Theo đó, lòng đất không chỉ được sử dụng ở tầng nông dành cho hệ thống đường dây, đường ống kỹ thuật... hay để đặt móng hoặc tầng hầm của các tòa nhà; mà sẽ bắt đầu được khai thác sâu hơn, quy mô hơn cho các hoạt động công cộng của con người cùng với các tuyến đường sắt đô thị ngầm, hay các tuyến hầm đường bộ ngầm trong tương lai. Những tiền đề của “thành phố ngầm” ở Thủ đô đã lộ diện. Một bài toán lớn cần có lời giải “quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị Hà Nội”.
Tất cả các chuyên gia quy hoạch trong và ngoài nước, đều thống nhất nhận định: Phát triển không gian ngầm là giai đoạn thứ ba của quá trình đô thị hóa, sau các thời kỳ phát triển theo diện rộng và vươn tới chiếm lĩnh không gian bằng các công trình cao tầng. Tất cả các đô thị hiện đại, văn minh đều hướng tới sử dụng triệt để và hiệu quả không gian ngầm trên cơ sở tận dụng tính ưu việt của những công trình xây dựng ngầm; đó là tạo lập sự an toàn, liên kết với nhau theo dạng “kín” nên tạo dựng được những không gian công cộng dễ kiểm soát, trật tự và có tính pháp trị cao. Đó là chưa kể, ngoài các công trình giao thông ngầm như đường sắt đô thị ngầm, hầm đường bộ, hay đường hầm dành cho người đi bộ... thì hầu hết các công trình kiến trúc có tiềm năng xây dựng ngầm đều là những công trình có chức năng phục vụ nhu cầu của một xã hội phát triển văn minh: Cửa hàng, gara ngầm, bảo tàng, nhà hát, thư viện, nhà băng... hay những khu nghiên cứu, thí nghiệm công nghệ cao và các công trình chuyên biệt thể hiện tính hiện đại-đại diện cho sự phát triển.
leftcenterrightdel
Khu vui chơi giải trí mua sắm tại Time City-một trong những công trình ngầm ở Hà Nội.
Có một điều thú vị, việc sử dụng không gian ngầm dường như là “sự trở lại quá khứ sơ khai” của loài người ở một vị thế hoàn toàn khác. Cùng với sự tiến triển của xã hội, việc khai thác sử dụng không gian ngầm một cách hiệu quả và khoa học chính là xu hướng đô thị hóa thông minh-nương tựa vào lòng tự nhiên để phát triển bền vững.
Tất cả các nước phát triển trên thế giới đều đặt vấn đề quy hoạch các công trình xây dựng ngầm khi thu nhập đầu người bắt đầu đạt ngưỡng bình quân như Hà Nội hiện nay (từ khoảng 2.000USD trở lên). Tuy nhiên, việc xây dựng những công trình ngầm và sử dụng không gian ngầm hầu hết được thực hiện ở những nước có trình độ khoa học hiện đại, đòi hỏi tiềm lực kinh tế mạnh và có tính liên tục, bởi công trình ngầm ít có khả năng thay đổi. Rất nhiều trong số đó thuộc những nước ở phía Bắc-xứ lạnh giàu có, những nước ở phương Nam có điều kiện tương đồng như Hà Nội việc khai thác không gian ngầm chưa nhiều, bởi sự thua kém về tiềm lực kinh tế, đặc điểm khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều và đặc biệt là tập quán, văn minh cư trú còn lạc hậu. Do vậy, việc lựa chọn những bài học để áp dụng cho Hà Nội cần hết sức thận trọng.
Có một đặc điểm chung trong việc phát triển không gian ngầm ở những thành phố lớn có quy mô tương đương với Hà Nội. Tất cả các thủ đô, đô thị có khu vực trung tâm lịch sử phát triển đậm đặc trên mặt đất, đều xây dựng các không gian công cộng ngầm phù hợp, hỗ trợ để giảm tải cho các hoạt động đô thị trên không gian, trên mặt đất. Đặc biệt, các không gian này đều gắn kết chặt chẽ với hệ thống ga tàu điện ngầm bằng các đường ngầm bộ hành, thậm chí phát triển các cửa hàng, siêu thị, dịch vụ công cộng xung quanh tạo thành các khu phố ngầm. Đây là bài học đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Hà Nội định hướng phát triển mạng lưới đường sắt đô thị đi ngầm trong khu vực nội đô và đã bắt đầu thực thi trên thực tiễn.
Như vậy, bài học đầu tiên mà Hà Nội cần học tập và áp dụng ngay đó là “Xây dựng tiện ích công cộng trong lòng đất gắn với mạng lưới ga đường sắt đô thị ngầm, liên kết các không gian khu biệt của các công trình xung quanh”. Đây chính là lời giải bước đầu cho bài toán quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị. Những nước Đông Á phát triển, khá tương đồng về văn hóa với Việt Nam, đã thành công trong việc thiết lập mô hình quy hoạch này với những “thành phố sống động” được thiết lập dưới mặt đất gắn với đường sắt đô thị ngầm. Đặc biệt, việc đưa các tiện ích công cộng xuống lòng đất, để dành bề mặt cho không gian xanh là cách làm cực kỳ thông thái của Singapore. Tiết kiệm, sử dụng hiệu quả đất đai mà vẫn khiến quốc gia nhỏ bé này trở thành một đô thị sinh thái (Eco2) và hiện đại.
