Thơ Hồ Xuân Hương đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, trở thành tài sản tinh thần có giá trị của văn học nhân loại. Thơ của bà đã được dịch ra tiếng Nga, Anh, Pháp, Bulgaria, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Năm 2000, khi sang thăm Việt Nam, trong buổi nói chuyện với sinh viên ở Hà Nội, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đọc thơ Hồ Xuân Hương dịch sang tiếng Anh. Ông Henri Lopes, Phó tổng giám đốc UNESCO, trong bài tựa tập thơ Hồ Xuân Hương xuất bản ở Paris năm 1987, cũng đánh giá cao tài năng của nhà thơ bằng những lời nồng nhiệt: “Là nữ thi sĩ hay nữ nhạc sĩ, tôi không biết nữa, có điều nàng đã vĩnh viễn đổi thay vẻ đẹp những tiếng kêu thương của tâm hồn thoát ra trong bí mật những đêm tối hoặc những nơi cô tịch... Nàng đã học được cái nghệ thuật biểu đạt ngọn lửa hoan lạc thể xác với tất cả sức mạnh và sự e thẹn kết liền lại như vậy”.
Hồ Xuân Hương sống và sáng tác vào nửa cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 dưới thời nhà Nguyễn. Bấy lâu nay bà được coi là con gái của ông Hồ Phi Diễn, quê gốc ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Bà sinh ra trên đất Bắc, lớn lên ở Thăng Long và có ngôi nhà riêng ở gần Hồ Tây. Đó cũng là nơi tụ hội của nhiều văn nhân nổi tiếng đương thời như Phạm Đình Hổ, Nguyễn Du... Ngôi nhà này còn được gọi với tên là Cổ Nguyệt Đường.
Cuộc đời và sáng tác thơ văn của Hồ Xuân Hương có những điều “còn nằm trong màn sương huyền thoại”. Bà thông minh nhưng không có điều kiện học nhiều, cuộc đời riêng có nhiều éo le ngang trái. Cha bà là ông đồ nghèo ở Nghệ An, bỏ quê ra dạy học ở vùng Hải Dương rồi lấy vợ lẽ và sinh ra Hồ Xuân Hương. Bà lấy chồng hai lần và cả hai lần đều chịu cảnh lẽ mọn. Hồ Xuân Hương được coi là một trong những nhà thơ tiêu biểu cho trào lưu nhân đạo chủ nghĩa của văn học Việt Nam thời trung đại. Sáng tác của bà đã nêu bật được những vấn đề riêng tư, những nỗi bất công mà người phụ nữ trong xã hội phong kiến phải chịu đựng và tin tưởng đấu tranh để bênh vực quyền lợi của họ. Bà thường chú trọng nêu lên những nỗi khổ riêng, có tính chất giới tính như: Bi kịch của người phụ nữ đi làm lẽ, cảnh góa bụa vì chồng chết, nỗi dở dang vì nhẹ dạ, cả nể bạn tình nên bụng mang dạ chửa...
Bà ý thức được rất rõ giá trị và vai trò của người phụ nữ, họ đẹp đẽ về nhiều mặt và tài năng thì không kém gì đàn ông, nhưng chỉ vì xã hội phong kiến không chấp nhận, kìm hãm nên họ không phát huy lên được. Hồ Xuân Hương có một số bài thơ viết đặc sắc về cảnh ngộ riêng tư. Đó là tình cảnh của một người phụ nữ bị vây hãm, trói buộc trong xã hội phong kiến đè nén con người. Cho nên thơ bà thường thể hiện những khát khao cháy bỏng về một tình yêu với những đam mê nhục dục khá mạnh mẽ.
Thơ Hồ Xuân Hương là một lối thơ rất thật và tự nhiên. Bà sáng tác theo thể thơ Đường luật nhưng được dân tộc hóa cao độ. Bà có những thành công đáng kể khi đưa cuộc sống trần tục hằng ngày vào một thể thơ vốn đài các quý phái. Đặc biệt về mặt ngôn ngữ, Hồ Xuân Hương có những sáng tạo tài tình trong việc sử dụng ngôn ngữ hằng ngày và vận dụng tục ngữ, ca dao. Bà đã khai thác triệt để khả năng tu từ phong phú của tiếng Việt và đã mài sắc ngôn ngữ dân tộc của thời đại mình.
Hệ thống thi pháp thơ trung đại nặng về tượng trưng ước lệ. Nhưng thơ Hồ Xuân Hương đã thoát ra ngoài khuôn sáo, ít dùng điển cố Hán văn, thường sử dụng loại thơ Nôm gần gũi với ca dao, tục ngữ và có khả năng ẩn dụ cao. Đọc bài “Làm lẽ” chúng ta sẽ thấy những phẩm chất này bộc lộ rất rõ. Những câu thơ rất tự nhiên, rất Việt Nam và do đó mỗi chữ gieo xuống như là một lời than trách nặng nề:
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!
Năm thì mười họa hay chăng chớ
Một tháng đôi lần có cũng không
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn, mướn không công
Thân này ví biết đường này nhỉ.
