"Một người bạn tôi gặp trong đêm ấy
Ra phố mua một bao thuốc lá
Chín năm sau anh mới trở về nhà"
Không biết anh bạn ấy đã kịp châm điếu thuốc chưa mà tiếng súng kháng chiến đã rền vang trên các chiến lũy Hà Nội. Và anh đã nhập luôn vào cuộc chiến. Bài thơ của Hoài Anh là một chuỗi ký họa của mặt trận Hà Nội những ngày tháng đó. Hào hoa và anh dũng, những chiến lũy, những trận đánh chỉ Hà Nội mới có:
"Phố Hàng Bát mang bát
Phố Hàng Bông mang bông
Đắp ụ ngăn xe giặc tới
Giường Hồng Kông đôi vợ chồng mới cưới
...
Anh đội viên đặt vào báng súng
Ngón tay còn vết mực chưa khô
Chuông đồng hồ điểm tám giờ
Đèn điện bỗng rủ nhau tắt ngấm
Lẩn bóng đêm lính mũ đỏ tràn vào
Cũng là lúc chiến sĩ ta đứng dậy
Giặc sủa từng tràng liên thanh
Lựu đạn, bom ba càng đáp lại"
Nhà thơ trẻ Chính Hữu, trong tư cách chiến sĩ thành Hoàng Diệu đã có những câu thơ lẫm liệt, hơi hướng sử thi “cảm tử để Tổ quốc quyết sinh” khi Hà Nội lên chiến khu trường kỳ kháng chiến. Người Hà Nội, đêm qua sông Cái đã quay nhìn Hà Nội:
"Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa
Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng
...
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa"
Nghe Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi tầng lớp người Việt Nam yêu nước, với cả một đội ngũ đông đảo văn nhân, nghệ sĩ, đã có mặt dưới cờ đỏ sao vàng. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương, người góp phần khai sinh phong trào Thơ Mới (1932-1945), từng bi phẫn với mặc cảm bất lực với nỗi đau mất nước, đến mức ngờ rằng “Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ” và “Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh” thì trong những ngày ở chiến khu Việt Bắc, đã gặp chất men lý tưởng dấy lên từ Hà Nội. Một sáng tạo mới, lạ, đẹp kỳ vĩ, ấy là hình ảnh ngôi sao vàng năm cánh cách mạng tỏa ôm trên năm cửa ô cố cựu của Thăng Long:
"Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy
Là những ngành sông đỏ sóng cờ
Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại
Năm cánh xòe trên năm cửa ô"
Tác giả tả không gian Hà Nội ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nhưng tôi lại ngỡ đang đọc thơ ngày quân ta về lại Thủ đô (10-10-1954). Phố xá như sông đỏ sóng cờ. Trong tâm trí ở tuổi 85 nơi tôi hôm nay còn bập bùng giai điệu nhảy theo chân sáo tuổi hoa niên đón chờ bộ đội tiến vào các cửa ô: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ra đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố...”. Cờ ngày nào là cờ ngày 19-8-1945 đang rợp bay trên trời Hà Nội ngày 10-10-1954. “Chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô” (thơ Hoài Anh) là thế.
Vậy mà đã bảy mươi năm!
Hôm ấy, một chị dâu trong họ tôi sinh cháu đầu lòng ở Bệnh viện Phụ sản trên phố Tràng Thi, đúng lúc nhóm quân quản do Anh hùng Nguyễn Quốc Trị dẫn đầu vào tiếp quản cơ sở này. Thằng cu vừa lọt lòng ấy được đặt tên là Quốc Trị. Lúc này tôi bỗng thèm được thấy thằng cu Trị khai sinh ngày ấy. Nhưng quả thật, không biết tìm “ông cháu nó” ở đâu.
Bảy mươi năm một đoạn đời đủ xa để thằng cu sơ sinh thành cụ “cổ lai hy” mà sao giọt nước mắt một người Hà Nội trở về đứng lặng trước Hồ Gươm, mùa thu 1954 ấy, vẫn chưa khô:
"Ta đứng khóc giữa trời mưa hắt
Leng keng chuông xe điện đổ hồi"
Người Hà Nội trở về ấy là Nguyễn Đình Thi, năm ấy ba mươi tuổi, anh thuộc bộ phận về Hà Nội trước, chuẩn bị cho lễ tiếp quản, trong đó có việc chọn cảnh giúp đạo diễn Liên Xô Karmen quay ngày Hà Nội đón quân ta trở về cho bộ phim tài liệu “Việt Nam trên đường thắng lợi”. Nguyễn Đình Thi có được mấy ngày tiền trạm, được mình với riêng mình mà âm thầm so dấu vết Hà Nội ký ức với một Hà Nội đang hiện hữu “Đi về này, những lối này, năm xưa”. Từng bước đi, nhận ra từng bước nhớ. Dào dạt nỗi mừng tủi lặng thầm. Xót xa thương cảm những chân rừng góc núi chín năm, cái giá của chiến thắng, cho hôm nay có được “Ngày về”. Cuộc hàn huyên Hà Nội và nhà thơ không thành lời, nhưng “họ” cùng chung tâm trạng: Tháp rùa đứng trong mưa tầm tã. Trận mưa tiết thu phân vốn quen thuộc của tiết trời Bắc Bộ đã thành một biểu cảm của Hà Nội đồng dạng với nỗi lòng của đứa con vừa từ chiến khu về.
