Nhạc sĩ Phó Đức Phương có người anh cả-nghệ sĩ Phó Đức Vạn là một trong những nhạc sĩ đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Một buổi kia, anh thấy trong đống giấy vụn có một bản nhạc viết bằng bút chì để vương vãi. Cầm lên lẩm nhẩm đọc. Giật mình. Không nhẽ thằng Phương nhà mình mà viết được thế này. Tối, chờ em đi học về, anh mới cầm bản nhạc đến hỏi: “Em viết đấy à?”. Phương gật đầu: “Vâng em viết!”. “Lúc nào?”. “À, mấy hôm trước về quê Thuận Thành, buổi trưa trèo lên cây ổi ngồi chơi, nhìn xa xa ra cánh đồng, thế là nổi hứng lên ngồi viết anh ạ!”. Anh Vạn gật gù: “Viết hay đấy. Để anh giới thiệu cho mấy ông biên tập ở đài xem sao”. Chưa đầy một tháng sau, “Những cô gái quan họ” vang lên khắp hang cùng ngõ hẻm, và tên tuổi Phó Đức Phương nổi lên như cồn. Năm ấy anh mới 22 tuổi, đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Ông Tố Hữu khen và ví bài hát của Phó Đức Phương có thể sánh ngang với “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ tên tuổi bậc nhất lúc ấy là Hoàng Vân. “Trên quê hương quan họ, một làn nắng cũng đẹp màu dân ca...”. Từ ngày ấy, đi tới đâu cũng nghe hát, từ làng quê cho tới thành phố, đâu đâu cũng “A quê hương ta, biết bao nhiêu cô gái xinh đẹp đảm đang”. Thành ra tên tuổi của Phó Đức Phương bay xa ngoài sức tưởng tượng.
|
|
Nhạc sĩ Phó Đức Phương. Ảnh: TUẤN NGUYÊN |
Đó cũng là “con đường” đưa người nhạc sĩ trẻ về công tác ở Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), rồi nhiều thời gian làm chỉ đạo nghệ thuật Nhà hát Thăng Long, và rồi là sáng lập viên thành lập nên Trung tâm Bản quyền tác giả âm nhạc. Anh sống đắm đuối, hết mình với nghệ thuật, có nhiều hoạt động sôi nổi, hữu ích, sáng tạo... và đặc biệt là tác giả của nhiều bài hát được công chúng vô cùng mến mộ: “Những cô gái quan họ”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Chảy đi sông ơi”, “Về quê”, “Huyền thoại hồ núi Cốc”, “Hồ trên núi”... Nhạc sĩ Ngọc Đại có một lần nói với tôi: “Nếu người nước ngoài nào sang Việt Nam hỏi ai là tác giả âm nhạc hiện đại tiêu biểu nhất, tôi sẽ nói ngay đó là nhạc sĩ Phó Đức Phương. Âm nhạc của ông là sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa dân gian dân tộc và hiện đại, rất lấp lánh và tiêu biểu cho âm nhạc và tâm hồn người Việt Nam”.
Một lần tôi được theo Phó Đức Phương về huyện miền núi Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Tưởng chỉ có vài cán bộ văn hóa tiếp, ai dè vừa bước vào phòng đã thấy đồng chí Bí thư Huyện ủy chờ đón. Bí thư Huyện ủy là người dân tộc thiểu số, ông xin hát tặng nhạc sĩ bài hát: “Hồ trên núi”. Ông hát đầy say mê đắm đuối, tiếng Kinh lại không sai một lời, nhạc sĩ Phó Đức Phương và những người chứng kiến đều lặng đi vì xúc động.
Lại nhớ có một đêm mùa đông, tôi cùng nhà báo Khắc Văn từ phía Nam ra Hà Nội, đến thăm nhà anh Phó Đức Phương ở một ngõ nhỏ xây trên đất chùa. Trong khói hương từ chùa bay sang, anh hát cho chúng tôi nghe những “Về quê”, “Trên đỉnh Phù Vân”... Giọng hát anh ma mị, đôi mắt giàu biểu cảm, gương mặt thâm u, huyền ảo... cùng mùi khói nhang làm chúng tôi thấy anh vừa hiện đại lại vừa cổ điển, rất mực tài hoa mà lại như một đạo sĩ, rất cao sang mà cũng gần gũi, thân tình. Đó chính là cốt cách con người anh, là nét tính cách của anh, vừa là thần tượng để nhiều người ngưỡng mộ, mà cũng lại dễ mến, gần gũi xiết bao...
Có một lần gầy đây, tôi được em út của anh Phương là Phó Đức Quang, giảng viên dạy sáng tác chỉ huy ở Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cho hay, cả 3 người con của Phó Đức Phương đều đi theo con đường âm nhạc, trong đó, cậu con trai Phó Đức Hoàng mới đi tu nghiệp âm nhạc ở Mỹ về, rất tài năng.
Sự nghiệp đang hồi viên mãn, thế mà ở tuổi 76, Phó Đức Phương đã ra đi: “Ơi con sông hiền hòa, chở đầy nước ngọt phù sa”. Vâng, con sông hiền hòa ấy chính là anh-Phó Đức Phương, nhạc sĩ tài hoa và ân tình, rất tiêu biểu cho dòng nhạc hiện đại và dân tộc của chúng ta hôm nay!
“Chảy đi sông ơi”. Hát lời hát của anh mà nước mắt cứ dâng trào...
TRƯƠNG NGUYÊN VIỆT