Người phát triển y học cổ truyền Việt Nam

Lê Hữu Trác (biệt hiệu là Hải Thượng Lãn Ông) sinh năm 1724 trong gia đình, dòng tộc có truyền thống khoa bảng, nhiều người đỗ tiến sĩ, làm quan lớn dưới thời Hậu Lê của nước ta. Cha của ông là TS Lê Hữu Mưu, người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Quê mẹ ông ở làng Bàu Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).

Thuở nhỏ, Lê Hữu Trác theo cha lưu học ở Thăng Long, nổi tiếng là học trò hay chữ và đã thi đỗ tam trường. Sau khi cha mất, Lê Hữu Trác theo mẹ về Hương Sơn sinh sống. Năm 1743, ông thi đỗ Tú tài và còn nghiên cứu thêm thuật âm dương, thiên văn, nhân thuật rồi gia nhập quân đội chúa Trịnh, theo đuổi con đường binh nghiệp. Trong thời gian tại ngũ, ông đã lập được nhiều chiến công, được cất nhắc nhưng ông từ chối để trở về rừng núi Hương Sơn chăm sóc mẹ già. Đây cũng là nơi ông gắn bó thời gian dài hành nghề thầy thuốc cho đến lúc qua đời năm 1791. Khu mộ và Tượng đài Hải Thượng Lãn Ông ở xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn thuộc quần thể di tích lịch sử-văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 1990, hiện trở thành một điểm đến thu hút khách trong và ngoài nước.

Cuộc đời, sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã để lại cho hậu thế nhiều bài học, tư liệu quý thông qua bộ sách nổi tiếng “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh”. Bộ sách có 28 tập, chia làm 66 quyển, được coi như bách khoa toàn thư về Đông y, cột mốc đánh dấu bước tiến mới mở đường cho sự phát triển y học cổ truyền Việt Nam. Nội dung bộ sách bao quát khắp các lĩnh vực của y học cổ truyền phương Đông, triết học, văn học, lịch sử, giáo dục, văn hóa học, y lý, điều trị, bệnh học, chẩn đoán, dưỡng sinh, phòng bệnh, dược học, dinh dưỡng ăn uống, nữ công gia chánh, nội khoa, nhi khoa, phụ sản khoa, nhãn khoa, hầu khoa...

Ông là người đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam chép lại những bệnh án chữa thành công (Y dương án) và bệnh án khó chữa, tử vong (Y âm án), mở đường cho các thầy thuốc có thể chia sẻ một cách trung thực trao đổi học thuật về các ca bệnh nan y có nguy cơ tử vong hoặc đã tử vong. Đại danh y còn tập hợp và sưu tầm hàng nghìn bài thuốc hiệu quả rồi chép vào sách để chữa bệnh. Những lý luận y học và phương pháp điều trị, bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông đến nay trở thành cẩm nang giảng dạy trong các trường y dược, được ứng dụng rộng rãi trong nước và nước ngoài.

      Đề cao y đức, vì con người

Lúc sinh thời hành nghề làm thuốc, kê đơn, chữa bệnh, Hải Thượng Lãn Ông đặc biệt coi trọng y đức của thầy thuốc. Trong cuốn “Thượng kinh ký sự”, Lê Hữu Trác bộc bạch: “Làm thuốc thì phải nghĩ đến việc cứu người chứ! Cái lòng trung của kẻ làm tôi ở trong nghề thuốc ở đâu?". Sở dĩ ông thốt lên như vậy là vì khi ở kinh thành chữa bệnh cho thế tử, ông thấy cách làm việc vô tâm, thiếu trách nhiệm của nhiều thầy thuốc. Theo ông, đạo làm thuốc là một nhân thuật (nghĩa là một cách làm người, vì con người), chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công. Đạo làm thuốc là một học thuật cao quý để giữ gìn mạng sống, cũng là đầu mối lớn lao về đạo đức chân chính; “không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”... Ông quyết liệt phê phán việc “đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng buôn bán”. Ông khuyên người thầy thuốc luôn phải trau dồi y đức, người làm nghề thuốc là thanh cao, phải giữ khí tiết trong sạch, không nên nhận quà cáp vì dễ bị khinh rẻ...

leftcenterrightdel

Tượng đài Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. 

Đến tham quan khu vực Tượng đài Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tọa lạc trên núi ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh hiện nay, chúng tôi được đọc nhiều dòng y huấn nổi tiếng của ông khắc trên bia đá. Chẳng hạn như: “Phàm gặp các bệnh nguy kịch thì phải tận tâm cứu chữa tuy đã nghĩ ra được hiệu pháp tốt song vẫn cần phải nói rõ với người nhà bệnh nhân sau đó mới được cho thuốc uống”; “Phàm chữa bệnh cho nhà nghèo khó và người cô độc, góa bụa thì phải hết sức quan tâm. Bởi lẽ nhà giàu có thì chẳng lo không mời được người điều trị, còn nhà nghèo khó thì không có lực để mời được thầy giỏi. Như thế thì tại sao ta không chịu khó bỏ ra chút công sức để cứu sống được một mạng người”... Những dòng y huấn đó cho chúng ta phần nào hiểu được tinh thần nhân văn của vị danh y.

Theo Hải Thượng Lãn Ông, người thầy thuốc cần có 8 đức tính, gói trong 8 chữ: Nhân (nhân từ), Minh (sáng suốt), Đức (đức độ), Trí (trí tuệ), Lượng (độ lượng, bao dung), Thành (thành thật), Khiêm (khiêm tốn), Cần (chuyên cần, siêng năng). Trong đó, nhân là một đức tính cơ bản của người làm nghề y, là điều kiện tiên quyết để vào nghề y, nếu không có lòng nhân, không biết quan tâm đến người khác thì nên đi kiếm sống bằng nghề khác.

