Phóng viên (PV): Thưa ông, nhiều người đang quan tâm tới di sản kiến trúc Cung Thiếu nhi Hà Nội. Dưới góc nhìn chuyên môn, ông đánh giá giá trị của công trình này như thế nào?
PGS, TS, KTS Khuất Tân Hưng: Đó là công trình đánh dấu một giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc-giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta. Mặc dù còn rất khó khăn nhưng chúng ta đã tạo ra được những công trình có dấu ấn do chính KTS trong nước thiết kế, phần nào khẳng định năng lực của đội ngũ KTS Việt Nam. Nó cũng là đại diện tiêu biểu cho trường phái kiến trúc hiện đại ở Việt Nam-mạnh mẽ trong tổ chức không gian và hình khối, sử dụng công nghệ, kỹ thuật và vật liệu hiện đại nhưng không tách rời khỏi truyền thống. Đó là cách tổ chức không gian chuyển tiếp và tạo dựng lớp vỏ bao che vừa chắn nắng hiệu quả, vừa thông gió linh hoạt, rất phù hợp với đặc điểm khí hậu của Hà Nội. Ngoài ra, công trình này còn có mối liên hệ hiệu quả với các kiến trúc xung quanh để tạo ra một quần thể kiến trúc hài hòa, có chiều sâu cả về không gian lẫn thời gian. Có thể khẳng định, Cung Thiếu nhi Hà Nội là một trong những biểu tượng về sự tự cường của kiến trúc Việt Nam, khi mà trước đó, các công trình lớn hầu hết đều do người nước ngoài làm.
Với thế hệ chúng tôi, ngôi nhà chung của thiếu nhi Hà Nội như một tượng đài mà đứa trẻ Hà Nội nào cũng mong muốn được sinh hoạt ở đó. Tôi ở xa nên không được thỏa mong ước, nhưng các bạn cùng trang lứa với tôi có rất nhiều kỷ niệm với cung thiếu nhi. Nó là nơi chắp cánh ước mơ cho nhiều thế hệ thiếu nhi Hà Nội, trở thành một phần ký ức không thể phai mờ. Với những giá trị to lớn về mặt tinh thần, văn hóa như vậy, thế nên chỉ cần nghĩ đến việc không còn Cung Thiếu nhi Hà Nội nữa, chắc chắn sẽ có rất nhiều người tiếc nuối.
PV: Để xác định giá trị của một công trình kiến trúc cần dựa vào những yếu tố nào, thưa ông?
PGS, TS, KTS Khuất Tân Hưng: Có nhiều yếu tố làm nên giá trị của một tác phẩm kiến trúc, chẳng hạn như mức độ hòa nhập của nó với bối cảnh, nghệ thuật tổ chức không gian, phong cách kiến trúc, tỷ lệ, vật liệu... Và trong quá trình tồn tại của nó, công trình kiến trúc có thể được bổ sung những giá trị mới như giá trị lịch sử, giá trị biểu trưng, giá trị đại diện. Tuy nhiên, để công trình có thể vượt ra khỏi ranh giới của những kiến trúc thông thường, nó cần phải là tác phẩm nghệ thuật đại diện tiêu biểu cho một giai đoạn phát triển của lịch sử kiến trúc. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá liệu một công trình có xứng đáng là di sản kiến trúc hay không. Do kiến trúc cũng là nghệ thuật nên nó không nằm ngoài trào lưu phong cách của các ngành nghệ thuật khác, tuy thường bị chậm hơn bởi từ khi sáng tác đến khi tác phẩm hình thành trong thực tế có thể mất nhiều thời gian, qua những công đoạn khá phức tạp. Trào lưu phong cách làm nên tính thời đại của tác phẩm kiến trúc, giúp nó phản ánh được bối cảnh xã hội, văn hóa, nghệ thuật, công nghệ... của một thời kỳ nhất định mà không tạo ra những cảm nhận sai lầm. Phản ánh đúng bối cảnh lịch sử, thời đại tác phẩm ra đời, đó là yếu tố cần nhấn mạnh khi xác định giá trị của công trình kiến trúc.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhu cầu bảo lưu và tạo dựng căn tính trong kiến trúc hiện nay, hơi thở của thời đại còn được nhấn mạnh ở tính địa phương, tính dân tộc dựa trên quan niệm thẩm mỹ, hệ giá trị, phương thức ứng xử với điều kiện tự nhiên, khí hậu...-những thứ làm nên sự đặc sắc và khác biệt của kiến trúc từ nơi này đến nơi khác.
PV: Thực tế, nếu công trình kiến trúc đã được xếp hạng di sản thì sẽ có cơ chế bảo tồn, còn đối với những công trình kiến trúc có giá trị khác thì cần ứng xử như thế nào?
PGS, TS, KTS Khuất Tân Hưng: Một công trình kiến trúc không nên được xem xét tách biệt mà nên được nhìn nhận trong mối quan hệ với tổng thể, với quần thể kiến trúc. Trong các đô thị truyền thống, một khu vực đô thị có thể có những công trình giá trị nhiều và có công trình ít giá trị hơn, nhưng tất cả lại tạo thành quần thể có giá trị, đặc biệt là những khu vực có bề dày lịch sử, văn hóa. Chẳng hạn như Hồ Gươm và khu vực phụ cận có bề dày truyền thống văn hóa và kiến trúc, gắn với các giai đoạn phát triển khác nhau trong lịch sử. Rõ ràng, đây là khu vực rất thú vị, đậm đặc giá trị mà khi nhìn vào có thể thấy cả quá trình phát triển từ truyền thống đến hiện đại.
