân vẽ giúp một đôi mắt ghe cho chiếc ghe lớn nhất từ trước đến nay, như phò trợ tâm linh cho chiếc ghe có khả năng đi từ thượng nguồn đến hạ nguồn và ra đến biển “xuôi chèo mát mái”. Ông Ba trầm ngâm hồi lâu, ông lục trong mớ gỗ cũ kỹ của mình một cặp mắt ghe cuối cùng. Ông cẩn thận vẽ từng nét một, rồi bất ngờ cầm đôi mắt ghe in lên ngực áo người đàn ông. Người đàn ông có vẻ bất ngờ rụt lại nhưng sau đó thì đứng im. Ông Ba mắt ghe nói: "Không chỉ gắn đôi mắt này vào ghe, ông cần phải để cả cái “đầu não” và “thân ghe” lúc nào cũng trong sáng từ tâm tới mắt mà nhìn đúng hướng thì mới đi được xa...".
Ông Ba mắt ghe qua đời sau ngày vẽ đôi mắt ghe cuối cùng mấy bữa. Vậy mà đến chục năm sau tôi mới nghe được câu chuyện của ông. Hôm tôi đến ngã ba Xoáy Nước, dòng sông vẫn đong đầy. Ngồi trên bến nhà ông nhìn ra sông, thấy ghe xuồng không thôi tấp nập. Những đôi mắt ghe như đôi mắt người chứa đầy nỗi niềm xuôi ngược, vẫn thầm lặng nhìn xuống dòng sông bao dung như suy ngẫm về những nẻo đường. Lúc ấy tôi tin, đôi mắt ghe mà ông Ba vẽ, không chỉ là đôi mắt trên sông, mà còn là đôi mắt trong lòng của bao người con của miền sông nước nơi đây...
Nhà văn Lê Quang Trạng đã phần nào làm sống lại không khí kỳ bí của vùng đất Nam Bộ xưa trong “Người vẽ mắt ghe”. Tại sao mỗi con ghe cần phải có mắt? Tại sao những ghe ông Ba vẽ mắt khi di chuyển buôn bán trên sông nước lại an toàn hơn? Tại sao cặp mắt ghe cuối cùng ông không dán lên ghe mà lại dán lên ngực người chủ ghe?... Trước sự lấn át của kinh tế thị trường, mắt ghe cũng phải hiện đại theo, với đèn led, với ánh sáng nhấp nháy đủ màu. Rồi thì cuối cùng những cặp mắt ghe mang ý nghĩa trấn yểm nhìn chằm chằm xuống sông năm nào cũng chẳng còn. Ông Ba cũng vậy... Truyện ngắn chỉ vỏn vẹn 2.000 từ mà gói vào trong nó nhiều thông điệp. Đó cũng chính là lời cảnh tỉnh của mẹ thiên nhiên. Chỉ khi nào con người còn biết sợ, biết lắng nghe cây cối, sông nước, “trong sáng từ tâm tới mắt mà nhìn đúng hướng” thì mới có thể an tâm sống. (Nhà văn ĐINH PHƯƠNG) |
Truyện ngắn của LÊ QUANG TRẠNG