“Tấm kính lọc” của thế giới ảnh
Vào những năm cuối của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, mỗi kỳ đại hội của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam đều bầu ra một hội đồng nghệ thuật giữ vai trò như người “cầm trịch” ở tầm vĩ mô. Nhiều cuộc thi ảnh, ban giám khảo ngoài các thành viên trong hội đồng còn bổ sung những NSNA, thậm chí có cả một vài quan chức chuyên môn thuộc lĩnh vực nào đó...
Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Kim Khoa cho rằng, công việc của người làm giám khảo chuyên ngành nhiếp ảnh giống như chức năng của tấm kính lọc màu. Trong quá khứ đã xuất hiện một số nhà nhiếp ảnh gánh trọng trách "cầm cân nảy mực" đầy tài năng, bản lĩnh và tầm ảnh hưởng của họ vẫn còn lan tỏa tới tận ngày hôm nay như các NSNA: Lâm Tấn Tài, Mạnh Đan, Đỗ Huân, Mai Nam, Văn Bảo, Lê Phức... Cũng bởi thế mà xưa ít thấy những ồn ào xung quanh các tác phẩm nhiếp ảnh được trao giải.
Theo NSNA Phạm Tiến Dũng (Hội NSNA Việt Nam), việc đánh giá của hội đồng giám khảo cũng chính là định hướng cho việc sáng tác, do vậy, công tác thẩm định ảnh cần hết sức thận trọng.
Nhiều năm trở lại đây, các cuộc thi, liên hoan, triển lãm ảnh trong nước và nước ngoài liên tiếp mở ra, tạo cho các NSNA nhiều sân chơi ý nghĩa. Tuy nhiên, khoảng trống trong công tác thẩm định nhiếp ảnh dần bộc lộ từ chính những hoạt động này. Ở một số địa phương, thậm chí trong liên hoan khu vực hay cuộc thi tầm cỡ quốc gia vẫn còn những tranh cãi về kết quả chấm chọn giải. Đã có không ít dư luận xì xèo về công tác giám khảo ở các cuộc thi khi mà thành viên giám khảo chưa có bề dày kinh nghiệm về nghề, thiếu công tâm, trung thực, thiên vị cho học trò, người thân quen... thậm chí hoài nghi về trình độ chuyên môn của giám khảo.
|
|
Du khách tham quan triển lãm ảnh nghệ thuật tại Hà Nội. Ảnh: ĐẶNG THỦY |
NSNA Lê Thị Hải Yến (Hội NSNA Việt Nam) dẫn chứng: “Năm 2016, Huy chương Vàng Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội, Huy chương Vàng khu vực miền núi phía Bắc đều bị thu hồi giải thưởng vì tác phẩm đoạt giải chắp ghép. Năm 2019, ảnh đoạt Huy chương Vàng Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội bị dư luận phản ứng gay gắt vì tác phẩm không đại diện cho “vẻ đẹp người Hà Nội”, chưa thể hiện được chủ đề của cuộc thi... Ban tổ chức không có lời giải trình thỏa đáng, hội đồng giám khảo cũng không chịu trách nhiệm về những bức ảnh do họ chọn ra”.
Theo NSNA Trần Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội NSNA Việt Nam, đội ngũ làm công tác thẩm định ảnh hiện nay còn yếu và không đều tay. Và ông đặt câu hỏi: “Lối mòn trong thẩm định ảnh phải chăng từ năng lực thẩm định và sự yếu kém về vốn ảnh của giám khảo?”.
Nhìn một cách tổng thể, giới chuyên môn thừa nhận hội đồng giám khảo về nhiếp ảnh ở Việt Nam vẫn trong tình trạng chạy theo xu thế và tìm giải pháp định hình để phát triển; chưa có đội ngũ giám khảo chuyên nghiệp, chưa có khả năng đọc, khả năng phân tích ảnh tốt trên cơ sở kinh nghiệm sáng tác và nền tảng lý luận. Phương pháp chấm ảnh trực tuyến những năm gần đây đang được cổ xúy và áp dụng đại trà, đã bắt đầu bộc lộ những nhược điểm khó khắc phục...
Dù Hội NSNA Việt Nam đã nhiều lần tập huấn về công tác thẩm định ảnh, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết hiệu quả những hạn chế, tồn tại này.
