Trước đó, năm 2014, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc MOW khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhân dịp này, Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần xin giới thiệu tóm lược bài viết của bà Nguyễn Thu Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, người chủ trì việc thực hiện hồ sơ Châu bản triều Nguyễn trình UNESCO.

Triều Nguyễn là triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, bắt đầu từ vua Gia Long lên ngôi năm 1802 và kết thúc khi vua Bảo Đại thoái vị năm 1945. Trong quá trình hoạt động quản lý nhà nước, bộ máy chính quyền triều Nguyễn đã sản sinh ra một hệ thống văn bản hành chính khá đầy đủ và hoàn chỉnh. Hệ thống văn bản này do nội các triều Nguyễn tập hợp và quản lý thống nhất thành một khối văn thư của triều đình gọi chung là Châu bản triều Nguyễn.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Di sản Châu bản triều Nguyễn lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. Ảnh: HỒNG NHUNG

Châu bản (có tài liệu gọi là Hồng bản) theo nghĩa gốc là các văn bản có bút tích phê của nhà vua bằng mực son (“châu” có nghĩa là màu đỏ son, “bản” chỉ văn bản tài liệu). Châu bản triều Nguyễn là các văn thư hành chính do các quần thần hoặc các cơ quan trong chính quyền triều Nguyễn soạn thảo đệ trình nhà vua phê duyệt và để lại dấu tích bằng mực son trên văn bản. Tuy nhiên, ngoài các văn bản có bút tích ngự phê còn có các bản thượng dụ hoặc chiếu chỉ do đích thân nhà vua ra ý chỉ ban hành và một số quốc thư trao đổi hay hòa ước ký kết với ngoại quốc.

Việc ngự phê trên châu bản có nhiều hình thức, gồm: Châu điểm là một nét son được nhà vua chấm lên đầu văn bản sau khi xem duyệt và chuẩn tấu; châu phê là một đoạn, một câu hay một vài chữ do đích thân nhà vua viết, thường ở đầu hoặc cuối văn bản thể hiện sự phê duyệt, cho ý kiến chỉ đạo, cũng có khi vua phê xen vào giữa các dòng văn bản khi cần cho ý kiến; châu khuyên là những vòng son được nhà vua khuyên lên điều khoản, tên người hoặc vấn đề được chấp thuận; châu mạt, châu sổ, châu cải là những nét son chấm bên cạnh hoặc gạch sổ lên dòng chữ mà nhà vua có ý phủ nhận hoặc bác bỏ trong văn bản và viết, chữa lại bên cạnh.

Loại hình văn bản được sử dụng trong Châu bản cũng khá đa dạng, mỗi loại có chức năng sử dụng riêng, được quy định cụ thể để đáp ứng cho từng loại nội dung công việc cũng như đối tượng ban hành. Theo thống kê từ Châu bản triều Nguyễn, có hơn 20 loại hình văn bản. Trong đó, một số loại được sử dụng thường xuyên như: Chiếu, dụ, chỉ, tấu, khải, bẩm, tư trình, phúc trình, phiến trình, thông tri, phiếu nghĩ…

Châu bản được lưu trữ ở nội các cho đến năm 1942 thì chuyển về lưu trữ tại Viện Văn hóa Huế. Năm 1959, Châu bản được chuyển sang bảo quản tại Viện Đại học Huế. Năm 1961, để tránh khí hậu nóng ẩm tại Huế có thể gây hư hại cho tài liệu, chính quyền Sài Gòn đã chuyển toàn bộ khối tài liệu này lên Văn khố Đà Lạt. Tháng 3-1975, nhận thấy Châu bản là khối tài liệu đặc biệt quan trọng, chính quyền Sài Gòn đã lên kế hoạch đưa Châu bản về bảo quản tại Sở Lưu trữ thuộc Nha Văn khố Sài Gòn để chuẩn bị mang ra nước ngoài. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên khối tài liệu này đã không kịp chuyển đi. Năm 1978, Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng, nay là Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, đã tiếp quản và giao cho Kho Lưu trữ Trung ương II tại TP Hồ Chí Minh trực tiếp quản lý. Năm 1991, theo Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam, toàn bộ Châu bản triều Nguyễn được chuyển ra bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I ở Hà Nội.

Số lượng Châu bản triều Nguyễn còn lưu giữ được đến nay gồm 773 tập gốc, tương đương khoảng 200.000 tờ tài liệu của 11/13 triều vua nhà Nguyễn là Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại.

