Phố Hiến rất quan trọng với các thương đoàn từ khắp nơi trong khu vực và thế giới tới giao thương với Việt Nam. Một thương cảng lừng danh khác là Hội An, theo các nhà nghiên cứu cũng ra đời sau Phố Hiến. Trong hệ thống các đô thị cổ Việt Nam, Phố Hiến luôn đứng ở top đầu, đối sánh và bổ sung, nâng tầm cho Thăng Long-Kẻ Chợ. Trong các bộ sử sách của Việt Nam và về Việt Nam, các học giả trong và ngoài nước đều đánh giá cao Phố Hiến. Có rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học đến từ Trung Quốc, Hà Lan, Nhật Bản, Anh, Pháp, Mỹ, Úc... viết về Phố Hiến đã tạo những dấu ấn sâu sắc mang tầm vóc quốc tế. Giới nghiên cứu văn hóa lịch sử trong nước cũng ghi nhận nhiều tên tuổi lớn với những công trình nghiên cứu toàn diện về Phố Hiến. 

Sách "Đại Nam nhất thống chí" mô tả Phố Hiến: “Nơi đây phong vật phồn thịnh, nhà ngói như bát úp” đã cho thấy đặc trưng lớn nhất của Phố Hiến chính là trung tâm cảng thị lớn, ra đời từ động lực phát triển kinh tế trong nước và mang đậm chức năng của một trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Phố Hiến còn đảm đương vai trò thực hiện các hoạt động kinh tế đối ngoại của đất nước. Nơi đây được đặt cơ quan công quyền, thay mặt triều đình đảm đương trách nhiệm như một tiềm đồn, một vòng thành bảo vệ, che chắn cho kinh đô Thăng Long. Có thể thấy rằng, vị trí, chức năng, vai trò của Phố Hiến bao trùm nhiều lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, xã hội, bởi vậy, dân chúng nhiều đời luôn truyền tụng câu ca: Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến. Đã có nhiều cuộc hội thảo khoa học về Phố Hiến. Có nhiều chương trình nghiên cứu, phân tích, lịch đại, đồng đại, so sánh, đối chiếu, đặt vấn đề nghiên cứu Phố Hiến trong tiến trình lịch sử bằng các phương pháp khoa học, sử học kết hợp với khả cứu các thư tịch, tài liệu, văn bia, sắc phong... để soi tỏ trầm tích lịch sử đến hiện đại của Phố Hiến.

Trong các dấu mốc lịch sử về Phố Hiến, vai trò của các chúa Trịnh là rất quan trọng. Mặc dù vấn đề nội chiến, loạn lạc trong thời Lê-Trịnh khiến triều đình luôn gặp khó khăn về quốc khố trong việc phục vụ chiến tranh, song các chúa Trịnh luôn tỏ ra rất sáng suốt khuyến khích các thương nhân phát triển kinh tế để đóng góp vào nền kinh tế quốc gia. Chúa Trịnh Doanh từng nhận định: “Ngày nay tài lực của nhân dân thiếu hẳn đi, chỉ còn trông chờ vào bọn phú thương chuyên chở lưu thông từ chỗ có đến chỗ không thì mới tạm đủ.”

Vai trò của các chúa Trịnh đã khuyến khích toàn diện sự phát triển của Phố Hiến, nhất là với giới thương nhân. Triều đình liên tiếp khen thưởng, sắc phong cho các thương nhân có công trong việc luân chuyển và mua bán các loại hàng hòa ích nước lợi dân. Giai đoạn này, triều đình Lê-Trịnh đã bắt đầu đẩy mạnh giao thương với phương Tây, sử dụng những mặt hàng từ các làng nghề trong nước đổi lấy vũ khí và tiền bổ sung quốc khố. Các chúa Trịnh rất coi trọng quan hệ với Nhật Bản, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho thương thuyền Nhật Bản thông qua cảng thị Phố Hiến.

Trong bức thư Chúa Trịnh Tráng gửi cho triều đình Nhật Bản có đoạn: “Đại nguyên soái Tổng quốc chính Thanh Đô vương nước An Nam đã xây dựng lại đất nước, khôi phục Trung ương, xa thư quy về một mối, lân bang giao hiếu hào hợp, rộng ban ân trạch, tạo thành nghĩa lớn. Nay nhân vào tiết hạ, thấy các thuyền trưởng của quý quốc Nhật Bản là Giác Tàng (Suminokura) và Mạt Cát (Sueyoshi), tổng cộng 20 chiếc đến nước chúng tôi buôn bán. Chúng tôi muốn phát triển, không dừng lại ở việc buôn bán nhỏ nên thăm hỏi kỹ càng. Nghe nói quốc chủ Nhật Bản vào lúc tuổi xuân đang độ, đức tính khoan hòa, tôi muốn kết là nước anh em. Về đạo nghĩa nhân ái thì trước tiên lấy chính nghĩa làm mối giao kết ban đầu”.

