QĐND - Ai cũng biết rằng, nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam đã để lại cho chúng ta một giang sơn gấm vóc trải rộng trên lãnh thổ thống nhất từ Bắc chí Nam, gần như tương ứng với lãnh thổ Việt Nam hiện đại, bao gồm cả đất liền và hải đảo trên Biển Đông. Nhưng có lẽ, ít ai biết rằng, nhà Nguyễn còn để lại một di sản nữa có giá trị chiều sâu, mang tính khái quát về một quá trình lịch sử đầy biến động của Việt Nam ở thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Di sản này vừa là vật thể vừa mang tính phi vật thể. Nó hàm chứa nhiều thông tin về lịch sử dân tộc. Đó chính là Châu bản triều Nguyễn.
1. Châu bản triều Nguyễn - di sản quý giá độc nhất vô nhị
|
Châu bản chiều Nguyễn ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). |
Châu bản triều Nguyễn là các bản tấu sớ, sắc, dụ, chiếu, chỉ, tờ trình, sổ sách kê khai, văn bản ngoại giao thuộc kho lưu trữ của triều đình Nguyễn được vua ngự lãm hoặc ngự phê. Trước khi ngự phê, vua tham khảo Phiếu nghĩ của Nội Các, Lục Bộ sau đó thân hành cho ý kiến mệnh lệnh. Những lời phê của vua đều bằng chữ son nên gọi là Châu phê hoặc Châu bút. Văn bản đã có Châu phê thì gọi là Châu bản. Châu phê tượng trưng cho quyền lực tối cao trong nước nên những văn bản đã có Châu phê thì không được sửa chữa nữa.
Theo thường lệ ngự phê có thể chia ra 4 loại:
Châu phê: Nhà vua phê duyệt bằng một đoạn, một câu, một mệnh đề hoặc vài chữ như “Y tấu” (y theo lời tâu), “Y nghị” (Y theo lời nghị)...
Châu điểm: Một dấu son điểm lên đầu chữ tấu chứng tỏ vua đã xem hoặc đã chấp nhận mà không cần phải cho thêm ý kiến.
Châu khuyên: Vòng đỏ khuyên lên tên người, điều khoản, sự vật được vua lựa chọn.
Châu mạt, châu cải: Vua phủ nhận bằng cách quét một nét son trên tên người hay câu văn.
Có thể khẳng định, Châu bản triều Nguyễn là văn thư hình thành trong quá trình hoạt động của bộ máy Nhà nước phong kiến Việt Nam từ Trung ương xuống địa phương thuộc các vương triều Nguyễn còn lưu giữ được. Nội dung phản ánh hầu hết các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao của xã hội Việt Nam từ thời Gia Long đến Bảo Đại.
Triều Nguyễn từ Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị đến Tự Đức đều chú trọng phát triển chế độ quân chủ tập quyền cho nên vấn đề văn thư lưu trữ cũng được quan tâm xây dựng quy củ. Triều đình đã đặt ra văn phòng chuyên lưu giữ Châu bản và các loại văn thư của triều đình, đó là Viện Thị Hàn, Viện Nội Hàn (triều Gia Long 1802-1819). Đến triều Minh Mệnh, tổ chức quản lý văn thư Châu bản là phòng Văn Thư. Năm Minh Mệnh thứ 10 (1819) đổi phòng Văn Thư thành Nội Các, chia 4 Tào, mỗi Tào có chức trách riêng. Trong các vương triều thời Nguyễn, có thể nói triều Minh Mệnh lưu trữ bảo quản hoàn chỉnh, quy mô nhất. Như vậy, Nội Các là văn phòng của nhà vua lưu giữ khối lượng lớn văn thư lưu trữ triều Nguyễn.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, khắc nghiệt của thời gian, sự tàn phá của chiến tranh, đến nay, tài liệu Châu bản bị hỏng nát và mất mát khá nhiều. Số Châu bản hiện còn có lẽ không bằng 1/5 ngày trước. Vì vậy Châu bản triều Nguyễn là di sản quý giá độc nhất vô nhị và rất có ý nghĩa đối với dân tộc ta.
