Dân “ngoại tỉnh” trốn phố

Trong mắt tôi, nhạc sĩ Lê Mây là người khá đặc biệt. Mỗi khi nghĩ về ông, tôi lại liên tưởng đến một người nông dân thứ thiệt, bởi nói là ra phố đến hơn nửa thế kỷ nhưng ông vẫn giữ thói quen thích ăn món dân dã, thích uống nước vối, lối sống thì xuề xòa, không quan cách. Chẳng thế mà nhiều năm trước, khi sở hữu một căn nhà to, đẹp, đầy đủ tiện nghi ở khu vực Mỹ Đình nhưng ông vẫn nhất quyết “trốn” phố về ẩn cư trong ngôi làng Cao Trung (xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội) mà ở đó có: Ngôi nhà không cao, không to/ Ẩn giữa làng quê yêu dấu/ Đêm đêm tiếng đàn ngân lên/ Gọi gió sông Hồng thổi tới... như ông đã gửi gắm trong ca khúc “Phía tây thành phố”. Có đến chơi nhà ông mới thấy thấm thía với những ca từ và giai điệu trong ca khúc ấy, bởi trong khuôn viên này có căn nhà hai tầng thoáng mát được phủ kín bằng những giàn đỗ ván, thiên lý rồi khu vườn với cây vối cổ thụ, nhiều cây ăn quả và rau xanh. 

leftcenterrightdel
 Nhạc sĩ Lê Mây (bên phải) hướng dẫn ca sĩ Lê Khoa tập bài hát mới của mình. Ảnh do nhân vật cung cấp

Một lẽ nữa mà tôi thấy ông đặc biệt là bởi cho đến nay, mới chỉ có 4 nhạc sĩ được trao danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”. Ngoài danh hiệu ông nhận vào năm 2019, còn có nhạc sĩ Phạm Tuyên nhận năm 2011, nhạc sĩ Hoàng Vân nhận năm 2012 và nhạc sĩ Phú Quang nhận năm 2014. Trong số 4 nhạc sĩ nói trên thì nhạc sĩ Hoàng Vân và Phú Quang đều là người con Hà thành “chính hiệu”, nhạc sĩ Phạm Tuyên tuy quê gốc Hải Dương nhưng sinh ra và trưởng thành ở Hà Nội, duy nhất ông là dân “ngoại tỉnh” (ông có quê và cũng sinh ra, lớn lên tại xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên). Tìm hiểu tiêu chí của danh hiệu này thì tôi thấy để vượt qua thật không dễ dàng, nếu không muốn nói là rất khó, rất khắt khe, như: “Là những cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong từng lĩnh vực cụ thể, là những tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo; gương mẫu trong xây dựng văn hóa tại đơn vị, gia đình và nơi cư trú...”. 

Tôi cũng được biết cái “thành tích đặc biệt xuất sắc” kia là việc ông đã sáng tác nhiều ca khúc về Hà Nội, trong đó ngoài “Phía tây thành phố” còn có “Hà Nội linh thiêng, hào hoa”, “Nắng rơi” (thơ Nguyễn Lưu), “Cà phê chiều Yên Phụ” (thơ Đặng Hà My), “Những hàng cây trên đường Hà Nội”, đó là căn cứ để UBND TP Hà Nội “nâng lên đặt xuống”. Nghe và cảm nhận 5 ca khúc này thì thấy ông đã khai thác, quan sát Hà Nội ở rất nhiều khía cạnh, từ bao quát đến cụ thể, từ vĩ mô đến vi mô. Nhưng điều quan trọng hơn, đó đều là những ca khúc “sống” được trong lòng công chúng và được viết bằng một con tim, trí óc và tình yêu cháy bỏng với thành phố nghìn năm văn hiến. So với 4 ca khúc còn lại thì “Nắng rơi” có “số phận” rất riêng, được nhạc sĩ Lê Mây phổ từ thơ của một Việt kiều Pháp quê gốc Hưng Yên, chủ yếu được cộng đồng người Việt tại Pháp và Canada đón nhận và NSND Lê Dung chính là người thể hiện lần đầu tiên tại Paris năm 1990.

“Xuất khẩu” thành bài hát

Sau hai năm được UBND TP Hà Nội vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú” thì trong đợt xét duyệt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt này, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước đã thông qua hồ sơ của ông với 5 ca khúc: “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” (thơ Phùng Ngọc Hùng), “Hà Nội linh thiêng, hào hoa”, “Ba Vì thiên thanh”, “Đảo chìm” và “Hóa vàng” (thơ Thủy Hướng Dương-Lê Mây). Thật khó để hỏi nhạc sĩ Lê Mây tâm đắc ca khúc nào nhất, bởi đó đều là những “đứa con” mà ông “dứt ruột đẻ ra”, nhưng theo cảm nhận của tôi thì “Hà Nội linh thiêng, hào hoa” chính là ca khúc mà ông cảm thấy hài lòng nhất, chẳng thế mà trên thương hiệu “Rượu nhàu Lê Mây”, tôi thấy ông cho in tên của ca khúc này. Đó cũng là một căn cứ nhưng quả thực xét về sự đầu tư công sức thì đây là ca khúc mà ông “thai nghén” trong suốt 3 năm để hưởng ứng cuộc vận động sáng tác của Hội Âm nhạc Hà Nội hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Nếu như nhạc sĩ Phan Nhân viết về Hà Nội với hai từ rất đắt: "Niềm tin” và “hy vọng” (bài hát “Hà Nội niềm tin và hy vọng”) thì ông cũng đã chọn hai từ không thể phù hợp hơn là “linh thiêng” và “hào hoa” như sự tổng kết về một thành phố nghìn năm tuổi trải qua bao thăng trầm của lịch sử.