Lời văn trong thư của Chúa Trịnh Tráng đã cho thấy quan điểm của triều đình Lê-Trịnh là luôn muốn mở rộng bang giao với các nước bên ngoài. Đây chính là điểm tiến bộ của triều đình Lê-Trịnh trong bối cảnh đất nước nội chiến liên miên.

leftcenterrightdel

Đền Mẫu. Ảnh: CHU HUY PHƯƠNG 

Vấn đề nội thương của Phố Hiến cũng hết sức phát triển trong thời Lê-Trịnh. Hàng hóa sản xuất trong nước hầu như đều có mặt ở các bến sông, bãi chợ Phố Hiến. Với vị trí địa lý đặc biệt của mình, từ thời Trần, bến chợ Xích Đằng đã có sự thông thương buôn bán với Đàng trong theo đường biển vào các vùng đất Hoan Châu (xứ Nghệ ngày nay). Từ việc giao thương buôn bán ấy, nhiều thương nhân đã đến định cư, xây dựng dịch quán, kho xưởng ở Phố Hiến. Chính đây là cầu nối quan trọng nhất để các loại hàng hóa qua lại, giao thương tới kinh thành Thăng Long. Hàng hóa từ các làng nghề trên cả nước được trao đổi, buôn bán tại hai trung tâm lớn là Phố Hiến và Thăng Long đã cho thấy tính chất đặc biệt của Phố Hiến, nhất là vai trò cảng thị-giao thương đường thủy. Sách "Đại Nam nhất thống chí" viết: “Xích Đằng có bốn bến đò: Đò Kệ Châu, đò Quan Xuyên, đò Nhân Dục và đò Phương Trà... giáp bờ sông Nhị còn có chợ Xích Đằng. Sau khi Phố Hiến mở rộng về phía Đông, Đông Bắc và lỵ sở của huyện Kim Động chuyển về Đằng Châu thì chợ Nhân Dục ở đây trở thành chợ lớn trong tỉnh”.

Các phường hội ở Phố Hiến với những đặc trưng của nó càng cho thấy sự liên hệ mật thiết trong giao thương và sự phân phối giữa hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa tiêu thụ nội địa chính là sự điều tiết cần thiết vào mạch máu kinh tế toàn quốc. Phố Hiến đã sớm hình thành các khu phố mang tính chất hội nhóm như: Khu phố Bắc Hòa do các thương nhân người Hoa lập nên. Khu phố Nam Hòa do các nhóm thợ gốm, thợ mộc từ phía Nam sông Hồng xây dựng các xưởng nghề thủ công sản xuất các mặt hàng tại chỗ cung cấp cho các khu vực thương nhân dấu tích vẫn còn đến hôm nay. Giới khảo cổ đã tìm thấy nhiều bằng chứng về các lò gốm, lò rèn, xưởng mộc tại khu vực quanh Văn Miếu Xích Đằng và chùa Nễ Châu.

Sự phát triển giao thương của Phố Hiến đã khuyến khích, kích cầu các làng nghề lân cận phát triển theo. Nhiều sản phẩm thủ công nổi tiếng từ các làng nghề đã góp phần vào sự phong phú, hình thành bộ mặt thương nghiệp Phố Hiến. Đó là làng đan thuyền Nội Lễ (Tiên Lữ); làng thuốc Nghĩa Trai (Văn Lâm); làng dệt Phong Cốc, Hương Quất, Mậu Duyệt, Triều Dương... góp phần tạo sự liên thông các mặt hàng hóa sử dụng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Quan hệ buôn bán giao thương giữa Phố Hiến và các cảng thị trong nước sớm hình thành và ngày càng phát triển. Địa danh Phố Hiến được rất nhiều nơi trong nước và ngoài nước biết đến. Các sách vở biên chép trong nhiều thế kỷ đều nhận định vai trò quan trọng của Phố Hiến. Các thương nhân nước ngoài như: Hà Lan, Nhật Bản, Trung Quốc... thu mua hàng hóa, nhất là các mặt hàng thủ công, gốm sứ đi bán ở khắp nơi thu lợi nhuận rất cao đã tạo sức hút lớn và sự phát triển của các làng nghề. Với đầu óc của mình, các thương khách Trung Quốc đã mau chóng khai thác mọi lợi thế từ Phố Hiến. Thương nhân các nước khác cũng mau chóng tìm những lợi thế để kinh doanh buôn bán ở Phố Hiến. Nhiều thương điếm được thành lập như: Thương điếm Nhật (1604); thương điếm Hà Lan (1637); thương điếm Anh (1672); thương điếm Pháp (1680)... đã tạo ra bộ mặt phồn thịnh, sức hút lớn và vai trò quan trọng của Phố Hiến trong nền kinh tế chính trị các nước.

Có thể khẳng định, trong quá trình hình thành và phát triển của Phố Hiến, ở nhiều giai đoạn khác nhau đều có vai trò quan trọng với đời sống toàn diện của đất nước mà những trầm tích của nó vẫn còn nhiều giá trị tới hôm nay.

KHAI MINH