Toàn quốc kháng chiến, Doãn Nho gia nhập Đội Tuyên truyền lưu động Bắc Giang, rồi Đội Tuyên truyền xung phong Vĩnh Yên để đến năm 1950, khi 17 tuổi thì nhập ngũ vào học Trường Lục quân Việt Nam (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1). Cũng từ những sáng tác đầu tay ở đơn vị, Doãn Nho đã bước vào nghề sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp trong Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị từ Ngày giải phóng Thủ đô. Thăng hoa ở tuổi 22 đã cho Doãn Nho viết ra bản hợp xướng “Sóng Cửa Tùng” nổi tiếng tràn đầy âm hưởng dân ca Quảng Trị, da diết niềm hy vọng thống nhất bên bờ sông giới tuyến. Cũng nhờ thăng hoa này mà chàng lọt mắt xanh một thiếu nữ Hà Nội trong đoàn, rồi dần dà chín thành tình yêu đôi lứa mà chàng đã kín đáo ngỏ lời trong bản tình ca “Chiếc khăn piêu” phát triển từ dân ca Khơ Mú, đồng hành lý tưởng trong hành khúc “Tiến bước dưới quân kỳ” cũng rất nổi tiếng, là tác phẩm mà dàn quân nhạc trình tấu mỗi bình minh. Họ đã xây dựng một gia đình trong quân ngũ.

leftcenterrightdel
Vợ chồng Đại tá, TS, nhạc sĩ Doãn Nho-Thiếu tá, ca sĩ Nguyệt Ánh hát bài “Tiến bước dưới quân kỳ” cùng các nghệ sĩ. Ảnh: TỪ NGỌC LANG

Khi Doãn Nho đi học Nhạc viện Kiev (Liên Xô trước đây) trở về thì đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thanh niên thời ấy ai cũng thuộc vài đoạn trong ca cảnh “Lá đơn tình nguyện” mà Doãn Nho viết từ kịch bản của Kim Tiến và Quốc Bảo. Một hành trình mới mở ra dằng dặc, chất chồng gian khổ và ác liệt khi ông cùng vợ là ca sĩ Nguyệt Ánh lên đường cùng nhóm xung kích của đoàn vượt Trường Sơn vào chiến trường Tây Nguyên. Nhưng chính trong gian khổ ấy, tiếng cười đã vang ra từ Doãn Nho lan truyền tới người lính khi ông gặp bài thơ của Nghiêm Đa Văn. Thế là ca khúc hài hước, hóm hỉnh “Quả bom câm” ra đời, được lính ta khoái chí hát suốt đường hành quân. Trong chương trình âm nhạc của tác giả Doãn Nho mang tên “Dưới lá quân kỳ” diễn ra đêm 28-12-2019 vừa qua tại Nhà hát Âu Cơ (Hà Nội), “Quả bom câm” được NSƯT Mạnh Dũng và tốp nam tái hiện thật sinh động và cảm xúc.

Chuyến công tác Tây Nguyên còn cho Doãn Nho có thêm những sáng tác đa âm hưởng của miền đất đỏ bazan như “Tây Nguyên mừng đón thơ Bác”, “Bài ca Kpa Kơ Lơn” và “Tây Nguyên chiến thắng” cùng nhiều sáng tác mang bút danh là tên cô con gái đầu lòng Ánh Quyên. Chuyến công tác còn cho họ khi trở về có thêm cậu con trai Doãn Nguyên. Không ai ngờ năm nay, cậu con trai đã “ngũ thập tri thiên mệnh” vừa tham gia phối khí, vừa chỉ huy phần thanh nhạc trong đêm diễn của thân sinh.

Trong phần thanh nhạc, sau khi “Chiếc khăn piêu” do ca sĩ Đinh Mạnh Ninh trình bày, là một ca khúc nổi tiếng Doãn Nho viết năm 1972 đó là ca khúc “Người con gái sông La”, phổ thơ Phương Thúy do Đinh Trang thể hiện. Ca khúc tràn đầy âm hưởng ví xứ Nghệ ở đoạn đầu và âm hưởng giặm ở đoạn phát triển. Nếu sáng tạo của Doãn Nho trong “Chiếc khăn piêu” là đưa giai điệu đảo phách vào đoạn sau thì ở “Người con gái sông La”, ông không chuyển đoạn mang âm hưởng dặm sang nhịp 7/8 truyền thống, mà vẫn giữ nhịp 2/4 có đảo phách rất tinh tế và gấp gáp hơn trong hơi thở thời đại.

