|
|
Nhạc sĩ Doãn Quang Khải. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp. |
Động lực từ bài hát của chồng
Tình cảm chân thành, giản dị, thiết tha trong lời bài hát đã thôi thúc chúng tôi tìm về nhà cố nhạc sĩ Doãn Quang Khải ở xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai, Hà Nội). Ngôi nhà nằm sâu trong con ngõ nhỏ. Bà Nguyễn Thị Trìu, vợ nhạc sĩ, năm nay đã bước sang tuổi 86, tóc bạc trắng nhưng vẫn rất minh mẫn, tinh anh. Trò chuyện với bà, chúng tôi thêm phần hiểu biết, cảm mến hơn về nhạc sĩ đã sáng tác ca khúc "Vì nhân dân quên mình". “Ông ấy hơn tôi 10 tuổi. Khi tôi còn là thiếu niên, ông ấy đã lên đường nhập ngũ tham gia đoàn quân Tây Tiến, chống giặc Pháp. Đối với thế hệ chúng tôi, thời bấy giờ, anh Bộ đội Cụ Hồ trên trận tuyến chống giặc là hình tượng đẹp nhất và là mơ ước của bao người”, bà Trìu kể.
Bởi cảm tình đẹp, trong trẻo ban đầu đó mà năm 1956, dù chưa hề biết mặt nhưng được mai mối, gia đình hai bên sắp đặt, cô thôn nữ Nguyễn Thị Trìu đã đồng ý kết hôn với anh bộ đội Doãn Quang Khải. “Sắp đến ngày cưới, ông ấy về, sang nhà tôi chơi. Hai người nhìn nhau mà không biết nói câu gì. Ngày làm lễ thành hôn, mọi người giới thiệu ông ấy hát bài “Vì nhân dân quên mình”. Giai điệu bài hát cất lên, mọi người hát theo sôi nổi, rộn ràng. Giây phút đó, tôi thấy thật hạnh phúc, tự hào. Chồng tôi chính là tác giả của bài hát được các tầng lớp nhân dân đặc biệt yêu thích”, bà Trìu nhớ lại.
Tổ chức đám cưới xong cũng vừa hết thời gian nghỉ phép, ông Khải mang tâm trạng lưu luyến người vợ mới. Đoán được ý ông, bà Trìu mạnh mẽ động viên chồng: "Anh cứ yên tâm lên đường đánh giặc, mọi việc ở nhà em thay anh gánh vác”. "Nghe tôi nói vậy, chồng tôi rất xúc động, hai mắt đỏ hoe", bà Trìu kể.
Cưới nhau được 5 năm thì bố chồng mất, bà Trìu ở với mẹ chồng gánh vác công việc gia đình. Đằng đẵng cả năm ông Doãn Quang Khải mới được về phép một lần, chóng vánh ít ngày rồi ông bà lại chia xa. 6 người con lần lượt chào đời, chủ yếu do một tay bà Trìu nuôi nấng, chăm sóc. “Đông con, gia đình thiếu thốn, khó khăn đủ đường. Nhiều đêm tôi thầm khóc một mình. Mỗi lúc như vậy, tôi lại hát thầm bài "Vì nhân dân quên mình". Nhẩm từng lời bài hát, tôi thấy mình thấu hiểu chồng nhiều hơn, có thêm động lực vượt khó khăn”, bà Trìu chia sẻ.
Câu chuyện của chúng tôi càng thêm rôm rả khi có sự xuất hiện của ông Doãn Quang Cẩn, con trai của nhạc sĩ Doãn Quang Khải. Ông Cẩn kể: “Tuổi thơ tôi rất ít khi được gặp bố. Lớn lên, mỗi khi ở bên cạnh bố, tôi thường được ông kể cho nghe về chuyện bộ đội, những vùng đất bố và đồng đội đã đóng quân, chiến đấu”. Kháng chiến chống Pháp, nhạc sĩ Doãn Quang Khải trải qua các chiến trường: Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Việt Bắc, Bình Trị Thiên; còn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là chiến trường Tây Nguyên, Bình Trị Thiên. “Quãng thời gian tham gia đoàn quân Tây Tiến được bố tôi kể nhiều nhất. Mỗi lần kể đều thấy ông hào hứng, đôi mắt long lanh, sáng rực. Ông bảo, chính những gian khổ, nếm mật nằm gai, băng rừng vượt suối đã hun đúc để sau này ông sáng tác ca khúc "Vì nhân dân quên mình”, ông Cẩn nhớ lại.
