QĐND - Tác phẩm “Xây thiên đường trên trái đất bình yên” của nhạc sĩ Doãn Nho đã giành giải nhất Cuộc vận động sáng tác ca khúc chào mừng Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới 132 (IPU 132) do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp với Tiểu ban thông tin tuyên truyền IPU 132 tổ chức. Tác phẩm cũng đã được lựa chọn trở thành bài hát chính thức cho IPU 132. Tại buổi lễ nhận giải thưởng, nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ: “Với tinh thần của nhạc sĩ lão thành, muốn tham gia cùng các thế hệ trẻ cho một sự kiện quan trọng của đất nước, tôi đã gửi tác phẩm tới tham dự Cuộc vận động sáng tác ca khúc IPU 132. Khi biết ca khúc đoạt giải, tôi rất bất ngờ và hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng, khi nhạc sĩ còn có sức khỏe thì phải dám nghĩ, dám viết và thể hiện nó qua âm nhạc”.

Nhạc sĩ Doãn Nho.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc gặp gỡ nhạc sĩ Doãn Nho và được ông chia sẻ về ca khúc mới và những tâm tư về thế hệ nhạc sĩ trẻ hôm nay.

Phóng viên (PV): Có lẽ công chúng không khỏi ngạc nhiên khi một nhạc sĩ đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” như ông lại giành giải nhất ở một cuộc thi âm nhạc mang đề tài hội nhập như IPU 132. Ông có thể chia sẻ về ý tưởng và quá trình sáng tác “Xây thiên đường trên trái đất bình yên”?

Nhạc sĩ Doãn Nho: Nhằm chào mừng Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 tại Hà Nội, cách đây 2 tháng, Đài Tiếng nói Việt Nam mời các nhạc sĩ đến phát động cuộc thi viết về đề tài này. Vì chúng ta là nước chủ nhà, khi mời người ta đến trong lễ khai mạc cần có một ca khúc. Trong số các nhạc sĩ được mời, đa phần là các nhạc sĩ trẻ, chỉ có một số nhạc sĩ cao tuổi. Ý nghĩa của Đại hội đồng này thì khỏi phải bàn, nó rất lớn, rất quan trọng. Đây cũng là dịp rất tốt để ta giới thiệu đất nước, con người Việt Nam. Dịp chúng ta hòa nhập với các nước thông qua nghị viện, tạo tiếng nói chung để người ta hiểu mình, mình hòa cùng phong trào thế giới. Đây là phong trào với mục đích bảo vệ hòa bình, nâng cao tính dân chủ, phù hợp với tiến bộ chung.

Khi phát động xong, Ban tổ chức rất chu đáo, gửi cho mỗi nhạc sĩ một tập tài liệu rất đầy đủ. Tôi đã đọc tài liệu rất cẩn thận nhưng không viết được. Vì với tôi, tổ chức này chưa quen thuộc. Rất may, khi lên mạng, tôi được xem lô gô của chúng ta cho kỳ Đại hội UPI lần này. Lô gô rất đơn giản, có hình ảnh nhà Quốc hội của mình, trên đó có cờ đỏ sao vàng đang tung bay và UPI 132 trở thành một con đường dẫn vào. Những hình tượng đó rất có ý nghĩa. Đặc biệt, với thế hệ như tôi, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng sao mà thiêng liêng thế.

Nhìn vào lô gô là bật ra ý tưởng. Mình là nước chủ nhà, là đất nước đã vượt qua bao gian lao, địch họa, thiên tai để vươn lên, giờ có cơ ngơi đàng hoàng, dang tay mời các vị khách quốc tế đến nhà. Tư thế lắm! Thế là tôi ngồi viết rất nhanh, sáng xong ca từ, chiều xong nhạc.

Ca khúc “Xây thiên đường trên trái đất bình yên”. Ảnh: Nguyễn Phương

 

Với đầu đề “Xây thiên đường trên trái đất bình yên”, lời phần đầu giới thiệu về mình: “Màu trời Việt Nam xanh thắm/Chứa chan khát vọng hòa bình/Cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió/Như lòng người vươn tới tương lai” (đó chính là hình ảnh trong lô gô). Đoạn sau dành cho khách: “Có nơi nào như nơi đây/Biết bao kiếp người chống thiên tai địch họa/Nước mắt mồ hôi tuôn chảy thành sông/Có nơi nào như nơi đây/Dâng trái tim mình cho sẻ chia hạnh phúc/Xây thiên đường trên trái đất bình yên”. Nói cách khác, nước chúng tôi khổ đến như vậy nhưng vẫn dâng hết trái tim mình cho kỳ đại hội đồng lần này và góp phần đắc lực cho hòa bình, hợp tác và phát triển.

Không khí chung của ca khúc là hồ hởi, hào hứng, xúc động.

PV: Là một ca khúc mang tính quốc tế, ông có gặp khó khăn với bản dịch tiếng Anh?

Nhạc sĩ Doãn Nho: Bản dịch tiếng Anh gặp nhiều vất vả! Lần đầu, qua một người bạn, tôi nhờ một cháu sinh viên rất giỏi tiếng Anh. Bản dịch chỉ ở mức độ từ ra từ, rất trung thành với bản gốc nhưng thiếu tính văn học. Lần thứ hai, một cháu khác có kinh nghiệm hơn, đã dịch vẫn đúng ý của ca từ nhưng thanh thoát, có tính văn học hơn.

