“Có một phố vừa đi qua phố”

Dạo bước sớm mai trên phố thu, đi tìm những mảnh ký ức của một Hà Nội xưa cũ trong những ngôi làng trong phố, những con phố trong làng đang từ từ thức dậy cùng ánh nắng ban mai. Thăng Long xưa như vẫn thấp thoáng đâu đây giữa những phố phường san sát. Những Phố Hàng đã và đang đổi thay, nhưng trong màn sương mong manh của mùa thu có một dòng thời gian chảy ngược về quá khứ, khi ta chợt bắt gặp nếp nhà mái ngói rêu phong lô xô, xen lẫn những sân trời nhỏ, nét đẹp bình dị đến nao lòng đã đi vào thi ca, hội họa và trở thành bản sắc riêng có của Thủ đô giữa những “phố chất đầy năm tháng”.

Bên cạnh những căn nhà mới với kiến trúc hiện đại được xây bề thế, những ngôi nhà cũ kỹ, chật chội... nhưng lại mang đậm giá trị văn hóa xưa sống động giữa đời sống thị dân đương đại sầm uất. Những ngôi nhà không chỉ hiện thân cho sự đan xen giữa không gian nghề, không gian thương mại với không gian cư trú; mà còn khoác trên mình hình ảnh của nhiều phong cách kiến trúc lịch sử và đương đại như một chứng nhân thầm lặng trải bao biến động thăng trầm. Những ngõ nhỏ tĩnh mịch như tách biệt với không gian sống động trên từng con phố chợt như bừng tỉnh khỏi cơn ngái ngủ khi nắng mới vừa lên. Và trên những “phố Phái” ấy tràn ngập thứ ánh sáng dịu dàng trong trẻo của nắng thu, rộn ràng những sắc màu cuộc sống... như “có một phố vừa đi qua phố”.

Những làng lúa, làng hoa năm xưa: Ngọc Hà, Nghi Tàm, Yên Phụ, Từ Hoa... giờ đã “nối phố”; nhưng cổng làng, mái đình, chùa cổ ẩn mình trong phố như neo giữ tâm hồn Việt với bản sắc truyền thống của dân tộc giữa những bộn bề cuộc sống. Bản hòa ca của “làng trong phố”, của nhịp sống phố-phường là dòng chảy văn hóa mãnh liệt được vun trồng từ gốc rễ luôn xuất hiện trên dòng chảy thời gian sống động của nơi Kẻ Chợ ngày nào và nắng thu chỉ đang dát lên đó một chút bụi vàng lấp lánh. 

leftcenterrightdel
Góc phố Yên Phụ nhìn từ Nghi Tàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG 

 "Nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây"...

Nếu như nắng đã lên và phố đã đông thì cũng đến lúc đi tìm các nàng thơ của mùa thu rồi. Hà Nội có một con phố của các nàng thơ, con phố độc đáo nhất ở Thủ đô có vỉa hè rộng và có tới hai hàng cây xanh phủ rợp phố. Lá ken lá trên tán cây dày khiến cho những tia nắng e dè hơn. Và vì thế, khi các phố khác đã rõ mặt người thì ở đây sương vẫn còn chưa tan hết. Nếu đến sớm bạn sẽ may mắn mà bắt được những tia nắng táo bạo nhất, nghịch ngợm nhất, xuyên qua vòm lá âm u và reo vui nhảy nhót một cách đắc thắng. Khu phố yên tĩnh với những ngôi biệt thự trăm năm tuổi, im lìm dường như trẻ trung và sống động hẳn lên với những tà áo dài thướt tha, những bộ váy áo rực rỡ điệu đà và những nụ cười thanh xuân rạng rỡ. Sự tương phản giữa khung cảnh thâm nghiêm với sự tươi tắn sắc màu của những nàng thơ tạo nên một bức tranh tràn trề sức sống... Con phố ấy mang tên nhà cách mạng tiêu biểu nhất của phong trào Cần Vương-phố Phan Đình Phùng.

Có lẽ đây là con phố lãng mạn bậc nhất Hà thành với hàng cây, tán lá, nhà cũ, thánh đường Cửa Bắc mang dấu ấn của sự giao hòa kiến trúc Đông-Tây... nhưng cũng là nơi có chứng tích cho tinh thần dũng cảm, kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam và của Thủ đô thân yêu. Cổng thành Hà Nội với vết đạn hằn sâu như kể lại câu chuyện lịch sử của những tháng năm “mịt mù bão lửa”, như chứng kiến sự trung kiên trên mảnh đất của lương tri và phẩm giá, cho những khát khao để đến “một thời hòa bình”. Ngồi trên vỉa hè rộng, ngắm thảm lá vàng trải dưới chân, nhâm nhi một tách cà phê và hít hà hương thu trong heo may xào xạc, lắng tai nghe tiếng nhạc dìu dặt để thời gian ngưng lại nơi đây, dừng chân... nghe chút bình yên.

leftcenterrightdel

Hà Nội mùa thu. Ảnh: HOÀI VŨ 

  Hà Nội: “Một lối yêu”

Có lẽ chỉ mùa thu Hà Nội mới có cái năng lực đặc biệt khiến cho những không gian quen thuộc nhất, những thói quen đời thường nhất bỗng trở nên thi vị. Những xe hoa chở cả mùa thu thong dong trên đường Thanh Niên vào buổi sáng, rồi tỏa khắp phố phường, tô điểm cho không gian phố thu thêm quyến rũ. Những xe hoa của các bà, các cô, các chị Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân hay Tây Tựu với cúc vàng, cúc tím, hồng tỉ muội, hay vài bông sen muộn được những bàn tay đầy chai sạn và bao sứt sẹo sắp xếp khéo léo trên cái sảo thưa hoặc cắm trong xô nước thành lớp lang như một tác phẩm nghệ thuật thực thụ cuốn hút mọi ánh mắt nhìn.