|
|
Ca khúc "Vì nhân dân quên mình" của nhạc sĩ Doãn Quang Khải. |
Kỷ vật kể chuyện
Lấy ra một tập giấy đã ố vàng, hai bàn tay nhẹ nhàng, nâng niu lật giở từng trang giấy, ông Cẩn khoe: "Khi về hưu, bố tôi hướng dẫn cháu nội Doãn Thị Hương Nhu, con gái đầu của tôi viết bài làm văn kể lại quá trình sáng tác bài hát "Vì nhân dân quên mình". Năm 1950, Doãn Quang Khải được cử đi học lớp bổ túc đại đội (khóa 6, Trường Sĩ quan Lục quân). Năm 1951, nhà trường mở đợt vận động sáng tác thơ văn, âm nhạc... "Bố tôi đã trăn trở nhiều ngày đêm về chủ đề xung quanh đời sống, tâm tư của bộ đội. Một hôm, bố tôi đọc Báo Quân đội nhân dân, trong một bài báo có dòng chữ “Vì nhân dân phục vụ”. Dòng chữ tác động mạnh đến suy nghĩ, tư tưởng đã nung nấu, tích lũy bấy lâu của bố tôi. Hình ảnh ông cùng đồng đội đoàn quân Tây Tiến băng rừng vượt núi, bị cái đói, sốt rét rừng hành hạ, nhiều đồng đội đã hy sinh... hiện lên trong tâm trí. Trong không gian ký ức linh thiêng và xúc động, bố tôi đọc, thử hát, rồi nhẩm, thử thay đổi vài chữ theo giai điệu. Và rồi hai chữ “quên mình” nảy ra. Hay quá, đúng quá: “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”.
Đêm hôm đó, khi đồng đội đã lên giường đi ngủ, bố tôi ra vườn hoa của trường, tập trung viết và sửa một mạch trong khoảng 3 tiếng đồng hồ thì tạm hoàn chỉnh ca khúc. Sáng hôm sau, ông tập cho anh em hát và tiếp tục sửa. “Đồ mi sol mi rê đồ, đồ mi sol si rê đô” (Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh)... nhịp 2/4, giọng đô trưởng, tốc độ vừa phải, theo bước đi hùng tráng. Hôm sau, bài hát được xuất hiện trên tờ báo tường của đơn vị. Đúng dịp nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đến thăm nhà trường, đọc báo tường, ông thích bài hát và gặp bố tôi đề nghị chép lại cho ông một bản để ông sửa vài chỗ rồi dàn dựng cho đội văn nghệ của nhà trường. Ngày 1-5-1951, trong buổi lễ bế mạc khóa học, lần đầu tiên bài “Vì nhân dân quên mình” được vang lên theo bước đi của những cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị ra các chiến trường".
Năm 1952, bài hát được gửi tham dự cuộc thi sáng tác văn học-nghệ thuật toàn quốc. Ở cuộc thi này, phần âm nhạc không có giải nhất. Bài “Vì nhân dân quên mình” nhận giải nhì. Theo năm tháng, bài hát trở thành một trong những bài hát truyền thống của Quân đội ta, được sử dụng làm nhạc hiệu của Chương trình Phát thanh Quân đội và Chương trình Truyền hình Quân đội.
Ngoài ca khúc "Vì nhân dân quên mình", nhạc sĩ Doãn Quang Khải còn sáng tác một số ca khúc: "Đâu cũng là quê hương", "Tiếng hát dưới trăng" mùa hè 1955, "Mùa bội thu". Ở các ca khúc trên, người nghe vẫn bắt gặp một Doãn Quang Khải son sắt với niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, thiết tha với tình yêu quê hương, đất nước. Như trong ca khúc “Đâu cũng là quê hương”, lời ca của ông sôi nổi, nhiệt tình: “Nay hướng theo lời khuyên của Đảng, đi vùng kinh tế mới thoát cái nghèo từ ngày xa xưa...”. Còn ở ca khúc “Tiếng hát dưới trăng” là: “Nhờ Đảng tiền phong, nay ruộng đất đã trở về...”. Ba ca khúc trên đều đã được phổ nhạc và vẫn đang được gia đình giữ gìn cẩn thận. Tuy nhiên, theo ông Cẩn: "Ca khúc "Vì nhân dân quên mình" được bố tôi coi có một sản phẩm tinh thần, “tài sản cuộc đời” được mọi người yêu mến và đồng cảm”.
Trước khi rời xã Ngọc Mỹ, chúng tôi gặp anh Bùi Tiến Khỏe, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã. Nói về bài hát "Vì nhân dân quên mình", anh Khỏe phấn khởi cho biết: “Nhạc sĩ Doãn Quang Khải đã để lại một tài sản tinh thần đầy tự hào cho quê hương Ngọc Mỹ. Hằng năm, khi làm công tác tuyển quân, chúng tôi thường lồng ghép tuyên truyền nội dung bài hát "Vì nhân dân quên mình" được sáng tác bởi một người con quê hương để khơi gợi lòng tự hào, tinh thần vì nước, vì dân, động viên thế hệ trẻ hăng hái lên đường nhập ngũ. Các thanh niên khi được nghe về truyền thống tốt đẹp của quân đội, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh đã vui vẻ đăng ký lên đường nhập ngũ”.
PHẠM TUẤN - HẢI YẾN