Quan điểm y đức của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác có sự tương đồng lớn với Lời thề Hippocrates ở phương Tây, được các thầy thuốc đời sau học tập, noi theo. Quan điểm y đức của ông cũng được Bộ Y tế nước ta vận dụng làm quy định đạo đức hành nghề y dược cổ truyền.

Nhà văn hóa tiến bộ

Không chỉ nổi tiếng là đại danh y, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác còn là một nhà giáo, nhà thơ, nhà văn để lại nhiều tác phẩm thơ và văn xuôi có giá trị lịch sử, văn hóa cho đời sau.

Thơ của Lê Hữu Trác viết bằng cả chữ Hán và chữ Nôm với nhiều thể thơ như: Ngũ ngôn, thất ngôn, song thất lục bát... xuất hiện nhiều trong các tập của bộ sách “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh”. Thơ ca của ông thể hiện cảm xúc tinh tế, những suy ngẫm sâu sắc về con người, cuộc đời, giãi bày tâm tư, tình cảm của mình trước tình hình thế sự. Và đặc biệt, ông làm thơ để chuyển tải suy ngẫm về nghề, mô tả bệnh, cách chữa trị, các bài thuốc, cách dùng thuốc... Theo đánh giá của học giả Nguyễn Đổng Chi thì “thơ của Lê Hữu Trác là một thứ thơ lời ít, ý nhiều”, “rất hàm súc, tứ thơ mênh mông, tràn trề”...

Về văn xuôi, tác phẩm “Thượng Kinh ký sự” là tập ký sự được Lê Hữu Trác viết vào thập niên 80 của thế kỷ 18 kể lại cuộc hành trình của mình từ Nghệ Tĩnh (nay là hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) về Thăng Long chữa bệnh cho chúa Trịnh. Tác phẩm từng được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn giảng dạy ở bậc phổ thông, được đánh giá là một thiên ký sự kiệt tác tái hiện chân thực bức tranh hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam từ miền quê nghèo đến cung vua, phủ chúa ở Kinh thành Thăng Long (Hà Nội) nửa sau thế kỷ 18. Tác phẩm không chỉ có giá trị văn học mà còn cung cấp những tư liệu giá trị cho các nhà nghiên cứu lịch sử. Bên cạnh lối hành văn kể chuyện, nhân vật tôi-tác giả trong tập ký sự còn sáng tác tới hàng chục bài thơ chia sẻ nỗi lòng nhớ quê hương, đàm đạo khi gặp bạn bè hay suy ngẫm về công việc chữa bệnh: “Cổ vân dụng dược như dụng binh/ Sinh, sát quan đầu hệ phỉ khinh/ Quốc thủ do đa khuy phạp xứ/ Tàm dư cô lậu lý nan minh” (dịch: “Xưa rằng: “Dùng thuốc như dùng binh/ Tính mạng con người trách nhiệm mình/ Quốc thủ hãy còn nhiều thiếu sót/ Huống mình cô lậu lý không tinh”) (trích “Thượng Kinh ký sự”, tác giả: Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; Phan Ngọc dịch; Nhà xuất bản Hà Nội). 

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thực sự là một tấm gương mẫu mực về lao động, học tập, sáng tạo, sống vì nghĩa lớn, không màng danh lợi cá nhân. Hai chữ trong biệt hiệu Lãn Ông (ông già lười) của ông cũng thể hiện ý nghĩa ấy. Những chuyện ông kể, những điều ông viết vào sách để lại cho hậu thế đều toát lên phẩm chất cao quý, tri thức uyên thâm mà khiêm nhường của bậc danh y tài hoa. Gần 3 thế kỷ trôi qua đến nay vẫn cho thấy hệ tư tưởng của ông rất đúng đắn và tiến bộ, tất cả đều vì con người. Vì ông quan niệm: “Con người phải được bảo vệ và phát triển về cả thể chất và tinh thần”, “văn học phải bồi dưỡng tâm hồn, lẽ sống cho con người, phải hướng con người về chân-thiện-mỹ, ngay ăn mặc gì cũng phải đẹp, phải thích nghi với khí hậu”, “tác phẩm văn học phải có ích thật sự chứ không phải để chơi”...

Việc danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được UNESCO vinh danh thực sự là một tin vui đặc biệt với người dân hai tỉnh Hưng Yên (quê cha), Hà Tĩnh (quê mẹ) nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung. Bởi trí tuệ, tài năng và những đóng góp của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã được thế giới ghi nhận.

Đến nay, Việt Nam đã có 7 danh nhân được UNESCO vinh danh là: Nguyễn Trãi (1980), Hồ Chí Minh (1990), Nguyễn Du (2015), Chu Văn An (2019), Nguyễn Đình Chiểu (2021), Hồ Xuân Hương (2021) và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (2023).

 

Hiện nay, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đang được thờ tại: Y Miếu Thăng Long (TP Hà Nội); Tiên Y Miếu (Thừa Thiên Huế); Quần thể di tích lịch sử-văn hóa Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia vào năm 1990 tại Yên Mỹ, Hưng Yên (quê cha) và Hương Sơn, Hà Tĩnh (quê mẹ). Tên của ông được đặt cho nhiều tuyến phố, đường, trường học, tượng đài ở 37/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

 

Bài và ảnh: MINH THÀNH