Phần tiếng Anh khi biểu diễn được giao cho hai em học sinh, một nam một nữ, đọc giữa bài hát. Sau đó lại tiếp tục hát. Như vậy, thính giả quốc tế hiểu và cũng dễ dàng hơn cho mình trong việc chuyển ngữ. Vì nếu dịch tiếng Anh, rồi đặt tiếng Anh đó vào lời ca, giai điệu thì gặp rất nhiều khó khăn. Vừa phải phát âm đúng tiếng Anh, vừa phải đúng cao độ thì quá khó. Có khi được cao độ thì sai phát âm.

PV: Là một nhạc sĩ có nhiều sáng tác đi vào lòng công chúng yêu nhạc, ông còn nhớ những kỷ niệm trong những năm kháng chiến chống Mỹ?

Nhạc sĩ Doãn Nho: Cũng như các nhạc sĩ quân đội và một số nhạc sĩ ngoài quân đội, thời kháng chiến chống Mỹ, tôi cũng đi thực tế chiến trường. Một lần, tôi đi vào ban ngày qua Ngã ba Đồng Lộc-túi bom ở Hà Tĩnh, nơi “đất không còn là đất”. Đi vào ban ngày mới thấy được hết cái ác liệt, mới nhìn ra ngọn đồi mà Anh hùng La Thị Tám đứng quan sát, sau đó xuống cắm cờ tiêu vào chỗ những quả bom chưa nổ để công binh và thanh niên xung phong đến phá… Hình ảnh đó quá đẹp! Khi về, tôi làm việc với nhà thơ Phương Thúy, mới ra ca từ bài “Người con gái sông La”. Mãi đến 30 năm sau, tôi mới có dịp đi qua Hà Tĩnh và gặp La Thị Tám. Tôi đã ngồi bên chị và hát bài “Người con gái sông La”.

Một kỷ niệm khác gắn với ca khúc “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Năm 1968, tôi được dự lễ thao diễn xe tăng trước khi lên đường đánh trận đối tăng đầu tiên của ta-trận làng Vây. Nhưng thực ra mà nói, tình đồng đội trong tôi đã có từ lâu, từ đầu kháng chiến chống Pháp. Trong chiến đấu, tình đồng đội là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi. Nung nấu mãi, đến năm 1971 mới gặp bài thơ “Trên một chiếc xe tăng” của nhà thơ Vũ Hữu đăng trên Báo Nhân Dân năm 1971 (sau mới biết Vũ Hữu chính là nhà thơ Hữu Thỉnh). “Gãi đúng chỗ ngứa”, bài thơ nói về tình đồng đội, thông qua hình ảnh xe tăng. Tôi sáng tác “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” cũng rất nhanh, chỉ trong một buổi chiều.

PV: Là một nhạc sĩ lão thành gắn tên tuổi với những ca khúc về đề tài chiến tranh cách mạng, ông nghĩ gì về đề tài này trong sáng tác ngày hôm nay?

Nhạc sĩ Doãn Nho: Tôi đã phát biểu nhiều trong các hội thảo, giao lưu rằng, tôi rất tin, rất quý, rất mến lớp trẻ hiện nay. Tài năng của họ lớn lắm! Thế hệ trẻ hôm nay cũng giống như thế hệ của tôi so với bác Văn Cao, bác Nguyễn Xuân Khoát… Các bác ấy chịu ảnh hưởng và khai thác chất liệu âm nhạc từ Tây Âu. Thế hệ chúng tôi khai thác chất liệu âm nhạc từ Đông Âu. Lớp trẻ hiện nay ở tư thế rộng mở, mở cửa giao lưu với thế giới. Thế giới có cái gì, ta có cái đó. Cái tài năng của thế hệ trẻ là biến tất cả những thứ đó thành của mình. Hay nói nôm na là “Việt Nam hóa”. Ta cũng có Rock Việt Nam, Soul Việt Nam, Rap Việt Nam… Cái đó quá đẹp, quá hay!

Gánh nặng đặt lên vai tuổi trẻ hôm nay rất nặng và họ đã vượt qua. Điểm mặt hôm nay, chúng ta có rất nhiều tác phẩm nhạc nhẹ hay. Những người đầu đàn là Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Phạm Minh Tuấn… Phải nói đó chính là nhạc nhẹ, hoặc nhạc trẻ Việt Nam.

Thế hệ trẻ, trong cơ chế thị trường, lúc bình yên, hoạt động trong cơ chế thị trường, có thể sản sinh ra những ca khúc sống theo ngày, tuần, tháng. Nhưng khi động đến Tổ quốc, khi lá cờ đỏ sao vàng in trên ngực áo của các cháu học sinh, thì tất cả khác hẳn. Vừa rồi là một loạt ca khúc về Trường Sa, Hoàng Sa, như ca khúc “Tôi đã nghe Tổ quốc gọi tên mình” rất cảm động, vang lên rất mạnh mẽ.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

HUY ĐĂNG (thực hiện)