Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố ngày 19-12-2019, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trong thời gian qua tại một số địa phương có xu hướng gia tăng, chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2,5. Tại Hà Nội, qua theo dõi diễn biến nồng độ bụi mịn PM2,5 tại Trạm Quan trắc quốc gia đặt ở 556 Nguyễn Văn Cừ từ năm 2018 đến năm 2019, nồng độ bụi mịn PM2,5 có xu hướng tăng hơn so với năm 2017. Riêng 3 tháng qua (từ tháng 9 đến tháng 12), các đợt ô nhiễm không khí có xu hướng tăng mạnh so với các tháng trước đó và tăng cao so với cùng kỳ các năm từ 2015-2018.
Bụi mịn PM2,5 là thuật ngữ chỉ tổng các hạt bụi lơ lửng có đường kính động học nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet (µm). Đường kính của bụi mịn PM2,5 nhỏ chưa đến 1/30 lần đường kính của sợi tóc. Theo quy chuẩn Việt Nam, chỉ số chất lượng không khí (AQI) từ 0-50 là ở mức tốt (màu xanh), 51-100 là trung bình (màu vàng), 101-150 là mức kém (da cam), 151-200 là mức xấu (màu đỏ), 201-300 là mức rất xấu (màu tím), 301-500 là mức nguy hại (màu nâu). Liên tiếp trong nhiều ngày qua, giá trị trung bình 24 giờ của bụi mịn PM2,5 tại Thủ đô đều vượt quy chuẩn Việt Nam từ 2-3 lần và chỉ số AQI thường xuyên ở ngưỡng xấu, rất xấu và nguy hại.
Có nhiều nguyên nhân gây phát sinh ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Theo phân tích của các chuyên gia là do khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông (hiện tại TP Hà Nội có hơn 770 nghìn xe ô tô và gần 5,8 triệu xe máy; trong đó có nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải). Hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi tại các công trường xây dựng và phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường (TP Hà Nội hiện có hơn 1.000 công trình xây dựng). 
Một số nơi ở ngoại thành Hà Nội vẫn đốt rơm rạ và rác, trong đó có những chất thải nguy hại không đúng quy định cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí. Khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch (nhiệt điện, xi măng…) và các làng nghề. TP Hà Nội hiện có khoảng 60 nghìn bếp than tổ ong vẫn được sử dụng. Việc sử dụng số lượng lớn bếp than tổ ong để đun nấu trong sinh hoạt hằng ngày cũng như kinh doanh đã làm gia tăng bụi mịn. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường không khí còn do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt...
leftcenterrightdel
Những ngày qua, đường phố, nhà cửa ở Hà Nội như chìm trong sương khói mù mịt.
Chủ động bảo vệ sức khỏe trước bụi mịn
Chất lượng không khí Hà Nội có nhiều ngày, nhiều thời điểm ở mức xấu, rất xấu và nguy hại như vậy sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già, trẻ em và những người có bệnh về hô hấp, tim mạch… Theo TS Trần Thị Tuyết Hạnh, giảng viên Sức khỏe môi trường, Trường Đại học Y tế công cộng, ô nhiễm không khí thường gồm ô nhiễm do các chất hạt (bụi lơ lửng, bụi mịn PM2,5, bụi PM10) và ô nhiễm do các chất khí SO2, NO2, O3, CO, VOCs (các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi)… Người dân sống ở nơi có mật độ giao thông cao, nhiều công trình xây dựng, nhiều nhà máy và hoạt động sinh hoạt sử dụng than (ví dụ đun nấu sử dụng bếp than tổ ong)… dễ bị phơi nhiễm với bụi mịn PM2,5 và các chất ô nhiễm không khí nên có nguy cơ bị các ảnh hưởng sức khỏe cấp tính và mãn tính khác nhau. Mỗi ngày chúng ta hít thở khoảng 10.000 lít đến 20.000 lít không khí hoặc hơn tùy vào lứa tuổi và hoạt động thể lực. Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện trên thế giới cho thấy phơi nhiễm với ô nhiễm không khí (trong đó có bụi mịn PM2,5) tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong. Ví dụ phơi nhiễm với bụi PM2,5 tăng nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi.
Theo một nghiên cứu của GS Christopher J L Murray và các cộng sự đăng trên tạp chí khoa học Lancet năm 2016, ô nhiễm không khí (trong đó có ô nhiễm bụi PM2,5) là nguyên nhân của 7 triệu ca tử vong hằng năm trên thế giới. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân của 19% ca tử vong do bệnh tim mạch, 24% ca tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ, 21% ca tử vong do đột quỵ và 23% ca tử vong do ung thư. Những nguyên nhân chính gây tử vong do ô nhiễm không khí là đột quỵ, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư và các bệnh nhiễm trùng hô hấp. 