Về nội dung, Châu bản là khối văn thư hành chính của triều đình nhà Nguyễn nên phản ánh bao quát gần như toàn bộ lịch sử, đời sống kinh tế, xã hội, con người ở Việt Nam giai đoạn thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… Cụ thể như: Chính sách về ngoại giao: Phái sứ bộ, trao đổi thư từ thăm hỏi với các nước, hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh xã hội tại các vùng biên giới, trợ giúp cứu nạn tàu, thuyền qua lại trên hải phận của Việt Nam…; Chính sách về kinh tế: Quản lý ruộng đất, đồn điền, doanh điền, khai hoang, lấn biển; các chính sách thuế; các chính sách thúc đẩy sản xuất hàng hóa; xây dựng đường sá, cầu cống, đề điều, trị thủy…; Chính sách về văn hóa giáo dục: Cải cách chế độ thi cử, xây dựng Quốc Tử Giám, Quốc Sử quán, mở thêm nhiều trường dạy nghề, tổ chức biên soạn các bộ sách lịch sử, điển chế mang tính chính thống quốc gia…; Các hoạt động quân sự và an ninh xã hội: Các cuộc xung đột giữa quân đội triều đình với quân đội Pháp, các cuộc đàn áp quân nổi dậy chống chính quyền của triều đình, các cuộc khởi nghĩa ủng hộ Phong trào Cần Vương, xung đột tại các vùng biên giới…; Các hoạt động về tổ chức chính quyền: Tổ chức bộ máy chính quyền ở Trung ương, tổ chức bộ máy chính quyền ở địa phương, chế độ lương bổng, quan ngạch, thưởng phạt, thăng giáng…; Các vấn đề của vua và hoàng tộc: Tình trạng sức khỏe, các bài thuốc bổ và chữa bệnh cho nhà vua; việc sinh tử của vua và những người trong hoàng tộc; việc tấn phong, cưới gả của các hoàng tử, hoàng tôn, công chúa; các việc xảy ra trong hậu cung…

Châu bản đã được sử dụng làm nguồn sử liệu gốc quan trọng để biên soạn các bộ chính sử và các sách điển lệ như: Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Minh Mệnh chính yếu… Ngày nay, Châu bản tiếp tục là nguồn sử liệu gốc có độ tin cậy cao giúp các nhà nghiên cứu đương thời phục dựng lịch sử triều Nguyễn. Những năm gần đây, Châu bản ngày càng được quan tâm hơn nữa, các cuộc triển lãm giới thiệu về tài liệu Châu bản triều Nguyễn luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng và các nhà nghiên cứu như: Triển lãm Ấn chương trên Châu bản triều Nguyễn, Ngự phê trên Châu bản triều Nguyễn, Bút phê của các hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn, Triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử qua Châu bản, Mộc bản-Di sản tư liệu thế giới…

Châu bản triều Nguyễn cũng góp phần làm chứng cứ lịch sử để chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các văn bản Châu bản về Hoàng Sa-Trường Sa khai thác từ nguồn Châu bản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã được các cơ quan như Ủy ban Biên giới Quốc gia-Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức trưng bày trong nhiều cuộc triển lãm chuyên đề về biển, đảo tại nhiều nơi trong và ngoài nước đã tạo nên những hiệu ứng tốt với xã hội.

Ngoài giá trị về mặt sử liệu, Châu bản triều Nguyễn còn mang giá trị nghệ thuật đặc sắc thông qua hình thức ngự phê độc đáo, bút pháp tinh hoa, chữ viết đa dạng, hệ thống ấn triện phong phú, chất liệu văn bản đặc trưng truyền thống… khiến Châu bản vừa mang tính chất trang trọng của văn bản nhà nước, nhưng lại đẹp mắt như những bức thư pháp cổ.

Ký ức thế giới (Memory of the World-MOW) là chương trình được khởi xướng bởi UNESCO từ năm 1992, với mục đích bảo tồn và quảng bá những bộ sưu tập tư liệu có giá trị đang được lưu giữ tại các cơ quan lưu trữ, thư viện và bảo tàng trên toàn thế giới. MOW được quản lý bởi một cấu trúc gồm ba cấp: Quốc tế, khu vực và quốc gia. Trong đó, Ủy ban Tư vấn quốc tế là cơ quan cao nhất có trụ sở chính tại Paris (Pháp), chịu trách nhiệm tư vấn cho UNESCO về lập kế hoạch, thực hiện chương trình và giám sát hoạt động của các ủy ban cấp khu vực và quốc gia; đồng thời tiếp nhận và xét duyệt các đề cử đăng ký danh mục Di sản tư liệu thế giới.

NGUYỄN THU HOÀI