Trong phần thanh nhạc, người yêu mến ông còn đón nhận một ca khúc trẻ trung của nhà soạn nhạc mang quân phục có tên “Làng lính trên đảo”. Ca khúc đưa người nghe tới hòa cùng sóng biển Trường Sa, cùng sức sống trẻ của lính đảo. Cũng ở phần thanh nhạc, khán giả không những được nghe nhiều ca khúc nổi tiếng của Doãn Nho, mà còn được đắm chìm trong hai bản romance của ông. Bản romance “Bài ca tình yêu” được ông viết tặng người vợ yêu quý-người đồng hành với ông trên những chặng đường, trong những buồn vui của đời sống thường nhật, đồng hành ngay cả khi ông vắng nhà đi tu nghiệp ở nước ngoài hai lần (từ năm 1962 đến 1964 và từ năm 1973 đến 1980). Họ chia sẻ với nhau cả di chứng trong thân thể khi dấn thân vào chiến trường vương đầy chất độc da cam, cùng nhau tham gia luyện tập kiên trì, nhẫn nại để vượt qua số phận, để sống khỏe, sống an lành, đủ sức vắt kiệt mình cho sáng tạo nghệ thuật và dâng hiến.

Năm 1992, sau khi nghe luân khúc “Khúc tưởng niệm” Doãn Nho viết cho giọng nữ cao vocalise và dàn nhạc giao hưởng được trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội cuối năm 1991, tôi quyết định làm một phim tài liệu chân dung ông để kỷ niệm 20 năm Mặt trận Quảng Trị mang tên “Quảng Trị-20 năm và một khúc tưởng niệm”. Trong phim, âm nhạc của “Sóng Cửa Tùng” và “Khúc tưởng niệm” chảy lai láng qua suy tư của ông. Vừa quý mến, vừa kính trọng ông nên tôi đã chép tặng ông bài thơ “Người lính mùa xuân về”. Có lẽ rất đồng cảm với số phận trớ trêu của nhiều người lính trở về sau chiến tranh: “Người lính mùa xuân về/ Sau bao năm báo tử/ Ngơ ngác giữa làng quê/ Như một người khách lạ/ Mẹ sững sờ trước cửa/ Tóc bạc nhòa sau lưng...”, Doãn Nho đã phổ bài thơ thành bản romance “Người lính mùa xuân về” đầy âm hưởng bi tráng và tặng tôi. Mãi đến năm 2016, bản romance mới được Phúc Tiệp hát như “lên đồng” ở Phòng Hòa nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trong đêm diễn cuối tuần qua, Phúc Tiệp một lần nữa “lên đồng” rất cảm xúc ở bản romance này.

Doãn Nho nhìn ra bi kịch chiến tranh cũng như ông đã từng nhìn ra sức mạnh của quân đội từ sự đoàn kết của những người đồng đội mà được gợi ý cụ thể từ một bài thơ độc đáo của Hữu Thỉnh trong Chiến dịch Quảng Trị năm 1971. Vậy là bản hành khúc độc đáo “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” ra đời. Bản hành khúc đã đồng hành với nhiều nghệ sĩ hát suốt thanh xuân của họ để đến hôm nay, khi họ tụ lại thành nhóm “Ngũ lão”, khi đã ở tuổi “nhân sinh thất thập”, họ vẫn say sưa hát trong đêm diễn như ngày nào trẻ trung, mạnh mẽ. Thú vị nhất họ lại cùng vợ chồng nhạc sĩ, dàn đồng ca măng mẻ đôi mươi, dàn nhạc giao hưởng và dàn quân nhạc ca vang “Tiến bước dưới quân kỳ” cho một cái kết chương trình thật hùng tráng.

Tôi muốn dành phần cuối bài để chia sẻ cùng bạn đọc phần đầu của Chương trình “Dưới lá quân kỳ”, phần trình tấu những tác phẩm khí nhạc tiêu biểu của Doãn Nho. Ông đã được công chúng biết đến qua những ca khúc nổi tiếng nhưng Doãn Nho không chỉ là nhạc sĩ viết ca khúc mà còn là “nhà soạn nhạc”. Việc ông viết hợp xướng “Sóng Cửa Tùng” chỉ là khởi đầu của khả năng này. Trong chiến tranh, với tư cách người lính, ông đã dấn thân, đã viết ca khúc để cổ vũ người lính xung trận. Đó là sự thúc giục của từng thời điểm. Nhưng để có tác phẩm mang tầm vóc khái quát sức mạnh dựng nước, giữ nước và chống ngoại xâm của cha ông, của thời đại Hồ Chí Minh, bằng học vấn mà ông thu nhận được qua những năm tháng tu nghiệp miệt mài, Doãn Nho đã tìm đến những thể loại lớn của khí nhạc như giao hưởng, oratonio (thanh xướng kịch), opera (nhạc kịch)... L

