Chuyện đặt tên ngỡ vô tình ấy lại định danh nên một nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc Việt Nam là nhạc sĩ Đỗ Nhuận, với hơn 20 năm làm Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam và là tác giả của biết bao tác phẩm âm nhạc đồ sộ, làm rạng rỡ đất nước.

Năm lên 3 tuổi, mẹ đã bế cậu bé Đỗ Nhuận ra Hải Phòng ở với bố đang là lính kèn. Và để tiện cho việc nhập học khi đủ tuổi, bố đã chọn cho cậu con trai ngày khai sinh là 10-12-1922. Thế là cả tuổi thơ Đỗ Nhuận đã trải qua tại làng Lạc Viên đầy ao chuôm và tiếng động của nhà máy tơ. Người thầy đầu tiên là thầy Đối, vừa dạy chữ vừa dạy Đỗ Nhuận đánh trống. Những tiếng trống đã đánh thức niềm đam mê âm nhạc trong tâm hồn Đỗ Nhuận. Thầy Đối còn dạy Đỗ Nhuận thuộc một bản hành khúc ngắn “Cùng nhau đi hồng binh” nghe đâu của một người Hải Phòng tên là Đinh Nhu và đang bí mật hoạt động chống Pháp. Đến khi chính thầy Đối bị mật thám bắt thì Đỗ Nhuận đã hiểu rằng là người dân nước Việt ai ai cũng phải đồng lòng tìm thời cơ đứng lên giũ sạch xiềng xích nô lệ. Bởi vậy, khi học hết tiểu học, rồi sang trung học, Đỗ Nhuận đã tự nguyện trở thành một hướng đạo sinh để có cơ hội hun đúc cho mình lòng yêu nước. Năng khiếu âm nhạc không chỉ cho Đỗ Nhuận học chơi các nhạc khí rất nhanh mà còn hướng tâm hồn thanh xuân của Đỗ Nhuận đến việc sáng tác ra bài hát mang hơi thở lịch sử cho các tráng sinh hướng đạo. Và bài hát “Trưng Vương” đã ra đời năm 1936.

Việc gặp đồng chí Vũ Quý đã khiến Đỗ Nhuận có một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời, bước ngoặt của sự dấn thân, dâng hiến cho cách mạng. Bỏ dở trung học, Đỗ Nhuận làm đủ mọi công việc để có điều kiện tuyên truyền cách mạng. Hết dạy học lại làm công nhân. Vừa tuyên truyền cách mạng vừa sáng tác bài hát yêu nước. Tuần nào Đỗ Nhuận cũng lên Hà Nội mua mực in và thạch trắng để in truyền đơn, song vẫn tranh thủ tìm gặp bậc thầy Nguyễn Xuân Khoát để trau dồi thêm kỹ năng âm nhạc. Những bài hát yêu nước như “Lời cha già”, “Đường lên ải Bắc” đã ra đời vào thời kỳ này. Mật danh Đỗ Quyên để hoạt động cũng là bút danh của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Sau một lần rải truyền đơn và treo cờ cách mạng ở huyện Kim Thành, Đỗ Nhuận bị bắt ở Hải Dương rồi đưa lên Hỏa Lò (Hà Nội), sau đó đi đày ở ngục Sơn La. Đây là thời kỳ ra đời của những bài hát trong tù mà sau này ấn hành tại Nhà xuất bản Hoa Lư năm 1946 với cái tên “Nhạc hận”.

Cuộc vượt ngục Sơn La thành công đầu năm 1945 đã đưa Đỗ Nhuận trở lại Hà Nội tìm các đồng chí cũ. Đỗ Nhuận gặp lại Nguyễn Đình Thi-người bạn từ Hải Phòng, đã từng cùng nhau chơi nhạc ở vườn hoa Đốc Lý. Đỗ Nhuận cũng gặp Văn Cao, đưa hành khúc “Du kích ca” cho Văn Cao chép lại và ấn loát trên Báo Độc lập. Ngày tổng khởi nghĩa, Đỗ Nhuận đã tham gia giành chính quyền ở Kẻ Sặt quê nhà, sau đó lên Hà Nội những ngày đầu độc lập.