Thà trước thôi đành ở vậy xong.
(Hồ Xuân Hương-Thơ và đời, Nhà xuất bản Văn học, trang 34)
Di sản văn học bà để lại cho đời sau là hai tập thơ “Xuân Hương thi tập” (chữ Nôm) và “Lưu Hương ký” (chữ Hán) có nhiều nét độc đáo và đặc sắc về nội dung cũng như nghệ thuật. Hay, đẹp và đầy phong vị dân tộc.
Thơ Hồ Xuân Hương vừa là những khúc bi ca não nuột về thân phận hẩm hiu của người phụ nữ ("Miếng trầu", "Bánh trôi", "Tự tình I", "Tự tình II", "Tự tình III"...) đồng thời vừa là những khúc tráng ca mang tính phê phán mạnh mẽ và trào lộng nhạy bén, sâu cay ("Lấy lẽ", "Không chồng mà chửa", "Dỗ người đàn bà khóc chồng", "Tố nữ", "Mắng văn nhân I, II", "Quan thị", "Chế sư", "Chùa Quán Sứ", "Sư bị làng đuổi", "Giếng thơi", "Thiếu nữ ngủ ngày", "Đá Ông Chồng, Bà Chồng"). Những bài thơ tiêu biểu đó tràn đầy tinh thần nhân văn chủ nghĩa của thời đại, thể hiện sinh động nhân sinh quan tiến bộ, cũng có thể nói là vượt trước thời đại của nữ sĩ.
Nếu như bài “Thiếu nữ ngủ ngày” là bức tranh khỏa thân, trinh nguyên, trẻ trung, tràn đầy sức sống thì bài “Miếng trầu” là tiếng nói phản kháng thể hiện một cá tính độc đáo, ngang tàng và quyết liệt. Một con người tài hoa, giàu sức sống, khao khát tự do và tình yêu... nhưng chính con người ấy lại bị đẩy vào một tình thế éo le dở dang, bất hạnh: Là con vợ lẽ, hai lần làm lẽ, hai lần góa chồng với bao cay đắng, tủi hờn. Sinh ra trong một thế kỷ đầy biến động và vang dội tiếng reo hò của các cuộc khởi nghĩa chống áp bức, với một cá tính quyết liệt như thế, một số phận như thế tất yếu Hồ Xuân Hương có một tâm trạng phức tạp và mâu thuẫn giằng xé, mang đến cho thơ bà nỗi xót xa cay đắng, lòng khát khao nguyện cầu của một kiếp người dang dở.
Nhà thơ Xuân Diệu đã gọi Hồ Xuân Hương là “nhà thơ dòng Việt, Bà Chúa thơ Nôm”. Ông có nhận xét như sau: “Nhìn chung trong thơ cổ điển của ta, bao gồm từ Chu Mạnh Trinh trở lên, nếu xét về khía cạnh có tính cách dân tộc hơn cả, có lẽ thơ Xuân Hương “thì treo giải nhất chi nhường cho ai!”. Thơ Xuân Hương Việt Nam hơn cả, vì đã thống nhất được tới cao độ hai tính cách dân tộc và đại chúng”.
Cái tích cực lớn nhất, giá trị nhất của Hồ Xuân Hương là đả kích xã hội thối nát với tất cả uất giận của mình, bằng tất cả tài năng của mình. Trong “Tuyển tập thơ Việt Nam” xuất bản ở Bulgaria đầu năm 1973, dày 500 trang, người chủ biên là nữ thi sĩ Blaga Dimitrova đã tự giành lấy cho mình cái niềm vui mà không nhường cho ai khác, là dịch 16 bài thơ Hồ Xuân Hương (có những bài như: "Qua sông phụ sóng", "Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ", "Đền Sầm Nghi Đống", "Đánh đu", "Tát nước", "Trống thủng", "Cái quạt"...). Và Blaga Dimitrova đã viết về Hồ Xuân Hương: “Là một trong những hiện tượng độc đáo nhất không chỉ ở Việt Nam mà ở trong toàn bộ cái nguồn thơ mà tôi đã được biết của nền thơ thế giới qua tất cả các thời đại. Đó là nữ thi sĩ với cái tên Hương mùa Xuân. Khi tôi truyền đạt cái độc đáo trong thơ Việt Nam, thì bạn bè của tôi đã dừng lại trước cái tên này với một sự ngạc nhiên cao độ...”.
Thơ Hồ Xuân Hương phản chiếu đầy đủ bản ngã ưa tự do của bà. Nữ sĩ đã tạo ra cho mình một vị trí xứng đáng, riêng biệt trên văn đàn Việt Nam. Tinh thần phản kháng và ý thức nữ quyền là điểm nhấn quan trọng trong tiếng nói thơ ca của nữ sĩ họ Hồ. Có nhà nghiên cứu đã coi Hồ Xuân Hương như là một nhà thơ cách mạng, một thi sĩ tiên tiến, mặc dù bà sống vào đầu thế kỷ 19.
PGS, TS LƯU KHÁNH THƠ