10 năm trước, oratonio “Bài ca dời đô, từ Hoa Lư đến Thăng Long” đã được trình diễn hoành tráng nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng ong-Hà Nội. Sắp tới, bản opera “Câu chuyện tình yêu” của ông mà tôi đã từng được ông giới thiệu, sẽ được công diễn vào dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thống nhất đất nước. Trong chương trình này, những tác phẩm tiêu biểu được chọn trình tấu gồm có thơ giao hưởng số 1 “Tháng Tám lịch sử”, luân khúc “Khúc tưởng niệm” và chương 1 giao hưởng 3 chương “Chiến thắng”. “Tháng Tám lịch sử” là bản giao hưởng thơ được Doãn Nho viết giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước, tác phẩm đã đoạt Huy chương Vàng Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985. Hướng về ngợi ca cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử của thời đại Hồ Chí Minh, người nghe nhận ra trong đó những biến chuyển vô hình của dân tộc trong cao trào cách mạng ngay từ giai điệu mở đầu. Tác giả đã lấy một giai điệu của hành khúc “Du kích ca” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận làm nhân tố phát triển cho sự biến chuyển nói trên. Những nghịch âm chói gắt xen kẽ những chùm nốt lướt trên đàn dây, có lúc hòa cùng bộ đồng, bộ gỗ và sự điểm xuyết đúng lúc của bộ gõ mà người trình tấu chính là nghệ sĩ Doãn Mai Hương-con gái út của nhạc sĩ.

Luân khúc cho giọng nữ cao vocalise và dàn nhạc giao hưởng “Khúc tưởng niệm” khiến người nghe liên tưởng nhiều đến những trận chiến bi tráng với biết bao hy sinh dâng hiến mà dữ dội nhất là cuộc bám trụ 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa 1972. Ca sĩ Mai Phương vừa nhận bằng tiến sĩ thanh nhạc ở Nga về đã thổi hồn vào giọng vocalise chan chứa của mình những đoạn nhạc thổn thức đến trào nước mắt. Người viết tuy rất uyên bác, biết tiết chế, hàm súc nhưng cũng không nỡ kìm nén cảm xúc khi vươn tới cảnh giới tận cùng của hoài niệm chất chứa. Ông đã để cảm xúc dẫn dụ mình thật tự nhiên như chính sự bi tráng mà ông từng chứng kiến. Điều khiến người nghe ngạc nhiên là sự đồng điệu giữa một ca sĩ trẻ với một nhà soạn nhạc từng trải để cùng mang đến cho người nghe một khoảnh khắc rưng rưng như khoảnh khắc nghiêng mình tại Đài tưởng niệm Bến sông Thạch Hãn lịch sử.

 Dù chỉ được nghe một trong 3 chương của giao hưởng “Chiến thắng”, người nghe cũng đã có thể mường tượng ra thời khắc của Chiến dịch Hồ Chí Minh với mệnh lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa”, để rồi cùng chất ngất trong những mảng âm thanh kỳ vĩ. Nhạc trưởng Đỗ Hồng Quân đã rất hiểu các tác phẩm này nên dưới cây đũa chỉ huy của ông, tất cả những gửi gắm của tác giả trong tác phẩm đều được làm cho hiển hiện trung thực nhất tới người nghe.

Chương trình thành công dĩ nhiên là ở sức nặng tác phẩm của Doãn Nho, nhưng cũng không thể không ghi nhận những đóng góp từ kịch bản, nhà sản xuất, những nhạc sĩ phối khí và dàn nghệ sĩ biểu diễn. Nhà biên kịch Trần Đăng Tuấn, người đưa ra tên chương trình “Dưới lá quân kỳ” đã xây dựng các tác phẩm trình diễn theo trục trữ tình của tình yêu, tình đồng đội, tình người mang đến hiệu quả thẩm mỹ đầy ấn tượng.

Chàng thiếu niên làng Cót khi xưa, giờ mái đầu đã bạc ở tuổi 87. Nhưng nụ cười thì vẫn thanh xuân như hồi nào. Chỉ một đêm diễn đã đủ dựng tượng đài cho một sự nghiệp của “Nhà soạn nhạc mặc áo lính”.

Nhạc sĩ NGUYỄN THỤY KHA