Chuyên gia về sức khỏe khuyến cáo người dân nên chủ động dự phòng tác hại của ô nhiễm không khí. Với những ngày hoặc các thời điểm trong ngày khi chỉ số AQI kém, xấu đến nguy hại thì giảm các hoạt động thể lực, hạn chế ra đường, đặc biệt là giờ cao điểm. Nếu phải ra đường thì nên sử dụng khẩu trang loại tốt có thể lọc bụi PM2,5 để dự phòng phơi nhiễm. Những người nhạy cảm như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, bệnh nhân mắc bệnh hen, COPD, các bệnh tim mạch… thì càng cần đặc biệt chú ý hơn. Ngoài ra, theo TS Tuyết Hạnh, các trường học cũng nên cân nhắc cho học sinh nghỉ học, không tập thể dục ngoài trời khi chỉ số AQI xấu đến nguy hại, đặc biệt khi AQI có giá trị >300 vì đây được xem là mức ô nhiễm không khí ở mức cảnh báo y tế công cộng. 
Chất lượng không khí trong nhà cũng rất quan trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ mỗi người. Do đó, hằng ngày nếu chất lượng không khí ngoài trời tốt thì nên mở cửa sổ để thông gió bảo đảm thoáng khí giúp giảm nồng độ bụi, chất ô nhiễm không khí tích tụ trong nhà, nơi làm việc và không hình thành nấm mốc. Không được hút thuốc trong nhà, nên hạn chế thắp hương đốt vàng mã. Không nên đốt rơm rạ, không sử dụng than tổ ong, củi trong đun nấu, sưởi ấm. Nếu sử dụng thì nên dùng bếp lò không khói và mở cửa cho thông thoáng. Thường xuyên vệ sinh trong nhà sạch sẽ để loại bỏ bụi, vi sinh vật, nấm mốc gây bệnh. Nên trồng một số loại cây trong và xung quanh nhà có khả năng “làm sạch” không khí.
Để Hà Nội trong lành hơn
Để phòng chống ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các thành phố lớn cần cả các giải pháp vĩ mô, đồng bộ và cả các giải pháp vi mô trong thời gian tới. Được biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Các bộ, ngành liên quan cũng đang vào cuộc nên hy vọng thời gian tới sẽ có một số giải pháp để góp phần cải thiện tình hình.
TS Trần Thị Tuyết Hạnh cho rằng, cần cân bằng giữa lợi ích kinh tế trước mắt với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát các nguồn chính phát sinh khí thải và bụi PM2,5 trên địa bàn thành phố cũng như các tỉnh, thành phố lân cận (tập trung các nguồn chính gồm công nghiệp, giao thông, xây dựng, năng lượng). Xử phạt, di dời hoặc đóng cửa các cơ sở gây ô nhiễm môi trường không khí. Tăng cường giám sát chất lượng không khí xung quanh, ban hành tiêu chuẩn chất lượng không khí trong nhà. Hằng ngày (hoặc ít nhất một tuần vài lần) cho triển khai xe hút bụi và phun nước rửa đường, đặc biệt tại các tuyến đường đang có nhiều hoạt động xây dựng. Khuyến khích người dân giảm dần và tiến tới không sử dụng than tổ ong để đun nấu. Quy hoạch và phát triển hệ thống giao thông công cộng thuận tiện và chất lượng cao để khuyến khích người dân tham gia giao thông công cộng, hạn chế xe gắn máy và ô tô cá nhân... 
Để giảm thiểu nguy cơ sức khỏe cộng đồng cũng cần có các chương trình, hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi thực hành của từng người dân về dự phòng tác hại của ô nhiễm không khí. Về lâu dài, cần có các nghiên cứu tổng thể để đánh giá đúng và toàn diện các nguồn thải trên địa bàn thành phố cũng như gánh nặng bệnh tật và gánh nặng kinh tế của ô nhiễm không khí để cung cấp bằng chứng khoa học cho công tác quản lý hiệu quả hơn.
Bài và ảnh: HÀ THANH MINH
TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế): Để góp phần làm cho bầu khí quyển thành phố trong sạch hơn cần phải áp dụng các biện pháp tổng hợp. Một trong những biện pháp đó là phải quan tâm tạo ra khu cây xanh rộng lớn trong thành phố, xanh hóa các vùng bảo vệ, các quảng trường, thiết lập các dải cây xanh nối liền với các vùng khác nhau của thành phố với các rừng, công viên, để góp phần tăng diện tích cây xanh cho mỗi đầu người ngày càng lên cao.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị: Giải pháp cấp bách hiện nay là UBND các tỉnh, thành phố cần ưu tiên bố trí ngay nguồn lực đầu tư, lắp đặt bổ sung hệ thống các trạm quan trắc môi trường để tăng số lượng các trạm quan trắc, bảo đảm cập nhật, cung cấp thông tin kịp thời về các chỉ số môi trường không khí. Ngành y tế cần ban hành ngay khuyến cáo chính thức để người dân dự phòng, bảo vệ sức khỏe theo mức độ ô nhiễm môi trường không khí. Thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình...). Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về xây dựng cũng như các trường hợp đốt chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường...