Triển lãm cá nhân đầu tiên cũng là duy nhất của họa sĩ Nguyễn Sáng tổ  chức vào tháng 7-1984 được ông coi như lần sinh nhật thứ hai của mình. Đây là triển lãm đánh dấu một thời kỳ mới-thời kỳ phát triển nghệ thuật đương đại. Là người từng làm việc cùng ông gần 10 năm và cũng góp công lớn trong việc tổ chức triển lãm, họa sĩ Đặng Thị Khuê có biết bao câu chuyện, kỷ niệm về danh họa tài hoa này. Thời điểm ấy, họa sĩ Đặng Thị Khuê là Ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (nay là Hội Mỹ thuật Việt Nam) kiêm Trưởng ban Sáng tác và là người góp sức rất lớn trong việc tổ chức triển lãm này.

Bà Khuê cho biết, trước triển lãm của họa sĩ Nguyễn Sáng, Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam đã tổ chức hai triển lãm cá nhân cho họa sĩ Nguyễn Phan Chánh vào năm 1978 và họa sĩ Trần Văn Cẩn vào năm 1980. Triển lãm cá nhân của họa sĩ Nguyễn Sáng tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mở đầu cho một thời kỳ mới-thời kỳ hoạt động chuyên nghiệp, cá nhân nghệ sĩ đóng vai trò quyết định, thời kỳ phát triển nghệ thuật đương đại trong xu thế hòa nhập vào khu vực và thế giới. Việc họa sĩ Nguyễn Sáng được lựa chọn để làm triển lãm vừa là ngẫu nhiên vừa là chỉ định bởi thành quả nghệ thuật của ông khi ấy đã đạt tới thành tựu đỉnh cao của một thời kỳ nghệ thuật mang khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tác phẩm của ông thuộc dòng hiện thực mang tính biểu hiện đại diện của chủ nghĩa nhân văn trong nghệ thuật; thể hiện ý thức cách tân sâu sắc, sự độc đáo trong phong cách sáng tạo...

Theo ký ức của nữ họa sĩ Đặng Thị Khuê, thời điểm ấy họa sĩ Nguyễn Sáng đã ngoài 60 tuổi, ông trải qua một mất mát lớn của cuộc đời khi người vợ mà ông đã gắn bó chưa trọn một năm qua đời vì mắc căn bệnh hiểm nghèo. Sức khỏe giảm sút, nỗi cô đơn chất chồng khiến ông suy yếu cả về thể chất và tinh thần. Chứng tự kỷ ám thị khiến ông luôn rơi vào tình trạng cô đơn và tuyệt vọng. Thỉnh thoảng ông rủ họa sĩ Đặng Thị Khuê đi ăn khi không còn rủ ai được nữa... Ông thường dẫn họa sĩ Đặng Thị Khuê đến một địa chỉ là hàng cơm ở ngã tư rạp chiếu bóng Đại Nam và phố Huế (Hà Nội). Ngày ấy, cứ thấy bóng người tầm thước tuổi trung niên đội mũ bê rê, mặc chiếc áo xanh lơ đậm khoác tay một cô gái mặc áo măng tô pha sợi len như cha và con đi dọc phố Huế thì chính là họa sĩ Nguyễn Sáng và họa sĩ Đặng Thị Khuê. Chẳng nhớ bao nhiêu ngày như thế trong 6 năm, chỉ biết khi nào họa sĩ Nguyễn Sáng cần thì họa sĩ Đặng Thị Khuê có mặt: “Anh ốm Khuê ơi”, “Em kiếm cho anh một người vợ”, “Anh nhìn ra cửa cứ như thấy có bóng người... cứ như ai đó muốn bắt mình”, “Anh không đi chợ nấu cơm được”...

leftcenterrightdel

“Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” (sơn mài, 1963)-tác phẩm được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Tranh của họa sĩ NGUYỄN SÁNG

 

Làm thế nào để đưa Nguyễn Sáng thoát khỏi trạng thái tinh thần ấy, đó cũng là lý do thôi thúc họa sĩ Đặng Thị Khuê quyết tâm hơn để tổ chức triển lãm cho ông. Nhưng đó mới chỉ là mong muốn, còn để thực hiện đâu có dễ. Thời điểm ấy, triển lãm cá nhân cũng đồng nghĩa với chủ nghĩa cá nhân nên việc tổ chức không hề đơn giản. Thêm nữa, để Nguyễn Sáng đồng ý cũng là cả một vấn đề.

 “Tôi đem suy nghĩ, trăn trở của mình nhờ một vị lãnh đạo văn nghệ giúp sức. Thật vui là ông đồng ý và cùng tôi đến nhà họa sĩ Nguyễn Sáng ở trong khu biệt thự cổ 65 Nguyễn Thái Học (Hà Nội). Khi tôi ngỏ ý muốn tổ chức triển lãm cho ông, họa sĩ Nguyễn Sáng chỉ bùi ngùi: "Anh còn gì đâu mà làm triển lãm". Tôi nhớ rõ, căn phòng vỏn vẹn 13m2 ông ở khi ấy chỉ còn duy nhất bức tranh vẽ người vợ quá cố của ông. Bởi thế dù họa sĩ Nguyễn Sáng đã đồng ý, nhưng trong tôi lại bộn bề lo lắng”, họa sĩ Đặng Thị Khuê nhớ lại.