Viết về ngày giải phóng Hà Nội có nhiều bài cảm động của nhiều nhà thơ nổi tiếng và sắp nổi tiếng. Nhưng trong khuôn khổ một bài báo, tôi tự hạn chế mình, chỉ được chọn một bài: Bài “Ngày về” của Nguyễn Đình Thi.
Nguyễn Đình Thi người làng Vũ Thạch, hẳn ngôi làng xưa ấy ngự trên nền đất của phố Vũ Thạch, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội bây giờ. Nhưng tôi chọn bài này lại không vì lý do ấy mà là vì cái chất Hà Nội của bài thơ, hay rõ hơn, là cái chất Nguyễn Đình Thi trong tình cảm Hà Nội. Một phong vị hào hoa, tinh tế, tác giả muốn giấu đi mà không giấu được:
"Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em"
Đây là ba câu mở đầu trong bài “Sáng mát trong”, viết năm 1948, câu thứ ba là câu được bạn đọc Hà Nội xưa hay nay đều mê đắm. Nguyễn Đình Thi sau này cũng nói là ông thích nó, nhưng sau khi đăng bài thơ lên báo năm 1948, ông lại muốn cất nó đi. Lúc ấy chiến sĩ, đồng bào kháng chiến đang có phong trào “công nông hóa sinh hoạt”, tìm về sự đơn giản, đôi khi thô mộc, lấy sự nhanh gọn, “được việc” làm tiêu chí ứng xử, thế mà thơ lại cứ bồn chồn xao xuyến mãi với dấu chân thơm trên cỏ mòn vỉa hè Hà Nội. Mà chả biết cỏ thơm hay dấu chân thơm. Diệu vợi quá. Văn hoa quá. Coi chừng “tạch tạch sè”, tiểu tư sản. Thế là năm 1955, khi ông Thi đúc bài “Sáng mát trong” này với một bài thơ khác thành bài “Đất nước” thì đã không còn dấu chân thơm ấy nữa.
“Đất nước” là bài thơ hay nhưng Nguyễn Đình Thi cứ hùi hụi tiếc “Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em”. Năm 1994, khi làm tuyển tập, thấy ông Thi cho in lại bài “Sáng mát trong” cùng với cả bài “Đất nước”, cốt giữ lại bằng được “Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em”.
Trong kháng chiến lần hai chống xâm lược Mỹ, Nguyễn Đình Thi viết “Chia tay trong đêm Hà Nội”, câu thơ kết khá thi vị, lúc hai nhân vật chia tay lại xuất hiện một kết hợp-chiến đấu và tình yêu-sang trọng nên thơ và bụi bặm vị đời:
"Em
Anh ôm chặt em và ôm cả khẩu súng trường bên vai em"
Nhà thơ Xuân Sách dạo đó đọc xong câu này bỗng reo to: “Cụ Thi nhà mình vẫn đa tình lắm”. Và anh nhỏ giọng, chậm rãi như thầm thì, như tiếc rẻ: “Nhưng ôm thế thì hơi vướng, nhỉ!”.
Tôi đã nói rộng hơn bài thơ “Ngày về” và cũng nói đông hơn một nhà thơ Nguyễn Đình Thi, cốt để bạn đọc thân quý dễ nhận ra một hương vị riêng trong mạch cảm xúc này. Đấy là hương của tư duy và vị của Hà Nội. Tư duy nén lại, tri thức ẩn đi nhưng lại để bùng lên, bùng lên trong những mạch ngầm, nhiều mê đắm, thăm thẳm nỗi niềm, cảm nhận tinh tế, xót thương dào dạt. Rất giàu bản lĩnh và thầm lặng kiên trung.
Xin bạn đọc đọc chậm lại bài thơ và quên mặt chữ đi, lắng nghe tiếng vang của nghĩa chữ ngấm vào lòng mình, hình như một thoáng buồn, trong, nhẹ và lan xa, hay đúng hơn một thoáng xa vắng thiêng liêng mà nhận ra Nguyễn Đình Thi đang nói và đang nghe những gì với Hà Nội, từ bài thơ hình thành lặng lẽ bên Hồ Gươm tháng 10 năm 1954 ấy. Cũng xin nói thêm ca khúc “Người Hà Nội”, mấy chục năm nay là nhạc hiệu mỗi sớm đầu ngày của đài phát thanh Hà Nội, cũng là một dấu ấn làm ta nhận ra rõ hơn “nét đặc sắc kép Nguyễn Đình Thi-Hà Nội”.
---------
Ngày về
Hà Nội chiều nay mưa tầm tã
Ta lại về đây giữa phố xưa
Nước Hồ Gươm sao xanh dịu quá
Tháp rùa rơi lệ cười trong mưa
Ta nhìn hai mắt ta nhìn mãi
Lòng ta như lửa đốt dầu sôi
Nằm lại những chân rừng đầu núi
Hôm nay bao đồng chí đâu rồi
Ta đứng khóc giữa trời mưa hắt
Leng keng chuông xe điện đổ hồi
Lòng ta bỗng như dòng suối mát
Ta đã về đây Hà Nội ơi
Em Hà Nội má em ửng đỏ
Áo hoa em cất tự bao giờ
Góc phố bờ tường bao máu đổ
Còn tươi nguyên như những lá cờ
Từ khắp bốn phương trời lửa đạn
Đàn con về sau những năm xa
Cởi súng gạt mồ hôi trên trán
Ta lại xây Hà Nội của ta.
1954
NGUYỄN ĐÌNH THI
---------
Nhà thơ VŨ QUẦN PHƯƠNG