Ngày nay các nhà khoa học coi tài liệu Châu bản là nguồn sử liệu chân xác, đồ sộ, phong phú để nghiên cứu xã hội triều Nguyễn đặc biệt là nghiên cứu thiết chế chính trị, bộ máy Nhà nước, chính sách đối nội, đối ngoại, các mặt đời sống xã hội dưới triều Nguyễn. Vì vậy, không chỉ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam mà cả nhà nghiên cứu nước ngoài muốn tìm hiểu văn hóa, văn minh Việt Nam nói chung đặc biệt về các vương triều Nguyễn đều chú trọng đến khối tài liệu này.
2. Châu bản triều Nguyễn và hai quần đảo Trường Sa -Hoàng Sa
Thực tế chứng minh rằng, tài liệu lưu trữ là nguồn sử liệu đặc biệt có giá trị vì có độ tin cậy cao nhất. Do các tài liệu hầu hết đều được sinh ra đồng thời với các sự kiện lịch sử nên phản ánh khách quan, chân thực sự kiện. Việc khai thác không chỉ giúp nhà sử học tái hiện lại lịch sử mà còn có giá trị trong xác minh tính chân thực, chính xác của các sự kiện.
|
Châu bản chiều Nguyễn ngày 13 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 16 (1835). |
Như một nhân chứng cho các sự kiện trong quá khứ, các tài liệu lưu trữ chính là bằng chứng bảo vệ quyền lợi dân tộc và lợi ích cá nhân. Tài liệu lưu trữ vì thế có thể làm căn cứ xác đáng, xác thực nhất chứng minh chủ quyền quốc gia lãnh thổ ở hầu khắp các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I hiện đang bảo quản 13 văn bản về Hoàng Sa và 1 văn bản về Trường Sa. Trong số đó có 2 văn bản thời Thiệu Trị, 12 văn bản thời Minh Mệnh.
Các vương triều Nguyễn, đặc biệt thời vua Minh Mệnh đã có những việc làm thiết thực để khẳng định và bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vấn đề này trong tài liệu Châu bản triều Nguyễn hiện bảo quản tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I chủ yếu được thể hiện như sau:
Nhà Nguyễn cho người đi khảo sát, đo đạc, vẽ bản đồ Hoàng Sa
Hằng năm, nhà Nguyễn đều cử người ra Hoàng Sa khảo sát, đo đạc và vẽ bản đồ. Trong số các văn bản Châu bản triều Nguyễn về Hoàng Sa có rất nhiều văn bản đề cập đến hoạt động này. Ví dụ: Châu bản triều Nguyễn ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) có nội dung: Bộ Công tâu trình đoàn đi khảo sát Hoàng Sa lần này có Đỗ Mậu Thưởng, Thị vệ Lê Trọng Bá là người của Bộ. Đoàn khảo sát được 25 đảo thuộc vùng thứ 3, vẽ được 4 bản đồ mang về (có 3 bức vẽ riêng từng vùng, một bức vẽ chung). Bộ Công tâu xin cho họ chỉnh sửa hoàn thiện để dâng trình
Nhà Nguyễn thưởng, phạt việc thực thi công vụ ở Hoàng Sa
|
Châu bản chiều Nguyễn ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830). |
Dưới thời Nguyễn, hàng năm triều đình vẫn thường cử những phái đoàn ra công cán ở quần đảo Hoàng Sa. Nhiều đoàn thực hiện tốt công việc đã được triều đình trọng thưởng, nhưng cũng có những đoàn không tuân theo ý chỉ của triều đình đã bị phạt. Ví dụ: Châu bản triều Nguyễn ngày 13 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) có đoạn: “Nội Các vâng mệnh truyền dụ:
Những người đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa được nhà vua ban thưởng. Cai đội Phạm Văn Nguyên được phái đi Hoàng Sa, khi trở về dềnh dàng quá hạn, đã có chỉ giao cho Bộ trị tội. Nhưng qua tra xét chưa thấy có biểu hiện làm việc riêng tư. Vả lại, lần này được phái đi ra biển thực hiện công vụ chu đáo, rất đáng được dự thưởng... Còn về các viên có trách nhiệm vẽ bản đồ là Giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoằng vẽ bản đồ chưa rõ ràng cũng bị phạt 80 trượng nhưng đều chuẩn cho tha.
Viên dẫn đường Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh thì được ban thưởng tiền phi long loại nhỏ 3 mai. Các viên lính trong tượng, cục đi đợt này được thưởng tiền 1 quan, cho về đơn vị cũ, cục cũ. Các dân phu do tỉnh phái đi, trừ 2 viên đã được thưởng tiền, số còn lại đều được thưởng tiền mỗi người 1 quan để tỏ rõ sự ưu ái.
Châu bản triều Nguyễn ngày 13 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 18 (1837) có đoạn: “Trước đây đã phái Thủy sư, Giám thành cùng binh dân thuyền 2 tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi đến khảo sát Hoàng Sa. Nay đã trở về. Trừ viên Thủy sư suất đội Phạm Văn Biện do Kinh phái đi về quá hạn, viên dẫn đường do tỉnh phái đi là Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh, lái thuyền Lưu Đức Trực tất cả gồm 4 người đã có chỉ trách phạt, đánh đòn ra, còn binh dân cùng đoàn lênh đênh trên biển khơi cũng rất vất vả, nên xét ban ân binh đinh mỗi viên thưởng cho 1 tháng lương tiền, dân phu mỗi viên thưởng tiền 2 quan, trong đó các viên phu thuyền do tỉnh sai phái đi cho về quê làm ăn, riêng viên Giám thành phạm lỗi là Trương Viết Soái trước là Đốc biện trông coi việc luyện thuốc súng đã có sơ xuất mắc lỗi bị xử phạt trảm giam hậu (chém đầu nhưng giam đợi đến mùa thu mới xét xử), năm ngoái được sai phái đi Hoàng Sa và đi hiệu lực xây dựng thành Gia Định để chuộc tội.
Nay lại được sai phái đi khảo sát Hoàng Sa. Tuy đã đến khảo sát 11 nơi bãi cát và các đảo, việc đo vẽ bản đồ chưa thật chu đáo nhưng nhiều lần bị đầy đi làm việc khổ sai và cũng biết hối cải, nên gia ân tha cho viên Trương Viết Soái, cho về làm lính ở vệ Giám thành...
Nhà Nguyễn cứu hộ tại Hoàng Sa và Trường Sa
Châu bản triều Nguyễn ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) có nội dung: Ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830), quan Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng là Nguyễn Văn Ngữ tâu trình việc chủ thuyền buôn người Pháp Đô -ô-chi-ly cùng phái viên người Việt Lê Quang Quỳnh đi buôn bán ở Lữ Tống (Phi-líp-pin) gặp nạn tại Hoàng Sa. Thủ ngự Nguyễn Văn Ngữ được báo đã sai thuyền tuần tiễu cứu họ.
Châu bản triều Nguyễn ngày 22 tháng 12 năm Tự Đức thứ 22 (1868) cho biết: Bộ Hộ tâu: Theo Tấn thủ Đà Nẵng Nguyễn Văn Tư ngày 22 tháng 12 năm 1868 có một chiếc thuyền sam bản của ngoại quốc trôi dạt vào hải phận cửa tấn, tra xét ra đó là khoảng 500 người tỉnh Phúc Kiến nước Thanh đến Hạ Châu làm thuê kiếm sống. Do trời tối nên đoàn đi nhầm đến Vạn Lý Trường Sa và thuyền bị mắc cạn nên đã cho thuyền trôi dạt vào bờ để cấp cứu. Viên quan này đã trích tiền gạo đến để cấp phát.
Từ việc Nhà Nguyễn cho người đi khảo sát, đo đạc, vẽ bản đồ Hoàng Sa, thưởng phạt những người đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa, cứu thuyền buôn người nước ngoài gặp nạn tại Hoàng Sa, Trường Sa chúng ta thấy cùng với nhiều căn cứ pháp lý khác, tài liệu lưu trữ Châu bản triều Nguyễn thực sự là một căn cứ vô cùng quan trọng khẳng định vương triều Nguyễn đã có chủ quyền rõ ràng với hai quần đảo này.
Khải Anh