Ở Hà Nội những ngày tự do, Đỗ Nhuận vừa sửa bản in cho Báo Cứu quốc của đồng chí Xuân Thủy vừa mò mẫm học chơi các nhạc khí như piano ở trụ sở dân quân tự vệ số 101 đường Trần Hưng Đạo, học chơi đàn baian-cây đàn đã được một người mua của nhạc sĩ Nga lưu vong, mang lên chơi trong lễ chào cờ của Quốc dân Đại hội ở Tân Trào và đồng chí Trần Quốc Hoàn đã trao lại cho Đỗ Nhuận dưới sự hướng dẫn của nhạc sĩ Mellewitz người Nga. Còn nhạc sĩ Victor cũng là người Nga thì dạy violon. Ngay thời điểm ấy, Đỗ Nhuận đã muốn viết những bài hát trữ tình khác thời tiền chiến. Và “Nhớ chiến khu” đã ra đời, thôi thúc Đỗ Nhuận đi theo con đường sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp. Ông xin rời tòa soạn báo.

Qua đồng chí Đào Duy Kỳ, Đỗ Nhuận thành lập đội văn nghệ thiếu nhi mang tên “Sao vàng” có trụ sở ở cuối đường Bà Triệu. Lúc đó Nam Bộ đã kháng chiến, thế là các hành khúc “Đường trường vô Nam” và “Tiếng súng Nam Bộ” ra đời. Khi đội “Sao vàng” giải tán, Đỗ Nhuận lập ra đội kịch Nam Tiến với một ban nhạc họ Đỗ gồm: Đỗ Nhuận (sáo và violin), Đỗ Lạc (sau là nhạc sĩ Cẩm Phong, chơi baian và hát đơn ca), Đỗ Liên (chơi guitar Hawaienne), Đỗ Mạnh Cường (là nhạc sĩ Tu My, chơi banjo và guitar) để hành phương Nam biểu diễn. Nhưng đến Huế thì lại được điều trở về Hà Nội. Một đội “Sao vàng” mới được thành lập cho Quân đội. Đỗ Nhuận và các anh em trong đội trở thành người lính ngày 1-11-1946. Mặt trận Hải Phòng là nơi đội “Sao vàng” biểu diễn phục vụ đầu tiên, sau đó là các địa phương khác những ngày sau Toàn quốc kháng chiến. Đỗ Nhuận đã viết ra một bài hát cho đội “Sao vàng” là bài “Đoàn lữ nhạc” mang hơi thở trẻ trung của thời kỳ âm nhạc pop tiền rock trên thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Vì thế mọi người gọi đội “Sao vàng” là Đoàn Lữ nhạc.

leftcenterrightdel

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận. 

Khi đến với đoàn thiếu sinh quân rất tài năng chơi nhạc khí và hát hợp xướng, từ yêu cầu của một người bạn tù cũ nay làm công tác dân quân du kích, Đỗ Nhuận muốn viết một hợp xướng về đề tài này phải hơn “Du kích ca” ngày nào. Nhưng viết thì phải có cảm hứng từ thực tế. Thực tế ấy đã ập đến trong một chiều ghé qua Trung Hà hỏi thăm một cô học sinh thì được kể rằng cô ấy đã vào du kích và chèo thuyền dọc sông Thao. Vậy là hợp xướng “Du kích Sông Thao” ra đời; cùng “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, “Trường ca sông Lô” của Văn Cao và bài thơ dài “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm, đã chảy lai láng trong trường kỳ kháng chiến.

Nhưng chính cuộc trường chinh lên Tây Bắc theo đoàn quân tác chiến, Đỗ Nhuận đã nhận ra cái mỏ dân ca, giúp cho Đỗ Nhuận làm mới ngôn ngữ âm nhạc của mình ngay trước mắt và lâu dài. Trước mắt là bộ 3 hành khúc thuần Việt “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam” và “Chiến thắng Điện Biên”. Trong “Chiến thắng Điện Biên” đã có sự hòa trộn giữa dân ca Tây Bắc và dân ca đồng bằng rất tự nhiên, âm hưởng xòe Thái hòa với nốt nhạc chèo của “Sắp qua cầu”. Còn lâu dài là sự ấp ủ cho opera “Cô Sao” của 10 năm sau.

Sau Hiệp định Geneve ít năm, Đỗ Nhuận là nhạc sĩ tiền chiến đầu tiên đi tu nghiệp âm nhạc ở Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô) sau khi trở thành Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam cuối năm 1957 mà Chủ tịch là bậc thầy âm nhạc Nguyễn Xuân Khoát. Sau khi tu nghiệp, ông về nước vào đúng sự kiện máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, và đã ngay lập tức có “Giặc đến nhà ta đánh”, cùng các đồng nghiệp thét vang tiếng nói phản kháng.

