- Tìm đi, nó chưa đi xa đâu.
- H’ra. Hú hú, H’ra, mày đâu rồi? Về nhà đi con.
Tiếng ông Yot gào thét lên trong đêm. Bà Klã vừa chạy vừa khóc vang trời át cả tiếng mưa bão. Bà vừa chạy vừa thở hồng hộc, cổ họng khô khốc đôi lúc tưởng tắc nghẹn đi vì ngút hơi. Bà Klã tuy chưa già nhưng những nếp nhăn cứ xô vào nhau vì cái đói làm cơ thể bà gầy còm già nua, ốm yếu. Chưa bao giờ bà phải chạy như thế này, dù đôi chân bà có trèo lên những ngọn núi cao hái măng, hái nấm, đôi chân đi qua bao nhiêu mùa rẫy thì vẫn chưa phải mất nhiều sức và mỏi nhừ như lúc này. Nhưng có hề gì đâu, bây giờ bà chỉ cần tìm cho ra đứa con gái lớn của bà thôi. Bà không ngờ nó lại cứng đầu như thế, nó dám lừa bà để trốn nhà đi. Nó đi đâu mới được? Mười sáu tuổi nó sẽ làm gì khi thoát khỏi vòng tay vợ chồng bà để sống? Rồi nó về ai dám để nó bắt làm chồng đây? Hàng ngàn câu hỏi đặt ra trong tâm trí bà. Vừa giận vừa lo cho con, chỉ trong thoáng chốc mà bà tưởng chừng như tóc trên đầu mình bạc thêm, những nếp nhăn làm da bà chảy dài lúc lắc theo từng bước chạy. Mưa vẫn rơi ầm ã, gió rít rào rào qua kẽ núi, tiếng người lao xao, tiếng chó sủa vang khắp núi rừng, những ngọn cỏ bị dằn xéo tơi bời.
Trước khi bỏ trốn, H'ra đã tính toán kỹ rồi. Biết thế nào a ma (bố), a mí (mẹ) và người làng cũng sẽ đi tìm nên cô bé không đi theo hướng đường ra khỏi làng về thành phố mà đi ngược lại vào trong núi để tránh sự lùng tìm của a ma, a mí và dân làng. Mưa đổ ầm ầm, gió rít lên từng cơn, dưới trời đêm mưa gió vần vũ ấy, có một cô gái bé nhỏ đang một mình chạy đi tìm con chữ.
Nhà Hra nghèo nhất làng Nun, dù học lực của cô bé rất khá nhưng không thể ra huyện học trường nội trú mà phải ở nhà vừa đi học vừa đi làm phụ giúp a ma, a mí việc nương rẫy. Hết mùa rẫy này đến mùa rẫy khác, công việc cứ nối tiếp nhau không ngơi nghỉ, nhà đông miệng ăn nên làm mãi, làm mãi vẫn đói khổ. A ma bảo H'ra bắt chồng về để có thêm người lao động, năm ấy H'ra vừa học xong lớp 9. Cô bé sau khi nghe điều đó đã khóc rất nhiều và kịch liệt phản đối. Nhưng ý người lớn đã quyết thì khó lòng thay đổi, người làng này ai cũng thế, mấy đứa con gái bằng tuổi H'ra đã bắt chồng hết rồi. Đi đâu cô bé cũng bị nhìn ngó săm soi, người già cho rằng H'ra là đứa trẻ hư, người trẻ cho rằng H'ra bị Giàng phạt nên không có người thương, a ma, a mí vừa tức giận vừa xấu hổ. Mỗi ngày thức giấc là một ngày nặng nề vô cùng với cô bé, có ai biết được rằng H'ra đã ấp ủ giấc mơ làm cô giáo từ nhỏ. Lần đầu tiên nhìn thấy cô giáo xinh đẹp, dịu dàng, H'ra đã mê ngay và quyết tâm học thật giỏi để sau này làm cô giáo đem cái chữ về làng và được nhiều người kính trọng. H'ra đã mơ thấy mình được đứng trên bục giảng dạy các em nhỏ, được các em nhỏ vây quanh trong giờ ra chơi... Cô luôn nắn nót viết chữ cho thật đẹp để được điểm cao, có nhiều hôm gặp bài toán khó, H'ra nghĩ mãi không ra, chẳng biết hỏi ai trong làng. H'ra buồn lắm, cô bé ước gì a ma, a mí có thể hướng dẫn cho mình. Cô bé càng quyết tâm học thật giỏi để làm cô giáo dạy cho con học, con cái sẽ không phải khổ như mình nữa.
