Tạo dựng biên niên sử bằng hình ảnh

Năm 1869, cụ Đặng Huy Trứ-một nhà hoạt động xã hội và văn hóa danh tiếng mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường tại phố Thanh Hà, Hà Nội. Đây có thể coi là dấu mốc, là sự kiện mở đầu cho lịch sử nhiếp ảnh của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Đặc biệt, Sắc lệnh số 147/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 15-3-1953 đã tạo những tiền đề rất quan trọng cho nhiếp ảnh phát triển.

leftcenterrightdel
Tác phẩm " Hồ Gươm, Hồng Hà". Ảnh: KIỀU THỊ MAI PHƯƠNG 

 

Nhìn lại mấy thập kỷ qua, lớp lớp nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) đã có những cống hiến rất đáng trân trọng trong việc ghi lại các sự kiện, các nhân vật lịch sử, có giá trị văn hóa cao. Để có được những biên niên sử bằng hình ảnh, không thể không nhắc đến công lao của các nhà nhiếp ảnh thuộc các thế hệ, trong đó khá nhiều nhà nhiếp ảnh sinh ra và trưởng thành ở Hà Nội. Những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Hà Nội tự hào được gắn liền với tên tuổi các nhà nhiếp ảnh tiên phong như: Nguyễn Văn Khải, Trương Cam Khuyến, Phạm Văn Mùi, Võ An Ninh, tiếp theo là Đỗ Huân, Lê Vượng, Vũ Năng An, Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Bá Khoản, Đinh Đăng Định... Họ chính là những nghệ sĩ đóng vai trò chủ chốt và ưu tú của nền nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là những nhân chứng của lịch sử.

Hòa vào dòng người đông đảo, các NSNA đã ghi lại không khí sục sôi trong các buổi mít tinh, diễu hành ủng hộ cách mạng, hình ảnh các chiến sĩ tự vệ thành và nhân dân xông vào chiếm Bắc Bộ phủ, Phủ toàn quyền, trại Bảo an... rồi cả những ngày toàn quốc kháng chiến sục sôi... NSNA Phạm Tiến Dũng, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh (Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam) nhớ lại: “Sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, các nhà nhiếp ảnh Hà Nội như: Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Bá Khoản, Vũ Năng An, Đinh Đăng Định... đã ghi lại được nhiều hoạt động của chính quyền non trẻ, chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm như tổ chức các lớp bình dân học vụ, tuần lễ vàng, xây dựng lực lượng Vệ quốc đoàn, bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên. Những hình ảnh này đều được triển lãm ở Nhà thông tin Tràng Tiền và cung cấp cho báo chí”.

Có thể nói, từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và đặc biệt từ ngày hòa bình, đội ngũ các nhà nhiếp ảnh ngày một đông đảo hơn. Tại các cơ quan thông tấn, báo chí xuất hiện nhiều tay máy xuất sắc. Họ có mặt mọi nơi, lăn lộn trên các chiến trường và ghi lại những khoảnh khắc lịch sử ý nghĩa. Với tác phẩm của mình, các NSNA không chỉ là những nhân chứng tin cậy của lịch sử mà còn là những tên tuổi sáng giá của văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh những NSNA đã được vinh danh qua giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật, còn có hàng trăm nhà nhiếp ảnh đã có những đóng góp đáng trân trọng cho nhiếp ảnh Việt Nam hiện vẫn say sưa sáng tạo, cống hiến đầy hiệu quả cho đời sống văn hóa của Thủ đô.

leftcenterrightdel
 Tác phẩm "Nữ dân quân". Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH ƯU 

Những nghệ sĩ của ánh sáng

Nhà thơ, dịch giả Trần Đương-người đã dày công nghiên cứu về lịch sử nhiếp ảnh Thủ đô cho biết, ngay từ đầu thế kỷ 20, nhiều nhà hoạt động nhiếp ảnh đã quan tâm việc sáng tạo tác phẩm nghệ thuật, ngoài việc hành nghề, mang tính dịch vụ để kiếm sống, ghi chép các sự kiện cho báo chí, tuyên truyền. Chỉ về hồ Hoàn Kiếm với Tháp Rùa lịch sử, nhiếp ảnh đã để lại hàng trăm tác phẩm giá trị, như tác giả Võ An Ninh, Nguyễn Nhưng, Đỗ Huân, Xuân Liễu, Quang Phùng, Phạm Hùng Cường... Một số ảnh nghệ thuật về Hà Nội-phong cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa cũng như con người gây xúc động mạnh mẽ đối với công chúng và bạn bè quốc tế. Riêng về lĩnh vực văn hóa-đối ngoại, nhiếp ảnh cũng có đóng góp đặc biệt hiệu quả.

leftcenterrightdel
Tác phẩm "Màn trình diễn nhạc hội của Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tại hồ Hoàn Kiếm". Ảnh: TRẦN THU HÀ

 

Minh chứng cho loạt tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật vừa có ý nghĩa chính trị cao, vừa tạo tính thẩm mỹ lớn, in đậm trong tâm trí người xem là những bức ảnh: “Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn” (Lâm Hồng Long), “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” (Hoàng Kim Đáng), "Đi học sớm thời chống Mỹ" (Xuân Liễu), “Nữ sinh Hà Nội thời chiến” (Mai Nam), “Phúc Tân kêu gọi trả thù” (Vũ Ba), “Nữ dân quân” (Nguyễn Đình Ưu), “Nhạc sĩ Văn Cao” (Lê Quang Châu), “Nhạc trưởng Đàm Linh” (Hà Tường), “Vầng trăng Ba Đình" (Tất Bình)...