 Nhưng rồi chính câu nói: "Anh còn gì đâu mà làm triển lãm" càng làm tăng thêm quyết tâm của họa sĩ Đặng Thị Khuê khi ấy. Bà bảo thật may vì số lượng lớn tranh của họa sĩ Nguyễn Sáng còn trong sưu tập tư nhân Đức Minh, thêm nữa, các đồng nghiệp khi ấy đã hỗ trợ hết sức chứ một mình bà thì không thể. Mọi thành viên trong Văn phòng Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam đều được huy động, tỏa đi khắp trong Nam ngoài Bắc mượn tranh để làm triển lãm cho họa sĩ Nguyễn Sáng.

Ròng rã suốt một năm, cuối cùng, hơn 100 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Sáng cũng được tập hợp để giới thiệu với công chúng trong triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Khi công việc chuẩn bị triển lãm gần như hoàn tất, họa sĩ Nguyễn Sáng mời mọi người ra quán Thủy Hử. Bà Khuê nhớ lại: “Lúc ấy, tôi buột miệng nói vui với họa sĩ Nguyễn Sáng: “Anh yên tâm nhé, tất cả đã xong, chỉ còn khai mạc nữa thôi”. Không ngờ họa sĩ Nguyễn Sáng lặng đi, giọng ông đượm buồn: “Chưa đâu, chưa đâu em. Anh người Nam, ra Bắc sống nhờ đất Bắc, được học hành; nhưng sau cuộc này anh phải trở về Nam sống nhờ chú em. Vợ anh mất, không con cái. Lúc mừng vui cũng là lúc sắp chia ly giã từ đất Bắc. Lúc khai mạc, anh muốn có người phụ nữ mặc áo dài đứng cạnh anh, vậy em gắng mặc chiếc áo dài và đứng bên anh hôm đó nhé”...

leftcenterrightdel

Họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ tại buổi trò chuyện nghệ thuật “Những kỷ niệm về họa sĩ Nguyễn Sáng” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 29-7-2023. Ảnh: KHÁNH THƯ

 

Khi nghe họa sĩ Nguyễn Sáng nói, dù không muốn nhưng bà Khuê chẳng nỡ chối từ một người đã trải nhiều sóng gió trong cuộc đời như vậy. Bà chỉ mong ngày khai mạc, họa sĩ Nguyễn Sáng quên đi lời đề nghị đó. Thế nhưng, trước giờ khai mạc, dù đến muộn, bà vẫn nghe giọng hớt hải: “Khuê đâu, Khuê đâu?”. Chẳng còn cách nào khác, họa sĩ Đặng Thị Khuê đành lẳng lặng đi vào thay đồ. “Bộ áo dài đã để sẵn trong túi, tôi chỉ mặc vào rồi bước ra mà mặt mày nóng ran, chẳng dám nhìn ai, cố “dũng cảm” trước hàng trăm ánh mắt đổ dồn. Bước vào phòng triển lãm, thấy tôi, anh Sáng lại gần rồi dõng dạc tuyên bố khai mạc. Sự mạnh mẽ của anh khiến tôi yên tâm và thấy mình nhỏ bé. Mãi sau này tôi mới hiểu, chiếc áo dài ấy là niềm lưu luyến với đất Bắc, với Hà Nội và với cả người vợ đã khuất của họa sĩ Nguyễn Sáng”, họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ.

Cuối tháng 7 vừa qua, trong buổi trò chuyện nghệ thuật “Những kỷ niệm về họa sĩ Nguyễn Sáng” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông, chiếc áo trắng có in hình chữ triện nửa đỏ nửa đen ấy lại xuất hiện giống như lần họa sĩ Đặng Thị Khuê tổ chức triển lãm cá nhân cách đây 9 năm. Người mặc chiếc áo dài giờ là con gái của nữ họa sĩ. Và bà Khuê bảo, chiếc áo dài ấy khiến bà linh cảm như họa sĩ Nguyễn Sáng đang hiện diện đâu đó bên mình.

“Năm 1987, trước lúc chia tay để về Nam, họa sĩ Nguyễn Sáng chỉ nói với tôi một câu là: “Vẽ đi em, dù sao cũng phải vẽ”. Và tôi thực lòng không hiểu hết những điều ông nói. Nhưng tới gần đây, khi thật sự sáng tạo ở tầm chuyên nghiệp, tôi mới nhận ra những buồn vui có thực trong cuộc đời nghệ sĩ (những đắng cay, ngọt bùi của sáng tạo). Và cũng gắng theo ông làm tất cả những gì có thể... trong bổn phận nghệ sĩ của mình, dù chỉ có “một tấm lòng và hai bàn tay trắng”, gắng tiếp nối cái giá trị tinh thần mà ông đã truyền thừa cho hậu thế”, họa sĩ Đặng Thị Khuê bộc bạch.

 

Họa sĩ Nguyễn Sáng sinh năm 1923 tại Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Nguyễn Sáng từng học Trường Trung học Trang trí mỹ thuật Gia Định (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) năm 13 tuổi; khóa 14 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 17 tuổi (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Nguyễn Sáng từng tham gia vẽ mẫu giấy bạc (tiền giấy), mẫu tem thư; vẽ những pano khổ lớn treo ở Nhà hát Lớn Hà Nội, tranh cổ động tuyên truyền địch vận; tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ... Ngoài ra, ông còn tham gia vẽ minh họa sách báo và sáng tác. Ông có hai tác phẩm được công nhận Bảo vật Quốc gia là bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” (1963) thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và “Thanh niên Thành đồng” (1967) thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Năm 1996, Nguyễn Sáng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật. Tại TP Mỹ Tho, quê hương họa sĩ Nguyễn Sáng, hiện có một đường phố mang tên ông.

 

ĐẶNG THỦY