A ma, a mí rất vui khi thấy con học giỏi, nhưng vì cái nghèo đeo đẳng lâu quá làm cho họ không thể suy nghĩ khác được, họ nhốt cô bé trong nhà không cho đi nộp hồ sơ học tiếp lên trung học phổ thông. H'ra khóc lóc kêu gào nhưng không ai nghe, không ai đứng về phía mình. H'ra bị nhốt trong nhà không biết bao nhiêu ngày, cô bé nài nỉ thế nào a ma, a mí cũng không chịu cho nộp hồ sơ đi học. Nhiều khi nhìn a ma, a mí già nua, gầy còm, H'ra cũng đau lòng lắm, đôi lúc cô cũng muốn theo ý người lớn trong nhà, biết đâu bắt được chồng sẽ làm thêm nhiều nương rẫy, gia đình lại khá hơn, người lớn không còn khổ nữa, các em không còn đói ăn. Nhưng rồi cô bé giật mình nghĩ lại, cô điểm lại tất cả người làng xem ai giàu có, sung sướng bằng cách ấy. Làng có hai nhà giàu là nhà Siu Phí và nhà Ksor Nham. Nhà Siu Phí có đất nhiều, bò nhiều, còn nhà Ksor Nham thì con cái ai cũng được học hành đàng hoàng. Còn lại nhà ai cũng nghèo xơ xác như nhà H'ra.
Ngày khai trường đã cận kề, H'ra chưa biết làm sao để trốn ra ngoài nộp hồ sơ đi học, nhưng nộp hồ sơ rồi thì tiền đâu mà mua sách vở, mua quần áo, đóng tiền học đây? Bao nhiêu câu hỏi cứ nhảy múa trong đầu cô bé. Sau khi đã nghĩ thông mọi nhẽ, H'ra nói với a ma, a mí cô quyết định không đi học nữa, người lớn trong nhà mừng lắm, họ mở cửa cho cô bé được ra ngoài rồi đi khoe khắp làng. Chỉ đợi vậy, đêm ấy, dù trời đang mưa bão, cô bé vẫn ôm quần áo lẻn ra khỏi nhà sau khi để lại vài chữ cho a ma, a mí.
Thành phố đông người quá, không giống làng. Cô bé ngã trước hiên nhà của một ai đó sau 3 ngày đi bộ, cộng với đói khát. Tỉnh dậy trong ngôi nhà lạ, xung quanh có nhiều tiếng người lao xao, hỏi han. Tuy rất sợ nhưng H'ra kể cho họ nghe sự tình và khóc tức tưởi vì bao nhiêu uất ức, khổ ải trong những ngày qua. Bà chủ nhà hiểu được nỗi lòng cô bé và đưa đến nhà con gái bà để phụ bán sách. Vậy là tia hy vọng tìm cái chữ đã ló rạng. H'ra rất thích làm việc ở đây, vì những lúc vắng khách được đọc sách thỏa thích, thích nhất là được ngắm những bạn nữ đi học ghé qua mua dụng cụ học tập, họ mặc những chiếc áo dài trắng tinh khôi, xinh đẹp làm lòng H'ra cũng nở hoa. Đêm nào H'ra cũng lấy tập hồ sơ học bạ nhà trường trả về ra xem, cô bé lật từng trang đọc điểm học tập từng môn và đọc từng lời thầy cô phê suốt 4 năm học trung học cơ sở. Năm nào H'ra cũng được nhận giấy khen, được thầy cô khen. H'ra nhắm mắt hình dung mình được a ma, a mí cho ra trường nội trú tỉnh học trung học phổ thông, rồi mình được làm cô giáo dạy chữ cho bọn trẻ trong làng, dạy chữ cho con mình.
Nhận được tháng lương đầu tiên, cầm những đồng tiền mình tự tay làm ra, H'ra vui mừng lắm, đêm ấy, cô bé về viết thư cho gia đình để a ma, a mí yên tâm và không quên gửi kèm theo ít tiền. A ma nhờ người biết chữ viết thư gửi cho H'ra và hứa năm sau sẽ cho cô bé đi học trường nội trú tỉnh như nguyện vọng. Kết thúc một năm làm việc tại thành phố, Hra cũng đã dạn dĩ và cao lớn hơn nhiều, cô chủ tiệm sách đưa H'ra đi nộp hồ sơ và mua tặng chiếc áo dài trắng mà cô bé hằng ao ước.
