Sự tiếp dẫn kiến trúc hiện đại vào Việt Nam

Giai đoạn từ ngày giải phóng đến nửa đầu những năm 90 của thế kỷ 20, các kiến trúc ghi dấu ấn sâu đậm của một thế hệ vượt qua chiến tranh, bao vây cấm vận, là tiền đề cho những đổi mới huy hoàng của ngày hôm nay. Giới nghề nghiệp trong nước định danh cho những công trình thời kỳ này là “kiến trúc xã hội chủ nghĩa”. Còn với nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài thì họ rất ngạc nhiên khi tìm thấy sự tiếp dẫn kiến trúc hiện đại của thế giới vào Thủ đô của một đất nước vô cùng đặc biệt, bởi sự sáng tạo của những con người tiên phong thầm lặng.

Rất nhiều câu hỏi, nhận định thú vị được đặt ra với kiến trúc và đô thị Hà Nội giai đoạn này. Một đặc điểm dễ nhận thấy của những công trình xây dựng thời kỳ này ở Thủ đô là sự thoát ly hoàn toàn khỏi trào lưu kiến trúc trang trí nghệ thuật châu Âu sang phong cách mang xu hướng hiện đại. Những kiến trúc có hình khối kỷ hà, cô đọng và tối giản như ở các công trình trường học mà tiêu biểu là Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Trường Đại học Thủy lợi, trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và các khu nhà ở: Kim Liên, Giảng Võ, Thanh Xuân... Nghệ thuật tạo hình ẩn chứa sự khúc triết, nhiều hàm ý hiện hình khiêm tốn trong không gian đô thị Hà Nội rộng lớn hôm nay.

Ngày nay, trong trào lưu của toàn cầu hóa, khi mà kiến trúc ở bất cứ nơi đâu trên thế giới đều có sự tương đồng nhất định trong phong cách, ngôn ngữ và cả cách thức sử dụng vật liệu, chúng ta mới định hình và thấu hiểu được những giá trị lịch sử riêng có của thời kỳ thông qua ngôn ngữ kiến trúc-đô thị.

Kiến trúc-đô thị là biểu hiện hình thái xã hội, bối cảnh và cả những tư duy của thời đại mà không dễ diễn tả hết bằng lời. Có lẽ tinh thần của chủ nghĩa xã hội (CNXH) đã được các kiến trúc sư (KTS) đương thời truyền tải vào những công trình xây dựng thời kỳ này. Đây là đặc điểm quan trọng khiến kiến trúc giai đoạn đầy gian khó ở Thủ đô khác biệt với tất cả các thời kỳ trước đây và sau này. Đây là giai đoạn kiến trúc Hà Nội hướng đến việc lợi ích trăm năm trồng người. Khi tất cả các trường đại học lớn được xây dựng tập trung trên mảnh đất có truyền thống hiếu học, để Thủ đô trở thành trung tâm giáo dục lớn nhất ở Việt Nam. Những bệnh viện quy mô lớn được xây dựng nhiều hơn hẳn thời thuộc địa như: Bạch Mai, Nhi Việt Nam-Thụy Điển (nay là Bệnh viện Nhi Trung ương), Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện E... Những cơ sở nghiên cứu khoa học-điều chưa từng có trước đây đã xuất hiện mới hoàn toàn ở khu vực Nghĩa Đô (nay thuộc quận Cầu Giấy)... Và đặc biệt các khu nhà ở hướng đến nhu cầu cho quảng đại nhân dân với mô hình quy hoạch kiến trúc dạng tiểu khu. Tất cả đã biểu hiện trọn vẹn cho những giá trị cốt lõi của tư tưởng xã hội chủ nghĩa, mà còn khẳng định vị thế của một nhà nước độc lập, một thời đại mang tên Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel
Hội trường 1, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vẫn còn lưu giữ kiến trúc do kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Chân thiết kế từ những năm sau giải phóng

Thủ đô  Hà Nội đến nay. Ảnh: NGỌC MỸ

Những sáng tạo trên nền tảng văn hóa và tinh thần địa điểm

Dường như trong sự tiếp dẫn kiến trúc hiện đại, những sáng tạo kiến trúc ở Hà Nội vẫn mang trong mình tinh thần của văn hóa, bản sắc của mảnh đất ngàn năm; cho dù người sáng tạo nên những tác phẩm ấy là người nước ngoài hay người Việt... Sự gắn bó hết sức hài hòa với khung cảnh thiên nhiên của Hồ Tây, với đường nét kiến trúc thanh nhã hòa quyện với sự xinh xắn của làng Nghi Tàm trong thiết kế khách sạn Thắng Lợi của KTS Antonio Quintana (Cuba). Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội, được KTS Lê Văn Lân thiết kế không chỉ hài hòa với không gian khu vực Hồ Gươm, mà còn là một đóng góp lớn cho khu vực với đường nét kiến trúc thanh thoát nhẹ nhàng, tạo nên những mảng-khối hài hòa theo phong cách hiện đại...

Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô do KTS G.Isacovic (Liên Xô trước đây) lại kế thừa tinh thần địa điểm của nhà đấu xảo khi xưa để tạo nên sự tiếp nối cũ-mới trong không gian khu phố lịch sử; để tạo nên một công trình hoành tráng có sức biểu cảm lớn lao. Ở nơi linh thiêng bậc nhất của Thủ đô-nơi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và cũng là vị trí hội tụ của các trục không gian quan trọng nhất ở khu trung tâm Ba Đình lịch sử; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thiết kế với nghệ thuật kiến trúc của sự trang nghiêm, giản dị mà vẫn hiển hiện được sự gần gũi với truyền thống dân tộc. Ai ai trong chúng ta đi qua nơi này vẫn cảm nhận thấy tinh thần ấy đã được truyền tải một cách trọn vẹn, đủ đầy.

Có thể thấy, những sáng tạo kiến trúc của thời kỳ gian khó dù là nhỏ nhoi nhất vẫn cho thấy sự kế thừa tiếp nối và thể hiện rõ nét những giá trị của thời đại mà chúng sinh ra. Hình tượng vút lên của góc mái đao ở đình, đền, chùa Việt hiện hình ở Lăng Bác Hồ, Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô... Hình văn bia khắc âm trong lòng “khối đá” vững chãi ở Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn, nơi mà hào quang anh linh của các anh hùng liệt sĩ tỏa sáng trong bóng hình quê hương thực sự đã truyền tải một cách xúc động nhất giá trị của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.

Giá trị lịch sử có ý nghĩa nhân văn lớn

Làm thế nào để một thành phố chuyển mình và tạo lập nên những kiến trúc mang hơi thở hiện đại trong một bối cảnh cực kỳ khó khăn-khép kín nhiều năm?

Bước qua 80 năm đô hộ, 9 năm kháng chiến trường kỳ và gần 4 thập kỷ chiến tranh, Hà Nội đi qua gian khó có sự giúp đỡ chí tình của các nước anh em. Các kỹ sư Triều Tiên đã giúp Thủ đô đặt những viên gạch đầu tiên ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ-khởi đầu cho 3 thế hệ mô hình nhà ở dạng tiểu khu theo nguyên lý quy hoạch Xô Viết. Nhà nước Xô Viết không chỉ giúp đỡ về kinh tế mà còn đưa những KTS giỏi nhất sang giúp đỡ Hà Nội xây dựng lăng và bảo tàng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Trường Đại học Bách khoa và cả cầu Thăng Long. Hầu hết các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp ở Thủ đô đều do các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ xây dựng. Antonio Quintana-người thiết kế khách sạn Thắng Lợi là KTS có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở Cuba đương thời. Nhân dân Thụy Điển, Tiệp Khắc giúp Hà Nội có được bệnh viên nhi, cung thiếu nhi... Không chỉ giúp Việt Nam nói chung, Thủ đô nói riêng đi qua khói lửa, đạn bom... các nước anh em còn giúp Thủ đô có những kiến trúc mới, dẫn đường, mở lối cho tương lai-chính là ngày hôm nay.

Mặt khác, thế hệ ngày nay cũng cần khắc ghi trong tâm khảm về công sức của một thế hệ người Việt đã tiếp thu và truyền tải những giá trị cội nguồn dân tộc, và sáng tạo trong những thiết kế để làm nên những kiến trúc mang bản sắc riêng của thời kỳ. Từ thế hệ KTS đầu tiên trưởng thành từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương: Ngô Huy Quỳnh, Nguyễn Ngọc Chân, Trần Hữu Tiềm, Tạ Mỹ Duật... đến thế hệ KTS được đào tạo từ các nước xã hội chủ nghĩa hay trong nước mà tiêu biểu là: Lê Văn Lân, Hoàng Nghĩa Sang, Lê Hiệp...; và trên hết chính là tâm sức của biết bao nhiêu người; tất cả đã góp phần làm nên một quỹ tài sản đô thị lớn lao trong một thời kỳ đặc biệt.

Ngày nay, so với diện tích 152km2 với 5,3 vạn dân năm 1954, Hà Nội phát triển lớn gấp 22 lần xưa về diện tích và hơn 150 lần về dân số. Từ vùng đất “trong sông” đến thành phố trải dài hai bên bờ sông Hồng, từ Hà Đông đến xứ Đoài, từ vùng núi cha (Ba Vì) đến núi mẹ (Tam Đảo), từ 36 phố phường nay là 579 xã, phường, thị trấn với 1.350 làng, phố. Người Hà Nội giờ đây được sống, làm việc trong những công trình cao tầng hiện đại, ở những khu đô thị sinh thái đầy ắp tiện nghi. Bên cạnh những hình ảnh hàm chứa thông điệp đầy sức nặng về thành tựu kiến thiết đáng tự hào của Thủ đô 68 năm đã qua, thì Hà Nội đã có một quỹ di sản kiến trúc của giai đoạn xây dựng CNXH từ “trái tim”. Những công trình ấy xứng đáng có một chỗ đứng trang trọng trong lịch sử của Thủ đô anh hùng.

TS, KTS VŨ HOÀI ĐỨC