Nhìn lại chặng đường phát triển của nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội, những người yêu nhiếp ảnh sẽ không quên một Đỗ Huân-“nhà thơ của ánh sáng”, một tấm gương tìm tòi, khám phá và sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật; một Lê Vượng rong ruổi khắp Hà Nội để ghi lại từng khoảnh khắc của nhịp sống, phong cảnh và kiến trúc ở nơi mà ông đã gắn bó cả cuộc đời; một Quang Phùng-biểu tượng của tình yêu Hà Nội... Và còn nhiều nghệ sĩ đã và đang góp phần làm đẹp thêm, hấp dẫn thêm đời sống văn hóa của Thủ đô. Tác phẩm của họ được công bố tại các cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật như những bông hoa tươi thắm góp phần vào bức tranh đa sắc màu của nhiếp ảnh nghệ thuật Thủ đô.

leftcenterrightdel
Tác phẩm " Vòng xuyến cầu Vĩnh Tuy". Ảnh: ĐÀO KIM THANH
 

Chuyển mình để nâng tầm

Với hơn 400 hội viên, trong đó nhiều hội viên đã thành danh, có nhiều tác phẩm được khẳng định qua các cuộc triển lãm ảnh trong nước và quốc tế, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội đã và đang nỗ lực hết sức để tiếp tục làm dày thêm truyền thống vẻ vang của nhiếp ảnh Thủ đô, góp phần vào thành tựu chung của văn học-nghệ thuật thời kỳ mới.

Nhiều năm qua, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội đã duy trì phát động nhiều cuộc thi ảnh nghệ thuật, tổ chức nhiều triển lãm có quy mô, gây được tiếng vang lớn. Các cuộc thi ảnh chuyên đề đã mở ra sân chơi mới cho các NSNA. Qua mỗi cuộc triển lãm, người xem có thể nhận thấy sức sống mới của nhiếp ảnh Thủ đô.

Tuy nhiên, để nhiếp ảnh Thủ đô vững bước và phát triển, nhất là trong thời điểm Hà Nội đang tập trung cho phát triển công nghiệp văn hóa thì nhiếp ảnh Thủ đô rất cần có sự chuyển mình sao cho xứng tầm với vị thế của Thủ đô. Nhiều ý kiến cho rằng, cần mở rộng hoạt động triển lãm bằng cách tăng cường các triển lãm chuyên đề và đa dạng hóa các hình thức triển lãm ảnh, chú trọng xã hội hóa hoạt động nhiếp ảnh, đẩy mạnh công tác sáng tác, nâng cao công tác thẩm định ảnh, tăng cường mảng lý luận phê bình cho nhiếp ảnh, sử dụng quỹ sáng tác sao cho hiệu quả, quan tâm đầu tư cho các câu lạc bộ, bồi dưỡng chuyên môn cho các hội viên...

leftcenterrightdel
Tác phẩm "Sắc màu làng nón". Ảnh: NGUYỄN ĐỨC NGHIÊM
 

Theo NSNA Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội, hội đã đặt ra những kế hoạch hoạt động để đẩy mạnh công tác sáng tác nhằm có được nhiều tác phẩm phản ánh toàn diện và sinh động về Thủ đô, đặc biệt là thể hiện các giá trị văn hóa-lịch sử, nét đẹp của người Hà Nội thời hội nhập; khuyến khích các tác giả đa dạng phương pháp thể hiện để tác phẩm nhiếp ảnh ngày càng phong phú, hấp dẫn. Theo ông, để các tác phẩm đến được nhiều hơn với công chúng, đặc biệt là khách du lịch, bên cạnh các trưng bày trong phòng triển lãm thì phải tăng cường triển lãm online, triển lãm trên đường phố, các điểm du lịch tiến tới hình thành “con đường nhiếp ảnh". Việc triển lãm ảnh cũng dần được xã hội hóa để số lượng cuộc triển lãm nhiều hơn, không phải trông chờ nhiều vào ngân sách nhà nước.

leftcenterrightdel
Tác phẩm "Một sớm Tây Hồ". Ảnh: TRỊNH ĐÌNH THẮNG 

Hy vọng, với sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng, thời gian tới, các NSNA của Thủ đô hôm nay sẽ tiếp nối truyền thống vẻ vang của thế hệ đi trước, có những bước tiến mới, góp phần vào sự phát triển của văn hóa Thủ đô và lan tỏa các giá trị chân-thiện-mỹ trong đời sống xã hội.

KHÁNH THƯ