Khi được nhìn nhận trong mối quan hệ với tổng thể, các công trình kiến trúc đơn lẻ sẽ được đánh giá chính xác hơn, đồng thời giá trị thực sự của cả quần thể cũng trở nên rõ ràng hơn. Một công trình có thể không quá giá trị nếu chỉ xét riêng nó, nhưng cả quần thể kiến trúc thì có thể rất giá trị. Vậy nên trong bảo tồn di sản đô thị, người ta có nguyên tắc mở rộng phạm vi bảo tồn, tức là không chỉ bảo tồn một công trình đơn lẻ mà cả những công trình xung quanh để tái tạo mối liên hệ về không gian và tỷ lệ giữa các công trình. Những công trình ít giá trị hơn có thể được sử dụng cho những chức năng phụ trợ để tạo thành quần thể có quan hệ hài hòa với nhau, bổ sung cho nhau và làm tăng giá trị của nhau.
Ở Việt Nam thường không chọn cách đánh giá trong mối quan hệ tổng thể mà tách riêng từng công trình để đánh giá. Như thế, khi đưa ra lựa chọn, các công trình phụ trợ rất có thể sẽ bị loại bỏ dần dần, cuối cùng chỉ còn lại công trình giá trị nhiều hơn đứng bơ vơ một mình, lạc lõng trong khung cảnh xa lạ.
PV: Vậy với những công trình không còn đủ hiện đại để đáp ứng nhu cầu sử dụng hiện tại nữa thì cần làm thế nào, thưa ông?
PGS, TS, KTS Khuất Tân Hưng: Chúng ta vừa nói tới một yếu tố quan trọng làm nên giá trị của công trình kiến trúc là nó đại diện tiêu biểu cho một giai đoạn phát triển của lịch sử kiến trúc. Nếu nghiêm túc điểm lại sẽ thấy chúng ta không còn nhiều công trình đặc trưng như vậy nữa. Vậy nên những công trình dù chỉ mới xuất hiện trong vài chục năm trở lại đây cũng cần được kiểm đếm và đánh giá lại. Và tùy theo giá trị, tình trạng kỹ thuật của từng công trình mà có giải pháp phù hợp: Bảo tồn nguyên trạng, bảo tồn một phần, tôn tạo, thích ứng hóa, tái thiết... Tuy nhiên, không nên lạm dụng việc đập đi xây lại mà chỉ nên coi đó là giải pháp cuối cùng khi không còn lựa chọn nào khác. Xu thế trên thế giới hiện nay là phát triển đô thị xanh, đô thị bền vững, mà một trong những yêu cầu cơ bản là công trình phải tiết kiệm tài nguyên và hạn chế rác thải.
PV: Nhưng thưa ông, bảo tồn và phát triển vẫn luôn là bài toán khó giải, với di sản kiến trúc cũng không phải ngoại lệ?
PGS, TS, KTS Khuất Tân Hưng: Bảo tồn và phát triển vẫn luôn mâu thuẫn nhau do người ta có xu hướng phủ nhận cái cũ để tìm kiếm những lợi ích kinh tế nhanh chóng trước mắt. Nhưng nếu nhìn từ góc độ kinh tế của di sản thì di sản sẽ mang lại những lợi ích lâu dài và bền vững. Di sản kiến trúc đô thị tạo ra sự hấp dẫn nơi chốn, là tiền đề cho sự phát triển du lịch di sản văn hóa. Việc bảo tồn và lưu giữ di sản cũng là một cách phát triển bền vững, bởi nó “không tước đoạt cơ hội của thế hệ tương lai được cảm nhận, trải nghiệm và hưởng thụ những thành quả kiến trúc của cha ông”.
Quan điểm của tôi không hoàn toàn cực đoan phải giữ lại hết các công trình kiến trúc của quá khứ. Bởi nếu giữ lại hết thì làm sao còn đất phát triển được. Trong chuyên ngành bảo tồn di sản có phương pháp rất hay nên được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam là phương pháp đánh giá tiềm năng bảo tồn di sản kiến trúc và đô thị. Tôi cũng đã vận dụng phương pháp này trong thực tế để đánh giá tiềm năng bảo tồn của một số khu vực trong trung tâm đô thị lịch sử để khẳng định giá trị của chúng. Phương pháp này cũng có thể áp dụng để đánh giá cho một công trình cụ thể, từ đó xác định được công trình ấy có giá trị hay không, nếu có thì giá trị lớn hay nhỏ. Khi kết quả đánh giá công trình không có giá trị hoặc ít giá trị thì cần tìm hiểu xem nguyên nhân là gì, có thể khắc phục được không. Nếu không khắc phục được thì có thể thay bằng công trình khác sau khi hết vòng đời sử dụng.
Riêng đối với Cung Thiếu nhi Hà Nội, với những giá trị nổi bật của nó như đã đề cập ở phần trao đổi trước, chắc chắn tiềm năng bảo tồn của di sản kiến trúc này là rất lớn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
THU HÒA (thực hiện)