QĐND - Trong dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, nhiều nhà xuất bản in lại tác phẩm Nguyễn Du, trong đó, công trình Nguyễn Du toàn tập, do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, phối hợp với NXB Văn học vừa ra mắt được đông đảo độc giả chào đón. Bởi lẽ đây là công trình giới thiệu trọn vẹn các tác phẩm của Đại thi hào.
Tác phẩm Nguyễn Du, nhất là Truyện Kiều, có nhiều dị bản. Đây là kiệt tác mà văn bản tạo nên tranh luận nhiều nhất, trải dài mấy trăm năm. Nhiều học giả dành cả đời nghiên cứu về Truyện Kiều, trở thành nhà Kiều học.
Dị bản của Truyện Kiều chính là ở chữ nghĩa, một chữ cũng đã gây nên sự tranh luận. Phần nhiều dị bản là do phiên âm từ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ. Đó là chưa kể tới cách chú giải, ngay chữ đầu tiên “trăm năm” trong Trăm năm trong cõi người ta, các nhà bình chú Tản Đà, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Bùi Kỷ… hiểu Trăm năm trong cõi người ta là trọn một đời người, nhưng Giáo sư Cao Xuân Hạo cắt nghĩa là số từ thông dụng trong tiếng Việt… như một thời gian dài, không hạn định, nghĩa là “xưa nay” trăm, bách, cũng như mười, thập, cũng như ngàn, thiên, muôn, vạn để biểu đạt ý khẳng định tổng quát. Hay như chữ “ngài” trong câu Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang, có người hiểu nét ngài tức là lông mày nhỏ như lông mày con ngài, có thuyết nói như con tằm nằm ngang mi mắt, tuy vậy, một số nhà nghiên cứu gốc xứ Nghệ lại cho rằng nét “ngài” chính là nét người (tiếng Nghệ gọi người là ngài)…
|
Đọc Kiều thú vị không chỉ ở tư tưởng của tác phẩm vô cùng sâu xa, chữ nghĩa được sáng tạo thành áng văn. Ngay như một số nhà văn lớn, giỏi về chữ nghĩa như Nguyễn Tuân, cũng khiêm nhường trong bài nghiên cứu về Nguyễn Du chỉ là Tản mạn xung quanh một áng Kiều. Nguyễn Tuân đã bình rất hay về nhiều chữ trong Kiều. Xuân Diệu Trong Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, cũng bàn rất nhiều về chữ nghĩa Truyện Kiều. Trong lời nói đầu toàn tập này, Giáo sư Mai Quốc Liên nhận định: “Truyện Kiều là đỉnh cao nhất của tiếng Việt văn học”. Nhân dân không chịu khuất phục, không chịu mất nước, mất văn hóa, kiên trì hơn 1.000 năm bị Bắc thuộc, để giữ vững và phát triển vốn từ vựng phong phú, đậm đà hồn cốt người bản xứ, tinh luyện trong tu từ nhờ ca dao tục ngữ, lại được thể hiện qua những hình thức, ngữ pháp-uyển chuyển, độc đáo, những cách nói giản dị rất ấn tượng. Tất cả điều đó thể hiện trong Truyện Kiều.
Vẫn theo Giáo sư Mai Quốc Liên, Truyện Kiều là những dấu hiệu rõ nét của một thời phục hưng trong văn học được thể hiện… với một chủ nghĩa nhân đạo đi trước cả thời đại của mình. Trung tâm chủ nghĩa nhân văn đó là con người, là số phận của con người, là thế giới bên trong của con người, “con người trong con người” là con người với những hạnh phúc và khổ đau trần thế, luôn vươn lên từ những “quằn quại vũng lầy” của cuộc đời, luôn vươn lên từ “bụi trần” để trở nên cao thượng, thánh thiện”.
Truyện Kiều từ khi ra đời đến nay, được nằm trong “thư viện nhân dân”, nghĩa là nhân dân đọc và lưu hành Kiều theo kiểu truyền khẩu. Nhờ vậy, nhiều người không biết chữ vẫn thuộc làu và hiểu Truyện Kiều, luôn vận thơ Kiều vào phép ứng xử, qua những tình huống, trước hạnh phúc và khổ đau. Kiều đã giúp họ đứng dậy, vươn lên trong tâm thế là người.
Thiết nghĩ, với trình độ học vấn của người Việt Nam hôm nay, đọc Kiều cũng nên đọc các công trình nghiên cứu, giải nghĩa, bình chú của các học giả. Đây là điều vô cùng thú vị.
Nguyễn Du toàn tập in trọn các tác phẩm của Nguyễn Du, trong đó phần thơ chữ Hán cũng rất quan trọng. Thơ chữ Hán cho ta hiểu thêm lịch sử đất nước thời đại Nguyễn Du sống. Và, phần thơ đi sứ, Nguyễn Du đã nhìn nhận, đánh giá các danh nhân, nhân vật nổi tiếng của đất nước Trung Hoa.
Đọc Nguyễn Du, hiểu Nguyễn Du dường như là vô tận. Hai trăm năm mươi năm nay, không chỉ học giả ở nước ta mà cả nước ngoài dịch và nghiên cứu về thơ Nguyễn Du. Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (Chẳng biết ba trăm năm nữa/ Người đời ai khóc Tố Như). Hoạt động kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du đã được tiến hành trọng thể ở nhiều nơi. Đã có những cuộc hội thảo quốc tế với sự tham dự của nhiều học giả trong nước, quốc tế. Ở Hà Tĩnh, quê hương Đại thi hào và nhiều địa phương, các hoạt động: Triển lãm tác phẩm, trình diễn Truyện Kiều với nhiều thể loại sân khấu phim ảnh, kịch nói, cải lương, ngâm thơ Nguyễn Du đã được tổ chức một cách trang trọng. Ở một số đơn vị bộ đội đã tổ chức đọc thơ Nguyễn Du trong sinh hoạt văn hóa cuối tuần. Chắc hẳn, ở cõi bất diệt, Nguyễn Du vui mừng trước sự đổi thay hàng ngày của đất nước, cảnh Đòn gánh tre chín dạn hai vai, cũng đang dần biến mất trước sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...
NGUYỄN QUỐC TRUNG