Trong số 5 ca khúc này thì ngoài “Hà Nội linh thiêng, hào hoa”, còn lại đều là những ca khúc được ông sáng tác rất nhanh. “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” được ông sáng tác trước đêm diễn ra Hội nghị quốc tế bàn về quyền trẻ em Việt Nam và điều kỳ lạ là ngay sáng hôm sau, khi ông hát thì cả hội trường đã cùng đứng dậy đồng thanh ca khúc này. “Đảo chìm” là một trong 7 ca khúc được ông viết “chớp nhoáng” trong chuyến công tác Trường Sa năm 2009, trong thời gian vỏn vẹn chỉ 8 ngày. Vì thế mà nhạc sĩ Phạm Tuyên đã có lần thốt lên rằng: “Lê Mây là nhạc sĩ... xuất khẩu thành bài hát”. Song, tôi nghĩ rằng, để có những phút giây thăng hoa “xuất khẩu” thành bài hát ấy, đòi hỏi ở người nhạc sĩ xứ nhãn cả một quá trình học tập, rèn luyện bền bỉ, nghiêm túc không ngừng nghỉ.

Cũng trên tinh thần sáng tác nhanh và nhiều ấy, nhạc sĩ Lê Mây còn được biết đến là người có nhiều ca khúc hay về các địa phương. Về Đà Nẵng, ông có “Thành phố tôi yêu”. Về Hà Tĩnh, ông có “Hà Tĩnh kiên trung” (thơ Đậu Hoài Thanh). Về Thanh Hóa, ông có “Ngược dòng sông Mã”. Về Hải Phòng, ông có “Đôi mắt Thủy Nguyên” (thơ Đỗ Mai Hòa). Về Bắc Ninh, ông có “Bắc Ninh-Kinh Bắc”. Về Hải Dương, ông có “Một ngày Hải Dương”... Tuy sáng tác về nhiều vùng quê nhưng ông cương quyết khẳng định: “Dân ca Nghệ Tĩnh hay, dân ca Huế hay, nhưng “bê” nó vào để sáng tác bài hát cho Hưng Yên, Thái Bình và nhiều tỉnh khác thì chẳng còn gì để nói!”. Ý của ông là nhạc sĩ muốn sáng tác cho tỉnh nào thì phải biết đào sâu suy nghĩ, khai thác chất liệu dân ca của địa phương ấy, không để “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Để nhạc sĩ sống được bằng nghề 

Thời điểm tháng 10-2020, khi nhạc sĩ Lê Mây thông báo trên trang Facebook cá nhân là nhịp tim của ông bị yếu, mỗi phút chỉ đập tối đa 40 nhịp và chuẩn bị cấy máy trợ tim, nhiều người tỏ ra lo lắng cho sức khỏe của ông. Nhưng rồi, ông lại tếu táo rằng: “Mình xin đổi cái máy 40 tuổi chứ máy 18 tuổi dễ gây phiền hà...”. Và quả thực sau lần lên bàn mổ ấy, ông đã không những trở lại mà còn “lợi hại hơn xưa”. Bằng chứng là chỉ trong thời gian chưa đến một năm, ông đã sáng tác nhiều ca khúc được giới thiệu trên sóng truyền hình, như: “Chùa Chuông" (thơ Nguyễn Khắc Hào) giới thiệu trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, “Vải trứng Hưng Yên” (thơ Nguyễn Khắc Hào) giới thiệu trên sóng Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Hưng Yên, “Corona! Ở nhà” giới thiệu trên sóng Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam. Đặc biệt, trong cuộc vận động sáng tác “Hát lên Việt Nam” do Đài Tiếng nói Việt Nam phát động chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng, ông còn trình làng ca khúc “Hát lên Việt Nam ơi” qua tiếng hát đầy sôi động của ca sĩ Mai Trang.

Ở tuổi 79, nhạc sĩ Lê Mây bảo, mình phải cố gắng viết để hòa nhập vào cuộc sống mới, trong đó tiết tấu, nhịp điệu vừa có hồn dân tộc nhưng lại có nhịp điệu trẻ của cuộc sống thì tác phẩm mới “sống” được. “Lâu nay người ta cứ viết lâm ly, lấy sụt sùi của người nghe để làm tiêu chí. Tôi không làm thế. Đặt bút viết, tôi muốn người nghe có thêm động lực. Đứng lên. Đi về phía trước. Thảnh thơi. Nở những nụ cười...”. Ông cũng từng tuyên bố như nói hộ lòng của nhiều nhạc sĩ: “Nhạc sĩ là cống hiến. Được người ta hát là sướng lắm rồi! Đã không được tiền mà còn thường xuyên bù lỗ! Phải thay đổi thôi. Bài hát là hàng hóa. Hay thì nhiều tiền. Hay vừa vừa thì bớt đi. Loàng xoàng thì quy ra... thóc. Chấm dứt thời đại cho không, biếu không để chúng tôi sống được bằng nghề”. 

Có thể hiểu nhạc sĩ Lê Mây vẫn như mây trời lang thang, chưa dừng lại. Ông vẫn tiếp tục “lăn xả” vào “mặt trận” âm nhạc đương đại vốn nhiều thử thách, chông gai và có một niềm tin sắt đá rằng, với sự cầu tiến, luôn làm mới mình thì những sáng tác mới vẫn có chỗ đứng trong lòng công chúng. Tôi tin và chờ đợi những tác phẩm mới của người thừa năng lượng như ông.

NGÔ KHIÊM