Cần người “cầm trịch” xứng tầm
Trong sáng tạo nghệ thuật, người cầm máy cần tìm cho mình hướng đi riêng, và điều quan trọng là không lặp lại chính mình, không lặp lại người khác. Tránh lối mòn trong ảnh nghệ thuật-vấn đề đặt ra không chỉ đối với người sáng tác mà còn đối với cả người thẩm định.
Theo Thạc sĩ Hồ Sỹ Minh, Phó chủ tịch Thường trực Hội NSNA Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống, người làm công tác thẩm định không thể xem nhẹ vai trò của mình. Giám khảo cần phải có vốn sống, vốn văn hóa, vốn ảnh, bề dày kinh nghiệm nghề nghiệp. Chụp ảnh giỏi, tước hiệu cao, nhiều giải thưởng chưa hẳn đã là người thẩm định ảnh chuẩn mực nếu không trung thực và không am hiểu cuộc sống xã hội.
|
|
Trẻ em và mùa xuân. Ảnh: LÊ THANH SƠN |
Để nâng cao chất lượng giám khảo nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nhiếp ảnh trong tình hình mới, nhiều người trong giới nhiếp ảnh cho rằng các thành viên trong ban giám khảo phải tự đổi mới mình bằng cách học hỏi nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin, trải nghiệm sáng tác để có đủ thông tin, lý luận và kiến thức phản biện sao cho đánh giá tác phẩm ảnh chuẩn mực, đúng hướng; đồng thời phải nâng cao trách nhiệm và quan trọng là phải công tâm, khách quan.
Theo NSNA Nguyễn Kỳ Nam, Ban tổ chức các cuộc thi cần lựa chọn ban giám khảo có đủ trình độ chuyên môn, có kiến thức tổng hợp về nhiều lĩnh vực. Các tác phẩm được chấm chọn cần thẩm định kỹ bằng những biện pháp nghiệp vụ, tránh xảy ra những điều tiếng sau mỗi cuộc thi và triển lãm ảnh. Còn nhà báo, NSNA Việt Văn thì cho rằng: “Nên lựa chọn các gương mặt mới vào ban giám khảo nhưng tránh người trẻ quá chưa có kinh nghiệm, chưa đủ uy tín thuyết phục thí sinh tham gia. Tránh để tình trạng ngày càng nhiều “thợ chấm” sẽ khó có những cái nhìn tươi mới và khách quan”.
“Ở vòng chấm chung kết chọn ảnh triển lãm và bộ giải nên chấm trực tiếp, cần sự tương tác giữa các giám khảo và cần được phân tích, bình luận kỹ từng tác phẩm; cần cân nhắc giữa các nội dung, thể loại, đề tài ưu tiên, ưu tiên những tác phẩm có ý tưởng mới, phương pháp thể hiện mới, chủ đề mới. Thêm nữa, khi đề xuất các giải thưởng, hội đồng giám khảo phải tập trung phân tích kỹ lưỡng, cái được và chưa được là gì, với những giải cao phải được đánh giá toàn diện, thực sự nổi trội, hoàn hảo, hội đủ các yếu tố nội dung và nghệ thuật”, Thạc sĩ Hồ Sỹ Minh nhấn mạnh.
|
|
Sắc màu cuộc sống. Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN |
Về phía Hội NSNA Việt Nam, qua các đợt chấm giải cũng cần rà soát, tuyển chọn lại, giám khảo nào làm chưa tốt cần thay thế. Nên xây dựng một đội ngũ những người làm công tác thẩm định ảnh, bao gồm những người có nhiều kinh nghiệm, bề dày sáng tác; thường xuyên tập huấn về nghiệp vụ, lý luận nhiếp ảnh cho đội ngũ này; đồng thời cần có cơ chế phù hợp cho giám khảo để họ tận tâm, cống hiến nhiều hơn. Sau mỗi cuộc chấm thi cũng nên có những hội nghị rút kinh nghiệm về công tác giám khảo.
Để nhiếp ảnh tránh những lối mòn, trùng ý tưởng hoặc chụp lại theo tác phẩm của người khác trong sáng tác không chỉ đòi hỏi sự thay đổi của cá nhân NSNA mà còn cần sự chung tay của những thành viên ban giám khảo. Nếu làm tốt vai trò “cầm trịch” của mình, chính họ sẽ góp phần không nhỏ vào bước chuyển mình của nhiếp ảnh Việt Nam.
KHÁNH THƯ