Hình ảnh chiếc xe đạp chở một vườn sắc hương trên con đường còn thưa thớt người qua, giữa hàng cây khẳng khiu tắm mình trong ánh nắng dìu dịu mùa thu bỗng nhắc ta phải sống trong hiện tại nhiều hơn, chậm hơn một chút để không phí hoài những khoảnh khắc ngọt ngào của đời sống trong tiết trời xinh đẹp và dễ thương nhường này.

Vậy nên có đang phóng xe vun vút hay đang chạy bộ thể thao, đi qua "con đường mang một lối yêu" ấy, không thể không dừng lại một chút, chậm lại một chút để hít một hơi căng tràn lồng ngực không khí trong lành tràn trề sức sống. Phải chăng thế hệ thanh niên năm xưa, sau Ngày giải phóng Thủ đô, đã gửi gắm hết thanh xuân nhiệt huyết vào từng khối đất, từng viên đá để bồi đắp cho thế hệ sau không chỉ là một con đường mà là một tình yêu vĩnh cửu. Tình yêu của cả một dân tộc với quê hương, đất nước, với truyền thống hào hùng, với niềm tự hào rạng danh như rực cháy lên trong những chiều thu vàng mênh mang trên sóng nước Tây Hồ.

Trong cái nắng vàng như mật ong, giữa Hồ Tây sóng sánh dạt dào và hồ Trúc Bạch  trầm lắng, con đường tình yêu như một dải lụa xanh xanh với điểm bắt đầu là dốc đê Yên Phụ-cửa ô Yên Hoa xưa, qua đền Thủy Trung Tiên tĩnh lặng huyền bí, rồi đến chùa Trấn Quốc thanh nhã bình yên, cuối cùng là đền Quán Thánh uy vũ trang nghiêm, đối diện với tượng đài mang tên người thanh niên yêu nước-Lý Tự Trọng, trước khi nối vào đường Hùng Vương, thẳng tới Quảng trường Ba Đình lịch sử và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tên gọi, địa danh ấy chính là sự tinh tế, thanh lịch của Thủ đô, khi tính tiếp nối lịch sử hàng nghìn năm của đất nước được hiển hiện qua những dấu mốc vừa kiêu hùng mà cũng rất đỗi bình dị. Từ nơi "cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” đến nơi “Hà Nội bừng tiến quân ca”.

Nằm bên bờ hồ Trúc Bạch, bức phù điêu gắn với John McCain-người phi công Mỹ đã ném bom Hà Nội và cũng chính là Thượng nghị sĩ đi đầu cùng với chúng ta “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Bức phù điêu kỷ niệm chiến tranh, nay được ôm trọn trong vòm cây lá xanh tươi, như khẳng định truyền thống anh hùng, mà cũng là minh chứng cho tính cách bao dung, nhân ái và yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Dường như giữa những điểm tựa tinh thần tôn nghiêm, trong những hoàng hôn rực đỏ hay ráng chiều ánh tím và hơi sương se sắt, ai đó sẽ muốn siết chặt tay người thương thêm một chút, xích gần nhau hơn một chút để nghe từng chút bình an lan tỏa trong khắp không gian. Trong ánh tà dương an lành ấy, mọi vấn đề khó khăn, căng thẳng bỗng nhiên mà bé xíu lại, mọi lắng lo phiền muộn chợt thoáng chốc rời đi để tâm trí tràn ngập những biết ơn vô hạn.

leftcenterrightdel
Bên Hồ Gươm. Ảnh: HOÀI VŨ 

Không phải tự nhiên mùa thu Hà Nội luôn gắn liền với nỗi nhớ. Với người Hà Nội xa quê, hương thu đã trở thành chấp niệm khó bỏ. Như hoa sữa đôi khi bị kêu nồng quá, nhưng chỉ vào ngày thu mà không hít hà “mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió” thì nao dạ bồn chồn; hay như món thời trân "mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ” mang cả một mùa thu tròn trịa trong tấm lá sen. Những hương sắc cảnh thu chỉ dăm tuần ngắn ngủi, thoáng qua chóng vánh nhưng lại ngọt ngào và sâu lắng biết bao, vì thế mà hoài niệm lại càng “như dòng sông Hồng, cuộn chảy mãi”...

Và cũng vì chấp niệm, vì hoài mong nên “mỗi khi lòng xác xơ”, trở về với mùa thu Hà Nội là trở về với vòng tay mẹ, trở về với ký ức bình yên để lắng lòng mình nghe “tim rưng rưng trong nước hồ thu”.

TS, KTS VŨ HOÀI ĐỨC