Nhiều người không ngờ trong những năm tháng chiến tranh nóng bỏng, Đỗ Nhuận đã sang Lào và với bút danh Udon xihalạt, ông đã viết những tác phẩm như “Hành khúc quân đội nhân dân Lào”, “Đàn với đàn voi” và cả “Du kích ca” như viết hồi ở ngục Sơn La. Chuyến đi ấy, sự dâng hiến của ông đã ảnh hưởng rất lớn đối với Trần Tiến khi đó đang là ca sĩ, tuy đã có “Bài ca thanh niên tiền tuyến” được giải thưởng của hội. Nhờ thế, Trần Tiến đã có thêm “Cô gái Sầm Nưa” cũng rất nổi tiếng. Sau khi đã thành công với opera “Cô Sao” viết về Tây Bắc, Đỗ Nhuận lại hăm hở với “Người tạc tượng” viết về Tây Nguyên.

Cả một thời thanh xuân trai trẻ dấn thân theo cách mạng, thăng hoa trong trường kỳ kháng chiến và tung hoành thời chống Mỹ, Đỗ Nhuận không chỉ tạo nên tầm vóc cho riêng mình, với tư cách là Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông đã sát cánh cùng làng nhạc vẽ nên chân dung âm nhạc thời chống Mỹ hoành tráng mà thế giới phải nghiêng mình nể phục.

Ngay từ khi đất nước bị chia cắt, Đỗ Nhuận đã tự thống nhất nó trong giai điệu của mình qua “Việt Nam quê hương tôi”. Đến khi đất nước thực sự thống nhất, ông đã ca khúc khải hoàn bằng “Đường bốn mùa xuân”. Từ nguyện vọng âm nhạc của bậc thầy Nguyễn Xuân Khoát, từ sự nhận biết của chính mình khi du học nước ngoài, cũng như chuyến lưu diễn cuối năm 1968 ở Nhật Bản, Đỗ Nhuận đã nhìn thấy thời cơ đưa âm nhạc Việt Nam ra thế giới. Để chuẩn bị cho điều đó, ngay năm 1977 ông đã mời nhạc sĩ việt kiều Nguyễn Thiên Đạo thuộc trường phái tiên phong từ Paris trở về Hà Nội trình diễn, nhưng tiếc là chưa thành. Đến 18 năm sau, trong không khí thời đổi mới, nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo đã được mời về lại để trình diễn bản hòa tấu 95 cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Và sau đó là 20 năm cống hiến của người nhạc sĩ dị biệt này cho âm nhạc Việt Nam cho đến khi ông vĩnh biệt cõi đời năm 2015.

Thời ấy người Việt Nam tự hào có Đặng Thái Sơn với giải nhất cuộc thi piano chopin, có Tôn Nữ Nguyệt Minh với cuộc thi piano ở Tiệp Khắc, có Ngô Văn Thành với cuộc thi violin ở Nga mà chính Đỗ Nhuận được mời làm giám khảo. Và dấu ấn đậm nét trong sáng tạo lại chính là từ con trai của ông, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân với bản “Rhapsody Việt Nam” bằng một ngôn ngữ âm nhạc đương đại thuyết phục. Còn riêng Đỗ Nhuận, ông đã có opera thứ 3 dành cho miền đồng bằng Đại Việt xưa “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” từ vở kịch nói của người bạn thuở thanh xuân Nguyễn Đình Thi cũng gây dư luận đầu thập niên 1980. Sau đó là giao hưởng thơ Dimitrov được Nguyễn Xuân Khoát mang đi Festival âm nhạc ở Liên xô. Từ năm 1986, ông bắt đầu viết hồi ký “Âm thanh và cuộc đời”, kể cả khi đã lâm trọng bệnh.

Ngày 17-5-1991, ông mãi mãi rời xa dương thế ở tuổi xưa nay hiếm và bước ngay vào cổ điển sừng sững một tầm vóc âm nhạc trong làng nhạc Việt Nam hiện đại. Cho đến năm nay, trăm năm Đỗ Nhuận, người mến mộ âm nhạc vẫn luôn được âm nhạc của ông tưới tắm xanh tươi, từ bài hát nhỏ đến opera tầm cỡ. Ông vẫn cùng ông Đỗ Nhuận xưa dắt tay nhau trong chiều kích không gian, thời gian trên con đường âm nhạc Việt Nam thênh thang.

Nhạc sĩ NGUYỄN THỤY KHA