Lần đầu tiên bước vào cổng trường nội trú tỉnh, H'ra nhắm mắt hít một hơi thật sâu để tận hưởng hết niềm hạnh phúc và hứa sẽ quyết tâm học thật tốt. Vẫn với quyết tâm cháy bỏng, H'ra hoàn thành xong chương trình trung học phổ thông và sau đó là 3 năm học trường cao đẳng sư phạm. Với người khác có lẽ rất dễ dàng, nhưng với Hra, đó là sự phấn đấu đến kiệt sức. Ngoài việc ban ngày học ở trường, buổi tối cô lại đi dạy gia sư và phụ quán nước đêm, số tiền ít ỏi kiếm được cộng với tiền trợ cấp mỗi tháng chỉ đủ cho cô bé chi tiêu những thứ cơ bản nhất và lâu lâu đón xe về thăm nhà, mua ít bánh kẹo cho em, nấu bữa ăn có thịt cá cho gia đình là gần hết. Đôi khi thèm mua một chiếc áo, chiếc quần mới cũng chẳng dám.
Tốt nghiệp sư phạm với số điểm cao, H'ra xin về dạy ở làng mình. Cũng may năm ấy trường làng cô có chỉ tiêu. Người làng ai cũng nhìn H'ra bằng đôi mắt ngưỡng mộ, không ai nghĩ cô bé bướng bỉnh ngày nào cả làng xa lánh nay đã là cô giáo dạy con của họ. H'ra thân thiện, gần gũi dạy dỗ ân cần nên được các em học sinh rất yêu quý, đi học đều đặn, không trốn lớp, bỏ học như trước. A ma, a mí rất vui vì con gái của họ đã đem chữ về làng, các em nhỏ trong làng cũng noi gương hiếu học như chị H'ra để chống lại cái nghèo, cái đói. A ma, a mí còn hãnh diện hơn khi H'ra "bắt được chồng" là Bộ đội Biên phòng. Anh Rơ Mah Ơ Thy rất giỏi giúp dân làm kinh tế nên đã khôi phục lại nghề đan gùi và dệt thổ cẩm của làng vợ, rồi giới thiệu cho các cửa hàng lưu niệm ngoài tỉnh để bán. Cuộc sống của dân làng từ đó đã khởi sắc hơn.
Đêm nay.
Tiếng học bài văng vẳng vọng ra từ căn nhà nhỏ sáng đèn ấm áp dưới cơn mưa cuối hạ. H'ra đang dạy con gái những chữ cái đầu tiên, lòng cô rộn ràng khi con chuẩn bị vào lớp 1 như mình ngày ấy. Con bé sẽ không còn phải tự vật lộn với những con chữ, với những bài toán khó như mình ngày trước. Rồi đây con bé lớn lên sẽ góp phần dựng xây quê hương tươi đẹp hơn. Từ biên giới, anh Rơ Mah Ơ Thy gọi điện về hỏi han việc học của con, cả gia đình nói cười rôm rả, ngôi nhà nhỏ ấm áp hơn trong cơn mưa cuối hạ.
Mẫu chuyện đời ở một buôn làng tít tắp nào đó trên mảnh đất Tây Nguyên, dù lồ lộ đầy chất hiện thực; sao đọc lên cứ như một giấc mơ! Giấc mơ vượt thoát kiếp sống ngàn năm nơi rừng rú tối tăm. Giấc mơ vượt qua những hủ tục trói buộc thân phận người con gái, bước vào tuổi cập kê đã phải lo bắt chồng toan tính làm mẹ. Giấc mơ được học chữ để làm cô giáo từ ngày đầu cắp sách tới trường... Thế rồi giấc mơ ấy dù khó khăn, trắc trở cũng thành hiện thực! Câu chuyện có nét cổ tích trong các khan già làng Tây Nguyên đêm đêm vẫn kể. Làng Tây Nguyên khép kín, nhưng huyền thoại Tây Nguyên thì mênh mang như rừng đại ngàn muôn thuở, với vô vàn câu chuyện mộng mơ. Nó cũng như người Ả Rập thả mình trước sa mạc bao la cát trắng mà bay bổng trong thần thoại huyền kỳ! Qua truyện ngắn “Ánh sáng từ làng”, Võ Minh Hạnh đã cho ta chạm tới những giấc mơ xao xuyến của những lứa trẻ Tây Nguyên dám ước mơ mở ra thời đại mới! (Nhà văn PHẠM ĐỨC LONG) |
Truyện ngắn của VÕ MINH HẠNH