Ga Hà Nội là khu vực lý tưởng để ứng dụng kinh nghiệm quý báu nêu trên. Thậm chí ở một tầm mức cao hơn nếu được nghiên cứu bài bản và tích hợp đa ngành. Ở vị trí trung tâm khu vực 4 quận nội thành cũ, với khu vực phía đông là khu phố cũ có yêu cầu cao về bảo tồn, khu vực phía tây có thể tái phát triển; tuyến đường sắt đô thị số 3 được xây dựng ngầm qua ga Hà Nội là cơ hội để phát triển tiếp nối các tiện ích công cộng ngầm gắn kết với quảng trường ngầm xung quanh ga. Một sự bổ sung lý tưởng và làm sâu sắc thêm cho khu phố lịch sử, phát triển thời Pháp thuộc. Đồng thời, là động lực để kết nối không gian với khu tập thể Văn Chương đã xuống cấp trầm trọng cần xây dựng lại.
Khu vực trung tâm đô thị lịch sử Hà Nội là một khu vực hết sức đặc biệt, không chỉ là một “Paris thu nhỏ” ở phương Đông mà còn bao hàm những không gian của các giai đoạn phát triển từ thời dựng nước và thời kỳ hiện đại: Độc lập, thống nhất đất nước. Ở các nước phương Tây, những khu vực “trái tim” trọng yếu như vậy, những công trình xây dựng ngầm được tiến hành hết sức thận trọng, bởi những tác động của chúng đến sự an toàn các công trình di sản trên mặt đất và quá trình xây dựng công trình ngầm còn phát lộ rất nhiều di tích lịch sử chưa từng khám phá được. Các tuyến tàu điện ngầm ở Roma (Italy) được xây dựng trong thời gian rất dài, chính bởi lý do nêu trên. Tuy vậy, đó cũng là cơ hội để chính quyền Roma thực thi việc bảo tồn các di sản mới phát hiện để khai thác du lịch, giáo dục và văn hóa. Việc quy hoạch ga C9 trên tuyến đường sắt đô thị số 2 ở phía đông Hồ Gươm là một ví dụ tương đồng, khi gặp rất nhiều tranh luận trái chiều từ các học giả, chuyên gia.
Với những khu vực hết sức nhạy cảm như vậy, kinh nghiệm khai thác không gian xây dựng ngầm ở các nước phát triển cũng vẫn cho Hà Nội những bài học thú vị. Bảo tàng Louver ở Paris (Pháp), tuyến phố ngầm dài 2,7km dưới khu phố lịch sử ở Toronto (Canada), những nhà hát, thư viện, phố sách, dịch vụ vui chơi giải trí ngầm... ở các khu trung tâm đô thị khác, có thể là hướng phát triển những khu vực xây dựng công trình ngầm cục bộ tại các quảng trường và không gian công cộng lân cận những công trình di sản ở Thủ đô, như cụm Quảng trường Nhà hát Lớn, vườn hoa Cổ Tân, Bác Cổ... có lẽ là sự bổ sung và làm phong phú cho ý tưởng biến khu vực này trở thành một “công viên mở” độc đáo của Hà Nội.
Thủ đô đã và đang xây dựng những đường bộ hành ngầm dành cho người đi bộ tại các nút giao thông lập thể như: Ngã Tư Sở, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng... hay ở các tuyến đường chính đô thị. Nhưng thực tế cho thấy những công trình này chưa thực sự phát huy hiệu quả, nguyên nhân chính là việc hình thành công trình này chỉ có “đơn” chức năng: Phục vụ đi lại. Chúng ta nên gắn việc xây dựng thêm các công trình dịch vụ, những nhà vệ sinh công cộng ngầm với các lối bộ hành này sẽ là giải pháp căn cơ, lâu dài và góp phần vào việc thay đổi thói quen-tập quán cũ, tạo dựng lối sống văn minh cho đô thị.
Các tuynel ngầm ở các nước được xây dựng với rất nhiều mục đích khác nhau. Ở Malaysia, tuynel lớn làm hầm chứa nước mưa ở trung tâm thủ đô đã góp phần làm giảm ngập lụt ở khu vực không có quỹ đất làm hồ điều hòa. Khi không sử dụng vào mục đích tiêu thoát nước, tuynel này được sử dụng làm tuyến giao thông cao tốc kết nối trung tâm với ngoại vi. Còn rất nhiều công trình ngầm khác trên thế giới được xây dựng với những ý tưởng hết sức độc đáo. Hà Nội có lẽ không thể áp dụng nguyên mẫu, nhưng tinh thần này rất đáng để chúng ta suy nghĩ cho một tương lai xa hơn. Theo đó, lâu dài Hà Nội cần có chiến lược khai thác không gian xây dựng ngầm đô thị với việc hợp nhất đa ngành, đa lĩnh vực, khuyến khích các ý tưởng đặc biệt vì một Thủ đô văn minh-hiện đại và bản sắc.
KTS VŨ HOÀI ĐỨC